Tản mạn Lý Sơn

836

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi chưa đến Lý Sơn, trong trí tưởng tượng, tôi hình dung đó là một hòn đảo nhỏ ở biển Đông như bao hòn đảo khác, nhưng ở đây lại có những ruộng tỏi mênh mông tạo  nên một thương hiệu nổi tiếng. Ở đó còn có những ngư dân kiên trì bám biển không chỉ để mưu sinh mà còn khẳng định chủ quyền của dân tộc. Dĩ nhiên giữa tưởng tượng và thực tế ai cũng muốn tận mắt chứng kiến hơn.

 Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn

Hơn 1 giờ trên tàu cao tốc lênh đênh trên biển cả, tôi mới hiểu thế nào là say sóng, đầu óc cứ lâng lâng trong khi thức ăn trong bao tử lúc nào cũng chực trào. Rồi đảo cũng hiện dần ra. Những con thuyền đánh cá neo đậu san sát, những hàng dừa thơ mộng vươn mình trong gió biển  tạo nên một cái gì đó rất đặc trưng cho một hòn đảo trên biển Đông. Lý Sơn đây rồi!. Khác với những gì tôi nghĩ Lý Sơn thật đẹp. Qua những con đường ngoằn ngoèo, Lý Sơn đón chúng tôi bằng những ruộng tỏi, ruộng bắp xanh tươi, nụ cười tươi rói của những người dân biển chưa một lần quen cùng mùi tỏi thoang thoảng cứ theo chúng tôi suốt cuộc hành trình.

Buổi sáng, những người bạn ở Lý Sơn đưa chúng tôi thăm những nấm mộ chiêu hồn thờ các anh hùng vị quốc vong thân Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh… Nhiều gia phả xưa ở đảo kể rằng từ thế kỷ XV-XVI, người Việt đã dong thuyền ra Lý Sơn và trở thành các bậc tiền hiền được thờ cúng đến tận ngày nay. Trong đó, dòng họ Phạm (gồm hai nhánh Phạm Văn và Phạm Quang) đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử trên hòn đảo đầu sóng ngọn gió. Đến nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải, hình ảnh đội  dân binh ngày xưa như hiện dần ra qua hiện vật và lời kể của cô thuyết minh: “Ghe bầu kềnh càng không chống nổi với sóng lớn, nếu ra khơi có thể bị đánh vỡ tan. Dân binh phải đi bằng ghe câu, tuy nhỏ hơn nhưng lách sóng được. Chèo khoảng ba ngày, ba đêm thì đến quần đảo Hoàng Sa nếu biển lặng và thuận gió. Sáu tháng trên biển phải đối phó với trăm ngàn nguy hiểm, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào. Thế nên trên mỗi thuyền câu đều trang bị sẵn nẹp tre và dây buộc, để phòng nếu có chết giữa biển thì nẹp xác rồi thả xuống nước, hy vọng xác trôi về quê nhà”. Một cảm giác cay cay nơi khóe mắt khi nghĩ về số phận của những con người lênh đênh trên biển cả.

Buổi trưa, ngồi ở Âm linh tự nghe các bác, các chú kể về những chuyến đi biển đầy hiểm nguy ập đến từ thiên nhiên và từ cả con người. Biển cho nhiều gia đình miếng ăn và cả sự giàu có, nhưng biển cũng cướp đi những gì quý giá nhất của gia đình. Không ít ngư dân nơi đây  một lần ra biển, rồi không trở về nữa!  Biết bao người đàn bà Lý Sơn ngồi đó với đôi mắt khắc khoải dõi ra ngoài trùng khơi như những vọng phu sống. Hàng ngàn năm nay vẫn vậy. Họ chỉ biết ngồi tựa cửa và sinh những đứa con trai để nối nghiệp cha. Bên tay tôi chợt văng vẳng mấy câu thơ mà những người bạn Quảng Ngãi đã sưu tầm trong dân gian và đọc lên trong buổi giao lưu:

Ngó lên trên trời, trời cao lồng lộng

Ngó ra ngoài biển, biển động thinh thinh

Ngó vô trong dạ buồn tình

Đêm nằm nước mắt nhỏ như bình trà nghiêng

Đêm nằm nước mắt rơi nghiêng

Áo em năm vạt ướt liền cả năm.

Khó khăn, thử thách là thế nhưng người dân vẫn bám biển, treo mạng sống mình trên đầu sóng ngọn gió không chỉ vì miếng cơm, manh áo mà còn để khẳng định chủ quyền của đất nước. Ở tại Hoàng Sa, họ thuộc từng rặng san hô, từng lạch nước không khác chi  miếng vườn, mảnh ruộng của người dân đồng bằng.

 Buổi chiều, chúng tôi ra chùa Hang, nắng vàng rực, biển xanh ngăn ngắt, bãi biển trắng muốt. Những bụi chà là  gai mọc lúp xúp trên triền núi, những hòn cuội tròn trịa nằm rải rác dưới chân người, cứ ngỡ mình đang trở lại thời hồng hoang. Trước chùa có một tượng Phật Bà Quán Thế Âm không quá lớn, cũng không hào nhoáng và bình dị sát bên bãi biển. Ở đây có khá nhiều người đang dừng lại, nghỉ ngơi và cũng tranh thủ thắp hương lễ Phật. Bằng lòng thành kính, chúng tôi cũng tiến lại gần tượng Phật Bà, chắp tay cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến trên quãng đường dài sắp tới. Lòng chợt thấy yên tâm hơn, nhẹ nhàng hơn. Quay nhìn xung quanh, dường như ai nấy cũng đang nở những nụ cười tươi trước khi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Chùa Hang là một hang đá nằm sâu trong lòng núi, bốn bề nhũ đá buông phủ như những cây cổ thụ trên vách đá tạo cho chùa Hang một vẻ kỳ bí, linh thiêng. Quả là người dân Lý Sơn vốn có niềm tin vào tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Tối, tôi đi ra cảng cá rồi dọc theo bờ, gió lộng lộng và trăng giữa tháng vời vợi rực rỡ rải ánh sáng khắp mặt biển, những vảy màu li ti, nhấp nhô, lượn vòng như tấm khăn thủy tinh trên biển. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe  tiếng sóng biển vỗ vào đêm rì rào. Ở Lý Sơn người dân thường ngủ sớm nên không gian càng thêm yên ắng. Mọi vật hiện ra mờ ảo chỉ có ánh đèn thuyền cá le lói nơi xa xa. Trăng lên cao. Cảng cá vắng lặng. Nhưng khi bình minh thức giấc ở đây nhộn nhịp hẳn lên.Tiếng ồn ào của kẻ bán người mua, của ghe mành lưới giã, và cả những tiếng chửi, câu cười: nặng trịch chất… Quảng Ngãi. Đối với ngư dân trên đảo, hải sản vừa là hàng hóa vừa là thực phẩm tự cung tự cấp. Bao đời nay cuộc sống vẫn thế.

Hai ngày ở Lý Sơn, tôi đã dành thời gian tha thẩn lòng vòng quanh đảo. Những tấm ảnh đầy xúc cảm khi đứng bên tượng “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”, lúc đứng bên miệng núi lửa hay khi ngồi trên cây phong ba oằn mình cùng gió bão, nắng mưa hay bên Đình An Hải, Lăng cá Ông Lân Chánh đầy tâm linh của người dân miền biển; rồi những tấm ảnh chụp những nông dân đội nắng trồng tỏi trên đảo hay cả những người lặn hụp dưới bãi hái từng nắm rong biển. Cả những tấm ảnh đời thường mà trước khi đặt chân xuống đảo, tôi không hề hình dung nó tồn tại ở Lý Sơn: người dân ung dung đi bộ thể dục buổi sáng, những ngôi trường khang trang  và cả những biệt thự sang trọng…

Biển hôm nay thật trong xanh, hiền hòa. Cảm ơn Lý Sơn, cảm ơn vùng đất linh thiêng bình yên…

Lê Quang Huy