Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Nhắc lại một lần nữa: Biển Đông không phải là ao nhà của Trung Quốc”

1060

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Thưa ông Trần Đăng Khoa! Trong chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Quốc gia VTV1, tối ngày 19-7-2019 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chính thức lên tiếng về tình hình Biển Đông. Cũng theo lời bà Thu Hằng, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Ông nghĩ sao về hành động mới này của Trung Quốc?

Trước hết, cần phải nói ngay rằng, đây không phải hành động mới của Trung Quốc. Mà là một việc cũ rích. Trung Quốc thường xuyên quấy phá, xâm lấn. Từ hàng ngàn năm nay, chúng ta chưa bao giờ được yên vì ông láng giềng này. Tôi đã có lần nói, nói một cách đắn đo, cân nhắc, chứ không phải nói bừa, nói ẩu rằng, cái bi kịch lớn nhất của chúng ta là phải ở bên cạnh một ông hàng xóm rất xấu tính mà không biết dọn đi đâu để yên thân được.

– Là một cựu lính biển, lính Trường Sa, cũng từng viết và nói rất nhiều về biển đảo, đặc biệt là Trường Sa, với góc độ một người lính, một cựu chiến binh, ông thấy sao?

Cũng như trước đây, tôi không ngạc nhiên và bất ngờ trước những hành động của Trung Quốc. Xin các vị hãy nhìn lại các sự kiện vào những năm 1974, 1979 và 1988, rồi cả trước và sau đó nữa thì sẽ thấy rất rõ mưu đồ của Trung Quốc là muốn gặm dần lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đất liền và biển đảo. Hoàng Sa, Trường Sa luôn là những chảo lửa, không biết sẽ bùng lên lúc nào. Đây cũng là vùng lãnh hải thiêng nhất và cũng bất an nhất của nước ta. Nếu đất nước của chúng ta có những biến động thì sẽ bắt đầu từ vùng sóng gió này.

Việt Nam và Trung Quốc luôn bắt tay nhau, coi nhau như những người bạn tốt. Giữa ta và nước láng giềng có 16 chữ vàng: “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”. Nhưng dường như người bạn láng giềng đã phản bội điều đó, dối trá một cách trơ trẽn

Chúng ta đã tôn trọng, thực hiện đúng cam kết, nhưng Trung Quốc luôn nói một đằng làm một nẻo. Trung Quốc luôn chửi các nước tư bản, lấy đó răn đe nhắc nhở ta rằng hãy vì Đại cục. Nhưng “tiểu cục” còn nhem nhuốc chẳng ra gì thì làm sao có được một “đại cục” tử tế. Hãy nhìn các nước khác trên thế giới, mà trong đó hầu hết là các nước tư bản, họ sống với nhau rất êm đềm, hòa thuận. Tôi đi từ Pháp sang Đức, từ Đức sang Bỉ, hay từ Anh sang các nước khác, không thấy biên giới, cũng không có hải quan. Cứ đi thẳng một lèo. Khi nhìn lên biển chỉ đường, thấy dòng chữ khác, mới hay mình đã sang nước khác rồi. Ngay cả kẻ thù của chúng ta xưa như Pháp và Mỹ, mặc dù có lúc rất tàn bạo, nhưng họ không chiếm của ta một mét đất nào, một vốc biển nào. Còn ta với Trung Quốc thì sao? Mang danh anh em “môi hở răng lạnh”, luôn nêu cao 16 chữ vàng, nhưng họ lấn của ta từng gốc cây ngọn cỏ.

Họ nắn cả dòng chảy của sông suối để nước xói mòn sang phía ta. Đấy là trò rất trẻ con và rất bẩn thỉu. Ấy thế mà rồi cứ như tằm nhấm lá dâu, cả một vùng đất đai cương giới của ta nằm gọn trong túi họ. Xin đơn cử: Cửa Ải Nam quan, cột cây số không, nơi Nguyễn Trãi chia tay cha là Nguyễn Phi Khanh, giờ đã nằm sâu trong đất Trung Quốc. Thác Bản Giốc vốn từ bao đời là danh thắng của chúng ta, giờ Trung Quốc đã gặm một nửa. Rồi Hoàng Sa là của chúng ta, Trung Quốc cũng đã cướp và chiếm đóng trái phép mấy chục năm nay. Và bây giờ, Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 8 lấn sâu vào thềm lục địa của ta, rồi ngang nhiên tấn công các tầu thuyền chức năng của ta, vu vạ ta gây hấn với họ. Đó là một hành động ngang ngược và vô cùng bẩn thỉu. Cũng như hồi họ cắm giàn khoan 981 cách đây mấy năm. Đúng là “vừa ăn cướp vừa la làng”.

– Đằng sau mỗi hành động của Trung Quốc đều có những tính toán. Bây giờ họ lại đưa giàn khoan Hải Dương 8 vào sâu thềm lục địa của chúng ta. Họ có âm mưu gì? 

Họ có âm mưu gì thì chúng ta cần theo dõi. Lại nhớ hồi họ đưa giàn khoan 981 vào thềm lục địa của ta. Chúng ta đấu tranh, đòi họ rút ra khỏi thềm lục địa. Thế giới cũng lên tiếng. Hoá ra đó chỉ là trò nghi binh. Họ lừa ta, kéo sự chú ý của ta và dư luận thế giới vào cái giàn khoan để xây hàng loạt đảo nhân tạo. Bây giờ họ lại đưa giàn khoan Hải Dương 8 ra. Cần phải theo dõi xem đằng sau chiêu trò này là gì? Phải chăng họ lại xây đảo nhân tạo, hay mang vũ khí ra Biển Đông. Trung Quốc hiện đang xiêu điêu vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Dân Trung Quốc đang ngao ngán. Biết đâu họ đẩy sự chú ý của dân họ ra ngoài nội địa. Cũng có thể họ phá ta không cho ta khai thác dầu khí cùng với các đối tác trong vùng đặc quyền kinh tế của ta. Hoặc cũng có thể họ gây hấn rồi lấy đó mặc cả, đòi ta cho họ đầu tư đường cao tốc Bắc Nam, rồi nhấn chìm chúng ta trong khối nợ nần, bắt ta phải phụ thuộc họ vĩnh viễn. Chúng ta cần tỉnh táo. Chuẩn bị mọi phương án đáp trả. Trung Quốc thường mềm nắn, rắn buông. Vậy chúng ta cần phải rắn chứ không phải cứ mềm mãi. Khôn khéo, mềm mỏng nhưng rắn. Nếu cần chúng ta cũng sẽ phải làm như Philippine, kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. Rồi nhân thể đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa bằng con đường hoà bình. Kiện là Trung Quốc sẽ thua. Dứt khoát thua. Vì Trung Quốc chẳng có cơ sở pháp lý nào để tranh dành với ta về vùng biển của ta, hải đảo của ta với cái lưỡi ma chín đoạn. Trong bản đồ địa giới, hải giới của chính Trung Quốc, từ đời nhà Thanh và trước nữa cho đến năm 1904 cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa và cả cái đường lưỡi bò ma quỷ. Đấy là những bằng cứ hùng hồn, phủ nhận những trò tháu cáy của kẻ tiểu nhân. Trung Quốc đã tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực, cùng thở chung một bầu khí quyển Biển Đông.

– Ông đã từng nói Trung Quốc rất hùng mạnh rồi, nhưng họ vẫn tìm cách xâm lấn từng mét đất của ta, chẳng khác gì một lão hàng xóm rất giàu có nhưng lại có tính tắt mắt, ăn cắp vặt. Tới lúc ăn cắp không được nữa thì ăn cướp, sẵn sàng đạp lên mối quan hệ ngoại giao với nước ta, đạp lên cả dư luận quốc tế. Theo ông những biện pháp đàm phán hoà bình mà nước ta áp dụng thời gian qua liệu đã đủ mạnh để ngăn chặn ý đồ bành trướng của Trung Quốc?

Tôi đồng ý với quan điểm của một học giả rằng Việt Nam chẳng sợ gì Trung Quốc. Trung Quốc rất mạnh nhưng chưa bao giờ thắng chúng ta. Cha ông họ xưa đã từng phải chui vào ống đồng để mong thoát thân. Bây giờ họ còn mạnh gấp ta đến cả chục lần. Nhưng họ vẫn khó khăn vì họ ở xa. Ngay ở Trường Sa hay bãi Tư Chính đang tranh chấp, nếu máy bay quân sự của họ có ra được đến bơi để oanh kích thì cũng sẽ không còn nhiên liệu để quay về. Không lực chỉ phát huy được sức mạnh khi có tầu sân bay. Nhưng tầu sân bay lại là điểm yếu khi xảy ra chiến tranh thực sự. Tên lửa diệt hạm, tên lửa tầm xa của ta chỉ phóng ở bở biểm dọc từ Bắc xuống Nam cũng đã đủ thổi bay máy hòn đảo nhân tạo và mấy cái tàu sân bay rồi. Ấy là chưa kể sức mạnh của tình đoàn kết ở Việt Nam đã từng đánh bại nhiều kẻ thù sừng sỏ mà Trung Quốc từng sợ hãi. Tuy nhiên, chọn con đường chiến tranh để giải quyết vấn đề Biển Đông là hạ sách mà không khéo lại mắc mưu Trung Quốc. Trung Quốc muốn gây hấn với ta, rồi lấy đó mà răn đe các nước khác. Tôi đồng ý với cách xử lý khôn ngoan nhất, là phải bình tĩnh, cảnh giác, tỉnh táo, không để Trung Quốc lừa phỉnh, giành lại và bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ bằng con đường hòa bình. Việc làm trước tiên là quốc tế hóa biển đông. Đây là vấn đề Trung Quốc ngại nhất, bởi họ khuất tất. Cần đoàn kết, liên minh với các nước trong khu vực cùng có quyền lợi ở Biển Đông, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, rồi kéo cả thế giới vào cuộc. Mặt khác, chúng ta cũng cần thông tin rộng rãi để 1,3 tỷ dân Trung Quốc hiểu vấn đề Biển Đông thực chất thế nào. Người dân Trung Quốc đang bị bưng bít. Sẽ rất nguy hiểm khi họ bị chính quyền Trung Quốc xuyên tạc và kích động, như họ đang rêu rao là chúng ta xâm phạm vùng kinh tế Trung Quốc, tàu ta đâm tàu Trung Quốc. Thật có lý khi một nhà báo đã đề nghị các báo điện tử của ta nên có trang bằng tiếng Trung Quốc, để giúp người dân Trung Quốc hiểu được thực chất vấn đề và không bị kích động. Ngay trong giới học giả Trung Quốc, cũng có người hiểu được vấn đề, họ đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Minh ghi