Giấc mơ xanh – Truyện ngắn của Trác Diễm

172

Từng sợi mưa như những chiếc nan hoa rắc xéo xiên lên bờ tường Thành cổ. Hồ Leng ngồi dưới cội cây sung, có mái hiên chìa ra. Ngắm mưa!

Giây phút đăm chiêu, mắt Hồ Leng như lạc về một nơi xa lắm, ở đó có những túp nhà nằm chênh vênh trên những ngọn đồi bát úp. Dòng suối Tà Leng buổi sáng như bản hòa nhạc du dương của núi rừng đánh thức hoàn toàn mọi giác quan sau giấc ngủ say nồng. Hồ Leng tự hào vì tên mình là tên suối, con suối đầu nguồn của bản Dộ-Tà Vờng.

Sau khi kết thúc lễ “Chăm cha bới” (cúng cơm mới), già làng xiết chặt tay Hồ Leng xúc động, ngậm ngùi: “Hồ Leng à, con sinh ra từ rừng, sống nhớ đến rừng và rừng luôn mong chờ con quay về”.

Hồ Leng không dám quay đầu nhìn lại À pớ và Mía (bố mẹ) đang tựa đầu bên phên nứa sậm đen màu bồ hóng hướng cặp mặt rưng rưng nhìn về phía Hồ Leng. Đứa con trai “tội nghiệp”của họ năm nào…

***

– Hu…u…u….ú…u…! Có ai ở dưới đó không? Còn có ai không? Hú…u…u…u!

Những vệt đèn pin sáng lóa của Bộ đội Biên phòng lia dọc lia ngang khắp vùng đồi núi bị cơn lũ quét gây sạt lở nghiêm trọng. Dòng suối Tà Leng gầm lên như quái vật, cuốn theo tất cả mọi thứ nằm trên đường đi của nó. Túp lều dựng tạm chờ ngày sinh nở của chị Hồ Thia như tổ chim lắt lay bám trụ dưới vách đá. Dòng suối Tà Leng hung tợn đã ngoạm sạch hết mô đất nhoi ra phía ngoài. Từng lớp vỡ toác, đổ ập xuống, hòa vào dòng nước cuốn đi.

Chị Hồ Thia một tay ốm lấy chiếc bụng bầu đã sà thấp xuống, chạm vào hai vế đùi da rạn nứt từng mảng, mẩn tím. Gió không ngừng rít, bụng chị không ngừng co thắt từng cơn. Chị nhắm mắt cố rít lấy từng hơi thở, nước mưa tấp vào mặt ràn rạt. Lạy Giàng, lạy thần núi Ku Lôông phù hộ! Chị nhắm chặt mắt, những ánh sáng chớp xanh vụt ngang mặt. Mồ hôi vã ra hòa với nước mưa. Cơn nóng ran nhức nhối bên trong cộng với sự run rẩy rét cóng bên ngoài kéo đôi chân chị trịu xuống. Chị hét lên một tiếng thất thanh, vang động núi rừng, nhưng có ai nghe thấy tiếng gào của chị trong mưa bão chứ? Chị lịm dần đi, trong mê man nhưng chị vẫn cảm nhận được có những đôi bàn tay đang xốc bế chị lên võng…

Chị Hồ Thia nước mắt ngấn tròng đưa đến cho Hồ Leng mấy món đồ truyền thống mang theo nhằm nhắc nhớ con trai mình: “Đi mô cũng nhớ mang theo bộ ba gốc rễ: “Cái giỏ, cái nỏ và đọi hương”. Cái giỏ, cái nỏ là đạo lý làm người với trời đất, cỏ cây, còn đọi hương là đạo lý làm con của tổ tiên, cha mẹ sinh ra…”.  Đứa con trai bây giờ đã ra dáng một nam thanh niên rắn rỏi, thân thể chắc nịch như cội cây lim. Có ai tin được cậu bé khi lọt lòng chỉ nặng hơn một ký-lô, cơ thể tím tái nằm lọt thỏm trong bụm tay người lớn, lại mang trong người đủ thứ bệnh…

Nhưng Hồ Leng đã vượt qua số phận, vượt qua những hủ tục đã ăn sâu bám rể từ bao đời nay của người dân thôn bản. Cậu lặn lội về xuôi bám theo con chữ, đi lính nghĩa vụ Công an sau đó thi chuyển chuyên nghiệp chính thức trở thành một chiến sĩ Công an cơ động của tỉnh nhà và bước đầu đã gặt hái được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi bơi lội.

Niềm vui này không chỉ của riêng gia đình Hồ Leng mà nó còn lan ra khắp thôn bản, đó là tấm gương sáng cổ vũ, khích lệ tinh thần cho con em bản Dộ-Tà Vờng ngày càng quyết tâm theo học con chữ để về đổi thay quê hương mình, nhất là khi bản Dộ Tà Vờng được đưa vào trọng điểm để phát triển du lịch và được mệnh danh là làng “tiên cảnh” ở trên núi.

Hồ Leng lần lượt nắm lấy những bàn tay nâu mộc mạc ấm nóng như rễ sắn, rễ cây nhưng mắt anh vẫn luôn dõi tìm một nụ cười đã neo đậu vào lòng anh như một lời thề sắt đá. Hồ Thanh và Hồ Leng đã lớn lên cùng nhau từ thuở nhỏ, cùng nhau chung ăn một củ sắn, một chiếc bánh Pồi, một gùi nước Tà Leng. Ý chí quyết tâm, sự chở che bảo vệ, lòng trung trinh… trong Hồ Leng rất lớn, rất đúng với tính cách của người Mày sống trên đỉnh núi Ku Lôông, là người sống đầu nguồn nước, là sức mạnh của chim đại bàng trong truyền thuyết của người Chứt…

“Kà tơm-tà lênh, kà tơm-tà lênh, bởi chỉ mới chiềng chiêng kdang, ktoi, tihal ktoi, bới chị mới, kà tơm-tà lênh, kà tơm-tà lênh che phướng I nơ, phi co chô, che hel vấng tược…

(O nàng ơi, mang kdâng, mang kói đi hái trầu, O có đi không, O này ơi.

Em cũng muốn đi, mà trầu có chỗ, em sợ, em hái không được…)

Giọng hát bản địa của Hồ Thanh vừa trong trẻo cao vút vừa có chút bí ẩn ma mị từ đằng xa dội tới…

Những cô gái tuổi mười chín đôi mươi như Hồ Thanh ở bản này con cái đã cặp nách hai ba đứa, riêng Hồ Thanh vẫn gác lại chuyện chồng con để theo học lớp nghiệp vụ y tế thôn bản từ sự dẫn dắt khích lệ của người cha đỡ đầu là một người lính biên phòng đóng chốt trên địa bàn. Hôm nay, đến tiễn Hồ Leng, anh người yêu vừa được gia đình và cả thôn bản đứng ra làm lễ “buộc chỉ tay” cho họ. Nụ cười e thẹn ngời lên trên màu nước da bánh mật. Nàng dúi vào giỏ của Hồ Leng một nắm cơm Pồi dẻo thơm mùi sắn, ngô và nếp nương được gói rất khéo trong chiếc mo cau sậm màu củ mài.

– Khi nào có dịp về Trung tâm y tế dự phòng tỉnh em sẽ ghé thăm anh! Nói xong Hồ Thanh chạy luôn về nhà. Nàng không muốn dùng dằng lâu bởi sợ ở giây phút chia ly, nàng sẽ không kìm được những giọt nước mắt.

***

Hồ Leng hết ngồi ngắm mưa lại ngắm sợi chỉ đỏ trên tay, tâm tư anh rối bời.

Mọi chuyện hiểu lầm bắt đầu từ buổi sáng hôm ấy, khi cơ quan huy động một số lực lượng Công an cơ động ra vùng cửa biển giúp ngư dân néo giữ tàu thuyền khi nhận được tin bão đang tiến vào đất liền. Vùng cửa biển sau ba ngày mưa lớn kéo dài, nước cuộn lên đục ngầu cuốn theo từng mảng lục bình đi ra biển. Và trong số những thuyền bè được đưa vào vùng tránh an toàn thì đội lực lượng phát hiện ra một nhà hàng nổi đang bị sóng lớn đánh dạt ra xa.

– Tất cả vốn liếng đổ theo sông theo biển cả rồi biết lấy gì mà sinh sống đây hả trời?

Mọi lần gương mặt người chủ quán ấy tiếp đón khách khứa lên xuống nhà hàng nổi vui vẻ và hóm hỉnh bao nhiêu thì bây giờ trông rầu rĩ, xót xa. Cô con gái cũng khóc nấc.

Hồ Leng đi đến an ủi hai cha con: “Có chúng tôi và lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra ở đây, chúng tôi sẽ cố gắng ra đưa nhà bè của ông vào bờ…”.

Cô gái quệt nước mắt nhìn chàng trai có đôi mắt đen sáng, gương mặt thật thà nhưng giọng nói “rất thép”. Hai cha con vô cùng tin tưởng ở anh. Cô nhìn theo bóng dáng anh ra xa dần, màu cảnh phục hòa với màu xanh lục bình lênh đênh theo từng đợt sóng nước.

Khỏi phải nói đến sự vui mừng của hai cha con, ngư dân trên bờ cũng vỗ tay hoan hô sau bao sự nỗ lực của họ. Cô gái nhìn anh tủm tỉm cười, mãi một lúc sau cô mới dám tiến lại gần, ngỏ lời mời anh ghé thăm nhà hàng nổi của mình. Hồ Leng từ chối khéo: “Là công của tất cả mọi người chứ không phải riêng gì tôi. Tôi xin nhận tấm lòng này nhưng xin hẹn dịp khác nhé!”.

Cô gái nhìn anh càng thêm nể phục. “Tên em là Hải Hà, tên của sông của biển đó. Chiếc chuông vỏ sò này hy vọng mỗi lần cơn gió ngang qua anh sẽ nhớ đến em!”.

Hồ Thanh sau khi nghe tin từ đơn vị anh, nàng rời trung tâm y tế dự phòng chạy tới vùng cửa biển. Trước mắt nàng là cảnh tình tứ của hai người. Nàng vùng chạy, nước mắt chan hòa với nước mưa.

Nàng không thèm nghe Hồ Leng giải thích, đường về bản hôm đó trở nên xa lắc…

“ Em rất nhớ anh, thực ra…em rất hiểu con người anh mà…”, lời nói chập chờn phát ra từ chiếc điện thoại nhiễu sóng. Trái tim Hồ Leng như vỡ tan, anh nuốt từng lời ngọt ngào của Hồ Thanh như uống từng ngụm nước suối Tà Leng mát lành. Anh nhìn sợi chỉ đỏ trên tay, nụ cười tươi của Hồ Thanh hiện ra, lấp lánh như cánh mai rừng nở sớm.

Mùa xuân sắp về trên đỉnh núi Ku Lôông…

Trác Diễm/ Báo Quảng Bình