Quỹ tích cuộc đời – Truyện ngắn Võ Anh Cương

545

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Tôi không tưởng tượng được rằng thời gian trôi nhanh như vậy. Mới đó mà đã một năm tôi vào làm ở công ty này. Tôi nhớ ngày đầu tiên đi làm, bữa ấy trời se lạnh. 

Tác giả Võ Anh Cương 

Tôi mặc bộ đồ màu vàng sau khi lựa chọn chán chê những bộ đồ đủ kiểu. Tôi ngắm mình trong gương, một con bé mười chín tuổi nhìn tôi cười. Con bé ấy có chiếc lúm đồng tiền một bên má phải, nước da trắng hồng và một mái tóc đủ dài phơn phớt nâu có đủ gây một chút ấn tượng với mọi người? Tôi bước lên cầu thang với những bước chân tự tin hay cố làm ra thế. Cầu thang là một nửa hình tròn và một đường thẳng nối với nhau y như môn hình học mà tôi rất ngại hồi học phổ thông. Bỗng nhiên tôi lại nghĩ đến những bài toán quỹ tích. Hay là quỹ tích cuộc đời? Tôi cười diễu tôi và nghĩ tiếp rằng bắt đầu từ hôm nay tôi di động để vẽ nên quỹ tích của đời mình. Vậy mà đúng thật, sau 3 tháng làm nhân viên phòng net, tôi “di động” đến chỗ thứ hai là nhân viên phòng tổ chức hành chánh. Trong 3 tháng ấy, tôi đi làm không nhất định vào một giờ nào cả. Có khi làm ca chiều đến tận gần nửa đêm mới về đến nhà, đến nỗi mẹ phải đi đón tôi. Nhà tôi gần công ty, hai mẹ con đi trong phố vắng vừa vui vẻ vừa uể oải trò chuyện cùng nhau. Còn nếu tôi làm ca sáng thì vào buổi trưa, lúc 12 giờ mẹ mang cơm cho tôi. Vừa nhìn tôi ăn cơm với một đôi mắt âu yếm, mẹ vừa quan sát chỗ tôi làm. Tôi lấy làm lạ và nghĩ rằng phòng net có gì lạ đâu mà mẹ phải quan sát ghê thế? Nhưng không phải vậy, sau này tôi mới hiểu mẹ muốn hình dung trong đầu của mình cách bố tôi đứng, lời bố tôi nói và quà bố tôi trao vào ngày sinh thứ 20 của tôi. Đó là ngày 28 tháng 1, còn ngày âm là ngày rằm tháng Chạp, tất nhiên là ngày rằm của 20 năm về trước, còn bây giờ thì không trùng ngày như vậy. Tôi thích ngày rằm có một nửa thôi, bởi vì ngày ấy có trăng. Âm lịch lại gợi trong tôi những gì thuộc về cũ kỹ, còn trăng là chuyện khác. Đêm trăng nhuộm màu sữa lên người tôi mỗi khi tôi vô tình ra ngoài và lọt vào mảnh vườn nhỏ xíu của bố tôi bên hông nhà. Tự dưng tôi nhận ra rằng hình như có đôi tay nào đó vuốt ve tôi, đôi tay vô hình mơn man da thịt con gái của tôi! Cảm giác ấy đến với tôi trong đêm rằm tháng Tám. Tháng Tám là tháng của mùa thu. Nơi tôi sống, mùa thu trôi qua nhanh quá. Ta chưa cảm nhận một chút xao động trong lòng bởi tiếng thu thì mùa thu đã trôi qua, những cơn mưa dầm đến não lòng ập đến. Mùa thu phố núi. Thật ra nơi tôi sống người ta thường nói có đến 4 mùa trong một ngày, sáng: xuân, trưa: hạ, chiều thu len lén về bên khung cửa và tối là của mùa đông! Tôi nghe ai đó nói người sinh vào mùa đông thường sung sướng cả đời, tôi sinh tháng Chạp, mùa đông có được “sướng” không? Nhưng sung sướng là gì, hạnh phúc là gì? Nhiều khi tôi nghĩ vẩn vơ rằng cái mà người này cho là sung sướng thì chưa chắc đã đúng với người kia. Có thật như vậy không tôi không chắc lắm, còn chuyện này thì rắc rối như… con gái vậy.

Khi vào làm nhân viên phòng tổ chức, tôi phải làm đủ thứ công việc khác nhau. Tôi thích vào sổ thời gian công tác của từng người. Vừa làm tôi vừa ngắm khuôn mặt chững chạc của ông phó giám đốc và những khuôn mặt trẻ măng của các cô nhân viên. Ông phó có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt hình như có điểm một chút đa tình. Tia nhìn của “ổng” sâu thăm thẳm, tôi đoán vậy tuy chưa gặp mặt ổng lần nào. Ông phụ trách một chi nhánh ở xa, xuân thu nhị kỳ về công ty họp. Những lúc ấy tôi lại bị sai ra ngoài làm một công việc nào đó, phòng tổ chức mà, có bao nhiêu việc phải làm? Thấy tôi nhìn hơi lâu hình ông phó, chị Hương đi ngang qua nói: “Em nhìn gì kỹ thế, hôm nào ông Đáo về chị nói cái Ngân ngắm anh say đắm”. Tôi đỏ mặt chống chế “Tại em thấy chú ấy quen quen”. “Hèn nào, có vậy em mới vào ngay phòng chị chứ?”. “Không đâu chị, em không quen chú ấy thật mà?” Cả hai im lặng ai làm việc nấy sau khi chị Hương buông thỏng một câu không biết ý tứ gì “Anh ấy sắp về trên này luôn, không phụ trách huyện nữa!”. Tôi úp cuốn sổ xuống và cầm cuốn tiếp theo. Tên một người con gái đập vào mắt tôi: Võ Hàn Nhật Khanh, tôi giật nẩy mình, không tin vào mắt mình. Lạ chưa, sao lại có người trùng họ với tôi như vậy? Bố bảo rằng, tôi sinh vào mùa đông, trúng tiết đại hàn nên bố mượn chữ Hàn đặt tên lót cho tôi. Còn chị Nhật Khanh này, tại sao cũng có chữ Hàn như tôi vậy, mà lại họ Võ nữa mới thật lạ lùng. Hay là… hay là…tôi không dám nghĩ tiếp nữa.

Chú phó trở về thật. Bây giờ tôi “diện kiến” đều đều người đàn ông có dáng bệ vệ đó. Lần đầu gặp mặt, tôi cúi chào và không quên điểm một nụ cười nhỏ. Khi tôi ngẩng đầu lên, tôi bắt gặp một nét sững sờ trong tia nhìn thăm thẳm. Rất lạ, nét sững sờ ấy biến mất nhanh như khi xuất hiện và thay vào đó là một nụ cười tươi roi rói. Thật lạ lùng, đôi mắt chú ấy cũng cười theo cái miệng. Tự dưng tôi đỏ mặt dưới tia nhìn của chú. “Cháu mới vào làm à, cháu tên gì vậy?”, một giọng nói ấm trong một tia nhìn ấm, tôi lí nhí “Dạ cháu là Ngân, Kim Ngân ạ”. Chú Đáo a lên một tiếng “Đây là cô bé mà mấy cậu thanh niên hay kể với tôi, hoá ra là cháu ư, cháu vào làm mấy tháng rồi hôm nay tôi mới gặp cháu, sao lạ vậy nhỉ?”. Hình như chú ấy hỏi chú chứ không phải hỏi tôi, tôi “đọc” được điều ấy trong âm điệu của chú, không hiểu sao lúc đó tôi tự thấy mình có “nghĩa vụ” trả lời. “Cháu cũng không biết nữa, có lẽ những lúc chú về họp, cháu mắc công chuyện chi đó”. “Chữ duyên, cũng là một chữ duyên. Này , tôi tên Đáo, Hứa Văn Đáo, người ta gọi tôi là ông đao sắc, cháu biết vì sao không? Vì tôi tính giá công in, cháu biết rồi chứ. Còn bây giờ, hay quá cháu giúp tôi trình bày cái file này, đẹp một chút, đề án kinh doanh của công ty ta đó”.

Chú Đáo bỏ mặc tôi và đi vào phòng mình, còn tôi vừa tức vừa vui. Tôi 20 tuổi mà bị gọi là bé ư? Thôi mặc kệ cái ông đao sắc ấy, ổng là sếp của mình nói gì chẳng được. Tôi an ủi mình như thế.

2. Tôi đi làm vào giờ hành chính, mẹ không còn lo lắng khi tôi về muộn như hồi làm net. Tôi đã quen hết người trong công ty và hơn nữa là tôi biết chuyện của nhiều người hay đáo để. Chị Hà đẹp thế mà lại lấy ông hoạ sĩ chưa có một tác phẩm nào ra hồn, mà lại là vợ hai mới lạ, còn chú Phú xưởng trưởng có cô vợ xinh xắn không xứng đôi lắm, chú lại hay uống rượu mà cô ấy cũng chịu được mới kỳ. Còn bố và mẹ nữa, dạo này mẹ hay buồn, bố lại hay đi “công chuyện” tới khuya mới về. Hình như mỗi con người một số phận, tôi không biết rồi mình sẽ có “số phận” ra sao? Thôi mặc kệ tới đâu thì tới, biết đâu được chuyện cuộc đời, cuộc đời cũng có lúc vui chứ sao? Tôi mỉm cười khi nhớ lại những lần Vũ tán tỉnh tôi, tôi chỉ thấy một chút vui thôi và không cảm thấy gì hết. Nhưng với mọi người thì khác, ai cũng cho rằng tôi và Vũ xứng đôi, rằng tôi và Vũ còn chờ gì mà không tiến tới… Không biết tiến tới cái gì, giữa tôi và Vũ đâu có điều gì chung? Hình như tán tỉnh là thuộc tính của đàn ông con trai hay sao mà đi đâu tôi cũng nghe những chuyện linh tinh của trai và gái, của đàn ông và đàn bà? Tôi không rành những chuyện này lắm, nhưng đối với nhiều người, đề tài cặp bồ cặp bịch mọi người thường đem ra thảo luận trong những lúc “trà dư tửu hậu”. Tôi tức cười cho bản thân mình. Tôi, một con bé 20 tuổi, sợ uống trà đắng chát, còn rượu thì không bao giờ, vậy mà cũng “trà dư tửu hậu”! Nghĩa là tôi cũng bắt gặp mình hăng say trong những lần thảo luận về đàn ông đàn bà, về trai và gái, về tình yêu và ghen với chị Hương, chị Hà, cô Anh, cô Thắng. Cuối cùng tôi cũng bật cười khi kết luận rằng tôi là một con bé, cũng là đàn bà cả thôi trong thế giới đàn bà nhiều hơn đàn ông ở văn phòng công ty này.

Vũ không thuộc văn phòng, Vũ làm “đì sai” các loại hàng hóa văn hóa phẩm công ty tôi nhận in. Vũ làm việc tại một phòng nhỏ cạnh văn phòng, vì vậy Vũ hay la cà qua phòng tổ chức đến nỗi chị Hương quở “Vũ không có việc làm hay sao mà qua đây hoài vậy?”. Vũ trả lời tỉnh bơ “Em qua đây để tìm ý tưởng chị Hương ơi, ngắm Kim Ngân cười đêm nay em sẽ làm đến sáng luôn, thế nào sếp cũng khen”. Thú thật tôi chỉ vui thôi, tôi chỉ coi Vũ như một người anh trai và đùa lại. “Vậy thì cho Vũ ngắm Ngân suốt đời để mà tìm ý tưởng”. Rồi tôi ân hận ngay với câu nói đùa của mình. Tôi biết Vũ thật tình, tôi biết Vũ không phải tán nhăng tán cuội… bằng linh tính của một người con gái. Tôi sợ gieo trong Vũ một hy vọng, tôi sợ sự phức tạp từ tình cảm của Vũ. Ấy vậy mà không, sự phức tạp lại đến từ phía khác, một người tôi không bao giờ ngờ đến, đó là chú Đáo. Chú Đáo là một người trung niên điển trai, tôi cho là thế, chú là con người thành đạt, tôi tin là thế. Ngay những giây phút đầu tiên, chú ấy để lại trong tôi một ấn tượng mà tôi khó diễn đạt bằng lời. Chú ấy là một con người mà phái nữ chúng tôi hay nhắc đến sau lưng. Có lần tôi nghe trộm mẩu đối thoại sau “Hôm qua mình thấy ông Đáo chở một cô xinh đáo để”, “Ừ thì ai cấm được ổng chứ, mà này sao ổng cứ uống rượu hoài, mỗi lần như vậy ổng vào cửa hàng nói chuyện vui lắm”, “Cũng tội, không ai chăm sóc ổng, mà sao trong mắt ổng lúc nào cũng vương một nét buồn?”. Tôi tò mò muốn biết chuyện của chú Đáo, sao lúc nào cũng thấy chú ấy buồn buồn, tôi cũng thấy y như hai nhân viên bán hàng kia vậy?

3. Khi người ta yêu nhau thì sao nhỉ? Tôi chưa từng yêu ai nên không thể tự trả lời mình. Cũng như nhiều thiếu nữ khác, những đêm xuân nồng không ngủ được, tôi cũng bắt gặp mình để tâm trí lang thang vào miền giả định, tôi cũng mơ về một hoàng tử nào đó của riêng mình. Tôi ngắm tôi trong chiếc gương con lúc nào cũng mang trong túi xách, một chút kem thoa mặt, một nét vẽ nhạt nhòa phơn phớt đủ để hình thành nên một cái đuôi con mắt ướt, nơi ấy tôi thấy tôi ném một tia nhìn về phía đối tượng mà vì một lý do nào đó tôi không tiện nhìn mặt anh ta. Đôi mắt em sắc như là dao cau không biết có đúng với con mắt tôi không mà sao tôi chưa thấy ai ngó lâu một chút để tôi nhận ra một chút cảm xúc, dù chỉ thoáng qua? Vậy mà chiều mưa hôm đó, chú Đáo lại nhìn vào mắt tôi trong cơn say chấp chới với một lượng thời gian gần như bất tận?

Chiều Đà Lạt mưa buồn hết biết. Tôi buồn, một nỗi buồn vô cớ. Tôi phải đi học dù có bão bùng. Với chiếc áo mưa mỏng dính, tôi xông ra ngoài trời mưa gió để thấy mình thật khùng khi không chịu nghe lời mẹ mặc chiếc dày hơn. Thật ra tôi không khùng đâu, tôi ám ảnh bởi 2 câu thơ tôi vô tình đọc được “Chiếc áo mưa che lấp đi thân hình thon thả/ của một đời thiếu nữ rồi sẽ vụt qua mau”. Ai đó nỡ vô tình đem hai câu thơ ấy viết bằng chữ Couri co 24 to tướng đặt ở bàn tôi? Tôi đâu muốn đời thiếu nữ của mình vụt qua mau, cho nên tôi phong phanh áo mỏng xông pha mưa gió ngập trời cho dù tối về tôi bị cảm lạnh. Cái gì cũng phải trả giá, cái đẹp cũng vậy, không là ngoại lệ. Càng lúc mưa càng to, tôi không đi được nữa rồi, tôi tấp đại vào một quán ven đường chờ mưa dứt hạt. Tôi giật mình khi cánh cửa quán bật ra, “Ngân đó à, vào đây đi”. Chú Đáo. Tôi không ngờ chú Đáo ngồi trong quán thấy tôi. Tôi líu ríu theo chú vào trong, tiếng chú trong tiếng nhạc bập bùng. “Ngân uống một ly cà phê sữa nóng cho ấm người nghe, nhưng trước hết Ngân ngồi xuống đã”. Một mình tôi ngồi trước một lọ hoa có chỉ một bông hồng vàng nhạt khi chú Đáo đi gọi người chủ quán pha cà phê sữa nóng cho tôi. “Ngân đi đâu mà mưa ướt đến vậy?”. Tôi nhìn chú Đáo và đỏ mặt khi tôi nghĩ lúc này tôi như con mèo ướt trước mắt chú. “Ngân lau mặt đi, ướt hết cả rồi”, chú nhẹ nhàng đưa tôi chiếc khăn mùi xoa. Tôi từ chối và bối rối lấy chiếc khăn giấy lau lên khuôn mặt có lẽ đang tái mét vì lạnh. “Ngân uống đi cho ấm người”, chú cũng bưng ly của mình lên, trong ấy cũng là một chất màu nâu, nhưng không giống ly của tôi vì đó là rượu. Chú dốc chỗ rượu vào miệng và với tay lấy gói thuốc. Chú định châm lửa nhưng không hiểu sao chú hỏi tôi “Ngân có sợ khói thuốc không?”. Hỏi xong, chú bỏ điếu thuốc vào bao và rót một ly rượu nữa! Tôi buột miệng “Sao chú uống nhiều rượu vậy?”. “Tại sao ư? Tôi uống để quên, quên cả ngày mưa và ngày nắng”. Thật là khó hiểu tôi nghĩ, nhưng không dám hỏi chú. Như đoán được ý nghĩ của tôi, chú khẽ khàng nói “Nếu Ngân không bận và thật lòng muốn biết, tôi sẽ kể cho Ngân nghe chuyện của tôi, một chuyện buồn, mà sao ông Trời lại cho tôi gặp Ngân nhỉ, nhìn cái lúm đồng tiền trên má Ngân khiến tôi nhớ cô ấy quá!”. Tôi hoang mang quá đỗi, tôi không nghĩ mình lại là nguyên nhân cho một miền nhớ nhung nào đó. Và cô ấy là ai? “Cô ấy là vợ tôi, vợ tôi tên Kim Điệp, một loài bướm với vòng đời ngắn ngủi. Kim Điệp, Kim Ngân, cái lúm đồng tiền một bên má phải, ô hay sao có nhiều điều trùng hợp ngẫu nhiên đến vậy?”. Tôi ngây ngô nhìn chú, tâm trí bị xáo trộn dữ dội vì lời thổ lộ này. Nhưng mà… tại sao là tôi chứ không phải ai khác, tại sao?

Vậy là chiều hôm đó tôi lâm vào một mê trận. Trong cơn mưa dầm não nùng, trong tiếng nhạc mơ hồ như có như không, tôi mê ly mụ mị trôi trong cảm xúc về một mùa thu với những thoáng heo may mà mới nghe qua tôi đã thấy lạ lùng. Tôi không thể hình dung mùa thu đất Bắc đẹp đến nhường nào, càng không thể hiểu tâm trạng một người học sinh miền Nam trên đất Bắc. Không phải, hai người miền Nam chứ không phải một, và yêu nhau tự nhiên như đất và trời, như mây và gió, như anh và em. Có thể một chút lãng mạn của mùa thu làm cho mối tình ấy trở thành ám ảnh, ấy là tôi nói sau này, khi mà mọi sự đã được an bày không gì thay đổi được. Đám cưới nhà quê có thể là một nét đẹp rực rỡ nhất mà tôi không thể nghĩ ra, mọi chuyện cứ y như trong một thế giới khác, một thế giới không thực, không hiện hữu, ngoại trừ chiếc nhẫn vàng y lồng vào tay cô dâu được truyền từ đời bà nội của chú, bà cố nhét vào tay chú khi lên tàu ra đất Bắc. Chiếc nhẫn ấy cổ lắm rồi, nó có từ bao đời nay chú không thể nào biết, nhưng khi chú lồng vào tay cô Kim Điệp, cô là người thứ năm đeo nó theo lời bà nội. Vậy là nó trên trăm tuổi, nó không còn là chiếc nhẫn nữa mà trở thành một sợi dây chuyền từ đời này sang đời khác.

Chiếc nhẫn như một định mệnh, nó không ở lâu trên tay cô Kim Điệp! Bây giờ, nghĩa là sau nhiều năm, chú có thể có nhiều ngàn đô để có được chiếc nhẫn, nhưng đâu phải ai muốn gì là có thể đạt được ước muốn bằng tiền? Chú kết luận một câu như vậy. Còn tôi, tôi không tin vào kết luận của chú, nhưng mặc kệ, chuyện này nhỏ lắm, nó có là gì đâu so với cuộc đời của chú? Mà chuyện đời của chú là gì? Lại là vòng sinh tử luân hồi, là trầm luân thôi Kim Ngân ơi! Quái lạ, trầm luân? Ai trầm luân cơ chứ? Chú chứ ai! Lúc ấy tôi không thể hiểu ngay ý chú muốn nói là gì, nhưng câu chuyện tiếp theo, tôi hiểu bằng giác quan của một người phụ nữ? Cô Điệp có thai, chú mừng như bắt được vàng. Ngày ấy làm gì có siêu âm để biết được là con trai hay con gái? Làm sao có thể biết được những trục trặc xảy ra cho một lần vượt cạn? Chú ngắc ngứ chỗ này… trong lần vượt cạn một mình, cô Điệp đẻ ra một quái thai. Ôi chú không bao giờ nghĩ rằng một thảm hoạ lại đến với mình, chú hóa rồ với nỗi ám ảnh khuôn mặt không ra hình người của thằng con trai chú, nếu lành lặn, có lẽ nó cũng bằng tuổi Kim Ngân hôm nay. Nó chết ngay khi vừa lọt lòng mẹ, chưa kịp cất một tiếng “oe” đã vội từ giã cõi đời! Bán chỉ vàng của chiếc nhẫn cưới, chú chỉ cứu được cô Kim Điệp sau một trận băng huyết, ngay lần sinh thứ hai của cô ấy cũng không bao giờ có cả!

Tôi cứ rối tung cả lên vì những chuyện như vậy. Tôi còn quá khờ dại để có thể một lúc nghe trọn cả một bi kịch gia đình. Nhưng biết làm sao được, chú say rồi, tôi trở thành người bạn cho chú dốc cạn nỗi lòng. Người say tâm sự với bạn bao giờ cũng thật. Tôi không thể nào hình dung ra chú ngồi dưới gốc cây mà mới hôm qua thôi phía bên trên là tầng tầng lớp lớp màu xanh. Những cái tên như loài môn thục hay những con vắt lá cứ như là bước ra từ những trang văn mà tôi từng đọc, tôi lạ lẫm với ý nghĩ rằng thì ra những điều mình đọc có thực, có thực như tình yêu vậy. Với trái tim của một người thiếu nữ, tôi hiểu lắm. Đau đớn quá, chú lãng quên người vợ bây giờ đi vào lặng lẽ như một chiếc bóng, chú bận chạy theo những mối tình khác Ngân ơi. Chú là một thằng khốn nạn. Chú khát khao một đứa con, một đứa con trai, chú không từ một đòn phép nào để săn đuổi hai ba bốn người đàn bà khác. Chú để mặc cô ấy một mình trong ngôi nhà vắng. Chú chạy theo ảo ảnh, mà ảo ảnh có thật Ngân ơi, người đàn bà thứ tư cho chú một thằng con trai, nó có một con chim như bao thằng bé khác, nhưng nó không có tay! Tôi đỏ mặt và rùng mình, tôi nhìn chú, tôi nghe những lời chú nói như là độc thoại. Nếu không có cơn say chấp chới chiều nay, liệu chú có dám nói ra những điều ấy? Chú là một kẻ săn đuổi tình yêu, rồi đến lúc kẻ săn đuổi ấy cũng chồn chân mỏi gối, chú trở về nhà sau một cơn say và bất ngờ chú thấy vợ mình đang ngủ, trên tay cô ấy là bức thư chú viết cho cô khi ngỏ lời yêu. Chú tu tỉnh Ngân ạ, chú thôi những trò trăng hoa của mình, chú cố quên đi mình bị nhiễm để chăm sóc cô ấy. Như một cây khô lâu ngày không được tưới, cô ấy tươi tỉnh dần, vợ chồng chú lại yêu nhau như khi chú bắt gặp cô ấy lần đầu bên cây bưởi đang nở hoa trắng muốt, lúc ấy chú nghĩ cô bé nhà ai mà xinh ra phết?

Thời gian yêu lại không được bao lâu. Chú mua được chiếc Vespa, cô đòi chạy thử vào một chiều vàng nắng. Chú ngồi yên sau để kèm cho cô. Hôm ấy cô vui lắm, cô cười nói huyên thuyên suốt cả con đường Nguyên Tử Lực. Khi xe chạy xuống dốc, bất ngờ một con ngựa xông ra. Thay vì đạp thắng, cô xiết tay ga, cả người lẫn xe lao xuống hồ Xuân Hương lộng gió!

– Khi chú tỉnh lại, ngoài trời mưa gió như chiều nay, người ta cho biết đã chôn cô ấy mười ngày rồi. Mà sao Ngân nhìn chú chi dữ vậy, em có biết rằng em giống cô ấy, quá giống đi thôi!

4. Tôi lại di động. Lần này tôi vẽ tiếp quỹ đạo đời mình bằng cách tiến tới vị trí thứ ba, đó là một ngân hàng. Ở đây mọi người đều xa lạ, một mình tôi lặng lẽ vẽ quỹ đạo cuộc đời. Mẹ tôi đã hết buồn khi biết chắc rằng chị Võ Hàn Nhật Khanh là con gái người tình bố tôi hồi còn sinh viên, ba chị ấy cũng họ Võ như bố tôi vậy. Nhưng mẹ tôi có lẽ không thích thơ Hàn Mặc Tử, bởi vì bố tôi và mẹ chị Khanh là tín hữu thơ Hàn và lấy chữ Hàn làm tên lót cho con gái. Tình yêu quả là phức tạp. Khi làm việc ở Sacombank, tôi cảnh giác với những lời tán tỉnh của anh, đều đặn và tình cảm, tôi cố gạt ra ngoài tai những chữ sáo mòn. Nhưng tôi nhầm, một hôm tôi phát hiện ra rằng anh quả rất giống chú, cũng giọng nói ấy, những lời tán tỉnh không đến bằng đầu óc, nó đến thẳng trái tim thiếu nữ trong trắng của tôi.

V.A.C