Nửa bàu rau muống – Truyện ngắn của Mạnh Hoài Nam

649

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lúc trước, cứ năm mười ngày hoặc nửa tháng, má đi chợ gặp người quen gởi cho vợ chồng Toàn bó rau muống. Thời gian sau, má cắt nguồn “viện trợ”… rau muống.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Hồi cánh đồng trước xóm nhà hứng nước trời một năm gieo một vụ lúa, giống lúa dài ngày. Từ lúc gieo đến trổ đòng, hột lúa ngậm sữa, vào gạo, cúi gié rồi chín đỏ đuôi “lọt lòng” trong vòng năm tháng rưỡi. Cắt lúa xong cánh đồng bỏ hoang, người trong xóm thả bò ăn qua ăn lại ngày này qua tháng khác cùn gốc rạ.

Mùa hè, trẻ nhỏ trong xóm lùa bò ra đồng thả ăn, còn Toàn đến tuổi chăn bò nhưng nhà không có bò nên đi chơi lông ngông, không có tiền mua bò, để gầy con bò giống, má Toàn hỏi người xóm trên chăn rẽ (quy ước chăn rẽ, lùa con bò cái về chăn, khi con bò đẻ ra nghé con thì của người chăn rẽ, nuôi đến khi đẻ nghé con thứ hai thì thuộc người chủ, lúc đó lùa cả mẹ con bò trả cho chủ). Chăn rẽ trúng con bò cái đẻ năm một thì may, còn trúng con bò hai năm mới chịu đực thì ráng chịu. Hơn 4 năm chăn rẽ, Toàn được con nghé mục, Toàn lùa mẹ con bò cái trả cho chủ.

Rồi địa phương xây dựng trạm bơm thủy lợi, đắp mương dẫn nước về cánh đồng. Chỗ ruộng rộc (ruộng trũng) moi đất đắp mương nổi, đưa nước lên ruộng gò, chỗ bị moi sâu chạy dài thành con rạch bàu. Đám ruộng nhà Toàn bị moi sau có con rạch bàu, má trồng rau muống. Rau muống ra đọt non, má Toàn cắt rau bán chợ.

Cánh đồng có công trình thủy lợi bơm tưới một năm sản xuất hai vụ, hè thu rồi đông xuân, thời gian vụ hè thu gối đầu qua đông xuân ruộng bỏ hoang, bò trong xóm lùa ra thả ăn. Mấy đứa nhỏ chăn bò mang theo bộ bài, xúm lại chơi bài búng tai. Có lần mãi chơi bài, con bò vừa qua “đốt nghé”, lội xuống bàu gặm rau muống, từ xa Toàn chạy đến, phát hiện ra con nghé “cùng mẹ khác cha” với con nghé Toàn chăn rẽ.

Kinh nghiệm năm sau má Toàn chặt tre rào bàu rau muống ngăn bò lội xuống ăn. Toàn phụ má rào rau. Toàn một đầu, má một đầu đào lỗ trên bờ mương trồng cọc tre, bất ngờ con rắn hổ mang trong hang phóng ra dựng đứng, lao đến mổ xuống, má Toàn ngã lộn cụi từ bờ mương xuống bàu rau muống, nhờ má ngã lộn cụi nên chân má… tránh xa hàm răng con rắn. Toàn chạy đến, con rắn lại dựng đứng, phùng mang trợn mắt “cái mặt to bằng bàn tay” nhìn Toàn. Toàn lấy chà gai tre đập mạnh, đầu con rắn nằm bẹp xuống đất (sau này nhắc đến rắn hổ… Toàn sợ hơn sợ cọp).

Sinh ra Toàn không thấy mặt ba, má kể, ngày má mang thai còn tháng nữa là thấy mặt con, ba bỏ đi biền biệt. Má buồn rầu biết bao nước mắt chảy ngắn chảy dài, những tháng ngày dài má lầm lũi một mình có ngày không mất tiếng nói. Năm Toàn mười tuổi, gần tết, ba về dắt theo đứa em “cùng cha khác mẹ”. Biết vậy má không nói không rằng, vậy ba đâu có “cửa” sống trong nhà của má nên ba “lặng lẽ trở về rồi lầm lũi ra đi”…

Má trụ cột gia đình, thời nấu cơm củi, má đi làm đồng dặn Toàn ở nhà vo gạo nấu cơm đổ nước để cơm không bị nhão, lấy ngón tay thò xuống đo mực nước, đầu ngón tay trỏ đụng gạo, phía trên nước ngập mắc ngón tay là vừa. Nếu gạo lúa mới, ít nở thì khi cơm sôi lấy đũa bếp dích lên hột gạo… bóp, hột gạo mềm thì chắc nước cơm ra cái chén mẻ miệng để trong góc bếp.

Bữa đi thăm đồng về, già nửa buổi sáng, có người kêu má gánh lúa, nồi cơm vừa cạn nước, hột gạo còn sống nhăn. Má lấy chén mẻ đựng nước cơm bỏ vô hột mẳm (muối) húp lót bụng, rồi đi gánh lúa ướt nước mưa, kiếm tiền về mua sắm tết…

Ngôi nhà lợp rạ, hồi làm lúa dài ngày, thân cây lúa cao, tấm rạ dài lợp nhà “chịu” được 5 mùa mưa. Khi chuyển sang trồng lúa ngắn ngày tấm rạ cụt ngủn, thời biến đổi khí hậu, mùa mưa lại kéo dài làm mềm mái rạ, qua năm thứ hai gặp cơn mưa xối xả “đào” mái rạ lủng lổ lủng hang, dột tứ bề.

Suốt mùa mưa, nền nhà bẫy bã như đám ruộng, còn trước sân đất trũng đọng nước lênh láng như bàu ra muống…

Trong xã có hai xuất cất nhà tình nghĩa, má Toàn thuộc diện nghèo nhất nhì trong xã nên được hỗ trợ. Hết mùa mưa, má thuê thợ hồ mở móng cất nhà tình nghĩa theo kiểu nhà lô, thợ hồ đo, chiều dài “lọt lòng” năm mét rưỡi. Bước qua tháng Chạp, ngôi nhà hoàn thành. Hôm đoàn công tác đến nghiệm thu nhà tình nghĩa ra về, Toàn mắc cỡ tháo tấm bảng “nhà tình nghĩa” đóng đinh trước hàng ba xuống, để ngửa trong hộc tủ thờ.

Rồi Toàn cưới vợ, ở quê vợ xã bên kia sông, một mình má trụ cột trong ngôi nhà tình nghĩa, hằng ngày lên xuống “bầu bạn” với bàu rau muống. Lên xuống bàu rau muống, lúc thì má vá lại cái bờ ngăn giữa đám ruộng với bàu rau muống, lúc thì dọn cỏ chỉ trên bờ mương bò xuống lấn rau muống. Kiến lửa cắn sưng tay, má về lấy dầu lửa chà lên cho đã ngứa.

Ở phía vợ gần chỗ làm, ban đầu thỉnh thoảng Toàn về thắm má, sau đó thưa dần, thưa dần… Tiếng có con nhưng má Toàn thuộc diện không nơi nương tựa. Cái sổ hộ nghèo có mã số, má để đè lên tấm bảng nhà tình nghĩa trong hộc tủ thờ. Một thời gian, tủ thờ bị mục chân, ngã ra sau dựa vào vách hậu.

Bàu rau muống má thả cửa không rào dậu, bò trong xóm nuôi nhốt nên không có con nào lội xuống ăn, liên tiếp má “trúng” rau muống bán chợ. Cắt rồi rửa sạch gốc rau muống, bàn tay ngâm nước bùn lâu ngày bị nước ăn cùn móng tay.

Ngày Toàn cất nhà ra riêng, má qua thăm sẵn mang qua “ôm rau muống”, dặn để dành luộc, xào, nấu canh… cho thợ ăn.

Tuổi già sức yếu, má dính đợt bệnh kéo dài hơn nửa tháng. Toàn về thăm không thấy má ở nhà, lên bàu rau muống thấy má chống gậy đứng gần chỗ hồi trước đào lỗ trồng cọc tre. Má nói: “Má vừa bớt bệnh, ngồi nhà buồn quá, ráng chống gậy lên thăm bàu rau muống”.

Toàn đứng nhìn quanh, rau muống ra đọt non tràn lên bờ mương, ngóc đầu leo lên cây rau nhớt quấn lại dựng đứng trên bờ mương, hình thù giống như con rắn ngóc đầu dựng đứng. Má nhìn xuống bàu rau muống hồi lâu chấp lưỡi chấp tai: “Bệnh không ai quan tâm chăm sóc, bàu rau muống “chẳng nên nết”, bò tứ lung tung”.

Toàn cùng má về, má kéo hộc tủ thờ lấy xấp giấy tờ đưa Toàn tìm thẻ bảo hiểm hộ nghèo cho má đi khám bệnh. Hộc tủ đựng tấm bảng “nhà tình nghĩa” có cái sổ hộ nghèo có mã số đè lên, lâu ngày không ai mở, đóng ván nhện.

Má Toàn bị bệnh đau nhứt chân, đi lại khó khăn, có người hỏi mướn bàu rau muống (trồng rau muống kết hợp nuôi cá), má Toàn lắc đầu.

Bữa Toàn ngồi trước nhà chờ bạn đến nhậu thì người đó qua tận nhà nhờ Toàn thuyết phục giùm má. Vừa ngồi xuống ghế, Toàn nhận ra người quen, con ông chủ ngày trước cho chăn rẽ bò. Toàn nghĩ hồi trước mình chăn rẽ bò người ta giờ họ hỏi mướn lại bàu rau muống, “chăn thuê làm mướn”, qua hai thế hệ nghèo… ngang nhau.

Ngồi một hồi, người hỏi “mướn lại bàu rau muống” kể, ba mẹ anh có 6 người con, anh út ít, học xong đại học ra trường không có việc làm, anh thất nghiệp ở tuổi 30.

Toàn về năn nỉ, nói rõ gốc gác người thuê mướn, má gật đầu: chỗ ơn nghĩa, má “cảm ơn” nửa bàu rau muống.

Má giữ lại nửa bàu rau muống. Má uống thuốc giảm đau, lên xuống trồng rau bán chợ. Chợ miền núi người dân 2 xã họp chung chợ phiên. “Năm mười ngày hoặc nửa tháng”, đến chợ gặp người quen má gởi cho vợ chồng Toàn bó rau muống.

Vợ Toàn mỗi lần thấy bó rau muống cằn nhằn. Lần này thấy Toàn cầm bó rau muống trên tay “phang” một câu: “Ăn gì rau muống, mất công ngồi lặt, luộc, xào, kiêng cữ dầu mỡ cho ốm bớt thây mập đi chớ”.

Toàn mập thiệt, lúc vợ nói, Toàn có chuyến đi tham quan mới về. Chuyến đi dài hơn tuần, ban ngày ngồi trên xe tối ăn nhậu, đắp thêm 2 ký mỡ bụng. Mà Toàn có tật lạ, ăn rau muống xào còn rau muống luộc bưng ra cả dĩa không đụng một đũa.

Trong lúc nhậu với bạn bè, Toàn kể chuyện vợ “đối xử tệ” với rau muống, tung ra lời nói moi ruột gan. Toàn “thề” không bao giờ ăn rau muống nữa.

Đó là “bia rượu nói”.

Toàn làm việc ở ủy ban nhân dân xã về, chiều chịu khó ngồi chẻ làm hai, làm tư cọng rau muống. Rau muống chẻ nhỏ cuốn lại rồi trộn chung với giá, rau sống. Bữa ăn, từ ngày thường đến ngày Tết đều có “chất” rau muống.

Toàn thay đổi cách ăn, kiên trì ăn rau muống để tiêu lớp mỡ bụng, tóm gọn lại bụng phệ, trả lại vòng eo (ý Toàn nghĩ vậy không biết có đúng không?).

Hằng ngày má Toàn lên xuống thấy nửa bàu rau muống bên kia cắt xong phun chất hóa học gì đó 3 ngày là bắn đọt non rồi cắt ngọn bó lại chất trên xe lôi chở đi bán. Má Toàn để ý thấy vậy xót xa, làm vậy rau muống “ngậm” hóa chất đem bán. Xóm làng “coi đi coi lại cũng bà con không”, ăn hóa chất độc hại bị bệnh, nửa bàu rau muống của má cho mướn bị “mang ác” (bữa trước có người than với má Toàn, không hiểu sao lúc trước không có mà gần đây ăn rau muống vào nóng trong người, lở miệng, phải uống thuốc “táo bón… rau muống”).

Rồi má Toàn tuyên bố, nếu còn làm vậy bà không cho mướn nửa bàu rau muống nữa.

Người kia liền “cai nghiện” chất hóa học cho rau muống. Đáp lại, má Toàn “khuyến mãi” cho thuê dài hạn nửa bàu rau muống…bằng “hợp đồng miệng”.

Về sau sức khỏe má yếu dần, thỉnh thoảng Toàn về thăm, lúc trước thì má ngồi ở hàng ba tựa lưng vào vách nhà (giống như tư thế tủ thờ bị gãy hai chân sau) cắt móng tay, lần này thì lục trong hộc tủ tìm tấm bảng “nhà tình nghĩa” đóng đinh lên chỗ cũ. Toàn ngăn thì má nói, trả lại đúng nghĩa “nhà tình nghĩa”. Rồi má bệnh liên miên, nửa bàu rau muống ra đọt non không ai cắt bò dọc bò ngang. “Kiếp” rau muống già ra bông, nửa bàu rau muống chỉ để làm cảnh.

Cũng từ đó, vợ chồng Toàn bị cắt nguồn “viện trợ” rau muống…Từ mùa hè cho đến mùa mưa, một mình má Toàn thui thủi trong nhà, má ráng uống thuốc “bảo hiểm người nghèo” chống lại căn bệnh tuổi già.

Gần tết, Toàn về giúp má quét ván nhện trên tủ thờ, sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón tết. Má nhắc Toàn lau chùi bụi bặm tấm bảng “nhà tình nghĩa” đóng đinh trước mặt nhà… sáng trưng.

Lâu rồi dịp tết Toàn mới về, sửa sang cho sáng sủa trong nhà ngoài cửa. Xong công việc, má bảo Toàn chở má bằng xe gắn máy lên bàu rau muống.

Xuống xe, từ đường nội đồng má chống gậy đi qua đám ruộng là đến nửa bàu rau muống (đám ruộng có bàu rau muống gối đầu lên đường nội đồng). Đến nơi má Toàn trật ờ, nửa bàu rau muống phía trên lấn xuống nửa bàu rau muống của má gần nửa đường bừa. Giữa bàu rau muống người ta lội xuống thả lưới bắt cá, bàn chân đàn ông to đùng đạp nhận rau muống xuống bùn. Gần bờ bầy vịt siêu thịt ăn to, rúc cụt đọt cả dạt rau muống (nửa bàu rau muống bên sau kia khi được má Toàn “khuyến mãi” cho thuê không thời hạn, người thuê phá rau, rộng vịt, nuôi cá). Nhìn cảnh tan hoang, má Toàn thấy tội nửa bàu rau muống.

Về nhà má Toàn hối hả thuê người chặt tre rào lại rau muống. Bụi tre đứng trước ngõ bao năm qua, má Toàn ra vào “biết mặt” từng cây tre. Tre vừa đủ lá là tre một năm dùng làm tre lạt (dùng để buộc, cột), thân tre từ màu xanh ngã sang màu vàng là tre 3 năm dùng làm đòn tay ngang, tre lên nước màu đỏ là tre già chặt sát gốc làm trụ.

Má Toàn hướng dẫn người chặt 3 loại tre mà má chỉ mặt, vác lên đào lỗ trồng trụ rào nửa bàu rau muống. Chỗ lấn xuống gần nửa đường bừa… không qua mặt với má Toàn được. Má mời người có chức có quyền trong thôn (trưởng thôn) đến căng dây, đóng cọc, cuốc đất đắp lại thẳng bờ, vuông gốc, trả lại đúng nửa bàu rau muống cho má, không thêm không bớt một lát cuốc.

Từ sáng đến chiều rào xong bốn phía, hàng rào gai tre “ôm chặt” nửa bàu rau muống kín mít, con vịt không chui qua lọt huống chi người chui xuống thả lưới bắt cá. Mấy cây tre trước ngõ như cánh tay nối dài của má Toàn bảo vệ nửa bàu rau muống. Má Toàn còn nhờ người, treo tấm bảng trên hàng rào tre, y khuông tấm bảng nhà tình nghĩa, có điều thay bằng dòng chữ mới tinh: Cấm thả lưới.

Xong xuôi má yên tâm ăn Tết.

Thời gian qua, má uống trúng thuốc “bảo hiểm người nghèo” hay sao mà nay người khỏe lại (chuyện này má Toàn không ngờ đươc, như một phép màu).

Chiều 30 Tết, má gói bánh tét, sẵn tre lạt hôm trước thuê người chặt rào bàu rau muống còn dư một khúc, má Toàn róc mắt hơ lửa để trên bếp giờ đem ra chẻ lạt gói bánh tét. Bánh tét gói lá chuối buộc bằng lạt tre… chặt tay, nấu đủ lửa để lâu ngày không lại gạo.

Sáng mùng ba Tết, má Toàn sắp bánh tét lên tủ thờ, thay nước, thắp nhang… cúng tạ ông bà.

Cúng tạ xong, xuất hành đầu năm, má Toàn lên thăm… nửa bàu rau muống.

M.H.N