Nguyễn Hồng Lam & Huyền sử

673

02.9.2017-17:20

 Nhà văn Nguyễn Hồng Lam – Ảnh: PH

 

Huyền sử

 

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN HỒNG LAM

 

NVTPHCM- Đất này đã quá điêu linh, đừng vì hân hoan mà khiến muôn dân phiền nhiễu. Lo lấy việc khôi phục mùa màng ruộng bãi làm điều kíp…

 

“Ngày mai chớp rạch đằng Đông

Mẹ ơi con đã đi xong kiếp người!”

 

                         (Lời Gióng)

 

Giặc tan, Gióng phóng ngựa lên đỉnh Sóc Sơn ghìm vó. Giang san chìm trong đáy mắt. Lửa vẫn cháy và tre pheo vẫn nổ. Thây giặc rải đầy đồng. Nắng chiều rắc nhạt. Quê hương ngàn dặm hằn in muôn vó ngựa, ngập trong màn khói. Lặng yên trên lưng chiến mã, mắt tráng sĩ dõi xa xăm, vời vợi nét buồn u uẩn. Ôi! Non sông! Tan tác lắm rồi!

 

– Tráng sĩ! Xin hãy dừng chân!

 

Quan quân lần lượt bỗng mọc lên sau phiến đá, áo đẫm mồ hôi. Dốc núi lởm chởm khiến họ bước trầy trật, miệng thở phì phò. Nén hơi thở gấp, viên lễ quan dẫn đầu chắp tay trước ngực:

 

– Thưa tráng sĩ! Nhờ hồng phúc muôn đời, đao binh nay đã lắng. Hùng Vương ngóng đợi, trăm họ chờ trông. Dám mong tráng sĩ hồi chiến mã cho muôn dân thỏa lòng chiêm vọng oai hùm.

 

Gióng vẫn bất động trên yên, đầu không ngoảnh lại. Đôi mắt buồn còn mãi say đắm chân trời xa. Viên lễ quan hối thúc:

 

– Dám mong tráng sĩ…

 

Ngựa chao chân. Gióng khẽ lắc đầu:

 

– Ta rất tiếc, vì đã sắp đến giờ vĩnh quyết…. Xin Hùng Vương và trăm họ thứ tha cho kẻ chẳng trở về.

 

– Nhưng thưa…

 

Quan quân tròn mắt ngơ ngác. Gióng cười buồn bã:

 

– Phải, và xin chớ ngạc nhiên. Ta sinh ra để cùng dân đi hết can qua. Nay đã hết tên bay lửa đỏ, cát bụi lại trở về cát bụi.

 

– Xin người khoan vội. Đất này khói lửa vừa tan, ngày vui tấu khúc khải hoàn không thể vắng người.

 

– Đất này đã quá điêu linh, đừng vì hân hoan mà khiến muôn dân phiền nhiễu. Lo lấy việc khôi phục mùa màng ruộng bãi làm điều kíp. Phần ta đã quyết, không thể đổi.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

 

Hàng lính sau lưng im phăng phắc. Viên lễ quan sợ hãi:

 

– Tráng sĩ là thánh nhân cải thế giúp đời, Hùng Vương muốn người về lo việc chăm dân. Ý Chúa đã truyền, kẻ tôi đòi này thực hiện không thành e đắc tội. Vì trăm họ, xin chớ chối từ.

 

Gióng lại lắc đầu:

 

– Hùng Vương lầm rồi. Ta sinh ra chỉ để làm trai thời loạn, không thể giúp nước thời yên. Từ trước đến nay chỉ biết luyện cung đao, việc đời chưa từng trải. Sinh chốn ruộng nương mà tay không biết cấy cày; mắt buổi sinh thời không hay có nghề canh cửi… lo cho muôn dân sao được? Chỉ biết lưng ngựa, dẫu ta ở lại cũng không thể tự nuôi thân. Ăn ba nong cơm bảy nong cà, dân thêm khó nhọc, đó là mầm tai họa. Xin Hùng Vương hãy tìm kẻ khác. Người hiền giúp nước, đời không bao giờ thiếu.

 

– Tráng sĩ mưa nắng đã nhiều…

 

– Không! Làm trai tất phải đền ơn vua, trả nghĩa nước. Công lao với ta xin chớ nhắc. Đã chẳng ích gì, dám đâu ở lại xin đắc tội. Vì muôn dân, ta biết không thể ở. Hùng Vương với muôn dân rộng lượng chắc cũng không nỡ trách.

 

– Nếu giặc trở lại, tráng sĩ không ở, biết tìm ai?

 

– Đừng nghĩ đến đao binh nhưng cũng đừng xao nhãng việc đao binh. Lấy an dân làm sức mạnh, dựng nước làm chỗ dựa phòng. Dân giàu nước mạnh, giặc tất phải lui. Hùng thiêng sông núi, chính nghĩa lòng trời sinh tạo anh hùng. Có biến, nhân tài sẽ hiện, đừng quá lo sợ. Còn ta, người chỉ một thời…!

 

Gióng ngừng lời. Ngựa ruổi rong chồn chân gõ móng. Biết không lay được ý chí người đi, nhưng quan quân vẫn hoài năn nỉ:

 

– Thưa tráng sĩ! Chí dứt áo lòng người đã quyết, kẻ tiện dân này chẳng dám bàn. Chỉ ngặt vì… Hùng Vương tuổi đã cận kề trời đất, cũng muốn tìm phò mã, Mỵ Nương công chúa cũng đã đẹp lòng, trăm nhà đang đợi…

 

– Ha! Ha! Ha!

 

Gióng ngửa mặt lên trời cười lớn, rồi cúi xuống, khóe mắt trầm ngâm:

 

– Tình yêu ư? Ta e không phải! Từ thuở lọt lòng, ta với Mỵ Nương chưa hề gặp mặt, sao có thể gọi tình yêu? Chẳng qua đó là vì ta được trời cho chút oai nam tử. Nếu không có cơn binh lửa kia, công chúa trên chín đài cao, liệu có biết đến ta, kẻ con nhà thứ dân? Với lòng riêng, Gióng này xin từ tạ. Nếu thật phải nhân duyên, xin phụ lòng lỗi hẹn kiếp này. Trái tim ta chỉ có thể sẻ chia cùng sông núi…Thôi, ta đã đến giờ vĩnh quyết. Xin Hùng Vương và những người ở lại hãy lau giùm ta dòng lệ đợi chờ trên mắt mẹ chưa khô. Nói với mẹ, rằng ta thương mẹ lắm…

 

Đoạn xuống ngựa ngó trời trong giây lát rồi cởi giáp sắt, xếp nón sắt, nâng cao quá đầu, lạy tạ đất trời bốn phương tám hướng. Đặt nón áo nhẹ nhàng xuống đất, Gióng phốc lên lưng thiết mã. Ngựa rướn cao đầu, hí vang mấy tiếng rồi tung vó đưa chủ lao mình xuống vực.

 

Quan quân kinh sợ, sụp lạy như tế sao. Lúc ngẩng đầu lên, hình hài đã không còn thấy nữa. Dưới lòng khe vọng lên một tiếng nổ long trời rồi ầm ầm đất rơi đá lở. Vội vã kéo nhau lên miệng vực nhìn xuống thì tất cả đều yên lặng. Một làn khói mỏng nhẹ tênh từ dưới lòng khe tỏa lên, tan lẫn rất nhanh vào muôn phương gió. Nước mắt ròng ròng, quan quân đốt đuốc tìm mãi suốt đêm vẫn không thấy thi hài, vội vã quay về bẩm báo.

 

Hùng Vương ngậm ngùi:

 

– Đất nước này mất một người con. Không! Đó không phải là cái chết. Các ngươi đã trông lầm. Không phải Gióng gieo mình miệng vực. Tráng sĩ đã cưỡi ngựa về trời để sống đời bất tử. Người đã theo con đường của thánh nhân để vào cõi vĩnh hằng. Người không thể chết…

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Đá thiêng – Vân Hạ

>> Gặp nhau giữa sân trường – Nguyễn Thị Bích Nhàn

>> Tìm em – Văn Giá

>> Lão Sướng – Phạm Thanh Khương

>> Với tay là đến – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Người mẹ đơn thân – Trương Tri

>> Mùa chim chích – Trần Quốc Cưỡng

>> Cơn giông chiều – Mai Hương

>> Chiếc nhẫn kim cương – Nguyễn Thị Việt Nga

>> Tượng Balzac – Lê Đạt

>> Trăng – Lê Nguyệt Minh

>> Dứa dại – Đỗ Kim Cuông

>> Một cánh bướm nào đó – Nhật Chiêu

>> Phù hư – Ngô Đình Hải

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…