Gió về miền nhớ – Truyện ngắn Chinh Văn

147

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đất trời như nặng lời nguyền. Cứ vào độ lúa mùa vừa thu hoạch xong, dây leo của đậu rồng nặng trái, hàng so đũa bên bờ mương trổ trắng bông thì gió chướng lại về.

Không biết có phải vì ngọn gió nầy thổi từ hướng đông hay vì  thổi vào cuối mùa đông mà có nơi gọi nó là gió đông nhưng vùng quê yên ả của tôi bao đời nay gọi đó là gió chướng. Ngọn gió trước thềm xuân  không chỉ làm cho đất trời tươi mát mà còn đem đến cái thảnh thơi khi mùa vụ vừa xong, cái nô nức của tết sắp đến và cái tưng bừng của lễ hội Kỳ yên. Lễ hội nầy vừa là để cầu an cho bá tánh vừa tạ ơn trời đất thánh thần đã cho qua một năm no ấm, yên bình. Trong phần Lễ thì các bô lão trịnh trọng áo khăn để cung thỉnh sắc thần và cúng bái. Phần Hội thì quá là tưng bừng với các trò chơi dân gian, hát bội, hội thi trưng bày mâm quả, hoa kiểng trong vùng. Dân dã là vậy nhưng đẹp như một bức tranh vì có đủ sắc màu. Cũng có thể nói nó hay như một bản đàn vì được xen vào bằng những âm thanh của tiếng chày giã bánh phồng, tiếng gàu tát đìa bắt cá… chuẩn bị ăn tết.

          Là một nét đẹp trong đạo đức truyền thống, những ngày nầy mồ mả tổ tiên ông bà cũng được sửa sang, sơn dọn. Có đến hàng nửa tháng trời, các nhà trong làng lần lượt đổ xô ra nghĩa địa viếng mộ người thân. Tôi cùng hòa trong dòng người đó. Mồ mả ông bà ở đây rồi, nhưng  “Nó” thì vinh dự hơn vì nằm trong nghĩa trang Quân đội nhân dân. Bỗng dưng nhìn khói hương mà tôi nhớ nó, một thằng em họ, một thằng bạn từ lúc còn để chởm tắm mưa.

          Chú thím tôi và hết thảy mọi người gọi nó là thằng Đực Nhỏ. Mãi tới năm học lớp ba tôi mới biết nó tên Nguyễn Hoàng Minh. Cũng vào mùa gió chướng nầy đây, lúc hai thằng đang ở độ tuổi chín, mười; cứ mới hơn năm giờ sáng là lén gọi nhau bằng ám hiệu để ra đồng bắt dế và thăm bẫy chuột xù. Dân xứ tôi gọi bẫy nầy là cái rọ. Như hai kẻ trộm, bọn tôi rón rén đi từng bước nhẹ và nghiêng tai nghe ngóng tiếng dế kêu. Mỗi thằng đi về một hướng khác nhau. Rất chuyên nghiệp bởi chúng tôi có thể hiểu được tiếng của con dế cồ (dế trống). Tiếng chúng gọi bạn tình nghe chít chít thì chúng tôi qui ước đó là tiếng “chắc mái”, tiếng gáy lãnh lót thì đó là tiếng của con dế cồ hùng mạnh nhất của vùng ruộng nhỏ nầy.

– Ê Đực Nhỏ, tao được ba con rồi, có một con cồ lửa.

Loại dế được chúng tôi gọi là “cồ lửa” là những con không phải có màu sắc đen tuyền mà có pha một chút sắc nâu. Những con nầy rất hung hăng và mạnh mẽ. Có được nó thì trưa nay chắc chắn sẽ thắng trong trận đá dế thư hùng sinh tử. Con nào thua chạy sẽ bị vật đầu chết tươi làm mồi cho gà.

– Tao mới được hai mà toàn cồ lửa không đó nhé. Trưa nay sẽ biết dế ai làm mồi cho gà.

Cứ thế, bắt dế xong thì thăm rọ chuột, vẫn là tranh nhau ai được nhiều hơn.Trưa thì đá dế, chiều lại thả diều. Con diều giấy tự tay làm vào những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước là cả một kỳ công của bọn trẻ chúng tôi. Nó được làm bằng cả mồ hôi và nước mắt theo đúng nghĩa đen. Mồ hôi vì hì hục xếp cắt từng trang giấy tập cũ rồi dáng thành thân diều, đuôi diều và tỉ mỉ vót từng nan tre để uốn khung cho đầu diều. Nước mắt là bị mẹ đánh đòn vì lấy trộm chỉ may vá của mẹ để làm dây thả diều và dang nắng.

Cùng với những đứa trẻ đồng trang lứa, chúng tôi hướng mắt lên trời để dõi theo những cánh diều. Trời tháng chạp càng về chiều càng xanh trong, gió chướng thì cứ thổi để nâng cánh diều và làm mát chúng tôi đến nỗi gần như lạnh. Ngồi mỏi lại nằm, mắt vẫn đăm đắm vào những cánh diều no gió. Mùi rạ mới gặt, mùi ẩm và hăng nồng của đất ruộng chưa khô có pha chút vị chua của phèn xộc vào mũi mà mãi đến bây tôi vẫn chưa quên được. Nhớ quá !

Bọn con nít nhà quê chúng tôi lớn lên như cỏ dại. Cứ lớn lên bằng “rau trong nội, cá trong ao” như lời trong thơ của Nguyễn Trãi. Cứ áo cộc quần đùi, bọn tôi học qua tiểu học. Sáng đi học, chiều ra đồng, vừa chăn vịt chăn trâu vừa nghịch với ruộng đồng. Biết bơi lúc nào không hay, tuổi thơ đi qua lúc nào không biết, hai đứa tôi đã trở thành học sinh cuối cấp hai. Mỗi đứa đều đen đúa nhưng chắc nịch như những tượng đồng thu nhỏ. Ngày tháng trôi đi rồi gió chướng lại về. Chiều hôm đó, nó lại rủ tôi ra ruộng. Lúc nầy không còn bắt dế, thả diều hay thăm rọ chuột mà hai thằng ngồi tựa lưng vào bờ mẫu. Gió chướng vẫn thổi mạnh nhưng tôi vẫn nghe giọng buồn buồn của nó:

– Má tui nói ăn tết xong sẽ cho tui nghỉ học luôn. Sang năm anh đi học một mình rồi.

Lúc nầy nó đã gọi tôi bằng anh chứ không còn mầy tao nữa. Nó đã lớn, nó biết vai vế tôi là anh họ nó mà. Tôi nghe mà rất buồn, có cảm giác như vĩnh viễn tôi và nó sẽ rời xa. Như đọc được suy nghĩ của tôi, như biết tôi sắp hỏi :

– Nghỉ học ở nhà làm gì ?.

Nó thì thầm tiếp:

– Ba má đưa tui về ngoại để phụ đi cày và chăn dắt đàn trâu bên cù lao.

Sau câu nói ấy thì cả hai cùng im lặng. Đồng khô như quạnh vắng hơn, gốc rạ như ũ rũ hơn. Âm thanh bây giờ chỉ là gió chướng vi vu mang theo tiếng kêu buồn của những con dế chó. Buồn đó rồi nguôi ngoai đó, cười tươi đó. Nó bỗng phá bầu không khí nặng nề:

– Mấy con dế chó xấu xí, đã không biết đá nhau mà lại còn gáy giọng rè rè nghe thấy ghét.

– Ghét vậy nên người ta mới gọi là dế “chó”. Rồi hai thằng cùng cười phá lên.

          Đằng đông, trăng của rằm tháng chạp đã nhú lên, cảm thấy lạnh, hai thằng quàng cổ nhau đứng dậy đi về nhà. Tới ngõ nhà tôi, nó chia tay bằng câu nói:  “Trưa mai rảnh dắt chó đi đào chuột”.

          Tết ở quê vui lắm. Mới muời giờ sáng mà đâu đó đã râm ran tiếng pháo cúng rước ông bà. Tất nhiên,  sau cúng thì các ông, các bác nhâm nhi rượu. Các bà, các cô thì giòn giã những câu chuyện bên bàn ăn. Lũ trẻ thì ăn vội vàng rồi ùa ra những chiếc đệm trải ở những bóng râm ngoài sân và bày ra biết bao trò chơi tùy theo độ tuổi. Nào là đánh bài, bầu cua cá cọp, lô tô…

Tết vui vậy mà sao qua nhanh quá. Sáng nay là mồng bảy tháng giêng âm lịch. Tôi xách chiếc cặp cũ quen thuộc đi học. Tiếng thím tôi vọng ra khi tôi đi ngang nhà nó:

– Con đi học một mình đi, thằng Đực Nhỏ về ngoại hôm qua rồi.

Xóm nhỏ của tôi nhà cửa thưa thớt lắm, trẻ con thì cũng không mấy đứa học hết cấp hai. Vậy là tôi đi học một mình thật sự. Con đường làng quanh co từ nhà đên trường chỉ hơn cây số sao hôm nay tôi cảm thấy như xa dịu vợi. Mỗi ngày hai lượt đi về một mình rồi tôi cũng cảm thấy quen và quên dần thằng Đực Nhỏ. Thời gian cứ đi theo chiều của nó. Hết lớp chín, tôi ra huyện trọ học cấp ba. Từ đó xa dần những trò chơi thuở bé. Cuối tuần mới được về nhà để rồi sáng đầu tuần trở lại nhà trọ với gạo, cá tôm, mắm muối. Ba năm cấp ba của tôi là như vậy.

Cuối mùa hè là giỗ nội tôi cũng là nội thằng Đực Nhỏ. Tôi được gặp lại nó sau hơn ba năm. Cả hai thằng bây giờ đã là những thanh niên nhưng gặp nhau thì vẫn là hai thằng trẻ con to xác. Huyên thuyên bao nhiêu là chuyện. Trong niềm hứng khởi đó, tôi kiêu hãnh:

– Tao đậu Đại học rồi.

Nghe vậy, nó vẫn cười rất tươi và vỗ vai tôi thật mạnh:

– Đã quá ta.

Mà đã thật đấy, việc đậu Đại học ở xóm nhỏ của tôi đúng là một kỳ tích vì xưa nay bao đời chưa hề có. Do vậy giỗ nội năm nay to tát hơn cả mọi năm. Ba tôi đã ngà say bởi những ly rượu chúc mừng nhưng vẫn cười tươi lắm. Còn má tôi thì lăng xăng chạy tới lui mời mọc, ép mọi người ăn uống nhiều vào. Sau ngày đó, tôi và thằng Đực Nhỏ chính thức xa nhau, đâu biết rằng đây là cuộc chia tay vĩnh viễn.

Hết học kỳ một năm thứ nhất Đại học cũng là gần tết, cũng là mùa gió chướng thổi về. Ở thành phố, tôi nhớ màu trắng của bông so đũa, nhớ màu xanh non của những trái đậu rồng, nhớ vị đậm đà của canh chua nấu bằng những thứ rau nầy với tôm đất quê tôi. Về nghỉ tết tôi không gặp nó vì nó đã nhập ngũ hơn một tháng qua. Trở lại thành phố, kỷ niệm về nó được gói gọn trong mảnh giấy ghi cụ thể tên đơn vị nó. Thời ấy, một lá thư đi và về giữa hai tỉnh cũng mất hơn nửa tháng. Lá thư cuối cùng tôi nhận được thì nó cho hay sắp vào chiến trường K.

Mới đó mà đã hơn ba mươi mùa gió chướng. Những ngọn gió báo xuân sang và mang về sức sống  nhưng cũng vô tình đưa tôi về vùng kỷ niệm. Tết năm nay, tôi đến viếng chú thím tôi thì như mọi năm, nó vẫn ngồi riêng một bàn thờ dưới tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công. Vẫn là thằng Đực Nhỏ cười rất tươi nhưng trang nghiêm trong quân phục. Tôi mở cửa sổ cho gian thờ được sáng hơn thì gió chướng cũng theo đó ùa vào. Thắp cho nó nén nhang, đốt cho nó điếu thuốc cắm vào bát hương và tôi cũng đốt thuốc cho mình rồi ngồi nhìn nó. Những dòng chữ trên Bằng Tổ Quốc Ghi Công của nó đã úa vàng. Quái lạ, càng nhìn tôi càng thấy những dòng chữ như ánh lên:

Liệt sĩ Nguyễn Hoàng Minh

Trung úy, Quân đội Nhân dân Việt Nam

Nụ cười của nó mỗi lúc như tươi hơn. Gió chướng cũng mạnh hơn như để tưởng thưởng cho sự hy sinh của nó. Gió đưa tôi về miền nhớ, về ký ức tuổi thơ. Và tôi tự hào so sánh nó là “con dế cồ lửa” của đồng ruộng quê tôi. Đáng tự hào lắm chứ. Tổ Quốc thì ghi công, người dân Việt Nam thì đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, trong đó có thằng Đực Nhỏ em tôi./.

C.V