Du Tử Lê
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà XB Hội Nhà Văn đã ấn hành thi phẩm “Lão ngư Kỳ Tân”, dày 300 trang của nhà thơ Bùi Minh Vũ – một cõi giới thi ca siêu thực mà, theo chúng tôi, giống như ông tự treo thơ mình trên những nhánh cây chữ, nghĩa hư tượng.
Tập thơ “Lão ngư Kỳ Tân” của Bùi Minh Vũ.
Tính siêu thực và khả năng vận dụng những động từ hay những tính tự bình thường, nhưng khi bước vào thế giới thi ca Bùi Minh Vũ, dường như chúng đã có được cho chúng những chiếc áo khác. Những linh hồn khác:
Ngày rã rời
nụ hôn rách bươm
Anh khâu bằng sợi nước mắt em
đêm giận hờn
Em nồng nàn hối hả
Hoặc:
Em gỡ bỏ trái tim,
Ném vào đời anh những mũi tên gió bão
Con chim xiên xẹo không nơi trú ngụ
Trong bầu trời rỗng, chẳng còn danh tính
(…)
Em gỡ bỏ trái tim
Kết liễu ban mai trong đôi mắt đón chờ
Bôi đen chói lòa thu gom ước vọng
Rụng những đám mây hình thành
Trong giếng nước sâu…
Không chỉ thế! Bùi Minh Vũ còn đem nhiệt lượng trái tim thi ca ông cấn mức không độ. Để ở mức zero độ, thơ Bùi Minh Vũ đã đem lại cho người thưởng ngoạn một cách nói khác. (Vì thi ca là gì, nếu không phải là cách nói khác(?), theo tôi).
Chính từ cách nói khác kia, tác giả thi phẩm Lão ngư Kỳ Tân đã khiến chữ, nghĩa, hình ảnh, cảm nhận nơi từng con chữ tự tan chảy vào hư không – (Như sự tan chảy trước nhất của tác giả vào chính những dòng thơ của mình):
Tôi treo cổ tôi trong ký ức
Bóng tối đánh tôi
Dí roi điện ngất ngây
Tôi ghì đêm
Em bên bờ ánh sáng thừa thãi
(…)
Tôi nhìn tôi
Không có chân
Đi bằng hai con mắt
Tôi biết em đang giấc nồng
Như đang chết
Cùng đêm ăn cướp và phản bội
Nồng nàn sao chổi quét cái đuôi và tình tôi rồi cũng đi qua…
Hoặc:
giá như chẳng có những khoảng cách
chỉ là nước
mênh mang tan trong
nhưng anh là cục đá thật thà
lăn lóc dọc đường
cục đá mùa đông
bơi trong giấc mơ em.
Chỉ nội chừng đó mới mẻ, chừng đó nỗ lực đưa thi ca tới những chân trời (cách nói) khác, tôi trộm nghĩ, có dễ người đọc không còn thấy phải chờ đợi một điều gì thêm nữa, nơi tâm cảm của thi sĩ này.
D.T.L
Nhà thơ Du Tử Lê qua đời vào 7/10/2019, hưởng thọ 77 tuổi. Nhiều bài thơ của cố thi sĩ được nhiều nhạc sĩ phổ thành nhạc.