“Phố vợ cũ” – một sáng tạo hay mà buồn…

148

Tôi gặp “Phố vợ cũ” của Thy Nguyên tình cờ trên Facebook. Bận lắm mà tôi vẫn phải day dứt đọc lại bài thơ này, và rồi không thể cầm lòng mà không viết gì đó về bài thơ lạ mà hay của Thy Nguyên. Trên thế gian phụ nữ khổ đau vì tình nhiều lắm. Các nữ sĩ hòa nước mắt làm thơ nhiều lắm. Vậy thơ đau của Thy Nguyên có gì khác mà phải băn khoăn mãi?

Nhà thơ Thy Nguyên

Phố vợ cũ

Hải Phòng có phố vợ cũ anh biết chưa?
Nắng cứ mềm uống những lần em khóc
Trăm hiu hắt đuổi nhau thành mưa móc
Phố gối đầu lên sóng tắm ba mươi.

An nhiên nằm ngoài, bất định nằm ngang
Hạnh phúc nhỡ độ đường, dùng dằng hun hút
Tóc người bạc lẫn gối chăn vuông vức
Đặt căn phòng trong tam giác heo may.

Vai anh lệch, chiều dứt áo em đau
Tigon hồng cứ âm thầm hồng vỡ
Mỗi chiều lá vàng thêu một lần son nhạt
Lối cửa sau gió chuốc gió say mềm.

Tôi gặp “Phố vợ cũ” của Thy Nguyên tình cờ trên Facebook. Bận lắm mà tôi vẫn phải day dứt đọc lại bài thơ này, và rồi không thể cầm lòng mà không viết gì đó về bài thơ lạ mà hay của Thy Nguyên. Trên thế gian phụ nữ khổ đau vì tình nhiều lắm. Các nữ sĩ hòa nước mắt làm thơ nhiều lắm. Vậy thơ đau của Thy Nguyên có gì khác mà phải băn khoăn mãi?

À thì ra là ở chỗ ai sáng tạo ra một số thi ảnh rồi trở thành biểu tượng, từ của riêng thành của chung, thì có sức lay động, ám gợi nhiều hơn. Biết so sánh là khập khiễng nhưng cũng đành: không có cái quạt, quả mít, ốc nhồi…., Hồ Xuân Hương đã không sừng sững phi thường đến thế! Đoàn Thị Lam Luyến làm ta nhớ mãi với “Chồng chị, chồng em”! Như Bình làm ta đau cùng “Con thú” và thi ảnh lạ lùng: khi em chết rồi, bộ ngực tuyệt mĩ này là bàn tiệc của giòi bọ… Tiếc và đau biết chừng nào?!. Một biểu tượng “Muối dưa” của Phạm Hồng Oanh; Một cây đàn “Violin muốt trắng” của Vi Thuỳ Linh .., rồi Nồng Nàn Phố với: “Anh cứ ngủ tiếp đi em phải dậy lấy chồng“…

Cũng như thế, Thy Nguyên sáng tạo ra khái niệm “Phố vợ cũ”: chẳng có thật đâu, số phận và tâm trạng của một người vợ cũ phả ra, nhuốm màu, biến phố mà em đang ở thành “Phố vợ cũ” mà thôi, như thế cũng đủ ám gợi rồi.

Phố ấy thành gương soi cho em. Ba khổ thơ khắc tạc  Phố – Em ở ba tư thế:

Khổ 1: Phố khóc

Nắng như sinh thể biết uống nước mắt em như uống nước giải khát ấy, sợ! Hiu hắt đuổi nhau chạy thành mưa. Lạ nhất “phố gối đầu lên sóng tắm ba mươi“. Phố gối đầu lên sóng thì làm sao không gập ghềnh chìm nổi?. Làm sao mà bình an?. Đêm 30 Tết tối lắm, có tục tắm Tất niên để mong chờ một năm mới thay đổi, phong quang. Phố cũ như người tắm đêm ba mươi! Âm thầm mong sự đổi thay. Nếu có hai người cùng tắm hay chờ nhau sẽ không buồn đến thế!

Khổ 2: Phố chờ trong bất an

Thủ pháp chuyển đổi cảm giác biến “An nhiên”, “bất định” từ vô hình thành hữu hình, cứ như gỗ, như cột xi măng ấy, cái mong ước thì nằm ngoài tầm với, cái muốn tránh xa thì nằm ngang ngáng đường đi tới hạnh phúc. Vì thế mà hạnh phúc như khách lãng du lỡ độ đường. Tính – động từ “dùng dằng hun hút” vừa diễn tả trạng thái lưỡng lự của “ông khách Hạnh phúc”, vừa gợi tả ánh mắt nhìn “hun hút “vừa hi vọng vừa thất vọng của Phố  – Em”. Nhìn đến tận cuối đường nào có thấy ai đâu?!

Hai câu kết có hai thi ảnh hay và lạ đến buốt nhói trong ngực: “tóc bạc lẫn gối chăn vuông vức“! Mong gối chăn tung hoành, nát nhàu mà cứ vuông vức thế này?. Bao nhiêu tóc bạc rụng vì cái sự “vuông vức” suốt một thời hoa đỏ này?. Hỏi có đau không?

Kì quái hơn nữa, phố – Em “đặt căn phòng trong tam  giác heo may“. Theo phong thuỷ phương Đông, mua đất làm nhà kị hình tam giác. Văn hoá cổ truyền Việt nói: hình tam giác gợi sự bất định không an yên, với ba cạnh sắc nhọn đâm ra ba hướng ..v.v… Hình tam giác đầy bất trắc ấy lại ngập “heo may”, để chủ nhân căn phòng vĩnh viễn Thu, lại rùng mình mà nhìn mùa Đông đang tới? Lại ngập trong heo may thật buồn của mùa Thu đời người?

Khổ 3: Phố vỡ

Chưa nữ sĩ nào nói lạ đến thế về nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc gia đình: “Vai anh lệch chiều dứt áo em đau“. Đau và nhân hậu lắm khi cắt nghĩa: chẳng qua do sự không vừa vặn thôi! Áo tình yêu em may tặng anh không dùng được, vì “Vai anh lệch”.

Câu 2,3 trung bình, lấy đà cho bước bung phá ở câu kết tuyệt hay. Hoa Tigon vỡ gợi nhắc bài thơ “Hai sắc hoa Tigon” của TKKH? Mỗi chiếc lá vàng báo bước chân thời gian lại đi xa thêm, làm môi son dù tô đậm đến đâu cũng nhạt rồi. Và đây, khép lại phố vợ cũ thật buồn là một “Barie thơ”, làm người đọc dừng chân mà vẫn muốn ghé mắt ngóng vào phố vợ cũ, có căn phòng đặt trong hình “Tam giác heo may”:

Lối cửa sau gió chuốc gió say mềm“.

Phố không chồng, gió có lén vào cũng đi cửa sau thôi? Gió có vào cũng phải chuốc rượu cho phố – em say, vì có say mới bớt bẽ bàng? Gió nỗi niềm thiên hạ vào đây gặp gió lòng em, hai bên chuốc cho nhau say mềm…. để quên bớt mà có thể ngã vào nhau? Nhưng ngày mai lúc tỉnh lại có bớt đau?.

Thơ hay là gợi nhiều hơn tả, kể, hàm xúc tạo độ dư ba, vì thơ mà đọc rồi hiểu ngay thì vô vị, đọc mãi không hiểu gì thì hết vị.

Đọc bài thơ biết nữ sĩ đã đi qua quãng đời đau buồn nhất. Đây là sự hồi tưởng tài hoa về nỗi đau. Mừng vì Thơ nữ Việt Nam đương đại có thêm một tài năng đầy cá tính. Không mừng vì cứ phải tan vỡ lỡ dở rồi có thơ hay chăng? Biết làm sao trên đường Thơ tột cùng cô đơn này?!

Nguyễn Đức Hạnh/VNCA