Tâm thức lưu đày trong tiểu thuyết Con đường đêm của Nguyễn Hoàng Thu

714

                                                                                                    Nguyễn Phương Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Con đường đêm là cuốn thứ nhất trong bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Hoàng Thu, cùng Đi qua bóng tối và Nỗi buồn đi qua (Nxb Hội Nhà văn, 2020). Bộ tiểu thuyết nối tiếp nhau về hành trình của một nhân vật đi tìm lẽ sống và ý nghĩa của cuộc đời, từ bóng tối những ngày tàn của chế độ Việt Nam Cộng hoà đến ánh sáng và niềm vui trong chế độ mới khi đất nước hoà bình thống nhất sau năm 1975.

          Con đường đêm kể về cuộc sống của nhân vật Hải, một người lính của quân lực Việt Nam Cộng hoà đã đào ngũ. Anh đã bị Quân cảnh lùng bắt, bị tù tội và trở thành Lao công đào binh trong hai năm. Khi gần kết thúc giai đoạn Lao công đào binh, sắp bị đưa trở lại làm lính chiến trường, anh cùng mấy người bạn đào thoát, mò mẫm trong rừng thẳm đêm tối, đi tìm cuộc sống tự do. Qua nhân vật chính – Hải và những người bạn tù – Lao công đào binh, trong một cảnh ngộ khá đặc biệt, tác giả đã thể hiện khá đậm nét tâm thức lưu đày trong tác phẩm.

  1. Không gian lưu đày.

Tâm thức lưu đày (exile) khơi nguồn từ sự bất an, bất toàn của con người khi đột nhiên bị cắt rời khỏi chốn dung thân, một vùng quê, một nền văn hoá quen thuộc. Ở đây, nhân vật Hải là một thanh niên trí thức có lòng tự trọng, chán ghét chiến tranh phi nghĩa lý và cuộc đời cầm súng đánh thuê cho thế lực ngoại bang. Vì thế, anh phải trốn chạy và bị nhốt vào nhà tù, bị đày ải ở Trại lao công đào binh. Không gian nghệ thuật của tác phẩm là không gian ngột ngạt, tăm tối của nhà tù, của trại Lao công đào binh (L. C. Đ. B) và những chặng đường chuyển trại từ Nha Trang đến Quy Nhơn, lên Pleiku và núi rừng Kon Tum sâu thẳm. Thời gian là khoảng trước, sau khi Hiệp định Pa ri được ký kết (1973), khi quân đội Mỹ đã rút khỏi miền Nam nhưng chính quyền Sài Gòn của Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngoan cố bám lấy chiến tranh, lấn chiếm vùng giải phóng, ra sức bắt lính để phục vụ cuộc chiến tranh. Nhà tù và Trại Lao công đào binh chật chội, ngột ngạt, tăm tối, đầy mùi hôi thối của phân và nước tiểu, mùi mồ hôi chua lét, ruồi muỗi, rận rệp. Không gian của tiếng quát mắng, chửi tục, tiếng roi quất vun vút, thùm thụp những quả đấm, đạp, tiếng thì thào, rên rỉ và tiếng thở dài ngán ngẩm. Không gian ấy báo hiệu cuộc sống lưu đày của Hải và những người bạn L. C. Đ. B. Tâm thức lưu đày được thể hiện trong không gian, thời gian ấy. Không – thời gian như nén chặt lại, thời gian như không trôi, không gian ngưng đọng, sự kiện không nhiều nhưng tâm trạng của nhân vật thấm đẫm trong từng trang sách, trở đi trở lại đầy ám ảnh. Chính cái tâm trạng lưu đày đầy trăn trở, bức bối trong một không gian tù đày đặc trưng, đã tạo nên không khí thẩm mĩ của tác phẩm.

Không gian nhà tù và trại Lao công đào binh là hình ảnh thu nhỏ của xã hội miền Nam trong giai đoạn suy tàn của chế độ Việt Nam cộng hoà. Đó là một xã hội căng thẳng, ngột ngạt, tối tăm, với tiếng súng đình đoàng, tiếng gầm của đại bác, tiếng rú của máy bay. Đó là hình ảnh đám lính thất trận rệu rã, chán chường vì cuộc chiến tranh vô nghĩa lý; những tên ác ôn điên máu, lồng lộn, tàn độc đến mất hết tính người; những viên sĩ quan cao cấp của Quân lực Việt Nam cộng hoà cố sức vơ vét chút tàn của chiến tranh, làm giàu trên xương máu của binh lính và đồng bào mình. Một xã hội của lính tráng, sĩ quan, rượu uýt ky và gái điếm, trại giam, bom đạn và chết chóc. Trại L. C. Đ. B nơi Hải và bạn bè bị đày ải là hình ảnh một nhà tù nhỏ giữa một nhà tù lớn là xã hội miền Nam trước Ba mươi tháng Tư năm 1975.

  1. Cuộc sống lưu đày

Hải đào ngũ, trốn chạy nhưng cái bộ máy chiến tranh khổng lồ ấy không buông tha, nó đưa anh vào vòng lao lý sau vụ xử của toà án binh rồi trở thành L. C. Đ. B để “cải tạo”nhằm buộc anh phải tiếp tục cầm súng ra chiến trường. Hải đã bị “bật gốc” khỏi môi trường sống, môi trường xã hội, văn hoá thông thường, phải sống cuộc sống lưu đày ngay trên quê hương mình. Những ngày ở nhà lao Nha Trang, Hải đã sống cuộc sống không phải của con người: Một gian phòng hẹp không quá mười mét vuông giam hãm gần bốn mươi người, mỗi người chỉ có ba tấc chiều rộng vừa đủ để nằm chen vai nhau trên cái sập gỗ dài, còn tù mới đến thì nằm sắp lớp mấy mươi người dưới nền xi măng, ăn ngủ và phóng uế trong phạm vi ấy. Nội quy quân lao Nha Trang cấm tất cả mọi sinh hoạt trong thời gian giới nghiêm từ chín giờ tối đến năm giờ sáng hôm sau, không ngủ được cũng phải nằm yên như thế. Người tù bị cùm tay vào nhau khi ngủ, đi tiểu tiện cũng phải gọi và dắt người còng tay với mình cùng đi theo. Tù mới nhập trại bị đánh đập dã man để cướp bóc, có tiền bạc hay tài sản gì phải nộp ngay cho bọn quản ngục, nếu chưa kịp đưa thì bị đòn roi: tiếng cùi chỏ nện xuống lưng, tiếng quả đấm dội vào bụng, tiếng ú ớ đau đớn vì tắc nghẽn trong cổ họng…lại cái trò bóp cổ không cho la.

Để trấn áp tù nhân, bọn quản ngục còn bày ra những trò hết sức điên rồ và bẩn thỉu. Chúng bắt tù nhân bắt ruồi, mỗi ngày phải bắt đủ trăm con ruồi, nếu thiếu con nào thì chịu đòn tra tấn theo chừng ấy. Thành ra, người ta thấy tù nhân lê lết mải mê bắt ruồi quanh chỗ ngồi, chỗ bẩn thỉu hôi hám, cả trong hầm cầu. Những người bắt thiếu số ruồi quy định thường bị chửi bới và đánh đập rất dã man. Nhà giam và ở trại L. C. Đ. B đều có “chuồng cọp” để nhốt những người phạm lỗi hoặc làm ngứa mắt bọn cai ngục. Đó là một khoảng đất cỏ giữa nắng nóng được ràng bằng những vòng thép gai gần sát mặt đất, chỉ đủ cho người chịu tội chui vào nằm áp mình trong đó, không cựa quậy được. Người hơi to mập thì không nằm ngửa được mà phải nằm nghiêng nếu không muốn gai thép cào rách da thịt.

Từ khi chuyển ra khu thành án, tưởng hoàn cảnh dễ thở hơn nhưng rồi cũng khổ nhục, cực hình. Hải và Hiến hàng ngày phải đi thụt nhà cầu với hai bàn tay đầy ghẻ ngứa, cứ gãi vào háng, vào bụng sồn sột như quào đàn tranh. Họ phải làm việc không ngơi nghỉ, mệt mỏi rã rời vẫn phải cố, nếu lơ đễnh, sơ ý sẽ bị quản ngục và đám tù trật tự đến “hỏi thăm” bằng những quả đấm độc hiểm được rèn luyện trong tù. Ông già Ngôn đã 51 tuổi cũng bị bắt vào tù và trở thành L. C. Đ. B vì tội đào ngũ từ năm 39 tuổi khi chưa hết tuổi lính và bị truy ra từ cái lệnh tầm nã từ hơn mười năm trước. Ở Trại L. C. Đ. B Trung đoàn 1, hậu cứ An Sơn, những lao công đào binh bị cạo trọc đầu, những bộ quần áo lính cũ nát bị buộc phải xé hết cổ áo, lai quần rồi sơn phết lên loè loẹt mấy chữ “L. C. Đ. B”: Loại quần áo lính cắt xé, sơn phết với cái đầu trọc bóng. Trông chúng tôi chẳng giống lính chút nào, dù là một người lính bại trận, lạc đồng đội thất thểu trở về. Những L. C. Đ. B với cuộc sống đói khát, lay lắt, hình dáng tiều tuỵ như những dị nhân, người không ra người, ma chẳng ra ma.

Ở căn cứ hành quân gần thị xã Pleiku, những Lao công đào binh phải làm công việc nặng nhọc như vác gạo, vác đạn, đào công sự, chiến hào trong hoàn cảnh đói khát, hiếu thốn. Ở Eo Gió (Kon Tum), họ phải đi rừng chặt gỗ cẩm lai cho thằng trung đoàn trưởng, đem sức làm giàu cho bọn sĩ quan đang chà đạp mình. Họ phải làm việc cật lực dưới sự “chăm sóc” của tên thượng sĩ Tới và Thanh Râu cùng hai tên lính với họng súng đen ngòm: Mỗi nhát rìu chặt xuống, cánh tay tê dại, mắt loè đom đóm; rồi chuyển những phách gỗ lớn ra bãi tập kết cho xe chở đi, lại vào rừng bẻ măng tre về chẻ ra phơi khô cho tên sĩ quan chở về nhà. Ốm đau bệnh tật cũng không được nghỉ ngơi, chăm sóc, điều trị. Những trận sốt rét hành hạ người L. C. Đ. B chết đi sống lại: Tín nằm co, tấm mền rung rung trên cơ thể nó. Nó bị sốt rét từ hôm đào xong chiến hào xung quanh căn cứ…Thằng Quang ốm cũng sốt rét, sau nhiều cơn nóng lạnh, nằm chịu trận mãi cho đến chết. Cùng với ruồi, muỗi, rận rệp, cái chết cũng là một nỗi ám ảnh đối với người L. C. Đ. B. Đó là cái chết của những người trốn trai bị găm cả loạt M. 16 vào lưng. Những người lính chết trận được đưa về căn cứ chờ xe chở gỗ đưa về hậu phương, mấy ngày trời phơi xác giữa trời nắng nóng thối rữa, trương phình. Phan bị tên thiếu tá Lý bắn chết vì khi bị hắn lăng nhục, anh đã trút cái nhìn khinh bỉ, phẫn nộ vào mặt hắn. Tín chết trong cảnh ngộ rất thương tâm: Khi đang lên cơn sốt rét lê lết nhưng không được chăm sóc, thuốc men. Trong cơn đau đớn bấn loạn, Tín vùng chạy và bị thằng trưởng trại bắn chết, nằm úp lưng trên hàng rào dây thép gai. Ông già Ngôn bị mìn nổ tan xương nát thịt khi cùng Hải đào thoát.

Cùng với sự đày đoạ về thể xác, những người tù và L. C. Đ. B còn bị áp bức về  tinh thần. Họ phải chịu tội là những kẻ hèn nhát, sợ chết nên đào ngũ, bị kinh bỉ và ruồng bỏ: Cái thứ đó (L. C. Đ. B), cái thứ hèn nhát đào ngũ thì bỏ mặc cho nó chết một trăm thằng cũng không tiếc (Lời tên trung tá Thiên). Từ bọn sĩ quan cấp cao đến bọn quản ngục và tù trật tự thường xuyên đối xử với họ như những con vật đáng khinh bỉ. Chúng có thể trợn mắt đe doạ, mắng chửi, gõ hèo vào đầu họ bất cứ lúc nào và không cần lý do. Chúng bỏ mặc họ đói khát, ốm đau, chết chóc, miễn là được việc cho chúng. Bọn chỉ huy quân phiệt coi họ như nô lệ, mỗi khi đến nhận người đi lao công, chúng lựa người như lựa cá: Không cần sạch sẽ nhưng phải khoẻ, to cao càng tốt. Có thể nói, những người tù, L. C. Đ. B đã bị bị lăng nhục, bị tước đoạt quyền làm người.

  1. Tâm thức cô đơn, bế tắc, lưu vong

Tâm thức lưu đày không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ nhà, nhớ quê của những con người xa xứ mà còn là nỗi đau đớn vì bị “bật gốc” khỏi quê nhà. “Bật gốc” có thể về cả không gian lẫn văn hoá, cũng có thể chỉ ở phương diện văn hoá, nhưng cảm giác càng lúc càng xa với gốc rễ, thấy con người cảm thấy bị lưu đày. Ở đây là cảm giác đau đớn của nhân vật Hải vì tách ra khỏi đời sống cộng đồng, bị chia cắt với cội nguồn gốc rễ, ý thức được nhà tù và trại L. C. Đ. B không phải là nhà mình, thấy mình không phải là chủ thể mà còn bị săn đuổi ngay trên chính quê hương mình: Chiến tranh đã phân tán chúng tôi, hút máu thịt của chúng tôi, lần lượt ném chúng tôi vào tù. Cũng là chiến tranh đã tạo ra một sản phảm quái đản như một sự lăng mạ, sỉ nhục đối với con người: Ôi, Lao công đào binh! Cái tên nghe thật buồn, thật xa lạ, nặng nề, mà cuộc sống đày ải lại khổ nhục, ê chề hơn. Hoàn cảnh lưu đày đã làm Hải thay đổi cả hình hài: Tôi già hẳn đi, đến không còn nhận ra mình nữa…Râu tóc tôi lúc này dài đâu chừng hai ba phân tua tủa buồn phiền trên khuôn mặt hốc hác phờ phạc và thiếu máu.

Nhân vật Hải sống trong chuỗi tâm trạng lo âu và hoài nhớ quá khứ. Anh là một người yêu quê hương đất nước, cũng chính vì điều đó, anh đã rơi vào một hoàn cảnh đầy nghịch lý: Tôi yêu đất nước tôi, biển xanh rừng thẳm, mây trời lồng lộng và ruộng lúa làng quê êm đềm. Chính vì thế tôi đã khước từ cầm vũ khí với bước chân bạo hành xâm phạm vào những nơi thân yêu của lòng mình. Nhưng cũng vì thế, anh trở thành tù nhân, trở thành L. C. Đ. B và sống cuộc sống lưu đày. Anh có một tình yêu đẹp và luôn gắn tình yêu với tình cảm quê hương: Biển Nha Trang, những con đường quen thuộc và khuôn mặt em có lúc sao mà sầu khổ đến thương, và hướng tới ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống: Hà ơi, không chỉ có tình yêu thôi, trên mắt em ngày đó có một điều gì đẹp hơn thế nữa, nhen nhúm trong anh một ý sống cao hơn cái thường tình trong mỗi ước mơ của con người. Nhưng nếu tình yêu đã giúp anh vượt qua những cơn đau số phận trong chuỗi ngày ẩn trốn các cuộc truy lùng, thì lúc này nó đánh thức trong anh nỗi bi quan của một kẻ bị dồn vào chân tường của cuộc sống. Anh không biết bao giờ chiến tranh kết thúc? Không biết đời mình sẽ đi đến đâu? Chỉ biết hiện tại là cuộc sống giam hãm, tù đày, đau khổ vì mất tự do và bị bạo hành về thể xác. Khi đi chặt gỗ trong rừng Kon Tum, Hải càng ý thức hơn về sự phi lý của cuộc sống hiện tại. Thiên nhiên đẹp đối lập với hoàn cảnh mất tự do càng tô đậm nỗi đau đớn của nhân vật: Tôi yêu rừng cây xanh, bầu trời cao lồng lộng và tiếng chim lảnh lót kia thì cớ sao tôi phải chịu sống tù đày làm thân phận lao dịch thế này giữa một thiên nhiên đầy nắng ban mai.

Là một người trí thức, Hải mong gắn kết với dân tộc, với đất nước hoà bình và cuộc sống có ý nghĩa. Nhưng anh bế tắc và cuộc sống là một cuộc lưu đày, ngày tiếp ngày trong trạng thái khủng hoảng, ngột ngạt. Anh cảm nhận được cái chết mòn của mình trong trại L. C. Đ. B: Cái lạnh của một ngày đông mưa gió nhanh chóng lùa vào xương thịt mọi người. Tôi nghe như những giọt máu quý báu hiếm hoi trong cơ thể mình đang bị hút dần dưới cái lạnh kinh khiếp chưa từng thấy này. Anh cảm thấy cái phi lý của đời mình, của mọi người khi đem sức ra làm việc này dù thâm tâm không muốn: Chúng tôi như mang trên vai một cái quan tài nặng nề chất chứa cả cuộc đời khổ nhục của mình. Cũng như Hải, nhiều người trong Trại L. C. Đ. B cũng đầy tâm trạng, đầy ẩn ức: Có nhiều người tủi thân, chạnh nghĩ đến mái ấm gia đình đã khóc tấm tức hoặc lặng lẽ rơi nước mắt. Hoàn cảnh lưu đày, bị giam cầm, tra tấn lâu ngày đã tạo nên những chấn thương tinh thần đối với người tù, người L. C. Đ. B: Thỉnh thoảng trong đêm khuya, tại khu thành án hoặc các khu nhà lao bỗng vang lên tiếng la kinh hoàng như ma ám của ai đó đang trong cơn mơ, làm kinh động giấc ngủ của người khác. Cái chết cũng là một ám ảnh thường trực đối với người L. C. Đ. B: Đối với tôi, cái chết bây giờ không còn là một tiếng than ôi nữa. Nó là nỗi đau gặm nhấm trong tôi, từng phút từng giờ dồn thành một quả nổ muốn tung ra để phá tan một cái gì đã đến lúc không còn được phép đè nặng lên đời mình nữa. Đó là ám ảnh về cái chết dần, chết mòn cả về thể xác lẫn tinh thần: Tôi lạnh rúm người, rùng rùng nơi vai và tưởng tượng mình đang chống đỡ với cái chết; Ban đêm, chúng tôi nằm nghe gió hú từng đợt xa gần, rờn rợn như tiếng than của nhiều hồn ma bị chết oan

Nhân vật Hải luôn ở trạng thái lạc loài, trong cuộc sống của người tù và người L. C. Đ. B, anh luôn trăn trở: Mình là ai và tại sao lại ở đây? Anh tránh cái chết phi lý, vô nghĩa ở chiến trường vì nghĩ rằng: Trên thế giới này không có cái chết nào vô nghĩa và tủi nhục bằng cái chết của một thằng lính đánh thuê ngay trên quê hương mình. Nhưng rồi lại bế tắc vì rơi vào một hoàn cảnh bi đát, khổ thân, tủi cực không ra dáng con người. Những câu hỏi day dứt, không có lời đáp: “Con đường nào cho tôi sống ý nghĩa đời tôi? Mãn hạn L.C.Đ.B rồi thì làm già đây? Lại cầm súng bắn giết đồng bào mình ư? Hải không thể làm như thế vì anh đã thấm thía đời lính và đã hứa với người yêu cùng lương tâm mình: Chúng tôi sinh ra đời không phải để làm lính đánh thuê ngay trên quê hương đau khổ của chúng ta. Đến với phía “bên kia” với bộ đội giải phóng ư? Anh chưa đủ hiểu biết về họ, cũng không đủ bản lĩnh để theo họ. Anh bế tắc: Buồn quá Phan ơi! Cuộc đời mình rồi sẽ đi về đâu?. Nhân vật Hải thấm đẫm tâm trạng cô đơn, buồn thương, bế tắc, lạc loài ngay trên quê hương đất nước mình. Tâm thức lưu đày, hiện sinh thể hiện đậm nét qua tâm trạng của nhân vật Hải đã tạo nên giá trị hiện thực và nhân văn độc đáo của tác phẩm.

  1. Vài nét về nghệ thuật

Liên hệ với cuộc đời nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, thấy rõ tác phẩm mang đậm chất tự truyện khi tác giả đã hoá thân trong nhân vật Hải, kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Lối kể chuyện này tạo ra điểm nhìn từ bên trong, điểm nhìn từ một nhân vật xưng “tôi”; nhờ thế, đời sống nội tâm của nhân vật được biểu hiện chân thật, sinh động và khá sâu sắc. Thủ pháp dòng ý thức ít nhiều được vận dụng đã thể hiện được chuỗi tâm trạng buồn thương, bế tắc, chán chường triền miên, thể hiện tâm thức lưu đày đậm nét trong tác phẩm. Tác giả kết hợp giữa không gian bối cảnh và không gian tâm tưởng để tạo nên một không gian nghệ thuật khá độc đáo. Không gian bối cảnh là nhà tù và trại Lao công đào binh đầy bóng tối, sự bạo hành, đau khổ, chết chóc; là thế giới ngự trị của ruồi, muỗi, rận, rệp. Không gian tâm tưởng là không gian trong nỗi nhớ, ý nghĩ, suy tưởng triền miên, không gian trong giấc mơ của nhân vật, lặp đi lặp lại trùng điệp trong tác phẩm. Hoà vào giọng kể tưởng như khách quan là một giọng tâm tình khá đậm nét, tạo nên âm hưởng chủ đạo của tác phẩm: buồn thương, trăn trở, day dứt không nguôi. Tác phẩm không có nhiều tình huống truyện độc đáo nhưng lại có nhiều chi tiết hấp dẫn, có ý nghĩa và có sức ám ảnh đối với người đọc. Lối dẫn chuyện tự nhiên, tả thuật sinh động, lời văn nghệ thuật trong sáng, giàu chất thơ đã góp phần tạo ra sức hấp dẫn đối với người đọc        Với những nét độc đáo đó, Con đường đêm đã góp phần vào thành công của bộ tiểu thuyết Nguyễn Hoàng Thu, một tác phẩm viết về thân phận của người thanh niên trí thức trong ngày tàn của chế độ Việt Nam Cộng hoà và đón nhận ánh sáng của cuộc đời mới sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

                                                                      N.P.H

                                                                      Buôn Ma Thuột, tháng 8/ 2023