Rất cần những tác phẩm văn chương đa thanh trong chương trình phổ thông

1517

Nguyễn Chiến

(Vanchuongphuongnam.vn) – Học sinh cũng cần tiếp cận cái xấu cái ác (cái xấu cái ác không thiếu trong cuộc sống và trong văn chương) để các em có kiến thức về nó; từ đó mới có sức đề kháng, không để cho cái xấu cái ác làm hại mình.

Nhà Lí luận Phê bình Nguyễn Chiến

Mới đây, trên facebook, trên báo chí, có người cho rằng cần đưa những tác phẩm như Tấm Cám (truyện cổ tích), Chí Phèo (truyện ngắn của Nam Cao), Chiếc thuyền ngoài xa (truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu)… ra khỏi chương trình phổ thông. Lí do của họ là những tác phẩm này kích động bạo lực, đề cập đến cái xấu, cái ác…

Họ đứng trên quan điểm nào? Đó là quan điểm xem văn học là luân lí, đạo đức, chính trị mà sâu xa là ảnh hưởng từ tư tưởng Nho giáo. Văn học là văn học chứ không phải là luân lí, chính trị hay đạo đức. Văn chương không có nhiệm vụ làm sáng tỏ chân lí, giải quyết những vấn đề của cuộc sống hoặc dạy dỗ ai mà bằng cái đẹp, lặng lẽ gợi lên những vấn nạn để bạn đọc suy ngẫm. Xưa nay, tác phẩm văn học hay được đông đảo bạn đọc yêu thích là tác phẩm làm cho bạn đọc boăn khoăn, trăn trở. Nó khơi lên trong bạn đọc bao điều để họ tự tìm kiếm cách giải quyết cho riêng mình. Một tác phẩm văn chương mà chân lí sáng tỏ; đọc xong, người đọc thấy yên tâm thõa mãn là tác phẩm tầm thường. Văn chương hay thì đa thanh, đa tầng; người đọc tùy theo tầm đón nhận của mình mà tiếp nhận. Mỗi độc giả có cách hiểu cách cảm tác phẩm văn chương của riêng mình. Ai đó rất có lí khi cho rằng: Có bao nhiêu người đọc Truyện Kiều thì có bấy nhiêu tác phẩm Truyện Kiều.

Học sinh cũng là bạn đọc, bạn đọc đặc biệt, với những điểm mạnh, điểm yếu của lứa tuổi mình. Các em đến với tác phẩm văn chương bằng sự nhạy cảm, hồn nhiên của tuổi hoa niên, rất ít bị chi phối bởi những định kiến. Các em thức nhận cuộc sống thể hiện trong văn chương tuy chưa có được sự sắc sảo của người từng trải song nhiều khi có những cảm nhận mới mẻ mà người lớn khó có thể có được. Các em được thầy cô giáo tổ chức đọc tác phẩm văn chương, gợi ý để các em phân tích, thảo luận, tranh luận có định hướng; từ đó tự rút ra ý nghĩa, bài học nhân sinh theo cách của riêng mình, miễn sao phù hợp với chân lí đời sống và văn hóa dân tộc.

Thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn có trình độ và bản lĩnh thường chỉ khơi gợi, khéo léo định hướng chứ không áp đặt hoặc cảm nhận thay cho học sinh; biết chấp nhận sự khác biệt trong cách cảm cách hiểu, biết khuyến khích những lí giải độc đáo, sáng tạo của học sinh. Việc cảm nhận thay cho học sinh, hoặc buộc học sinh phải tiếp nhận tác phẩm theo chủ quan của giáo viên là lối dạy – học lạc hậu, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay.

Các tác phẩm Tấm Cám, Chí Phèo, Chiếc thuyền ngoài xa… có nội dung “phức tạp”, đặt ra nhiều vấn đề khuấy động tâm tư người đọc.

Kết thúc truyện Tấm Cám là kết – thúc – mở của “tiểu thuyết”, của văn chương, làm bùng nổ bao cuộc tranh luận xưa nay. Tấm giết em gái một cách tàn độc (dội nước sôi, phân xác, làm mắm) và gián tiếp giết mẹ kế bằng thủ đoạn không thể ghê rợn hơn (làm cho dì ghẻ chết vì kinh khiếp, khi biết mình đang ăn thịt con). Có người tỏ ra hả hê khi những kẻ ác bị trừng trị đích đáng, khen Tấm lần này biết hành động nhanh chóng, quyết liệt, giết chúng để chúng không giết được mình. Có ý kiến không đồng tình với việc Tấm trả thù và cho rằng trả thù là dấu tích của xã hội man rợ; ở xã hội văn minh kẻ có tội được xét xử và sẽ bị pháp luật trừng phạt. Ngược lại, có bạn đọc thông cảm với Tấm, cho rằng hành động giết người kinh khiếp kia là do vô thức điều khiển, do sự xui khiến thúc đẩy bí ẩn mà mạnh mẽ của cả cuộc đời cay cực, chết đi sống lại bao lần của Tấm… Rõ ràng dì ghẻ ở ác với Tấm – con chồng – nhưng rất yêu thương con đẻ của mình và bà chưa thể yêu con của người khác. Con người này không hoàn toàn xấu. Tình mẹ vẫn là đền thiêng trong lòng bà…

Chí Phèo chết nhưng đâu phải hết chuyện. Tác phẩm văn chương không kết thúc ở trang cuối cùng. “Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng:… đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại…” rồi sẽ có Chí Phèo con ra đời, cuộc đời sẽ lặp lại như Chí Phèo cha… Truyện mở ra phía… mênh mông, gợi ra nhiều vấn đề không dễ để bạn đọc cùng chia sẻ.

Độc giả ở những thế hệ khác nhau sẽ đồng sáng tạo theo tâm lí, nhận thức của thế hệ mình. Không ai phủ nhận sức tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân phong kiến “biến người thành thú” của hình tượng nhân vật Chí Phèo. Nhưng ở một góc nhìn khác, người ta cũng thấy lỗi cũng thuộc về bản thân Chí Phèo. Chí bị “lưu manh hóa” cũng là tại Chí không giữ mình, tại Chí thiếu bản lĩnh. “Gần mực thì đen” là một lẽ, còn “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” (tục ngữ) là một lẽ khác. Không phải ai bị tù bảy tám năm về cũng biến chất. “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao” (Hồ Chí Minh) kia mà. Chí Phèo phải chịu trách nhiệm bản thân, không thể đổ hết tội lỗi cho cái xã hội thời ấy. Nhiều người cho rằng sở dĩ tác phẩm Chí Phèo được xếp vào hàng kiệt tác của văn học Việt Nam còn ở chỗ truyện gợi lên một vấn đề có ý nghĩa nhân loại phổ quát. Đọc tác phẩm, ai cũng thấy mình trong hình tượng nhân vật Chí Phèo: sống trên đời ai cũng bị tha hóa, vong thân, đánh mất mình ít hay nhiều, cho vừa với khuôn khổ của gia đình, xã hội…

Người đàn bà hàng chài, rồi cả người chồng vũ phu, Đẩu, Phùng, Phác (trong Chiếc tuyền ngoài xa) tính cách đều không giản đơn, mỗi góc nhìn đều khác nhau. Người đàn bà hàng chài là người mẹ tuyệt vời, giàu đức hi sinh nhưng là người đàn bà quá nhẫn nhục, cam chịu? Người chồng vũ phu kia là tội phạm cần phải được xử lí hay chỉ là nạn nhân của cái đói cái nghèo? Phùng là người nghệ sĩ mê cái đẹp, đuổi theo cái đẹp hay là nghệ sĩ dấn thân, đi vào ngõ ngách tâm tư sâu kín của phận người? Nguyễn Minh Châu đã có cái nhìn đa chiều về cái đẹp, về văn chương nghệ thuật, về cách nhìn nhận, đánh giá con người, về hạnh phúc của người dân sau chiến tranh; buộc người đọc, nhất là giới văn nghệ sĩ phải thao thức…

Ngay cả Truyện Kiều, tác phẩm lớn của văn học viết Việt Nam, được “cơ cấu” khá nhiều tiết học trong chương trình phổ thông cũng là tác phẩm “phức tạp”, chứa đầy mâu thuẫn. Tác phẩm có nhiều chi tiết, hình tượng đẹp đến ngỡ ngàng bên những hình ảnh “rất đời”, rất trần tục. Kết của Truyện Kiều là sum họp nhưng đại thi hào Nguyễn Du chỉ tuân theo cái mô-típ hình thức: gặp gỡ – li tan – sum họp thôi. Thúy Kiều vẫn tiếp tục khổ đau mà lần này cay đắng bẽ bàng hơn trước: Thúy Kiều phải lấy chồng chung, phải gọi em gái là chị, ngày ngày phải chứng kiến cảnh “một cây cù mộc, một sân quế hòe” của vợ chồng – con cái Kim Trọng – Thúy Vân. Giá như Thúy Kiều có một đứa con (với Thúc Sinh chẳng hạn) thì Kiều đở khổ biết bao nhiêu…(Ý của nhà văn Vũ Hạnh trong bài viết Đứa con của nàng Kiều).

Nhân vật Thúy Kiều được Nguyễn Du xây dựng là một con người đa nhân cách; phân tích, mổ xẻ mấy cũng không đủ. Là đứa ăn cắp (trộm chuông vàng khánh bạc nhà Hoạn Thư), là cô gái giang hồ “sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh”, là mệnh phụ phu nhân giữa chốn “gươm lớn giáo dài”, là người con “hiếu nghĩa đủ đường”, là tình nhân lí tưởng và bội bạc, là kẻ sống trong cảnh ô trọc mà vẫn giữ được thiên lương… Xét trong mối quan hệ với các nhân vật như Vương Ông, Kim Trọng, Thúy Vân, Tú Bà, Mã Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến…, Thúy Kiều cao cả và tầm thường, ân nghĩa và bạc nghĩa… Vì vậy, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược về nhân vật Thúy Kiều và tác phẩm Truyện Kiều: Thúy Kiều là “ngọc không vết”, “tấm lòng… như tuyết như gương”(Bài tựa Truyện Kiều Chu mạnh Trinh), là đứa “tà dâm”(Vịnh Thúy Kiều – Nguyễn Công Trứ). Truyện Kiều là “dâm thư” (Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế), là quốc hồn quốc túy (Phạm Quỳnh), dân gian xem Truyện Kiều là “truyện cấm đàn bà” (Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều). Biết bao điểm nhìn, quan điểm cần bàn bạc thấu đáo…

Những tác phẩm phong phú về nội dung như vậy mới khơi dậy hứng thú đọc và học văn học trong học sinh, mới có “đất” để các thầy cô giáo thể hiện. Thầy cô sẽ cho học sinh tiếp nhận hình tượng văn học từ nhiều phía, từ đó các em tự rút ra ý tưởng cho riêng mình.

Học sinh cũng cần tiếp cận cái xấu cái ác (cái xấu cái ác không thiếu trong cuộc sống và trong văn chương) để các em có kiến thức về nó; từ đó mới có sức đề kháng, không để cho cái xấu cái ác làm hại mình. Truyện Kiều sở dĩ trở thành tác phẩm lớn nhất của văn học viết Việt Nam cho đến nay, không chỉ ở những trang thơ ca ngợi vẻ đẹp của khát vọng “tháo cũi sổ lồng”, của tình yêu thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, tình người… mà còn ở những trang “rất đời”. Bên cạnh con người cao cả là con người thấp hèn, xấu xa. Bên trong con người phẩm hạnh lại có những góc khuất tâm tư tầm thường thậm chí thấp kém. Rất cần thiết cho học sinh hiểu được, hiểu sâu những khía cạnh của con người như nó vốn có.

Truyện Kiều có nhiều yếu tố sex, với những hình ảnh “khó quên”:

– Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên

– Nước vỏ lựu, máu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên

– Chơi cho liễu chán, hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời

 

Chí Phèo giàu ý nghĩa nhân văn là vậy, nhưng không phải là không có những hình ảnh rất gần với sự phi nhân, dẫu biết rằng nhiều khi giữa nhân văn và phi nhân chỉ cách nhau… nửa sợi tóc. Hãy đọc lại đoạn văn Nam Cao tả ngoại hình Thị Nở, tả cảnh ân ái của Thị Nở – Chí Phèo! Thị Nở xấu là ý đồ nghệ thuật của tác giả, song có cái gì bất nhẫn trong giọng văn như mỉa mai châm biếm khi tả người phụ nữ xấu đến mức ma chê quỉ hờn, gương mặt hao hao mặt lợn. Cảnh ân ái của Chí Phèo – Thị Nở rất gần với súc vật. Hình như Nam Cao đã mấp mé bên bờ vực của sự phi nhân?

Trong nhà trường phổ thông, nói đến cái xấu cái ác cũng là cách đề cao cái đẹp, điều thiện. Nếu bị tiêm nhiễm tư tưởng, đạo đức Nho giáo chỉ xem văn chương để “làm sáng đạo thánh hiền”, bó rọ con người trong ba loại: Thánh nhân – Quân Tử – Tiểu nhân, với Tam cương, Ngũ thường, Tứ đức… thì sẽ không thấy hết giá trị nhân bản của nó. Con người trong văn chương cũng như ngoài đời thực là con người muôn mặt có những ưu điểm, hạn chế thuộc về con người. Dạy – học Văn trong nhà trường là dạy theo tinh thần nhân bản, đề cao con người cá nhân, hướng đến “công bằng, dân chủ, văn minh” và cần nhất là ý thức đoạn tuyệt với “ngục tù” của tư tưởng Nho giáo… Những tác phẩm lớn như Tấm Cám, Truyện Kiều, Chí Phèo, Chiếc thuyền ngoài xa… có trong chương trình phổ thông hiện nay là cơ hội để học sinh lớn lên về nhận thức xã hội, về nhân cách; cũng là cơ hội để các thầy cô giáo hoàn thành tốt những mục tiêu giáo dưỡng, giáo dục của mình…

N.C