Một kịch bản phim – Truyện ngắn của Võ Anh Cương

403
(Vanchuongphuongnam.vn) – Quán cà phê Đô Mi Nô nằm trên một sườn đồi nhìn xuống thung lũng chợ mới. Thật ra chỉ đứng ở bếp mới có thể nhìn thấy bậc tam cấp hình chữ Y có một nhánh từ chợ dẫn lên đường Phan Bội Châu đi ngang qua một bên hông quán. Hàng ngày Vân thường nhìn xuống chợ mỗi khi đứng rửa ly, bên trên chậu rửa là một khuôn cửa sổ để lấy ánh sáng và đón những trận gió lạc loài. Bên dưới chợ người mua kẻ bán rộn ràng, tiếng ồn ào vọng lên tới quán với đủ thứ âm thanh chợ búa.
Tác giả Võ Anh Cương 
Buổi sáng mùng hai Tết Mậu Thân, như thường lệ, Vân dậy sớm chuẩn bị cho việc mở hàng đầu năm. Tiếng súng rộ lên từ nhiều phía chỉ khiến Vân có chút ngạc nhiên, thời buổi chiến tranh chuyện bom đạn là chuyện thường nhưng hôm nay trong lòng Vân chợt dâng lên một nỗi bất an khó tả. Quán mở cửa nhưng không có một người khách, ngoài đường cũng vắng bóng người. Mới đầu Vân không cho là lạ nhưng càng lúc Vân càng thấy sợ, một nỗi sợ hãi mơ hồ. Bên dưới chợ vắng tanh vắng ngắt, chắc người ta chưa mở hàng đầu năm, Vân tự trấn an mình như vậy. Một tràng súng giòn giã khiến Vân giật thót người, cô nhoài người qua khung cửa để xem việc gì đã xảy ra? Bóng lính địa phương quân với quần áo kaki màu cứt ngựa khiến cô thực sự lo lắng, họ vừa chạy vào chợ vừa bắn loạn xạ, Vân hoảng hốt rụt cổ vào, cô chui vội xuống gầm giường cá nhân nơi cô ngủ hàng đêm, tim đập thình thịch.
“Mở cửa!”
Một giọng Bắc ra lệnh, Vân nằm im thin thít. Một lúc sau tiếng nạy cửa vang lên, cánh cửa gỗ bật ra rồi tiếng bước chân vào nhà, ai đó nói to:
“Nhà có ai không?”
Vân sợ hãi lí nhí “Dạ dạ…có!”. Khi Vân vừa run vừa bò ra khỏi gầm giường, cô ngước lên, một khuôn mặt đàn ông hiện ra dưới vành mũ tai bèo.
“Cô gái đừng sợ… chúng tôi là quân giải phóng!”. Vân bàng hoàng. Bỗng dưng cô quên hết tiếng súng rộ lên tứ phía, quên hết bóng mấy bộ đồ kaki và cả tiếng phản lực gầm rú trên trời, cô chỉ biết mình chìm vào một nụ cười rất hiền rất đẹp rất nam tính của người đối diện!
Năm 1975, thằng Tiến chỉ vào một đoàn bộ đội hành quân qua trước cửa quán, Tiến hỏi:
“Bố con là ai hở mẹ?”
Vân vụt nhớ tới giây phút đầu tiên ấy, tay Vân phát ra một cử chỉ như muốn xua tan những ý nghĩ hỗn độn trong đầu. Vân nói “Bộ con quên điều bí mật này con hứa với mẹ không được hỏi rồi sao?”. Thằng Tiến xịu mặt “Con chỉ hỏi mẹ thôi chứ có nói với ai đâu, sao bố con chưa về hả mẹ?”. Vân không biết trả lời con thế nào cho phải, thằng Tiến còn nhỏ quá nó chưa hiểu hết lẽ đời. Khác với suy nghĩ của Vân, thằng Tiến lại trưởng thành hơn những gì cô tưởng “Hôm qua con đi sinh hoạt đội nhi đồng, chị phụ trách nói hết chiến tranh rồi, ai có bố đi bộ đội được về nhà mà sao bố con chưa về hả mẹ?”. Vân không biết trả lời con sao cả!
Năm 1998, Tiến là một thanh niên cao to đẹp trai, không hiểu từ lúc nào Tiến nói giọng lai tiếng Bắc từ ngày đi học ở trường Văn hóa quần chúng về. Bộ râu Tiến thường không cạo mỗi lần làm một event, Vân nhắc con nhưng Tiến chỉ cười rồi cũng để bộ râu rậm ấy đi làm, nhiều khi đến tận nửa đêm mới về. Khi Vân gắt lên bởi thấy con vất vả và già đi Tiến mới giải thích “Con nói điều này mẹ đừng cười, mỗi khi làm event con mà cạo râu thì xui lắm, thế cho nên…”. Lần ấy, sau đợt làm một lễ hội, Vân thấy Tiến có điều lo nghĩ. Nhìn con đi vô rồi lại đi ra hàng hiên hút thuốc Vân gặng hỏi. Sau một lúc ngần ngừ Tiến thổ lộ “Con không biết khai lý lịch bố con sao cả, người ta yêu cầu phải khai thật chi tiết”. Câu hỏi của con khiến Vân nhói lòng. Cái đêm hôm ấy… đêm gì, vượt lên nổi sợ hãi và cái chết là tình yêu, Vân cứ tưởng mình sẽ mang tình yêu của anh ấy xuống dưới mồ, vậy mà cô vẫn sống nguyên vẹn, còn người ta đã mang theo một nửa hồn cô về phía núi xa xa…
Năm 2008 Tiến lại hỏi mẹ câu hỏi cũ. Bà mẹ không hiểu điều gì xảy ra với con, người đàn bà bước vào tuổi năm mươi dường như chỉ quan tâm tới con và cháu. Bà ơ hờ nói rằng mẹ cũng chỉ biết vậy thôi, quê bố con là một miền chiêm trũng, chiêm khê mùa thối, bố con nói vậy!
Khi tôi ghé quán cà phê Đô Mi Nô sau một thời gian đi làm ăn xa, chị Vân mừng lắm. Sau khi pha cho tôi một ly cà phê nóng, chị kể ngay chuyện thằng Tiến hỏi về gốc gác bên nội cho tôi nghe. “Cậu à, chị biết thằng nhỏ sẽ buồn, lúc đó chị đâu còn tâm trí nào mà tra hỏi anh ấy…”. Tôi không biết phải chia sẻ ra sao chuyện của chị, nên đêm về tôi viết đoạn văn trên. Chả là tôi tập toạng viết văn sau bao thất vọng cay đắng trong đời để thử tìm một lối thoát cho những suy nghĩ cùn trong đầu. Tôi biết chị Vân từ hồi còn nhỏ, chị là chị họ thằng bạn thân tôi. Năm 68 thằng bạn thân đang học lớp đệ ngũ thì nhảy núi, rồi nó chết khi chưa biết yêu lần nào, nghĩa là chết trẻ. Bao nhiêu người chết trẻ như thằng Nhân, không có được con số thống kê chính xác ở cả hai phía. Tôi ngờ rằng anh người yêu chị Vân cũng đã chết bởi anh không trở về tìm chị. Không trở về sau cuộc chiến có thể là mất tích, mà mất tích thường là chết ở một nơi vô danh nào đó mà người ta thường nói chết bờ chết bụi. Tội lắm những thân phận người như vậy. Tôi nói cái ý đó ra, chị Vân bác lại ngay “Cậu nói cũng có lý nhưng chị biết anh chưa chết”. Tôi hỏi sao chị biết nhưng chị không nói, chỉ im lặng, có lẽ chị giấu mình vào niềm tin rằng rồi có ngày anh trở lại.
Và anh trở lại thật. Anh trở lại với vóc dáng một người miền núi, chỉ duy nhất ánh mắt của anh là vẫn còn nguyên vẹn – hừng hực như ẩn chứa bên trong nhiệt huyết đam mê một thời trai trẻ. Chị kể với tôi như vậy khi anh đã trở về với gia đình đông đúc của anh ở buôn Kon Ó. Buôn Kon Ó ngày xưa là một chiến khu còn bây giờ là một thị trấn trẻ trung và hoang dã. Chị càng làm cho tôi ngạc nhiên, trẻ trung thì rõ rồi nhưng sao là hoang dã? Chị cười nói “Đây là ý nghĩ của chị thôi, chị thích cái hoang dã của rừng núi nơi đó khi vợ anh bây giờ mà trước kia là một cô sơn nữ phát hiện ra anh nằm sốt li bì bên bờ suối, cô ấy đưa anh về nhà, chăm sóc anh và bắt anh làm chồng”. Mối tình của cô ấy với anh mới nguyên sơ làm sao, chị tiếp. Còn tôi thì thắc mắc “Còn anh thì sao?”. “Anh quên hết không nhớ nổi mình là ai sao đận sốt ác tính đó… phải bốn chục năm sau trí nhớ mới phục hồi. Và anh tìm ra chị cũng ở chính cái quán cà phê Đô Mi Nô này cậu ạ!”. Chị không nói nhưng tôi chắc ở ngoài quê anh, người ta đã rút lại cái bằng liệt sĩ, liệt sĩ trở về sau bốn mươi năm, âm vang của chiến tranh tới giờ vẫn còn đồng vọng?
Và tiếng đồng vọng trong lòng thằng Tiến có lẽ là còn vang lên lâu lắm nhưng nó giấu cảm xúc trong lòng, tôi biết vậy khi một lần tình cờ gặp nó. Tiến vào quán cà phê tôi đang ngồi với gương mặt hình như lo nghĩ. Tôi nghĩ quái thằng này đang lo chuyện gì mà trông nó đăm chiêu thế? Chưa kịp đoán ra nguyên nhân, Tiến đã thấy tôi và nở một nụ cười mừng rỡ:
“Trời, chú… lâu quá cháu mới gặp chú, chú khỏe không?”.
Chú cháu lâu không gặp nhau nhiều chuyện để kể. Nhưng tôi thì đau đáu chuyện người bố nó. Dường như biết tôi sẽ nói chuyện này, Tiến chủ động nói trước. “Cháu đã ra ngoài làm, cháu đang chuẩn bị làm một phim truyền hình”. Nói xong Tiến đưa tay chỉ lên bàn “Đây là kịch bản phân cảnh chú ạ”. Một tập giấy có cái bìa màu xanh nãy giờ tôi không để ý, trên đó đề dòng chữ “Gió lộng ven sông, phim truyền hình 30 tập, biên kịch và đạo diễn Hoàng Mạnh Tiến”. Tôi chưa kịp có ý kiến gì thì Tiến nói tiếp:
“Chú đã biết chuyện nhà cháu, cháu về thăm quê nội với bố, quay vào cháu viết ngay kịch bản phim này. Hôm nay ra đây định chỉnh lại vài chỗ trong kịch bản phân cảnh thì gặp chú, may quá…”.
“May quá” của Tiến là nhờ tôi đọc giúp rồi góp ý cho nó để kịch bản hoàn chỉnh, hãng phim đã thống nhất ký hợp đồng với Tiến sau khi đọc xong kịch bản văn học. Đọc thì tôi sẽ đọc thôi nhưng tôi nhủ lòng không thể góp ý gì vào đây được. Ông bố Tiến đã cho con cả cuộc đời để làm bộ phim này thì đủ để Tiến trỗ tài đạo diễn.
Sau khi đọc xong tôi lại đổi ý. Tôi sẽ góp ý cho Tiến một chi tiết thôi: Đó là phải để tên K’Tiến, một đứa em của Tiến, giống Tiến như tạc với bộ râu không cạo chứ không phải Hoàng Mạnh Tiến như trong kịch bản phim!
11/7/2017
V.A.C