Mùi nước – Tản văn của Thanh Nguyên

671

“… đôi lúc hay nghĩ phận mình giống như con cá linh, cứ oằn mình lớn theo con nước…”

(Vanchuongphuongnam.vn) – Kết thúc ngày dài với bao bộn bề, deadline dí tới tấp, cái khoan khoái khi hất từng bụm nước vào mặt chưa kịp thỏa mãn thì cảm giác sặc nước lên tận sóng mũi vừa cay, vừa nồng chợt làm bạn bừng tỉnh… mùi nước xô mùi tuổi thơ ào ạt ùa về.

Ảnh minh họa – Tác giả: Thanh Nguyên

Lâu rồi, chắc cũng gần chục năm tròn… nó giống như khi bạn nhớ về một mùi hương quen, mùi của nước hoa, mùi của áo quần, mùi của một ai đó… và có thể nó chỉ là mùi của tuổi thơ, của cả lúc sặc nước.

Đó là ngày bạn bì bõm tập lội, chuyền từ cây sào tre này sang cây sào tre khác chỉ cách nhau chừng hai sải tay người lớn mà có cảm giác như vừa bò trườn các thể loại qua cả một đoạn đường dài.

Đó là cổ áo của ngoại và mẹ rách bươm chỉ vì cứ bám víu mãi không chịu buông, sợ phải uống nước. Là cái nhìn nghiêm khắc và kiên quyết của ông và ba… biết lội để không chết nước!

Đó là cái mùi vừa nồng, vừa cay cứ sộc thẳng vào mũi, có cảm giác cả trời đất sụp đổ. Đã ghét cay ghét đắng vậy mà bao lần vẫn sặc nước, đôi lúc hay nghĩ phận mình giống như con cá linh, cứ oằn mình lớn theo con nước.

Rồi đến lúc biết lội lại “ghiền” nước không bỏ được, “tắm sông” là niềm hào hứng gần như không bao giờ tắt của bất kì đứa trẻ nào đã được sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước. Mặc dù, tắm sông là chuyện diễn ra mỗi ngày mấy bận, thế mà lần nào cũng mê tơi.

Nhưng biết lội hay thích tắm sông không đồng nghĩa với việc bạn đã quen luôn với chuyện sặc nước! Đó là khi được ba chở xuồng máy đi chơi, về tới nhà còn quá phấn khích, ba tắt máy, cho xuồng rẽ nhẹ vào nhà, nước lên bốn bề là nước… bạn lăng tăng chạy ra phía mũi xuồng để chạy ùa về khoe với mẹ thì lại lọt thỏm xuống nước… mùi nước lại sộc lên, nồng, cay…

Lớn một chút, bạn vào lớp một, đường đến trường phải đi qua cây cầu khỉ, mùa nước, nước dưới chân cầu chảy xiết. Nhìn xuống điều đầu tiên bạn nghĩ đến lại là mùi nước, bạn khóc thét không chịu qua cầu dù được mẹ cõng. Mẹ phải dỗ mãi bạn mới chịu bám chặt vào lưng mẹ, mắt nhắm nghiền… vậy mà giờ nhớ lại mắt tự dưng thấy cay.

Lớn hơn tẹo nữa, năm ấy nước lớn, chỉ mỗi những mái nhà nổi lênh đênh giữa mênh mông sóng nước. Bạn đã dám một mình ngồi trong cái thau nhựa Thái Lan, dày và to đối với những đứa trẻ, bơi đi cắt lục bình về chơi nhà chòi, chiếc tàu lớn chạy ngang, sóng tạt mạnh, lật úp cái thau, bạn lộn nhàu xuống nước… mùi nước lại sộc thẳng lên mũi, lại cay, lại nồng…

Nhiều khi chợt nghĩ, cái gì gắn bó lâu dù thích hay không thích riết rồi cũng thành quen. Vậy mà bao năm, thấy mình cứ già dần đi như con cá linh cuối mùa nước nổi, mà mãi vẫn không thể nào quen được cảm giác sặc nước, vẫn choáng váng, vẫn thấy đất trời tối sầm trong giây lát…

Thế mà, lúc sau lại thấy lâng lâng, da diết nhớ cái mùi vừa cay, vừa nồng ấy. Nghĩ nhiều lúc cũng lạ, chuyện đời nhiều khi không quen, cũng không hẳn là thích vậy mà thương mà nhớ đến lạ thường. Nó không giống như cái cay cháy bỏng và âm ỉ của sặc ớt, nó thoáng đến trong vài giây nhưng dư vị của nó luôn làm cho người ta miên man nhớ.

Có lẽ, vì nó gắn liền với cả một khoảng trời mình được chở che và bao bọc, được nâng niu từ tháng ngày bì bõm tập bơi trong vòng tay của bà, của mẹ. Được khôn lớn, trưởng thành từ sự nghiêm khắc và kiên định của ba, và luôn được sự nâng đỡ trước những lần loay hoay té ngã bằng sự bao dung của gia đình.

Bây giờ, khi tự bì bõm bơi vào đời bao nhiêu năm vậy mà thấy mình chỉ có lớn mà không có khôn, vẫn cứ lúng túng, loay hoay trước những va vấp như những lần sặc nước. Nhớ mẹ vẫn hay dạy, lấy tay vỗ vỗ vào trán sẽ hết, bây giờ con mới hiểu đó là liệu pháp nhanh cho tinh thần.

Còn bây giờ, dẫu có vỗ vào đau cả tay hay sưng cả trán thì vẫn phải đối mặt và giải quyết với các vấn đề, liệu pháp tinh thần cũng chỉ xoa dịu chứ không thay đổi được việc trái đất vẫn quay và ngày thì có hai bốn giờ.

T.N