Phan Đình Diệu, một trí thức lớn đã qua đời

694

14.5.2018-12:45

 GS Phan Đình Diệu trong một lần trả lời phỏng vấn về cải cách giáo dục. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

GS Phan Đình Diệu,

một trí thức lớn của Việt Nam đã qua đời

 

NVTPHCM- GS Phan Đình Diệu, nhà toán học, khoa học máy tính của Việt Nam đã qua đời lúc 10h sáng nay, 13.5, sau một thời gian lâm bệnh.

 

GS Phan Đình Diệu sinh năm 1936 tại Hà Tĩnh. Ông được ghi nhận là một trong những người có công lao đầu tiên xây dựng và phát triển ngành tin học tại Việt Nam. Trong cuộc đời mình, ông cũng nổi tiếng với sự chính trực và có những đóng góp tâm huyết về chính sách phát triển khoa học giáo dục nước nhà.

 

Ông là viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin Việt Nam), người sáng lập Hội Tin học Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về Công nghệ thông tin khoá 1 (1993-1997).

 

Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, ông học Trường ĐH Sư phạm Khoa học với một lý do đơn giản là để có học bổng vì kinh tế khó khăn. Ở đây, ông tìm thấy sự say mê với ngành Toán học. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường giảng dạy.

 

Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô ngành Toán học tính toán và Điều khiển học, ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva, ông về nước và bắt đầu tập trung nghiên cứu và phát triển ngành Khoa học máy tính ở Việt Nam.

 

Năm 1971, ông được đề nghị làm Trưởng phòng Toán học tính toán của Uỷ ban Khoa học Nhà nước vào thời điểm cả nước chỉ mới có một dàn máy tính đuợc đặt tại đây, đòi hỏi phải được nghiên cứu để sử dụng và đào tạo cán bộ. Ông đã tìm hiểu và học tập để xây dựng những tập thể cán bộ không những biết sử dụng máy tính, mà còn có khả năng nghiên cứu ở trình độ cao về một số hướng phát triển hiện đại của khoa học máy tính và tin học.

 

Không chỉ là một nhà khoa học tài năng, GS. Phan Đình Diệu còn là một người thầy gần gũi, tận tình mà nghiêm khắc với học trò. Ông có thời gian làm cán bộ giảng dạy ở Khoa Công nghệ Thông tin (sau này là Trường ĐH Công nghệ, thuộc ĐHQG Hà Nội), và là chuyên gia cao cấp của đại học này.

 

Ông cũng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về khoa học giáo dục.

 

Gia đình GS Phan Đình Diệu có 3 người con. Các con trai, gái, dâu, rể đều theo đuổi sự nghiệp khoa học – giáo dục và công tác tại các môi trường Pháp, Mỹ, Việt Nam. Trong đó GS Phan Dương Hiệu, PGS Phan Thị Hà Dương, là những nhà toán học sớm đạt được nhiều thành tựu từ khi còn trẻ.

 

Nhớ lại những kỷ niệm với GS Diệu, anh Giang Văn Thế (làm việc tại Ngân hàng Thế giới) – thường được biết tới với bút danh Hiệu Minh – kể lại: “Là người có tâm với khoa học và rất yêu toán và tin, anh (GS Diệu) bỏ không biết bao công sức để xây dựng ngành này cho nước nhà cùng với những giáo sư đầu ngành như Tạ Quang Bửu, Hoàng  Tụy, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Văn Đạo… Đi sang Pháp, thay vì dành tiền mua xe Peugeot về bán lấy lãi như nhiều người, anh mua rất nhiều linh kiện PC cho Viện”.

 

Trong một buổi gặp gỡ tại Sài Gòn với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, khi được hỏi  “Tại sao ông mê khoa học xã hội?”, GS Phan Đình Diệu trả lời: “Nó hấp dẫn. Tôi thích tìm hiểu từ nhân văn, văn học, nghệ thuật, khuynh hướng hậu hiện đại. Tôi cảm thấy người ta nói đến hậu hiện đại một cách thời thượng chứ chưa thật sự hiểu”.

 

Hồi tưởng lại những kỷ niệm với GS Phan Đình Diệu, anh Đào Kiến Quốc (công tác tại Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin của ĐHQG Hà Nội) đã viết:

 

“Ông là người cực kỳ uyên bác và khúc triết. Nhưng bài ông trình bày trong semina đều rất sâu sắc. Thời làm tiến sĩ khoa học bên Nga, thầy làm về toán học kiến thiết, một thứ toán có liên quan mật thiết đến lý thuyết tính toán. Toán học kiến thiết không thừa nhận luật phản chứng, không thừa nhận vô hạn tiềm năng, chỉ thừa nhận vô hạn thực tai, không thừa nhận sự tồn tai theo kiểu kinh điển mà tồn tại tức là phải có một quy trình chỉ ra được sau hữu hạn bước. Điều này thật phù hợp với tư duy máy tính… Nghe nói, khi thành lập Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, người ta giao cho TSKH Nguyễn Thúc Loan làm Viện trưởng và chính ông Loan sau một thời gian ở vị trí này đã nói, xin để anh Diệu làm Viện trường, anh ấy làm sẽ tốt hơn tôi.

 

Thầy Diệu chuyển về làm cho Chương trình Quốc gia về CNTT giai đoạn 1996-2000 (thường được gọi là IT2000). Chương trình này đã đặt ra những vấn đề nền tảng cho sự phát triển CNTT của VN sau này trong đó có việc thành lập các khoa CNTT trọng điểm, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, việc tin học hóa hành chính nhà nước. Năm kia, tôi đọc lại các tài liệu về chương trình này và vẫn không hết ngạc nhiên về tầm nhìn của GS mặc dù đã qua 20 năm”.

 

Theo GS Nguyễn Đăng Hưng, Chủ nhiệm chương trình cao học Việt – Bỉ kể lại, trong khoảng thời gian dài hợp tác khoa học giáo dục với Viêt Nam đã có gần 20 giảng viên, giáo sư được ông mời sang Bỉ giao lưu khoa học. Buổi thuyềt trình về “Tin học và trí thông minh nhân tạo” của GS Phan Đình Diệu đã để lại ấn tượng rõ nét nhất trong tâm hưởng các nhà khoa học Bỉ.

 

“Khác với nhiều nhà khoa học sao nhãng khoa học trong thời gian dài – điều khó tránh khỏi là họ và nhanh chóng trở thành tụt hậu – GS Phan Đình Diệu vẫn tiếp tục nghiên cứu trong những điều kiện khó khăn. Kết quả là khi qua các nước phát triển giao lưu khoa học ông không có dấu hiệu đến từ một nước chậm phát triển như tôi thường thấy”.

 

Từ năm 2003, ông tham gia diễn đàn cải cách giáo dục của 23 nhà khoa học trong và ngoài nước do GS Toán học Hoàng Tuỵ khởi xướng, có tên là “Hướng về giáo dục”. Phương châm “cải cách giáo dục: mệnh lệnh của cuộc sống” đã được nhóm duy trì trong các hoạt động góp ý, phản biện chính sách sau này.

 

HẠ ANH- NGUYỄN THẢO/VNN

 

 

>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…