Ngô Vương: Hồi thứ sáu – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

728

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nơi cổng Bắc thành, cánh cổng kiên cố nhất của Đại La thành đã mở toang, đại đội binh mã Phong Châu lẫm liệt kéo vào. Đi đầu là chủ tướng Kiều Công Tiễn giáp phục gọn ghẽ, đầu đội mũ đâu mâu đính ngọc, lưng đeo thanh bảo kiếm gia truyền cùng chúng tướng chia thành năm hàng người ngựa hùng dũng tiến vào. Ở các cổng phía Đông và phía Tây đều có những vị tướng quân mang giáp trụ, binh lính chỉnh tề thẳng tiến vào trong xếp thành đội ngũ nghiêm trang.

HỒI THỨ SÁU

Bỏ ấn tín, Lý Tiến giả lái buôn về Bắc
Vào La thành, Dương Đình Nghệ khao thưởng ba quân

Tin đại tướng Trần Bảo chết trận nơi bến Giang Biên bay vào thành Đại La khiến toàn thành rúng động. Lý Tiến run cầm cập không thể tưởng tượng được ba vạn quân tinh nhuệ cùng danh tướng họ Trần bị phá tan ngay khi chưa tới được thành Đại La. Chống giữ với giặc cỏ mấy tháng liền, Lý Tiến quá hiểu mưu kế và sự thiện chiến của chúng nhưng không ngờ binh pháp của Dương Đình Nghệ cùng các bộ tướng lại cao thâm đến vậy. Chặt đứt viện binh, thành Đại La đã trơ trọi càng thêm cô quạnh. Mất hết tinh thần, binh sĩ trong thành chỉ là một lũ vô dụng không còn ý chí chiến đấu. Càng nghĩ, Lý Tiến càng thấm thía khi các bậc cao nhân phương Bắc vẫn cho rằng Giao Châu phương Nam là đất rồng cuộn hổ ngồi, anh hùng hào kiệt đời nào cũng có quả không sai. Nay xem cách chúng vây thành diệt viện thủy bộ chỉnh tề, lại táo bạo đưa voi qua sông dàn trận đánh thẳng vào đại doanh quân Trần Bảo quả thế lực của chúng không phải tầm thường. Nếu không có nhiều tướng giỏi ba mũi giáp công, xuất kỳ bất ý phá vỡ từng trại khiến danh tướng họ Trần mạng vong nơi đất khách thì giặc cỏ chưa thể thủ thắng. Trong quân giặc cỏ không chỉ có tướng giỏi dũng mãnh thiện chiến mà viên chủ tướng Dương Đình Nghệ dụng binh như thần, thoắt ẩn thoắt hiện vô cùng khó lường. Binh lực của chúng đến tiếp ứng nhau miên man không dứt. Đội viện binh Phong Châu với viên mãnh tướng họ Kiều dùng binh cũng thủ đoạn lắm. Lấy quân ít công thành không nao núng, đội ngũ chỉnh tề, lâm trận quả cảm khiến lão gia tiến không được lui cũng không xong. Phía ngoài thành, đám dân chúng cứng đầu cứng cổ cam tâm tình nguyện gánh thóc gạo dắt trâu bò khiến giặc cỏ tinh thần càng hăng mà binh tướng trong thành dần dà lương thảo cạn kiệt, sức lực suy tàn, tinh thần rệu rã, không ai muốn cầm gươm giáo nữa. Có lẽ nào mạng của Lý Tiến ta lại giống với quan đô hộ sứ Cao Chính Bình ngày trước hay sao.

Mấy đêm gần đây, Lý Tiến toàn gặp ác mộng. Cứ nửa đêm, văng vẳng trong tiếng voi gầm ngựa hí, tiếng trống thúc bốn mặt thành âm i, như có tiếng những oan hồn về đòi mạng. Từ khi thay Lý Khắc Chính trị nhậm Giao Châu, chủ trì thành Đại La, Lý Tiến cho đám bộ hạ hành hình không biết bao nhiêu người. Tưởng cứ giết người là yên được lòng quân song Lý Tiến đã nhầm. Dân thành Đại La vốn hiền lành chất phác nhưng không thể đem cái chết mà khuất phục họ được. Có nhà bị giết sạch nhà kề bên vẫn không khuất phục Hán triều. Có làng bị đốt trụi làng kề bên vẫn rào giậu tre, vót chông nhọn, đắp lũy dày kháng chỉ chống lại quân Hán không hề biết sợ. Từ ngày Dương Đình Nghệ hưng binh vây chặt La thành, muôn dân các nơi càng không sợ quân Hán. Hễ binh tướng Hán ra khỏi thành dẫu đông đến vài chục lính đều bị quây đánh, đặt bẫy chông, đào hầm sập thương vong không ít. Càng ngày, thành Đại La càng trở nên trơ trọi. Trong thành, dân chúng trốn sạch chỉ còn đám quan văn bản sứ lấm lét và lũ lính Giao Châu buồn rầu ủ rũ. Nếu không có gần hai vạn binh tướng đem từ Hán triều sang, hẳn lũ quan văn và binh lính Giao Châu đã dâng thành cho Dương Đình Nghệ lâu rồi.

*

Sau khi đại thắng bến Giang Biên giết chết tướng Trần Bảo, truy đuổi tàn binh phương Bắc hơn mười dặm, Dương Đình Nghệ mệnh lệnh các tướng thu quân. Dương công kiểm điểm sĩ tốt thuyền bè, chỉnh đốn đội ngũ chia một nửa binh lính giao cho Ngô Quyền cùng Phạm Bạch Hổ dùng thuyền lớn qua sông về quân doanh, còn lại đích thân sai các tuỳ tướng cùng quân lính gom nhặt các tướng sĩ tử trận nhận rõ quê quán cho tế lễ, chôn cất tử tế.

Các vùng lân cận, muôn dân nghe tin Dương Đình Nghệ đại thắng kéo đến rất đông, còn dắt đến nhiều tù binh để Dương công định đoạt. Dương Đình Nghệ ân cần cảm ơn các vị hương thân phụ lão, phủ dụ đám tù binh rồi sai chúng gom nhặt binh lính Hán trận vong, sắp xếp lại thi thể, lấy nước sông gột rửa sạch sẽ. Theo nguyện vọng của hơn ngàn tù binh Hán muốn lập giàn thiêu xác các binh tướng tử trận, Dương công cho phép chúng tìm thi thể tướng Trần Bảo xếp vào chính giữa giàn thiêu để đích thân Dương công đến đọc lời tế.

Giàn thiêu xếp cao như một ngọn đồi ngay ven bờ Bắc sông Cái. Không khí âm u rờn rợn. Mặt nước sông sương khói bảng lảng buổi chiều nhập nhoạng. Gió sông hú lên từng chặp thê lương. Đám tù binh phương Bắc ủ rũ như gà mất mẹ đứng rúc vào nhau phía trước giàn thiêu. Nước mắt nam nhân nơi sa trường thiểu não rịn ra trên những khuôn mặt in dấu bàng hoàng vừa thoát nạn voi giày ngựa xéo. Mấy nghìn tù binh nhìn dòng sông u uẩn. Tiếng kèn tế rúc lên từng hồi dài. Từng hồi chuông u uất dội âm i trên mặt sóng.

Dương Đình Nghệ mặc giáp phục chỉnh tề cùng mấy tuỳ tướng bước đến trước giàn thiêu. Trên chiếc bàn lớn đã chuẩn bị sẵn hương hoa, bánh trái, tiền vàng theo phong tục người Hán, Dương công thong thả châm một bó hương cắm đều các bát rồi cất giọng đau buồn đọc bài tế trận vong.

Lời đọc vừa dứt, tiếng chuông tiếng mõ rộ lên từng tràng. Hơn chục tù binh Hán từng xuất thân cửa chùa không hiểu đã cạo tóc từ lúc nào cổ đeo tràng hạt, mình khoác trang phục nhà chùa, tay gõ mõ đi thành một vòng quanh giàn thiêu đọc kinh Phật siêu thoát các vong hồn tử trận. Lời kinh văng vẳng bi ai thống thiết trong tiếng sóng rờn rợn mặt sông. Những ánh đuốc được thắp lên chập chờn leo lét. Thoáng chốc, ngọn lửa giàn thiêu bốc lên lan khắp bốn mặt rồi lửa reo ầm ầm như tiếng thiên binh vạn mã. Khi Dương công rút về doanh trại cũng là lúc tiếng khóc tiếng than của hơn ngàn tù binh Hán quanh giàn thiêu đang cháy rừng rực càng lúc càng thống thiết hơn.

Sáng sớm hôm sau, Dương Đình Nghệ cho các tù binh lấy một phần tro cốt đem theo còn lại thả hết xuống dòng sông. Dương công thân úy lạo các tù binh đồng thời cấp cho năm ngày lương thảo, sai người dẫn đến tận nơi biên ải để chúng về nước, lại dùng lời lẽ xót thương để chúng về tâu với Hán đế sự bại trận của Trần Bảo chẳng qua là sơ suất chốn sa trường chứ thực tâm các hào trưởng, châu mục phương Nam nối đời đều muốn yên ổn làm ăn mà nhường nhịn các vua chúa phương Bắc.

Đám tù binh khóc lóc cảm tạ mãi không thôi rồi lạy tạ dắt nhau lên đường.

Khi đám tù binh khuất dạng nơi chân trời, Dương Đình Nghệ cho toàn quân cùng voi ngựa lên thuyền lớn sang sông.

*

Trong thành Đại La, lúc nửa đêm, Lý Tiến cho gọi Độc Toàn Chân vào đại điện.

Độc Toàn Chân hơn mười ngày ăn ngủ thất thường, tinh thần bấn loạn, vẻ mặt hốc hác nghe lệnh triệu của Lý Tiến lật đật cùng mấy tùy tướng vào đại điện.

Thấy viên tướng họ Độc đã xuống tinh thần, Lý Tiến vội trấn an:

– Độc tướng quân! Nay thành Đại La binh vây bốn mặt, Trần Bảo kia đã tử trận, đám tù binh được giặc cỏ trả về Hán triều là có ý mong ta đầu hàng trả đất trả thành cho chúng. Ta thân làm đại tướng, ngỡ tưởng xuống Giao Châu kiến công lập nghiệp cho Hán đế, ai ngờ trở thành bại tướng nơi phương Nam xa xôi này. Nếu ta toàn quân quyết chiến ngọc nát ngói tan cùng với La thành cũng chẳng vẻ vang gì, chẳng qua là lấy thêm mạng sống của hàng ngàn tướng sĩ mà thôi. Nay ta muốn được nghe cao ý của tướng quân, để vừa giữ được thanh danh của Hán triều vừa giữ được tính mạng cho ngàn người vô tội. Ý tướng quân thế nào?

Độc Toàn Chân rầu rĩ đáp:

– Mạt tướng quả cũng chẳng còn kế sách lòng dạ nào nữa. Giặc cỏ kia cứ như có trời phù hộ. Chúng càng đánh càng mạnh. Ta càng đánh càng chết tướng thua binh. Thắng thua giờ đã rõ. Thôi thì đất đai thành trì của chúng ta hãy tạm để cho chúng tự cai quản, mai kia chờ chúng chém giết tương tàn lẫn nhau mới có thể dùng kế mà chiếm lấy nước chúng. Chẳng hay chúa công định lặng lẽ bỏ thành về phương Bắc hay sao?

Lý Tiến cứng người trên chiếc ghế bọc da hổ đến nửa khắc mới dè dặt nói:

– Than ôi! Ta bao nhiêu năm nhận bổng lộc, làm quan tướng cho Hán triều, được Tể tướng Tô Chương hết lòng nói giúp xuống Giao Châu để Hán đế mở mang bờ cõi, những tưởng lập được chiến công để Tô Tể tướng dễ bề ăn nói trong triều, ai ngờ có ngày hôm nay. Ta trở về phương Bắc cũng chẳng mặt mũi nào nhìn Tể tướng được nữa. Nay ta trước là muốn cứu mạng các binh sĩ, sau là quyết kế mình ta mang tiếng xấu chịu nhục bỏ thành để Hán đế định tội ta mà không xuất binh xuống phương Nam nữa. Phương Nam những ngày tháng này, binh lính chúng thành thạo lão luyện, tướng soái chúng anh dũng quả đoán, tên Dương Đình Nghệ lại mưu mẹo như thần, Hán triều có xuất đại binh chăng nữa cũng chỉ là mang dầu chữa cháy mà thôi. Ta nay bỏ thành cũng là vì muốn giữ gìn nguồn binh lực cho Hán đế vậy.

Độc Toàn Chân thấy Lý Tiến nói rõ lợi hại càng thương họ Lý đời đời làm tướng soái bỗng chốc thân bại danh liệt nơi cô thành xa xôi phương Nam, bèn cảm động hỏi:

– Chúa công định đêm nay rời thành ư?

Lý Tiến đứng dậy đi lại một lát rồi quả quyết nói:

– Ý ta đã quyết, đợi sang canh ba, ta cùng bộ tướng Lý Phục và mấy người tâm phúc sẽ vượt sông trở về phương Bắc.

– Xin chúa công cho mạt tướng đi theo hầu. Ở thành Đại La, họ Độc chúng tôi sản nghiệp đã sung hết vào quân doanh, mạt tướng lại gây thù chuốc oán với đám quan lại bản xứ và muôn dân La thành, nếu ở lại sẽ không còn con đường sống.

Lý Tiến đặt tay lên đôi vai run rẩy của Độc Toàn Chân:

– Toàn Chân hiền đệ, ta những muốn mang vinh hoa phú quý, công trạng ghi sử sách cho gia tộc họ Độc, nào ngờ đã đẩy hiền đệ vào nơi cùng đường tuyệt lộ, ta hối hận lắm thay. Về Hán triều, ta sẽ liều chết viết biểu kể rõ công trạng của đệ ở Giao Châu, biết đâu Tể tướng Tô Chương thương tình dốc hết sản nghiệp của đệ mà tìm cách trọng dụng. Có như thế ta có sống chết gì mới thanh thản được.

Độc Toàn Chân rịn hai hàng nước mắt rồi mau chóng cùng đám gia nhân thu xếp hành trang canh ba theo Lý Tiến xuống thuyền sang bên kia sông.

Khi đã ngồi gọn trên chiếc thuyền buôn nhỏ chòng chành trên sóng nước ngược dòng sông, Lý Tiến trong trang phục lái buôn nằm trong lòng thuyền hai hàng nước mắt cứ rịn ra không dứt. Đường đường một đại tướng Hán triều đem binh hùng tướng mạnh xuống Giao Châu những tưởng gọi mưa hét gió ai ngờ chưa đầy ba tháng đã phải bỏ lính bỏ thành, bỏ cả ấn tín giữ lấy mạng sống trở về phương Bắc. Những mình Lý Tiến thà chết quách cho xong đỡ chịu nhục nhưng còn đại cục phương Nam phương Bắc của Hán đế không thể dễ dàng liều lĩnh như thế được. Nếu tử chiến đốt thành không chỉ mạng vong mà ân oán cừu hận giữa Hán triều và Giao Châu càng sâu đậm khó lường. Người phương Nam bọn chúng dẫu hiền hòa hiếu đễ nhưng hễ đem binh giáp xuống áp đặt xưa nay đều bại vong cả. Nay ta vì đại cục hủy hoại đi danh tiếng của mình cũng là để giặc cỏ kia tạm vào trị nhậm đất đai thành trì của chúng. Biết đâu chúng khôn ngoan xưng thần chịu phục càng tỏ rõ oai danh của Hán triều, ta đây cũng bớt đi mối nhục bỏ ấn tín nơi La thành nửa đêm giả lái buôn về Bắc. Dương Đình Nghệ kia là người nào sao hắn cáo già tinh khôn đến vậy? Hắn không cho binh tướng liều chết phá thành mà cứ siết dần sợi dây thòng lọng để ép ta vào con đường chết. Hắn lại tha bổng tù binh, lập dàn thiêu cúng tế đám binh sĩ người Hán trận vong khiến lòng quân càng rối. Họ Dương đã đưa ra thông điệp đuổi ta về nước ta còn mặt mũi nào tử chiến giữ thành. Với tài năng phách lược của họ Dương, việc y đứng đầu Giao Châu kiêm quản các vùng chỉ là điều trong sớm tối. Lẽ ra, Hán triều phải sớm lấy việc phủ dụ làm đầu, tiên lễ hậu binh mới có thể cai quản lâu dài phương Nam được. Cái thói đánh giết luôn lấy thịt đè người của người phương Bắc không phải ở đâu cũng hữu dụng thì việc thua binh bại tướng như ta cũng là lẽ thường trong sử sách mà thôi.

Càng nghĩ, Lý Tiến càng khâm phục Dương Đình Nghệ, khâm phục các tinh binh mãnh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu mà cho rằng việc thảm bại của mình có căn cốt từ sâu xa vậy. Họ Lý nhổm người rồi nhắc mấy viên tùy tướng cứ bình tâm chèo thuyền ra giữa dòng sông ngược về phương Bắc. Đã bỏ lại ấn tín, chỉ mang theo dăm bảy cận thần nửa đêm trốn về phương Bắc binh tướng họ Dương cũng chẳng đuổi theo làm gì. Đó cũng là cái lẽ cao cường của kẻ thắng trận và cái mưu cuối cùng của kẻ bại trận mà thôi. Đạo lý này người đời sau sẽ thể tất cho ta vậy.

*

Sau khi cho quân rút hết sang sông trở về quân doanh, Dương Đình Nghệ hạ lệnh cho toàn quân nghỉ ngơi ba ngày. Dương công lại cho người báo tin để Kiều Công Tiễn thôi không đánh cửa Bắc thành Đại La nữa. Dương công một mặt cho người đem các tướng sĩ tử trận trở về quê quán cúng tế, ghi công rất cẩn thận. Người lại cho các tùy tướng đến các vùng lân cận xung quanh thành Đại La thông báo tin thắng trận đồng thời mời gọi muôn dân về làng xóm cũ trồng cấy, canh cửi, khôi phục các nghề cũ không được dứt. Làng trên xóm dưới nghe tin quân Hán bại trận ai cũng vui mừng trở về thôn ấp an cư lạc nghiệp.

Công việc tạm yên, các tướng sĩ, ngay cả Ngô Quyền và Phạm Bạch Hổ không hiểu sao Dương công không lập tức hạ lệnh phá thành Đại La, còn đang thắc mắc trong lòng được tin triệu đến trướng hổ, các tướng mau chóng tề tựu đông đủ. Kiều Công Tiễn cũng được Dương công cho người dùng thuyền nhẹ mời đến nghị sự.

Khi các tướng đã ổn định, Dương công nghiêm trang nói:

– Luôn mấy ngày binh sĩ nghỉ ngơi chắc các tướng đều trách ta không mau hạ lệnh phá thành bắt Lý Tiến, giết lũ Hán gian để tế Khúc chúa phải không. Ta cùng các tướng, ai chẳng mong lớn vào La thành an định tình hình giúp dân chúng theo về nghề cũ. Nay quân ta, xét ra chưa đầy ba tháng đã phải liên tiếp ba lần đại chiến với địch mạnh. Dẫu kẻ kia đại bại ta cũng thương vong không ít đâu. Nên ta quyết dành mấy ngày để vừa ngơi nghỉ sức quân vừa đưa tướng sĩ trận vong về quê hương bản quán. Người lính lúc ra đi đầu xanh tuổi trẻ mẹ già con dại ngóng trông nay trở về chỉ là tro cốt và một bát hương thơm ta đâu lỡ ham công để tốn máu xương sĩ tốt. Ta chưa vội đánh thành vì chỉ muốn Lý Tiến kia thấy được lẽ mất còn mà dâng thành, ta cũng tha cho y về phương Bắc. Theo phán đoán của ta, Lý Tiến, Độc Toàn Chân cùng đám tâm phúc của y đã bỏ trốn về phương Bắc từ mấy hôm nay rồi. Nay ta triệu các tướng đến để tính cách vào thành yên ổn quan lại, binh lính, dân chúng mới là kế vẹn toàn vậy.

Các tướng nghe Dương Đình Nghệ nói xong, ai nấy nhìn nhau vừa bàn tán vừa trầm trồ trước cao kiến của Dương công. Luôn mấy ngày cho binh sĩ nghỉ ngơi tuyệt đối không khiêu chiến chính là kế bức Lý Tiến bỏ ấn tín rời La thành của Dương Đình Nghệ. Mới thấy rằng, việc dụng binh cốt ở cơ mưu nơi màn trướng chứ không phải riêng việc chém giết trên sa trường. Các tướng đều hiểu rõ trong thành Lý Tiến còn gần hai vạn binh mã nếu chúng tử chiến ngọc nát cùng tan quân ta thiệt mạng cũng không nhỏ. Nay Lý Tiến đã cam tâm tình nguyện bỏ thành về phương Bắc thì việc bắt đám hàng tướng vừa không tốn máu xương vừa không kinh động Hán triều khiến chiến tranh liên miên không dứt. Các tướng đều thầm phục đại kế cũng là lòng đại lượng của Dương công.

Kiều Công Tiễn bước ra thưa:

– Bẩm Dương công! Thưa các vị tướng quân! Khi mạt tướng được tin Dương công đại thắng bến Giang Biên, giết chết Trần Bảo lại thả tù binh về phương Bắc, mạt tướng đã nghĩ thế nào Dương công cũng cho ngưng chiến để bức hàng. Nay tình thế đúng như Dương công dự liệu quả là phúc của người phương Nam chúng ta bớt được một trận ác chiến nơi thành quách của mình. Mạt tướng xin Dương công để thêm vài ngày hãy bắc loa gọi hàng để bọn giặc trong thành càng sợ hãi không đánh mà tan. Lại cho nới lỏng vòng vây để quân binh trong thành kẻ nào trốn ra ngoài được đều tha chết. Chắc chỉ vài hôm chúng tất loạn mà dâng thành.

Kiều Công Tiễn vừa dứt lời, Phạm Bạch Hổ liền đứng ra nói:

– Bẩm Dương công! Ý của Kiều tướng quân rất đúng. Mạt tướng cũng đoán chắc Lý Tiến đã rời thành tất binh tướng Đại La chỉ muốn hàng để giữ tính mạng. Nay ta hãy thư thả cho chúng vài ngày cũng là để sắp xếp khi binh ta tiến vào phải có đội ngũ kỷ cương nghiêm minh. Các tướng đều muốn suy tôn Dương công vào làm chủ thành Đại La, kính cáo trời đất, tổ tiên, thuận theo lễ nghĩa lên giữ ngôi cao để an định muôn dân mới là kế vẹn toàn.

Phạm Bạch Hổ còn chưa nói xong, Dương Đình Nghệ đã điềm đạm nói:

– Việc thư thả vào thành ta thuận theo ý của các tướng, còn như việc giữ ngôi cao không thể Dương mỗ này tự tiện làm được. Đợi khi vào thành, ta sẽ cho mời Phạm công đất Đằng Châu, Kiều công đất Phong Châu, huynh trưởng Ngô Mân ở Đường Lâm đến cùng thương nghị mới được. Người phương Nam chúng ta phải có lễ nghĩa trên dưới rõ ràng mới sâu gốc bền rễ để chống nhau với giặc Bắc.

Các tướng nghe như nuốt lấy từng lời rồi nhất nhất theo sự điều tiết của Dương Đình Nghệ ai về trại nấy chuẩn bị cho việc vào tiếp quản Đại La thành.

*

Đây nói tiếp chuyện ở trong thành Đại La.

Sau đêm Lý Tiến cùng Độc Toàn Chân dùng thuyền nhẹ nửa đêm ngược dòng sông Cái về phương Bắc biệt dạng, ngôi đại điện chỉ còn mấy viên tuỳ tướng cùng đám quan văn suốt ngày hôm sau ngơ ngác nhưng không dám vào trong soái phủ tìm Lý Tiến mà chỉ quanh quẩn đôn đốc vòng ngoài.

Mãi đến chiều tối, có viên quan văn là Phạm Bang người gốc Đằng Châu vốn có cha trước đây theo hầu Khúc Hạo trong lòng nghi hoặc mới mạnh dạn vào đại điện dò xét tình hình. Khi nghe mấy viên tùy tướng thông báo từ sáng không thấy chúa công gọi sai bảo, lại không thấy tổng quản Độc Toàn Chân đến soái phủ, còn chưa biết tình hình ra sao. Xưa nay trong soái phủ có việc gì đều phải có bộ tướng của Lý Tiến ra truyền mệnh, đám tùy tướng ở ngoài cứ thế tuân theo chứ tuyệt đối không được xông vào soái phủ.

Phạm Bang nghe rõ đầu đuôi câu chuyện mới mạnh dạn nói:

– Có lẽ chúa công có điều gì phải mật nghị với tổng quản chăng? Ta không dám đoán bừa nhưng nếu đến sáng mai chúa công chưa cho gọi các tướng hãy thông báo cho đám quan văn chúng ta cần vào thỉnh thị xin ý chỉ về việc chuyển gỗ đá lên mặt thành phòng giặc mới được.

Phạm Bang lòng nghi hoặc đi ra gọi các quan văn xì xào bàn tán mãi không thôi.

Đám tùy tướng cũng chỉ biết đi đi lại lại canh gác ngôi đại điện chứ tuyệt không dám xông vào trong soái phủ vẫn đang im lặng như tờ. Chiếc bàn gỗ lớn phía trên là tấu chương ấn tín vẫn để nghiêm ngắn đầy ăm ắp. Phía sau chiếc ghế bọc da hổ uy nghi, hai thanh kiếm bắt chéo nhau nghiêm trang trên giá gỗ người ngoài nhìn vào tưởng như Lý đại nhân đang mật nghị trong phòng cùng Độc Toàn Chân.

Sáng bạch hôm sau, Phạm Bang dẫn hơn hai chục quan văn cùng mấy viên tiểu tướng gác cổng thành vào đại điện xin gặp ngài thứ sử định liệu việc quân vẫn chỉ thấy mấy viên tiểu tướng ngơ ngác nơi sảnh ngoài.

Phạm Bang mạnh dạn đứng ra nói:

– Nay việc đã gấp rồi, ta đành cùng các quan tướng vào trong soái phủ bẩm báo với chúa công địch tình bốn phía. Nếu có gì phạm thượng ta xin cam lòng chịu tội.

Nói đoạn, Phạm Bang dẫn đầu mấy viên tiểu tướng và đám quan văn tiến thẳng vào trong soái phủ.

Bước đến trước chiếc bàn gỗ lớn nhìn thấy ấn tín nghiêm trang, các tấu chương ăm ắp chưa được phê duyệt, Phạm Bang chợt giật mình nhìn chiếc ghế trống trơn phía sau phòng nghỉ của Lý đại nhân cửa đóng im ỉm bèn mạnh dạn cùng mọi người tiến vào đẩy mạnh cánh cửa. Hai tấm cửa gỗ lim nặng chịch từ từ mở ra cũng là lúc mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Trên chiếc giường thất bảo sang quý chạm trổ rồng phượng uy nghi không một bóng người chỉ đôi gối thêu rồng nghiêm ngắn.

Đám Phạm Bang nhìn quanh trong phòng chỉ thấy vắng ngắt, sách vở nghiêm ngắn trên bàn gỗ, mấy bức tranh quý sạch bóng im lặng trên tường, tiếng con thạch sùng chậc lưỡi nơi góc nhà càng khiến gian nhà trở nên tịch mịch.

Phạm Bang bất giác kêu lớn:

– Chúa công đã rời thành về phương Bắc rồi!

Đám người từ ngơ ngác dần trở sang sợ sệt nhìn nhau. Ai cũng nghĩ đến cảnh bên ngoài bốn mặt binh tướng các châu quận đang vây chặt La thành, bên trong Lý đại nhân cùng các cận thần đã sớm trốn về phương Bắc. Mọi người bất giác nhìn nhau không ai dám nói một lời.

Khi đám người lục tục kéo ra đại điện Phạm Bang mới rầu rĩ nói:

– Chúa công nửa đêm rời thành không thông báo với quan tướng lấy một lời, bây giờ bọn ta biết chống giữ ra sao?

Một viên tùy tướng bước ra nói:

– Mấy vạn tinh binh mãnh tướng của Trần Bảo còn vong mạng đất Giang Biên, chúng ta quân binh rệu rã, lương thảo cạn kiệt, chúa công lại bỏ thành mất dạng, nay chỉ còn nước chết mà thôi.

Một viên tiểu tướng chuyên công việc giữ cổng thành tiến ra bàn:

– Hôm trước ta nghe nói, chủ tướng Dương Đình Nghệ còn cấp thóc gạo cho binh Hán về phương Bắc, lại tế lễ kẻ trận vong chu đáo lắm. Nay chúng ta thành tâm ra hàng tất Dương công không nỡ giết đâu. Xưa nay, người phương Nam chưa bao giờ tuyệt đường người phương Bắc đã đầu hàng.

Đám quan văn và mấy viên tiểu tướng xôn xao bàn tán. Đã có người lặng lẽ cáo lui thay trang phục trốn ra khỏi ngôi đại điện. Mấy viên võ tướng có kẻ đã cởi giáp mặc thường phục đi lẫn hút nơi mấy tòa nhà kho phía cửa Đông. Ngôi đại điện sau lúc đám người bàn tán xì xầm chỉ thoáng chốc đã trở nên vắng ngắt.

*

Đúng như đã hẹn với các tướng, năm ngày sau, Dương Đình Nghệ nhất tề cho quân tiến vào bốn mặt thành. Luôn mấy hôm trước, sau khi biết chắc Lý Tiến cùng Độc Toàn Chân đã nửa đêm bỏ ấn tín trốn về phương Bắc, đám binh lính trong thành bỏ trốn rất nhiều. Không kể là binh lính người Giao Châu hay người Hán hễ trốn được là chúng trèo qua thành bỏ trốn. Nhiều toán lính kiếm được thuyền nhỏ trà trộn vào đám lái buôn phương Bắc rời khỏi thành. Theo mệnh lệnh của Dương công, các cổng thành, các khu tường thành đều để lỏng lẻo mặc cho chúng trốn. Đám tùy tướng và quan văn trong thành ai nấy biết trước cơ sự mất thành nên không còn hống hách như trước. Chúng cũng không dám đốt phá cướp bóc gì bởi còn lo giữ an toàn tính mạng. Thành Đại La bên ngoài phẳng lặng nhưng bên trong ẩn chứa những sợ hãi, đồn đoán, trốn tránh ngổn ngang trăm mối trước ngày binh tướng của Dương Đình Nghệ nhập thành.

Khi tiếng loa truyền đọc gọi binh lính trong La thành cởi bỏ gươm giáp, xếp thành đội ngũ, cử các quan văn ra bốn phía cổng thành nghênh đón binh tướng của Dương Đình Nghệ vang lên cũng là lúc trong toàn thành Đại La tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng kèn tập hợp đội ngũ, tiếng xì xầm, ồ à vang lên các doanh trại bốn góc thành. Luôn mấy hôm, binh lính bản xứ đã bỏ trốn sạch cả kéo theo hàng ngàn binh lính Hán khiến trong thành bây giờ còn chưa đầy vạn binh mã. Theo chủ kiến của Phạm Bang bàn với mấy viên tướng giữ thành, dãy chuồng ngựa đã được các quản ngựa đóng niêm phong chờ giao nhận. Binh lính đã cởi bỏ áo giáp gươm đao đưa vào các kho khóa lại. Ai cũng mong giữ được mạng sống nên không ai dám cầm một tấc sắt trong người. Binh lính Hán đều biết không phải là đối thủ của tướng lĩnh Dương công. Sau mấy trận chiến bị voi giày ngựa xéo, đám lính Hán hễ nhác trông thấy voi là hồn bay phách tán. Biết trước sự tình của binh tướng Hán, Dương Đình Nghệ hạ mệnh lệnh toàn quân không được đưa voi chiến vào thành. Trên lưng ngựa nơi cổng chính phía Nam, Dương Đình Nghệ mình bận phẩm phục đại quan, lưng thắt đai ngọc xanh, đầu đội khăn nhiễu tím, chân đi hài tía thêu phượng thong thả tiến bước. Hai bên là hai vị tướng giáp trụ sáng ngời oai phong lẫm liệt, đầu đội mũ đâu mâu khảm bạc, lưng đeo trường kiếm thắt đai xanh. Phía sau là sáu hàng kỵ binh giáp trụ sáng ngời tiến thẳng vào đại điện.

Nơi cổng Bắc thành, cánh cổng kiên cố nhất của Đại La thành đã mở toang, đại đội binh mã Phong Châu lẫm liệt kéo vào. Đi đầu là chủ tướng Kiều Công Tiễn giáp phục gọn ghẽ, đầu đội mũ đâu mâu đính ngọc, lưng đeo thanh bảo kiếm gia truyền cùng chúng tướng chia thành năm hàng người ngựa hùng dũng tiến vào. Ở các cổng phía Đông và phía Tây đều có những vị tướng quân mang giáp trụ, binh lính chỉnh tề thẳng tiến vào trong xếp thành đội ngũ nghiêm trang.

Dương Đình Nghệ xuống ngựa cùng các tướng bước thẳng vào ngôi đại điện thành Đại La. Đại điện gần như vắng lặng. Mãi tít nơi góc điện, chỉ thưa thớt đám quan văn đang sợ sệt đùn đẩy lẫn nhau. Phía sân ngoài, binh lính Hán mặc thường phục đi chân không xếp thành đội ngũ, phía trước mấy viên tiểu tướng tự trói mình quỳ xuống đất roi đặt ngang lưng có ý xin chịu tội. Dương công cùng chúng tướng bước vào trong đại điện thấy trên bàn gỗ lớn ấn tín còn nguyên đó, những là sổ sách tấu trình vẫn ngay ngắn trên bàn. Chiếc ghế bọc da hổ nơi Lý Tiến thường ngồi điều hành chính sự dường như vẫn còn ấm hơi người.

Dương Đình Nghệ quay lại bảo các tướng:

– Binh tướng ta nay đã vào được thành Đại La mà không phải đổ máu quả là hồng phúc của nòi giống, phúc trạch của muôn nhà. Các tướng hãy mau chóng yên ổn binh sĩ, vỗ về nhân dân. Phàm là binh lính Hán đã đầu hàng tuyệt đối không được giết mà phiên thành đội ngũ mai kia trả chúng về phương Bắc. Đám quan văn người nào có lòng ở lại các ngươi cũng phải thực bụng tin dùng. Các kho tàng trong thành kê biên cho đủ. Thóc gạo tiền bạc hãy đem phát một phần an ủi muôn dân. Đoàn Thành, ta phiền tiên sinh sớm soạn thư mời tới Kiều công ở Phong Châu, Phạm công ở Đằng Châu và Ngô huynh ở Đường Lâm sớm tới cùng ta bàn việc lớn. Binh tướng các châu, sau khi ổn định La thành hãy chia nhau ra ngoài hạ trại để yên ổn nhân tâm. Phạm Bạch Hổ hãy mau sửa soạn đội thủy binh đóng bến Giang Biên không được xâm phạm các thương thuyền làm ăn vào ra chốn kinh thành. Phàm người phương Bắc phương Nam, miền xuôi miền ngược, miền biển miền đồi ra vào làm ăn thuỷ bộ đều mau chóng thông thương. Binh lính Hán triều giả làm thương khách trốn về cứ để mặc họ, ta càng đỡ mang tiếng bắt đến vạn tù binh gây kinh động Hán triều. Mọi việc lễ nghĩa khác, đợi khi các vị huynh trưởng đến sẽ lại bàn định sau.

Các tướng nghe xong ai vào việc nấy. Thành Đại La một ngày thay chủ long trời lở đất mà tuyệt nhiên không hề có tiếng binh đao đầu rơi máu chảy quả là cổ kim chưa từng thấy vậy.

Ngay buổi trưa hôm đó, Dương Đình Nghệ cho khao thưởng ba quân tướng sĩ trong thành Đại La. Do được chuẩn bị từ mấy hôm trước, mọi việc rượu thịt bánh trái phục dịch đều rất chu tất. Quân nào đội nấy vừa nghiêm trang tề chỉnh vừa phấn chấn vui tươi. Dương công lại cho mời mấy chục bô lão trong thành đến đại điện dự tiệc khao quân. Ngay như đám hàng tướng hàng binh Hán cũng được ăn uống tử tế rồi cho rời thành ra nơi bãi sông đóng trại dưới sự trông giữ nghiêm ngặt của quân Phong Châu đợi ngày về phương Bắc.

*

Tin Dương Đình Nghệ cùng binh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu đại thắng quân Hán, giết chết Trần Bảo tại bến Giang Biên khiến thứ sử Lý Tiến nửa đêm bỏ ấn tín rời khỏi thành Đại La, tiếp đó Dương công cùng ba quân tiến vào thành yên ổn nhân dân, giữ nguyên kho tàng, lại cho ngót vạn tù binh về phương Bắc gây chấn động các vùng châu quận, sách động toàn cõi An Nam.

Khắp nơi, muôn dân nô nức giết trâu ngựa, treo đèn kết hoa mở hội ăn mừng. Người An Nam xưa kia là các vùng đất thuộc các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam kéo dài hàng ngàn dặm đã nhiều lần đánh đuổi giặc phương Bắc đứng lên tự chủ. Từ thời thượng cổ, mười tám đời vua Hùng Vương đã tự chủ xưng vương dựng quốc đô ở vùng đất Phong Châu. Tiếp đó, đến thời An Dương Vương, Trưng Nữ Vương đều đánh giặc lập nước truyền đến mai sau. Đến ngày Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương nối nền độc lập, dựng nước Vạn Xuân xây chùa Trấn Quốc càng khẳng định phương Nam là có chủ. Tiếp đến Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đều xưng vương lập quốc phân biệt rõ phong tục Bắc – Nam. Tiếp đó họ Khúc mấy đời làm chúa Giao Châu. Tuy một mặt vẫn nối thông triều cống các hoàng đế phương Bắc, song mọi sự trị nhậm đều do người phương Nam tự kiêm quản. Mối giềng đã định, ân đức các anh hùng hào kiệt An Nam thảy đều sáng rõ. Nay Dương Đình Nghệ có công đuổi giặc Hán, rửa nhục cho họ Khúc, lại lấy sự khoan dung độ lượng làm đầu, quả là có phong độ của bậc chân chúa khiến các vị hào trưởng, tướng lĩnh, phụ lão hương thân các vùng đều tín phục.

Dương công vào thành Đại La vỗ về dân chúng, ổn định hai ban văn võ rất quy củ, lại chưa dám tự mình ở ngôi cao còn cho mời các nha tướng cũ của họ Khúc, hào kiệt bốn phương về bàn việc lớn quả là người biết nhún nhường. Khắp trong thành ngoài nội đều nhất nhất cảm kích ơn đức của Dương công, mong muốn ngài nối theo họ Khúc trị nhậm An Nam để muôn dân hưởng thái bình. Đến như các hào trưởng lớn đều đã sớm có ý suy tôn Dương Đình Nghệ lên ngôi cao, yên dân mở đất để người phương Nam cường thịnh khỏi thẹn với nòi giống tổ tông.

Luôn mấy hôm đón tiếp các đoàn hương thân phụ lão các vùng Cổ Loa, Chu Diên, Đường Lâm, Cổ Pháp, Siêu Loại, Hồng Châu, Phong Châu, Đằng Châu, Ái Châu, Hoan Châu… đến chúc mừng, các tướng Phạm Bạch Hổ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Đoàn Thành, Phạm Bang… ân cần đưa các bậc lão trượng đến dâng hương chùa Trấn Quốc, sắm sửa lễ bái vọng nơi thờ tự các vị vua người An Nam thủa trước. Các bô lão ai cũng trầm trồ khen tài đức của Dương công và sự uy nghiêm của các tướng.

Từ Phong Châu, Kiều công dắt theo mười bảy vị bô lão xuống thành Đại La. Kiều công vừa đi vừa ngắm phong cảnh núi non đường sá rất tâm đắc. Khi nhận tin binh tướng Phong Châu vào thành mà không phải giao tranh, Kiều công mừng lắm. Ông lập tức cho mời các bô lão đức cao vọng trọng ở Phong Châu cùng với mình xuống thành Đại La. Mới đến cửa Bắc thành, còn đang ngắm nghía hào nước rộng đến bảy tám trượng nối thông ra đầm Sương Mù cảnh sắc thư thái như không hề xảy ra nạn binh đao đã thấy trong thành, một toán người khôi giáp chỉnh tề, người đi đầu chính là Dương Đình Nghệ bận nhung phục xanh, đầu chít khăn nhiễu tía, chân đi hia thêu phượng ra tận cổng nghênh đón tươi cười thi lễ nói:

– Tại hạ Dương Đình Nghệ xin khấu chào Kiều công vạn an. Luôn mấy tuần nay, tại hạ mong Kiều công xuống La thành chỉ giáo cho tại hạ.

Kiều công thấy Dương Đình Nghệ lâu ngày không gặp giờ tuổi tác đã lớn nhưng phong độ khí phách còn có vẻ hơn xưa, lời nói ôn hòa khiêm nhượng, bèn thủ lễ đáp:

– Dương công thật là bậc anh hùng không quản dầu sôi biển lửa, đem binh xông vào nơi tên đạn đuổi giặc mạnh lập huân công, rửa nhục cho Khúc chúa, đề cao chí khí anh hùng của người phương Nam chúng ta khiến đại tướng Trần Bảo trận vong, tổng quản Lý Tiến cởi bỏ ấn tín về Bắc quả là xưa nay hiếm vậy.

Lời Kiều công còn chưa dứt, phía cổng thành lại có hơn chục bô lão râu tóc trắng như cước, quần chùng áo dài trang nghiêm, đầu chít khăn nhiễu đỏ, lưng thắt đai thiên lý xanh đĩnh đạc bước vào. Đi đầu là một tráng niên đầu tóc hoa râm cao lớn đường bệ dáng đi thong thả khoan thai tiến tới thủ lễ chào:

– Tại hạ nơi Đằng Châu xa xôi nay mới kịp đến chúc mừng Dương công, chúc mừng Kiều công sớm đuổi tan giặc Bắc để muôn dân có buổi thái bình.

Dương Đình Nghệ vội tiến đến vái chào vị khách:

– Tại hạ xin cảm tạ Phạm công. Không ngờ bao năm nay gặp mặt Phạm công vẫn hùng tráng như xưa. Cũng may nhờ linh khí của trời đất non sông, oai dũng của các tướng sĩ Đằng Châu, Phong Châu, tại hạ mới sớm đuổi được lũ giặc về Bắc. Tại hạ đêm ngày mong các vị xuống Đại La thành chỉ giáo đại cục cho. Nay gặp mặt thật là vạn hạnh.

Lời còn chưa dứt, nơi cổng thành lại tiến vào một đoàn bô lão dẫn đầu là vị lão trượng khí mạo oai phong râu dài chấm ngực từ xa đã vang lên tiếng nói như chuông:

– Các vị huynh trưởng, hào trưởng khí thế thật anh hùng! Lão hủ đây nay già rồi, già thật rồi.

Dương Đình Nghệ, Kiều công, Phạm công bất giác nhìn ra thấy rõ ràng là Ngô Mân lão trượng châu mục châu Đường Lâm đã mười mấy năm không gặp vẫn tính khí như xưa bèn đều tiến bước đến thủ lễ:

– Ngô châu mục mới quả thực là bậc tiên phong đạo cốt. Nghe nói châu Đường Lâm thóc lúa chật bồ, trâu bò dê ngựa vô số, muôn dân thái bình ngày không phải đóng cửa, đêm chẳng phải cài then. Người Đường Lâm bao nhiêu năm nay chỉ biết tới Ngô huynh chứ không biết đến Đường triều Hán đế thế nào. Xin bái phục! Xin bái phục!

Ngô Mân tươi cười nắm tay Kiều công nói:

– Kiều huynh mới thật là bậc tiên hiền, đất Phong Châu mới là vùng đất rồng chầu hổ phục. Thành Phong Châu xưa kia là quốc đô của người An Nam chúng ta nào có kém gì Đại La thành đâu. Nghe nói Kiều công tử văn võ song toàn dẫn binh lập công vang danh khiến quân Hán nghe đến đã khiếp vía đi rồi.

Kiều công vội đỡ lời nói:

– Ngô huynh quá khen Kiều mỗ rồi! Trong công cuộc đánh đuổi lũ Hán tặc về nước, đại chiến Giang Biên, dẫn đầu toàn quân quyết chiến phá thành đốt trại, chém tướng chặt cờ lập đại công phải là tướng Ngô Quyền – công tử trưởng của Ngô huynh mới là bậc kỳ tài trong thiên hạ.

Nói đến đó, lại thấy Phạm công tiến tới phía trước Ngô Mân xá tay chúc mừng:

– Huynh trưởng! Tiểu đệ xin chúc mừng Ngô huynh có được vị tướng trời ban. Luôn mấy trận đại phá quân Hán, Ngô công tử anh dũng quả đoán, mưu lược tài tình đã lập đại công lớn. Tiểu đệ đây thật ngưỡng mộ oai danh thần tướng của Ngô Quyền.

Vừa nói, các vị hào trưởng, châu mục vừa bước vào đại điện đã được treo đèn kết hoa rực rỡ. Dương Đình Nghệ toan cho khiêng bỏ chiếc bàn lớn và chiếc ghế bọc da hổ nơi chính điện đã thấy Ngô Mân tiến ra nói:

– Người An Nam chúng ta dẫu lấy lễ nghĩa làm đầu nhưng nơi đại điện vẫn cần phải phân phong chủ khách mới vẹn toàn sau trước được. Nay xin mời Dương công ngồi vào ghế chủ trì cho.

Kiều công và Phạm công đồng thời lên tiếng:

– Xin kính mời Dương công vào ghế chủ trì để chúng ta cùng bàn việc nước.

Dương Đình Nghệ mấy lần từ chối song các bậc lão trượng nhất quyết không chịu tiến tới dìu Dương công vào ghế lớn rồi chia ra hai bên ngồi xuống trang nghiêm.

Trong ngôi đại điện hương trầm phảng phất, bảy mươi bảy cụ bô lão từ khắp các vùng Hoan Châu, Ái Châu, Phong Châu, Đằng Châu, Cổ Loa, Chu Diên, Đường Lâm, Cổ Pháp, Siêu Loại, Hồng Châu nghiêm ngắn lắng nghe Dương công thay mặt các tướng sĩ thuật lại toàn bộ quá trình xuất binh đánh đuổi quân Hán về nước.

Dương Đình Nghệ nói đến đâu, các bậc trưởng lão mặt mũi phấn chấn rạng ngời đến đấy. Mỗi khi có được huân công đuổi lũ giặc phương Bắc, người An Nam thảy đều mừng rỡ, ai cũng mong sớm có ngày tự làm chủ đất đai tiên tổ của mình.

Nơi đại điện, cuộc họp bàn định luận công trạng cho các tướng sĩ vô cùng sôi nổi. Chúng tướng cùng các vị hào trưởng, châu mục, lão trượng đều thống nhất suy tôn Dương Đình Nghệ đứng công đầu trong công cuộc đại thắng. Mọi người đều suy tôn Dương công lên kiêm quản thành Đại La và các vùng đất thuộc An Nam. Dương Đình Nghệ mấy lần từ chối đều không được bèn tạm theo ý chúng tướng làm chủ thành Đại La. Dương công lại cho các hào trưởng, châu mục tự cai quản các vùng đất cũ của mình mà không phải phu phen thuế khóa để muôn dân khỏi lầm than. Các châu mục, hào trưởng cùng nhau kết giao, uống máu ăn thề, hứa kết thông gia, lại bàn chuyện trao đổi sản vật, thóc gạo, voi ngựa, trâu bò, sắt muối để cùng muôn dân cường thịnh kíp phò tá Dương công trị nhậm nơi Đại La thành. Gần một tuần trăng, các châu mục, hào trưởng, lão trượng đi thăm thú kết giao trên bến dưới thuyền vui vẻ, dâng hương đền miếu vô cùng trang nghiêm thành kính.

Thành Đại La luôn cả tháng trời vui vẻ nhộn nhịp, phố phường tấp nập. Chưa bao giờ người khắp xứ lại toàn là những bậc tinh hoa đáng kính chung vui góp mặt đông đủ nơi kinh thành như thế. Âu cũng là phúc lớn của người xứ An Nam.

1. Ngô Vương: Hồi thứ nhất – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
2. Ngô Vương: Hồi thứ hai – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
3. Ngô Vương: Hồi thứ ba – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
4.
 Ngô Vương: Hồi thứ bốn – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
5. Ngô Vương: Hồi thứ năm – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
5. Ngô Vương – một mô hình tiểu thuyết lịch sử