Đong đầy tiếng quê – Thơ Nguyễn Văn Song

364

Cõng mẹ

 

Bất ngờ mùa chuyển vô thường

Mẹ như mảnh trấu chợt vương gió gầy

Đê làng tất tưởi bông may

Con về cõng mẹ một ngày đổ mưa

 

Ngõ nhà một đoạn vòng cua

Chẳng xa mà ngỡ như thừa trăm năm

Vai con thiêm thiếp mẹ nằm

Bàn tay rệu rạo buông dần trên lưng

 

Thuở nao chân bước ngập ngừng

Con ngồi lưng mẹ qua vùng ấu thơ

Ông trăng như chiếc mâm to

Ngàn sao thắp lửa nhấp nhô khoảng trời

 

Gặp bao gương mặt rạng cười

Nghe buồn vui những tiếng đời lắng sâu

Cõng con qua hết khổ đau

Mẹ còn trơ một dáng cầu oằn cong

 

Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con

Mà nghe muôn vạn núi non đổ ào

Lưng dài, vai rộng, thân cao

Một lần cõng mẹ nháo nhào bóng xiêu.

Tiếng cuốc nửa đêm

Giật mình tiếng cuốc nửa đêm
Hỏi lòng là thực hay miền chiêm bao
Bước lần trở dậy ra vào
Tiếng chim đã ở nơi nào cuốc ơi

Đồng xưa tiếng cuốc đầy vơi
Hè sang nắng lửa ngập trời như nung
Người đi gặt lúa cháy lưng
Cuốc kêu mất ổ nghẹn từng đêm sâu

Mẹ ta quần mảnh, áo nâu
Đêm khuya cặm cụi ngồi khâu dưới đèn
Rơi tiếng cuốc cuốc ưu phiền
Ngón gầy khâu mãi chẳng liền năm canh

Tre làng nên lũy, nên thành
Thấy con chim cuốc hiền lành mà thương
Người làng quanh quẩn cà tương
Lòng như chim cuốc một phương quê nhà

Tháng năm bằn bặt nơi xa
Dấu xưa đã ngỡ như là khói mây
May còn tiếng cuốc đêm nay
Chợt nghe lòng đã đong đầy tiếng quê.

Nhà thơ Nguyễn Văn Song

Đưa học trò thăm đền La Tiến (1)

Bến đò La Tiến ngày nào
Đỏ ngầu sông Luộc máu đào cuộn sôi
Tán đa tiếng quạ rạc trời
Lặng im bia đá tạc lời hờn căm

Tôi đưa trò đến viếng thăm
Cúi đầu nghe thoảng hương trầm loang xa
Từng hàng đứng dưới bóng đa
Bao nhiêu mắt trẻ đẫm nhoà sương bay

Em ơi máu thấm đất dày
Lại vươn cành cội xanh cây bốn mùa
Nỗi đau khắc đá ngày xưa
Lắng thành tiếng vọng chuông chùa mênh mông

Kìa em! Một chuyến phà đông
Rẽ mây chở cả sang sông tiếng cười
Hãy nghe trong những nhịp đời
Có mơ ước của bao người hôm qua.

Nguyễn Văn Song

——–
1. Đền La Tiến (huyện Phù Cừ – tỉnh Hưng Yên), nơi thực dân Pháp đã giết hại hơn một nghìn cán bộ cách mạng và người dân yêu nước ta. tại gốc đa ở đền La Tiến, nhân dân đã đặt “Bia căm thù” để khắc ghi tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, đồng thời ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.