Hélène – con gái ông Tây Việt Minh

595

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nắng trưa hè chang chang như thiêu đốt con người và cảnh vật. Con hẻm nhỏ đường Hoàng Văn Thụ nội ô thành phố, cơn nóng đôi lúc dịu đi khi bất chợt có luồng gió nhẹ xào xạc từ bờ kè sông Cái Khế thổi vào, làm vơi bớt sự im vắng trong giờ khắc nghỉ ngơi của mọi người.

– Có người tìm thầy giáo ơi!

Nghe tiếng gọi của người quen cạnh nhà, tôi vội vã từ phía sau khoác lấy chiếc áo sơ mi vừa mới cởi ra sau buổi sáng đi làm về để lại mặc vào chuẩn bị tiếp khách. Niềm vui nhẹ nhàng xóa tan nỗi mệt nhọc âm ỉ sau buổi đi thực tế ở lộ Vòng Cung – Cần Thơ cùng các bạn nghệ sĩ trong hội nhà văn. Trong tiếng nói lao xao quyện lẫn với tiếng ô tô rì rầm vọng lại từ trước cửa nhà, tôi đoán biết phần nào sự tình.

– Con xin chào chú! Dạ thưa chú… chú là chú Phương, bạn của ba cháu là Ba Paul phải không ạ? Cháu là Marguerite, con gái của Ba Paul đây!

Bằng tiếng Pháp, một trong hai người phụ nữ lạ khá cao nhìn tôi ra vẻ thân mật.

– Chào cháu! Đúng rồi, chú là chú Phương, bạn của Ba Paul ba cháu đó.

Tôi nhanh nhẹn mở cửa chào đón hai người khách lần đầu tiên xuất hiện trước ngôi nhà nhỏ thường đóng cửa im ỉm suốt ngày nơi xóm lao động này. Trong thoáng chốc, tôi cảm thấy phơi phới trong lòng vì Kim Cúc – Marguerite tức là Bông cúc vàng- đúng hẹn. Tôi nhớ lại trong những ngày về thăm quê, ba Paul đều ghé thăm và ở trọ ăn nghỉ lại tại nhà tôi. Ba Paul hay trìu mến nói về chị Jacqueline vợ anh và hai cô con gái là Kim Cúc và Minh Nguyệt – Hélène – ở thành phố duyên hải Marseille nơi miền Nam nước Pháp. Kim Cúc đã hăm hỡ gọi điện báo trước cho tôi từ mấy hôm nay ngay khi nàng vừa chân ướt chân ráo đặt va-li xuống sân bay Nội Bài – dấu ấn đầu tiên của đất nước tổ phụ anh hùng mà cha nàng ở Pháp thường hay tự hào nhắc đến với vợ con.

Đứng tránh lại một bên cửa, tôi vui vẻ mời hai người phụ nữ đi vào nhà.

Vừa đặt túi xách du lịch xuống góc bàn, Kim Cúc nhìn cô gái đứng cạnh nàng với dáng hơi thấp, có da thịt nhưng gọn gàng đi theo mình, giới thiệu:

– Đây là chị Liên ở Hà Nội theo giúp về ngôn ngữ từ khi cháu trở về Việt Nam

– Hân hạnh được biết cháu Liên. Chú cám ơn cháu đã nhiệt tình giúp đỡ Kim Cúc trong những ngày qua.

Vừa nói vừa nhìn Liên, tôi thông cảm với những câu tiếng Pháp thỉnh thoảng lộn tiếng Anh của Liên những lúc tôi trao đổi bằng tiếng Việt trước hai người. Tôi ở một mình, Nhà vắng vẻ, đạm bạc. Buổi trưa càng nóng bức.

Vừa uống xong ly nước mát tôi mời, Kim Cúc với vẻ mặt thoáng buồn:

– Cháu về quê nội lần này là để thực hiện đúng lời căn dặn tâm huyết của ba cháu lúc sinh tiền và di chúc của ba viết trước khi qua đời. Tro hỏa táng ba mang về từ Pháp, cháu đã rải khắp các nơi: quê nội, quê ngoại và trên dòng sông Hậu tại những nơi có in dấu chân hoạt động của Ba cháu trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Tôi yên lặng, chăm chú lắng nghe lời cô gái hiếu thảo đi hơn nửa vòng trái đất trần tình. Kim Cúc dù là con gái, trông rất giống cha. Vóc dáng người cô rắn rỏi, cao trên mét bảy, tầm vóc như một nữ vận động viên điền kinh dày dạn. Nét mặt hơi gầy, hình trái xoan với nước da bánh mật trông phảng phất vẻ phong trần như cha cô lúc còn sinh tiền.

Con rạch Cái Tắc trước nhà tôi và nhà anh Ba Paul bên kia sông ngày ấy hiền hòa, đôi bờ rợp bóng dừa xanh bốn mùa như một cánh tay lực điền vạm vỡ níu dòng Trà Mơn màu mỡ phù sa. Nước rạch không sâu, đủ cho đàn trâu nghỉ trưa hì hục tắm mát, rẩy nước bùn văng tua tủa lên khắp mặt sông quê. Nơi bờ rạch gần cạnh, đàn vịt ta lông trắng như bông bưởi lăn hụp đùa giỡn, vẽ nên một bức tranh sinh động ngày hè.

Ngôi nhà gỗ cổ kính trang nghiêm do nội tổ tôi để lại nằm yên ả giữa hai đầu rạch Thông Lưu và vàm kênh Mười Thới. Bên kia bờ rạch Cái Tắc đối diện với nhà tôi là một ngôi nhà gạch lớn rộng, khang trang của bà Bảy Phố. Nhà có hàng rào với cột bê tông kiên cố đã lỗ đỗ sắc rêu phong, che chắn gần hết cảnh vật sầm uất một bên bờ sông. Chính từ ngôi nhà lớn nổi trội cả một vùng quê đó, đứa cháu ngoại ruột rà yêu quí của bà Bảy, Ba Paul (Paul Bastien), trong một đêm tối trời, từ vùng trong trở về, tự tay mình cùng anh em du kích đập phá và phóng lửa thiêu hủy ngôi nhà tổ ấm của ngoại mình vào đầu mùa tiêu thổ kháng chiến theo lời kêu gọi của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ba Paul là một gia đình nhà giáo mẫu mực tại Phụng Hiệp (Cần Thơ, nay thuộc Hậu Giang), dù nhân thân thuộc giai cấp thống trị, anh ba Paul sớm giác ngộ và tham gia phong trào Việt Minh tại quê nhà. Trước hết anh vào Vệ thám đoàn, sau được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tại xã Tân Quới, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ – nay thuộc huyện Bình Tân, Vĩnh Long. Đầu tháng 04 năm 1947, trong một lần đi công tác, anh bị bọn giáo phái phản động Năm Lửa bắt, giao cho thực dân Pháp. Bị giam tại khám lớn Cần Thơ, Vĩnh Long và Tổng nha Cảnh sát Ca-ti-na, Sài Gòn, anh phải chịu liên tục những đòn tra tấn tàn nhẫn. Sau một thời gian đấu tranh tuyệt thực trong nhà tù, năm 1948, anh ba Pôn bị đưa xuống bít bùng chở về Pháp, giam tại nhà ngục Marseille năm năm. Sau khi được trả tự do, anh đi làm công nhân. Anh ba Paul hoạt động hăng hái ở nghiệp đoàn, tổng công đoàn và thường xuyên liên hệ với đảng Cộng sản Pháp vì anh tán thành, đường lối, chủ trương hoạt động của các đoàn thể. Đầu năm 1952, anh Ba Paul được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Một thời gian ngắn sau, nhờ làm việc tích cực và thể hiện được lập trường kiên định, Ba Paul được cử làm bí thư chi bộ (tiểu tổ) tại địa phương anh thường trú. Cuối năm đó, sau khi dự khóa chính trị trường Đảng cấp tỉnh, Ba Paul được đảm trách vai trò Bí thư Quận ủy. Trung ương đảng Cộng sản Pháp còn dự kiến giới thiệu anh vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy. Dù trên danh nghĩa là công dân Pháp, nhưng anh là người Việt, anh vẫn tích cực tham gia các phong trào yêu nước và hội Hữu nghị Pháp Việt. Ba Paul lúc nào cũng là người đi đầu trong các cuộc mit-tinh biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Pháp trong thời kỳ nhân dân ta tiến hành cuộc chiến tranh thần thánh chống đế quốc Mỹ.

Lúc nào tâm trí cũng nghĩ đến quê hương, từ năm 1968 đến năm 1973, tại hội nghị Paris đàm phán để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, anh Ba Paul yểm trợ tích cực phái đoàn ta, khi đóng vai trò phiên dịch, khi làm tài xế và cả bảo vệ, liên hệ sát cánh với nhiều đồng chí cán bộ Đảng như Xuân Thủy, Huỳnh Tấn Phát, Lưu Hữu Phước, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Thứ trưởng bộ Y Tế nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976-1978)… Chính anh Ba Paul tự thân lái xe đưa rước trong những ngày dự họp các chính khách Việt Nam trong đó nhiều người là bằng hữu đồng chí ngày trước hoạt động cùng anh trong thời kháng chiến chống Pháp. Anh tỏ ra vô cùng hạnh phúc khi có cơ hội được tổ chức các buổi họp mặt anh em đồng chí ngày trước tại nhà riêng của anh tại Marseille.

Ấn tượng không thể nào quên được đối với tôi là trong thời gian đàm phán về hòa bình ấy, anh Ba Paul đã mạnh dạn đề xuất cho hai cô con gái lai Pháp chưa tới tuổi teen của anh là Lê Kim Cúc và Lê Minh Nguyệt mặc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam mang màu cờ VNDCCH và MTDTGPMN hiên ngang đi hàng đầu trong các cuộc diễu hành ở Marseille ủng hộ Việt Nam trong lúc chính quyền sở tại nghiêm cấm không được mang cờ hai miền Nam Bắc Việt Nam. Vợ anh Ba Paul, chị Jacqueline xinh đẹp là giáo sư ngoại ngữ nổi tiếng, các con của chị là Kim Cúc, Minh Nguyệt đều là những sinh viên giỏi, đỗ Cử nhân từ các trường Đại học. Năm 1983, yêu tiếng mẹ đẻ,Anh Ba Pôn về nước tích cực vận động với Bộ Giáo dục, trường Đại học Tổng hợp, bộ Ngoại giao và bộ Nội vụ để được gởi Minh Nguyệt về Việt Nam, học tiếng Việt tại Hà Nội, thủ đô của đất nước tổ phụ. Minh Nguyệt – tên Pháp là Hélène Bastien ngụ ý là Déesse de la lune, tức là Nữ thần mặt trăng – ở trọ tại nhà Ông Phạm Tuấn Khánh, một người bạn mới quen của anh Ba Paul khi về nước.

Từ đó, Hélène Minh Nguyệt ở tại nhà vợ chồng bác Khánh như cha mẹ đỡ đầu tại Hà Nội. Theo đánh giá của nhiều giáo sư uy tín gần gũi hoặc trực tiếp giảng dạy, Minh Nguyệt là một cố gái tuyệt vời: có lý tưởng và hoài bão lớn, ý chí cao, giàu nghị lực và học giỏi. Hélène hết sức kính trọng thầy cô, quan hệ thân thiện và đúng mực với sinh viên. Cô còn có nguyện vọng học sâu Văn và Sử Việt Nam với mục đích sau này trở về Pháp giới thiệu văn học và lịch sử Việt Nam với nhân dân Pháp và thế giới. Minh Nguyệt đã ấp ủ một luận án Tiến sĩ với đề tài: “Nạn thổ phỉ ở hai biên giới Việt-Trung giữa thế kỷ 19”.  Biết được điều này qua Ba Paul, tôi vô cùng thán phục Minh Nguyệt. Đây là một đề tài hóc búa không chỉ về nội dung mà nghiên cứu còn phải gian nan thâm nhập thực tế để khảo sát trên một địa bàn núi rừng hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, nơi có nhiều dân tộc ít người trong một phạm vi dài 200 km suốt dọc hai biên giới Việt Trung.

Nhờ mang dòng máu cách mạng của cha và tinh thần hoạt động xã hội của mẹ, Minh Nguyệt đã rất sớm thể hiện được lòng yêu nước. Cả gia đình Ba Paul: người vợ Pháp Jacqueline, hai cô con gái Marguerite và Hélène đều hiểu rõ và chia sẻ với những hoạt động cách mạng của anh. Tất cả nhiệt tình giúp đỡ để anh với tư cách là Trưởng ban Đối ngoại của Hội Liên Hiệp Việt Kiều Marseille, được rảnh tay phục vụ hai phái đoàn đại biểu Việt Nam đàm phán với Mỹ. Minh Nguyệt sớm được cha chú ý giáo dục ý thức đấu tranh cho lý tưởng vô sản và nền độc lập nước nhà theo con đường xã hội chủ nghĩa cũng như được rèn luyện phẩm chất con người cách mạng.

Mới lên sáu tuổi, đến giờ sinh hoạt tự do trong lớp, Minh Nguyệt đứng lên xin hát bài Quốc ca Việt Nam và đề nghị cả lớp và cô giáo đứng nghiêm. Về nhà, Minh Nguyệt háo hức khoe với ba mẹ và xin diễn lại khiến vợ chồng anh Ba vô cùng tự hào và hạnh phúc. Cả hai chị em Kim Cúc, Minh Nguyệt đều đứng trong hàng ngũ đảng Cộng sản Pháp. Lúc nào hai chị em cũng luôn quan tâm đến tình hình nước nhà nên có phản ứng mạnh mẽ khi có ai xúc phạm đến Việt Nam. Có lần, vào năm 1990, Hélène Minh Nguyệt đã gởi thư phản bác đài truyền hình Pháp khi đài nhận định không đúng về Việt Nam. Minh Nguyệt đã hoạt động y hệt như ba cô đúng như câu tục ngữ cha nào con nấy.

Trong thời gian sống ở nhà Bác Phạm Tuấn Khánh tại thủ đô, gốc người Nam bộ, Minh Nguyệt vẫn dễ dàng hòa đồng, cư xử tự nhiên như con cháu trong gia đình miền Bắc. Hélène gọi hai vợ chồng Bác Khánh là Ba, Má, xưng con; với các chị con bác Khánh, cô xưng em. Do vậy, dù giọng nói có khác nhau đôi chút lúc đầu, cử chỉ dịu dàng và nụ cười diệu hiền tươi thắm của cô sớm gây được cảm tình với mọi người khiến cả nhà bác Khánh ai cũng yêu thương Minh Nguyệt.

Tình cảm dạt dào, ý chí mãnh liệt như Ba Pôn, nhưng Minh Nguyệt sống giản dị giống con gái một gia đình lao động bình thường. Đi học về, cô tự nhiên vào bếp lục cơm nguội. Áo cũ của chị, váy cũ của mẹ gởi cho cũng là quần áo Minh Nguyệt hay mặc ở nhà.

Hèlène là một đứa con hiếu thảo, một học trò ngoan, một người bạn tốt. Vì ở trọ học lâu nhà Bác Khánh ở Hà Nội nên cô còn để lại ở đây nhiều lưu vật kỷ niệm cho Cha mẹ đỡ đầu: Một tấm thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, một quyển tập học trò ghi nhiều bài thơ, bài hát bằng tiếng Pháp, tiếng Anh có bài cô chép, có bài cô làm và một bài dân ca quan họ bằng tiếng Việt ở cuối vở.

Đầu năm 1995, Minh Nguyệt trở lại Hà Nội. Nhưng thật đau lòng, lần này cô trở về thăm gia đình Bác Khánh trong một thân hình tiều tụy, người chỉ như còn bộ xương bọc da. Thật đáng tiếc và đáng thương dường nào. Dự định đây là chuyến thăm Ba Má Khánh ở thủ đô, thăm dò tình hình, chuẩn bị sang Trung Quốc thu thập tài liệu làm luận án Tiến sĩ. Nhưng không ngờ, cô đã bị mắc chứng bệnh ung thư hiểm nghèo, phải chịu chế độ xạ trị đến nỗi rụng hết tóc, lúc nào cũng phải quấn khăn trùm đầu. Nguyệt chọn cái khăn rằn của Arafat, người đã chiến đấu không mệt mỏi cho nền độc lập của dân tộc Palestine. Cũng như trước đây khi còn nhỏ tuổi học trung học, hai chị em cô đã nhất trí cùng nhau mặc áo dài in đậm sắc cờ hai miền Nam, Bắc Việt Nam đi mít-tinh.

Bây giờ, tôi mới hiểu thêm, đầu năm 2001, trong một lần về thăm quê hương, anh trọ nhà tôi tại Cần Thơ. Khi nói về gia đình mình, anh Ba Pôn thường hay nhắc về Hélène Minh Nguyệt với sắc mặt buồn như mãi tiếc thương đứa con gái yêu của anh.

Tôi ngậm ngùi thương tiếc vô cùng người con gái lai, tài năng, đầy hứa hẹn mới 33 tuổi đời mang tên Minh Nguyệt – “Vầng trăng sáng”, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp mang trên mình hình ảnh hai Tổ quốc Việt và Pháp.

Ngưỡng mộ và tiếc thương một trang anh thư toàn vẹn công ngôn dung hạnh, một nghệ sĩ nổi tiếng đã khắc họa chân dung của Hélène qua bức tượng bán thân hiện nay còn trang trọng lưu giữ tại gia đình Bác Khánh tại thủ đô.

Trong niềm thương tiếc khôn nguôi, tôi viết bài này để tưởng nhớ đến Ba Paul và Hélène Minh Nguyệt, cô con gái yêu tài hoa bạc mệnh của anh – một ông Tây Việt Minh ở quê tôi.

Nguyễn Thanh