Hướng đi nào cho nghệ thuật Chèo?

559

Cùng với sự phát triển rộng mở của sân khấu, nhiều thách thức đặt ra cho bộ môn nghệ thuật Chèo ở thì… tương lai.


“Áo khoác da người” – vở diễn thứ 2 dàn dựng trong năm 2020 sắp ra mắt của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Phát triển hay chỉ là… chống đỡ?

Nghệ thuật truyền thống đang phải đối mặt trước những khó khăn nhất định khi thị hiếu của người xem đang có nhiều sự lựa chọn và thu hút bởi những loại giải trí mới, đa dạng. Trong đó, Chèo dường như là môn nghệ thuật khá xa lạ với giới trẻ hiện đại.

Trước tình trạng các nhà hát hay đoàn chèo bị thu hẹp về quy mô hay nhiều nghệ sĩ khó bám trụ được với nghề, thậm chí là bỏ nghề, NSƯT Phú Kiên – Trưởng đoàn Nhà hát Chèo Việt Nam – người đã gắn bó 31 năm với bộ môn nghệ thuật này từng cho biết, sự khó khăn và bấp bênh về nghề đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống khiến cho rất nhiều nghệ sĩ giỏi buộc phải làm đơn xin nghỉ việc, xếp lại một góc đam mê và lựa chọn cho mình một lối rẽ khác.

Đặc biệt, năm 2020 được xem là một năm “khó chồng khó” bởi dịch bệnh và thiên tai, mọi hoạt động giải trí buộc phải đóng cửa tạm nghỉ. Trao đổi với báo Lao Động, NSƯT Thu Huyền – Phó GĐ Nhà hát Chèo Hà Nội cho hay, COVID-19 gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và nghệ thuật Chèo không nằm ngoài sức ảnh hưởng đó. Đáng lẽ, mùa xuân là thời điểm để nghệ thuật sân khấu được thể hiện nhiều nhất, thì lại rơi đúng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát. Khó khăn thêm chồng chất nhiều hơn khi phải đối mặt với mọi vấn đề, đặc biệt là về kinh phí. Nhiều nhà hát tư nhân xã hội hóa thậm chí đã phải đóng cửa không thể hoạt động.

Bên cạnh những khó khăn thấy trước mắt, một trong những vấn đề lớn đặt ra cho nghệ thuật chèo là hướng đi nào để duy trì, phát triển một loại hình nghệ thuật truyền thống bởi thực trạng Chèo từ lâu đã không còn đủ sức hấp dẫn đối với khán giả, nhất là đối với giới trẻ. Lý do một phần cũng vì các tác phẩm kinh điển diễn lại quá nhiều, sự sáng tạo trong những kịch bản mới còn ít, nội dung chưa đủ sức hút kéo khán giả đến thưởng thức.

Đặc biệt là sân khấu chèo thiếu đi một đội ngũ sáng tác chất lượng, dẫn tới kịch bản chèo không còn mang dấu ấn truyền thống mà trong đó, nhiều vở chèo cải biên quá đà nên khó chạm vào trái tim người xem, nhất là đối tượng khán giả của bộ môn Chèo đa phần đều là người cao tuổi.

Theo nhận định của NSƯT Thu Huyền, đây có lẽ cũng là một thách thức nữa của nghệ thuật chèo nhưng không phải vì thế mà những nghệ sĩ còn dành nhiều tình yêu cho bộ môn này lại từ bỏ. “Càng không có khán giả chúng ta lại phải càng tìm cách để đưa họ trở lại và đến gần hơn với Chèo. Luôn đặt chất lượng tác phẩm nghệ thuật lên hàng đầu, và khi khán giả được thỏa mãn thì chắc chắn sẽ lại tìm đến và lan tỏa đến cộng đồng” – NSƯT Thu Huyền nói.

Đổi mới để bảo tồn

Trước những dấu hiệu trên, đã có những biện pháp, chính sách được bàn thảo nhằm từng bước bảo tồn, phát huy nghệ thuật Chèo trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc đổi mới sẽ luôn là giải pháp tối ưu nhất để thu hút sự quan tâm trở lại. Tuy nhiên, không phải bất kỳ một hình thức đổi mới nào cũng là đúng đắn với giá trị truyền thống cốt lõi. Đặc biệt, chèo là loại hình nghệ thuật cần mang một tính chất rất riêng.

NSND Quốc Trượng – GĐ Nhà hát Chèo Quân đội từng chia sẻ với báo giới rằng, để thu hút và giữ chân khán giả rất cần những tác phẩm chất lượng, bám sát vào thực tế đời sống hiện nay. Đồng thời cần có sự sáng tạo mới mẻ nhưng không mất đi bản sắc. Ngoài ra, việc xây dựng đội ngũ, tìm kiếm và đào tạo những gương mặt mới thông qua các cuộc thi để tiếp tục cống hiến cho bộ môn Chèo cũng cần được chú trọng.

Mới đây, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020” (diễn ra từ ngày 4 đến 12.11) được tổ chức tại Hà Nam với 63 diễn viên trẻ thuộc 11 đơn vị đăng ký tham gia. BTC kỳ vọng, cuộc thi sẽ ươm mầm thêm nhiều tài năng và tiếp thêm đam mê cho mỗi thí sinh.

Bên cạnh đó, một việc làm hết sức quan trọng là đưa nghệ thuật Chèo vào các trường học. Đối với các bậc tiểu học nên hướng sự tập trung vào các vở chèo mang tính vui nhộn, huyền thoại để phù hợp với lứa tuổi học sinh như “Thạch Sanh”, “Cây tre trăm đốt”, “Lọ Lem”… còn với các cấp học khác sẽ là các vở chèo mang thông điệp nhân văn, ý nghĩa đến gần hơn với tâm tư suy nghĩ của các em học sinh ở lứa tuổi mới lớn. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu, trò chuyện cùng các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu xoay quanh nghệ thuật Chèo khơi gợi sự hứng thú tìm hiểu giúp các em học sinh yêu thích, gắn bó hơn với loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Trẻ hóa sân khấu là điều cần làm trong thời điểm hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, trẻ hóa cần đi đôi với chất lượng nghệ thuật và cách bảo tồn giá trị cốt lõi – NSƯT Thu Huyền.

Hải Linh/Lao động