Như là tình người – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

573

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vừa đến cổng rào ngôi nhà định tìm, bác Chín thong thả dừng chân, rảo mắt trông lại hai bên một lần để khỏi bị lầm vì bác ở quê không thường ra thành phố:

– Có đứa nào ở trong nhà đó không? Mở cửa cho nội vô coi tụi bây.

Bác Chín vừa hăm hở gọi lớn thân mật, hai tay vừa nhanh nhẹn xếp gọn lại cây dù đen cán dài sau khi để chiếc giỏ mũ đầy ắp xoài chín và cá khô đủ loại xuống mặt đất. Sớm nhận ra tiếng nói quen thuộc của ông nội, thằng Phương đang chuẩn bị nấu cơm ở phía sau nhà, vội chạy ra mở cổng. Mặt mày nó hớn hở:

– Thưa nội mới qua. Bà nội cũng mạnh hở ông nội?

– Ừ, bà con cũng khỏe.

Miệng Phương tíu tít, mặt mày lộ vẻ vui mừng vì được gặp ông nội, nó nghĩ chắc chắn sẽ có đồ ăn từ vườn quê mang qua:

– Để con xách giỏ cho ông nội.

– Ba con đi dạy học về chưa?

– Thưa nội, cuối buổi chắc ba con cũng sắp sửa về tới.

Hai ông cháu xăng xái vô đến cửa nhà thì thầy giáo Thanh, cha Phương cũng vừa về đến cổng sau buổi dạy học sáng ở trường cấp 3 thành phố. Thanh vui vẻ chào cha, hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và công việc chung ở quê nhà.

– Đi bộ đường xa mệt, ba uống ly nước mát cho khỏe rồi nằm võng nghỉ nghe ba. Để con lo cơm nóng cho ba ăn, hôm nay nhà có mua sẵn được thịt rau từ ban sáng lúc con chưa đi làm. Lâu lâu ba mới qua, bên vườn đã có má trông coi, ba ở chơi với tụi con vài ngày rồi hẵng về.

Thanh nhìn cha, giọng nhỏ nhẹ chân thành. Thằng Phương vốn thương ông nội nhiều từ hồi nào đến giờ, cũng ngúng nguẩy phụ họa thêm với ba nó:

– Ba nói phải đó nội. Con không cho nội về liền đâu!

– Ừ, nhưng chắc tao cũng phải về sớm, để bà ấy ở nhà một mình lâu không được đâu. Gia đình đơn chiếc lại gà vịt, vườn tược… lấy ai trông coi tiếp với bà mày.

Mắt lim dim, miệng mấp máp điếu thuốc gò mới vấn, nằm thong dong trên võng đưa kẽo kẹt qua lại, bác Chín bâng khuâng nghĩ về căn nhà lá nhỏ này ngày trước bác đã mua cho các con ở ăn đi học. Giờ đây đứa nào cũng đã thành đạt, ra đời, đáp ứng được lòng kỳ vọng của mình. Chỉ có Thanh là con trai trưởng không may vợ mất sớm, làm thân gà trống nuôi con. Và thằng Phương cháu nội còn bé nhỏ mà phải chịu mồ côi mẹ. Trong lúc bác đang miên man nghĩ ngợi và cha con Thanh vui vẻ chuẩn bị bữa cơm đoàn tụ cha con ông cháu bỗng xuất hiện giữa nhà một con chuột cống lang to kềnh. Từ ngoài đường mương, nó chui theo lỗ vách vào nhà, mình mẩy lở lói trông dễ gớm. Chưa thấy bác, con chuột dừng lại gần chân bàn viết, ngó quanh quẩn như để kiếm ăn rồi chui nhanh dưới đáy tủ sách.

– Nhà tụi bây có chuột. Để tao kiếm cho một con chó vừa để giữ nhà, vừa để bắt chuột. Chuột cũng sợ mèo nhưng nuôi mèo dơ nhà hơn vì nó hay làm bậy.

Nói vậy chứ bác Chín thừa biết đứa cháu nội của mình vốn yêu chó. Có lần ra Cần Thơ, bác thấy Phương mượn một con chó con của thằng bạn trong xóm. Nó bồng con chó trên tay về nhà, tưng tiu săn sóc với một tình cảm đặc biệt…

Sáng hôm ấy, con Vện được nhập hộ khẩu vào nhà Phương. Năm trước, bên vườn, bác Chín xin Vện từ một người bạn xóm trên. Đem về nhà chăm sóc nuôi dưỡng được vài tháng, bác Chín mang nó ra thành phố cho Phương. Biết chó là loại vật không ngoan, bác bịt mắt Vện, nhốt nó vào giỏ mây để khi về ở với cháu nội, nó không thể biết đường tìm về nhà cũ trong vườn.

Vện thuộc loại chó ta, không lớn con lắm. Mình nó phủ kín một lớp lông dày màu hung điểm lốm đốm vệt nâu. Tai cụp, mắt to, thân vạm vỡ nên trông Vện rất ngầu, dễ sợ cho người lạ hoặc các đối thủ của nó. Tuy vậy, tính Vện khá hiền. Về với ngôi nhà lạ, lúc đầu nó còn bỡ ngỡ, lầm lì. Hơn năm sau, Vện quen dần cảnh và người, trở nên ngoan ngoãn dễ thương với mọi người trong nhà. Nó được vậy là nhờ Phương đã thực lòng yêu thương tận tình chăm sóc ngay từ khi nó mới đến.

Chỗ ngủ của Vện là một thùng sữa giấy dày đặt nơi một góc nhà gần bàn học của Phương Chỗ ở của Vện được lau quét sạch sẽ hằng ngày. Phương tắm nó mỗi ngày bằng xà bông chanh và lau mình nó bằng chiếc khăn bàn cũ vào buổi trưa nên lông Vện mướt rượt không bám chút bụi. Phương cho Vện ăn trước mỗi bữa cơm của mình bằng đồ ăn của người nhà không kể những khi Phương ăn vặt trái chuối nấu, miếng khoai chiên, con vật cũng được xía phần. Nhờ thế, càng lớn lên, Vện càng đẹp mã, phương phi trông nó không khác con sư tử nhỏ. Chẳng thế mà mấy con chuột xạ lầm lì hôi hám ỉa bậy, lũ chuột lắt loắt choắt hay cắn phá áo quần, cả bọn cống lang dơ dáy ghẻ đầy mình đều ra vẻ nể sợ, vắng bóng dần trong nhà Phương. Những khi nhà vắng hết người, cửa khóa, Vện nằm trước hàng ba gần vách, mắt nhìn ra cổng như để giữ nhà.

Lúc Phương rỗi rảnh ở nhà, nó luôn theo bên cạnh quấn quít Phương ít khi lân la đến lũ chó hàng xóm. Một lần, Phương bị mụ ghẻ khuyết sau gót chân mặt do đá banh, xức đủ thuốc Tây thuốc tàu lâu ngày mà không hết. Tình cờ, một buổi trưa Phương nằm ngủ trên võng, chân để xuống đất, Vện ngồi bên cạnh trông thấy. Nó đưa lưỡi liếm nhẹ nhàng vào gót chân ghẻ của Phương, sau đó không lâu chân Phương lành hẳn. Mấy tháng nghỉ hè, Phương hay về quê giúp chú làm vườn, ở nhà tuy có Thanh nhưng con Vện mặt mày dàu dàu suốt ngày, vẻ bần thần như bị bệnh vì vắng người bạn thân gần gũi nó.

Ngày khai trường sắp đến, sáng nay, về thăm chú ở làng quê, Phương trở về nhà ở thành phố để đi học lại. Vện nghe tiếng quen, mừng quýnh, từ trong nhà nó hấp tấp chạy nhanh ra cửa vừa sủa, vừa chụp lên mình Phương. Phương cũng vuốt đầu Vện, ôm nó vào lòng:

– Tao thương mày lắm Vện ơi, mày có nhớ tao không?

Nỗi mừng chưa vơi, chợt Phương phát hiện trên lưng nó điều khác thường. Có vài nơi rụng lông, lộ ra mảng da trắng toát từ đó lấm tấm nổi lên những đốm nhỏ màu đỏ thẫm. Phương nghĩ trong thời gian nó về quê vắng nhà, gặp lúc thời tiết nóng bức, Vện không được tắm thường nên nổi ghẻ vậy thôi. Phương gắng chịu cực mỗi ngày tắm Vện bằng xà bông trừ ghẻ một lần, kiên nhẫn thoa thuốc hy vọng nó sẽ hết bệnh. Nhưng chứng bệnh ngoài da của Vện càng lúc càng trầm trọng. Lưng và bụng Vện rụng thêm lông nhiều nơi, thay vào những chỗ đó là những giề ghẻ màu tím bầm, rịn nước. Ngồi đâu, nó gãi đó, đi đâu cũng bốc mùi hôi hám khó chịu.

Thương Vện, có lúc Phương không ngại dơ dáy, đè nó xuống nền nhà:

– Có khó chịu không? Để tao xức thuốc cho mầy nghe Vện.

Thuốc thoa, uống, chích…, đủ loại nước, bột, đắp và bao lần đem Vện đến chữa trị ở trạm thú y, nỗ lực hết sức mình của Phương cùng cha đều không mang đến chút khả quan mảy may nào cho Vện.

Như vậy là do mang chứng bệnh ác vô phương cứu chữa, theo gợi ý của bà con xung quanh, con Vện yêu quý của Phương đã được đưa đi “lưu đày” ở bên kia bờ sông Hậu hơn năm rồi. Thằng Phương buồn dật dờ như mất đi người bạn thân thương nhất trong đời, không còn hăng hái đi bắt dế ở Xóm Chài. Bởi khi còn Vện, mỗi lần bày cuộc đá dế, bạn bè Phương cổ vũ la hét luôn có nó ngồi bên. Vện bị bỏ tại bến bắc Bình Minh cách ly với nhà Phương gần mười cây số, bằng một con sông rộng mênh mông. Trong ý nghĩ của nhiều người, nó không có cơ may nào mang tấm thân tàn ma dại để trở về làm phiền người chủ cũ. Phương và cha cũng nguôi ngoai dần, ít khi có dịp nhắc đến Vện.

Bỗng một hôm…

Gần trưa tháng chạp, bác Chín, ông nội Phương từ quê ra. Vẫn với bộ áo bà ba đen, tay xách giỏ đồ ăn, tay cầm dù. Trước khi qua cổng vào nhà, bác chín lên tiếng:

– Mấy đứa bây coi có gì lạ không? Nhìn thằng Phương, bác Chín vừa nói vui, vừa mỉm cười.

Hỏi có lệ chứ ông Chín cũng biết Phương đã nhận rõ đi sau ông là một con chó rồi. Ông Chín vẫn thong thả để cho đứa cháu nội mình trả lời và tiếp tục phát hiện.

– Phải con Vện không ông nội. Phương đang hỏi gặng ông Chín thì con chó từ phía sau lách lẹ qua khỏi ông Chín, vụt nhảy tới chồm lên mình Phương như đã nhận ra ngay người bạn cũ của nó

– A! Chính Vện đây rồi. Thằng Phương vui mừng nói lớn.

– Vậy mà ông nội không nói liền cho con biết.

Vui mừng tở mở, Phương ngồi xuống ôm nó vào lòng, khệ nệ ẵm nó vô nhà. Vuốt mình, sờ đầu lại đánh yêu vào má Vện:

– Thương Vện quá, bấy lâu nay mày ở đâu, sống mỗi ngày ra sao? Phương dồn dập hỏi nó chừng ấy mà không muốn nhắc lại chứng bệnh trước kia của nó. Dù hôm nay, nó đã hoàn toàn khỏe mạnh, lực lưỡng hơn xưa…

– Phương, con có biết vì sao ông gặp lại được con Vện mà dẫn nó về đây không? Bác Chín ngồi trên bộ ván cũ, miệng phì phà điếu thuốc vấn vòng vèo lớp khói trắng mỏng tản mạn bay lên nóc nhà:

– Tao thật không ngờ. Đi tới bắc, đang lúi húi cầm tiền chuẩn bị mua vé qua sông, tao bỗng nghe nhồn nhột ở bắp chân như có vật gì cọ vào.

Lúc đầu nhìn xuống, tao ngờ ngợ nó giống con Vện nhà mình ngày trước mà không dám chắc. Bởi vì có thể là chó giống chó. Sau đó, nó lại đưa mũi ngửi rồi liếm nhè nhẹ vào bàn chân tao. Chợt chiếc bắc chở khẳm hành khách và xe cộ từ bên kia sông chạy sang sắp sửa cập bến, tao vươn bả theo mọi người đi lần xuống cầu cho kịp qua sông. Tức thì nó liền chạy miết theo sát tao xuống bắc không rời nửa bước. Khi tao bước nhanh xuống mũi bắc đang cất lên để rời bến, nó cũng nhảy liền theo tao. Tới lúc bắc cập bến, tao lên bờ gọi xe lôi, lên ngồi về đây, nó cũng nhảy phóc theo tao về đây. Thái độ của nó khiến tao phải nhìn lại nó lần nữa mà yên trí nó là con Vện của mày.

Chính quyền địa phương phát động chiến dịch diệt chuột làm vệ sinh nhà cửa và sạch sẽ môi trường. Thông báo phổ biến trên loa phát thanh từ mấy ngày qua, căn dặn bà con nhốt kỹ gia cầm gia súc như gà vịt, chó mèo trong thời gian tiến hành. Những gói thuốc chuột được phát sớm cho bà con và căn dặn cất kỹ. Đêm đến mới lấy ra đem đặt đúng nơi chuột thường đi qua…

Sáng hôm sau, bà con thu gom xác chuột và những gói thuốc chuột lại một nơi, sẽ có người đến nhận đem đi thiêu hủy. Phương và cha thi hành đúng theo quy định của phong trào. Con Vện được buộc kỹ vào chân bộ ván nằm gần giữa nhà đã qua một đêm một ngày. Trưa ngày thứ hai của chiến dịch, khi đi học về Phương ngạc nhiên không thấy Vện hăng hái ra cửa đón mình như mọi lần. Phương mở cửa vào nhà thấy Vện ngồi yên, chân trước chống xuống đất. Nó ngó Phương với vẻ mặt buồn. Cha Phương vừa đi làm về thấy vậy linh cảm có gì lạ xảy ra, hỏi:

– Ủa, sao bữa nay con Vện trông lạ vậy Phương?

– Dạ, thưa… con cũng nhận ra nó như ba nói.

Thanh để cặp da xuống bàn, đến gần chỗ Vện ngồi xuống quan sát. Mình Vện hơi lạnh, khác hơn mọi khi. Hai mắt nó lờ đờ, mất nét tinh anh. Miệng nó hả nửa, thở mạnh khè khè, nhểu mấy giọt nước dải xuống nền gạch tàu.

– Mấy bữa nay nó có đi đâu không? À, mà con vẫn buộc nó trong nhà từ mấy ngày qua phải không?

– Dạ thưa ba, nó vẫn quanh quẩn trong nhà. Nhưng chiều hôm qua, lúc ba đi dạy, thấy con Vện còn bị xích tội nghiệp quá, con mở dây cho nó được thong thả trong nhà chứ không cho nó ra đường. Vả lại thời gian diệt chuột cũng đã chấm dứt rồi. Thanh hơi trầm ngâm suy nghĩ  khi nghe con nói.

– Thôi, ba hiểu rồi. Dù ở quanh quẩn trong nhà, nhưng có lẽ nó đã ăn nhầm chuột bị thuốc mà chưa chết từ nơi khác bò đến. Thanh liền giục Phương mang Vện đi ngay cùng anh đến trạm thú y nhờ chích giải thuốc cho nó.

Dù được chích thuốc, nhưng y tá bảo việc chữa trị hơi muộn, thuốc độc đã ngấm một phần vào châu thân Vện…

Chích thuốc về, Vện vẫn nằm chỗ cũ, nơi nó bị cột lúc đầu. Buổi chiều hôm ấy, nó biếng cử động, nằm dài duỗi cả bốn chân trên nền nhà và không chịu ăn uống nữa.

Buổi trưa ngày tiếp theo, thấy Phương đi học về. Vện trỗi dậy, tai động đậy vẫy chào, hai chân trước chống mạnh xuống nền nhà cố lết thân mình lại gần Phương. Ngày cuối cùng, nghe tiếng Phương, Vện hơi động đậy chiếc đuôi, như cố mở mắt nhìn Phương mà không được. Trên nền gạch, dưới chỗ nó nằm loang loáng một vũng nước bốc mùi tanh tưởi. Vài con ruồi bay vì vèo gần Vện, một lũ kiến riện li ti từ vách nhà đã mở đường về phía nó.

Buổi sáng hôm sau, bác chín thuê chiếc xe lam, nhờ một thanh niên trong xóm cùng Thanh và Phương chở chiếc hòm nhỏ bằng ván xoài đã liệm kín trong đó xác con Vện thân yêu, dạt dào tình nghĩa. Vện được chôn nhờ tại đất nhà người bạn của cha Phương gần cầu Rạch Ngỗng. Phương cảm thấy cô đơn thêm trong căn nhà quạnh vắng thiếu bóng Vện. Cha con Thanh xót xa, nhớ thương con vật khôn ngoan trung thành hiếm có của gia đình.

Giờ thì Vện đã hoàn toàn xa Phương. Một nỗi trống vắng mênh mông phủ ngập tâm hồn nó như đã mất đi một người bạn thân yêu chung thủy nhất trong quãng đời thơ ấu mồ côi mẹ của mình.

N.T