Lão Thi sĩ Hoài Vũ ra sách

698

Cao Chiến

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng. Ông sinh ngày 25.8.1935 tại Đức Lân, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Cuộc đời ông gắn bó chủ yếu với vùng đất Nam Bộ. Rất nhiều người, thuộc nhiều thế hệ, đã quen với danh xưng nhà thơ của ông mà không nghĩ Hoài Vũ còn viết văn xuôi, dịch, làm báo, “nhà” nào ông cũng để lại dấu ấn. Tính sơ, ông đã cho ra 18 đầu sách, gồm thơ (5 tập), văn xuôi (6 tập), dịch (7 tập). Đấy là tôi chỉ liệt kê tác phẩm chính.

Nhà văn Hoài Vũ cùng tác giả bài viết

Ở tuổi tám lăm (85) Tây Lịch, Lão Thi sĩ vừa cho ra mắt hai cuốn sách phải nói là đầy đặn: “Hoa trong tuyết” (Tập hợp truyện dịch từ tiếng Trung) và “Gái thời chiến”. Tập “Hoa trong tuyết” có 11 truyện, tôi điểm tên cho bạn đọc thấy: Nữ điền chủ cuối cùng, Người đàn bà quý phái, Đêm cuối năm, Loạn luân, Gió mưa đưa đẩy đôi ta, Chiếc khăn bao tóc màu đỏ thắm, Người đàn bà bất hạnh, Người đàn bà trong tranh, A-sư-ma bé bỏng, Đèn lồng đỏ treo cao, Hoa trong tuyết; tập “Gái thời chiến” có 17 truyện, đúng như tên sách, thảy đều gắn với nữ nhi thời binh lửa. Tôi đã đọc hết tập “Hoa trong tuyết” (502 trang khổ lớn 14×20.5, Nxb Hội Nhà văn, 12/2020), còn “Gái thời chiến” đang coi.

Nhà thơ Phan Hoàng đã có bài viết dài, luận bình đâu đấy về tác giả và hai cuốn sách này. Nhìn xa ra nữa, nhiều người đã viết về Hoài Vũ và trước tác của ông. Từ mấy chục năm trước họ đã viết, và giờ là năm 20 của thế kỷ 21, người ta vẫn viết, dù tần suất có thưa thớt hơn. Nhiều người viết trẻ, hàng mũ ba mũ bốn, lác đác có đôi mũ hai, khi có sự hiện diện của Lão Thi sĩ là lập tức xin chụp hình, chí ít là để khoe trên Facebook. Chỉ riêng việc ấy tôi đã thấy Lão Thi sĩ oách lắm!

Nói thế để thấy vẻ như đã chẳng còn dư địa cho tôi chen vào. Người trong làng văn đều biết Hoài Vũ, đương nhiên là vậy, nhưng ngoại giới, đặc biệt là lớp trẻ, những người lướt web thả tim như gió, cả năm có khi chẳng thèm ghé nhà sách, liệu họ có biết Lão Thi sĩ không? Ở nước Nga, 99 người măng tơ thì có đến 100 người biết Exenhin, và hơn số đó biết Pushkin. Rất nhiều người thuộc thơ của hai thi hào. Một lần, chơi bóng bàn, tôi thực mục sở thị anh bạn 18-19 tuổi, bị cô bạn tấn rát, chịu không nổi bèn châm đối thủ mấy câu thơ. Tức thời cô bạn phản đòn cũng bằng thơ. Tôi hỏi thơ ai, Pushkin chứ ai, họ đáp. Ở ta, mọi lúc, mọi nơi, và trong mọi hoàn cảnh, đều có thể vận thơ của Cụ Nguyễn Tiên Điền. Nó bật ra rất tự nhiên. Hôm nay, văn người này là đỉnh. Nhưng 5 năm sau, đỉnh ấy đã chìm đáy ao. Sức sống của thơ, của tác phẩm, là ở đấy!

Tôi thực chứng ít nhất ba lần người trẻ biết về thơ của Lão Thi sĩ Hoài Vũ. Lần một ở cà phê bụi đường Bình Giã, Tân Bình. Đang nhấp môi thì chủ quán lên nhạc. Giai điệu “Vàm Cỏ Đông”, nhạc Trương Quang Lục, lời thơ Hoài Vũ bung ra khiến mọi người, trong đó có Lão Thi sĩ bồi hồi. Bữa ấy chủ quán bất ngờ. Nghe danh Lão Thi sĩ đã lâu, giờ thấy tận mắt con người bằng da bằng thịt. Lần hai, tại Tân Phú. Mấy cậu trẻ, dân nhậu, nghe Hoài Vũ cao hứng đọc thơ ở kia, thế là đến chào rôm rả. Lần ba, vài ngày trước. Mấy người ngồi bụi, có Hoài Vũ, Quang Chuyền, Phan Hoàng, Lương Minh Cừ, Phan Đức Nam, và tôi, gọi là chào đón sự kiện Lão Thi sĩ ra sách. Có mấy tay trẻ bàn bên bảo lạ gì “Vàm Cỏ Đông”, thái độ vô cùng trọng thị. Tôi nói gọn thế thôi. Có không ít giai thoại gắn với ca từ và nhạc phẩm “Vàm Cỏ Đông”. “Ở tận sông Hồng em có biết/ quê hương anh cũng có dòng sông/ anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông”. Thanh niên Bắc thuộc nằm lòng. Họ đi vào chiến trường. Nhiều người đã nằm lại mãi mãi. Trang sử bi tráng chừng ấy đâu dễ quên!

Lão Thi sĩ hồn nhiên khiến nhiều người phát hờn. Nhưng tôi biết đấy là sự hồn nhiên của người đã chứng được cái lẽ ở đời, lúc nào cũng khát khao cống hiến, muốn mình có ích cho đời và cho những người xung quanh. Tôi nói thế này, trên văn đàn đương đại Lão Thi sĩ là của hiếm. Chơi thế nào cho đẹp với Lão Thi sĩ là phận sự của những người được làng văn ủy thác. Và không chỉ làng văn! Bởi Lão Thi sĩ là thế, như mưa bay, như cây cỏ nước Việt, chẳng thích phiền lụy!

Tóm lại “Gái thời chiến”“Hoa trong tuyết” là hai tập sách tốt, đáng mua, đáng đọc. Rất hút, nhất là tập “Hoa trong tuyết”. Rồi mọi người sẽ thấy! Để kết thúc bài viết, tôi xin dẫn ra hai đoạn văn, một là lời nhân vật trong truyện, một là tự sự của Lão Thi sĩ, nguyên văn như sau: “Tôi nghĩ, sống trên đời này mà thấy lòng thanh thản là mãn nguyện lắm rồi, dù phải chịu đói, chịu rét! Vàng bạc tuy quý thật, nhưng khi nó đè nặng lên lương tâm thì thà không có còn hơn” (Nữ điền chủ cuối cùng, tập Hoa trong tuyết, trang 70); “Tôi viết văn, làm thơ với niềm đam mê không bao giờ vơi cạn. Hạnh phúc lớn nhất đối với người cầm bút là dẫu năm tháng đi qua, người đọc vẫn nhớ đến tác phẩm của mình, như nhớ đến một hình bóng thương yêu thoáng qua đời họ” (Hoài Vũ, Tập Gái thời chiến, trang 5)./

26/12/2020

C.C