Truyện ngắn ‘Phố đông tràn nắng’

821

“Hôm ấy anh chờ em bên phố đông tràn nắng Mua hai ổ bánh mì thịt nướng thơm giòn…” (*)

Chúng mình vẫn còn nợ nhau những cuộc hẹn, Nguyên phải nhớ đấy! Một góc cà phê bệt, một hàng hiên, một trạm xe buýt, một hàng xôi hay một xe bánh mì quen… Góc nào cũng được, miễn là nơi phố đông tràn nắng. Anh chờ!

Những dòng chữ nhòe dần trước mắt Nguyên, trước khi cô khép rèm mi và chìm vào những mộng mị vô cùng.

Một bàn tay ai đó vừa chạm vào mặt cô. Tiếng sột soạt của một vật thể gì không rõ. Chỉ là âm thanh của một sự va chạm. Nhưng ngay lúc này, những xáo động dù chỉ là âm thanh nhỏ nghe được, được xem như một lay động đáng kể tiếp vào cơ thể cô vốn đã như một trái chuối chín muồi, dặt dẹo và chỉ chực chờ thối nhũn. Trong mơ hồ, tiếng động dẫn cô về những nơi cô đã từng đi qua, một hoặc vài lần, trong những tháng ngày thành phố ngủ yên thinh lặng.

Cái xóm trọ nghèo rớt nằm trong con hẻm cụt, ngang chỉ tám mươi phân lẻ. Khác với những căn hộ cao vời vợi và những ngôi nhà riêng biệt trong phố, trẻ con ở đây không phải nhốt mình trong bốn bức tường. Chúng vẫn thoải mái nhảy chân sáo ra đầu hẻm, nơi có tiệm tạp hóa bé như lỗ mũi, mua gói snack hay thỏi kẹo cao su. Có lần cô đến, chủ tiệm quát thằng nhóc đen nhẻm vừa chạy vút như tên lửa về cuối hẻm.

– Cô thấy đó, ông bà mình nói chó treo mèo đậy. Đây không có chó mèo nhưng làm sao tôi che đậy nổi những đứa trẻ con.

Cô móc tiền túi, đền giúp thằng bé chưa biết mặt một gói kẹo cầu vồng. Chủ tiệm hất cằm:

– Ối, cái nhà ấy, đẻ như gà cô ạ. Đứa lớn lên hai thì đứa nhỏ đã sấp ngửa trên tay rồi. Khéo trận này đói vã ra!

Lần đó, cô phá lệ không đặt quà tại bàn ngay đầu hẻm để người dân tự ra lấy. Cô mang hẳn túi quà khá nặng, mua thêm vài gói xúc xích, hai vỉ trứng gà, một hộp phô mai, ít kẹo ngậm, bánh ngọt lèn vào bên hông túi xốp. Đó là phần quà riêng cho cái gia đình “đẻ như gà”. Cô đặt phần quà ngoài cửa phòng trọ nhỏ xíu. Nghe tiếng gọi, một người đàn ông cao lớn bước ra. Phòng trọ san sát, người đàn ông kia có lẽ không ngờ có người đến trao quà, nên thản nhiên cởi trần. Mồ hôi còn bết dính trên mái tóc đã dài sau nhiều ngày ở yên trong nhà. Người đàn ông cúi đầu cảm ơn cô. Chỉ có thể thấy đôi mắt ấm áp của anh ta bên trên chiếc khẩu trang. Nhưng cô đồ rằng đây là một khuôn mặt rất đẹp. Dễ hiểu tại sao vợ anh ta lại “đẻ như gà”. Cô cười thầm.

Cô chào người đàn ông và quay đi, loáng thoáng tiếng bọn trẻ tranh phần bánh kẹo và tranh luận việc gì đó. Những khuôn mặt người sau lớp khẩu trang. Cô không biết họ có mỉm cười hay không. Nhưng rõ ràng, những cái vẫy tay chào đầy lưu luyến là sợi dây níu cô trở lại. Đôi khi cô cùng đội thiện nguyện vét sạch những phần quà cuối cùng trong kho hàng, đợi tàn cơn mưa suốt cả tiếng, và chỉ rời đi khi yên tâm rằng tất cả những người lao động trong những xóm trọ không bị bỏ sót. Có những đêm trở về kho hàng, xịt khuẩn, tắm rửa, lùa vội cái bánh bao nhỏ đã thấy kim đồng hồ nhảy qua thời khắc mới.

Gần hai tháng ròng rã hết hẻm này đến hẻm khác, đội tình nguyện cô tham gia đã thấm mệt. Đội trưởng báo hàng trong kho đã cạn, nhiều ánh mắt trong đội nhìn nhau. Cô nhìn những khuôn mặt từ xa lạ đã trở nên thân quen. Có những buổi chiều mưa bất ngờ đổ xuống điểm tập kết hàng, cả nhóm không kịp chuẩn bị áo mưa, chịu trận cùng nhau. Những cái nắm tay thật chặt. Bộ quần áo bảo hộ ướt mèm trong trận mưa vần vũ cũng không làm nản lòng bất cứ ai. Nhưng cái hôm mà Kiên – một người trong nhóm báo “hai vạch”, mỗi người bó gối ngồi một góc trong kho hàng, nghe tiếng đêm sâu hút ngoài kia. Đêm tĩnh mịch và lặng tờ. Những con thằn lằn cũng chẳng buồn tặc lưỡi nghe chơi như mọi đêm. Sau những phút cả đội như lọt thỏm vào một hố đen, giọng Kiên lại vang lên đánh tan mọi âu lo:

– Mọi người sao vậy? Ngủ hết rồi à? Ai đã ngủ thì giơ tay lên xem nào?

Giọng Kiên tếu táo nhưng rõ ràng ai cũng biết cậu nhớ nhà, nhớ thằng cu con lém lỉnh đã hai tháng nay chỉ gặp ba qua màn hình điện thoại. Chiều hôm ấy, Kiên nhíu mày trầm tư rất lâu sau khi hỏi cô liệu có nên cho người vợ trẻ ở nhà biết tin này không? Cô im lặng rất lâu. Kiên rít thuốc liên tục. Chưa bao giờ cậu trở nên căng thẳng tột độ như thế. Ngay cả khi co ro dưới hiên mưa, dù rất thèm một hơi thuốc nhưng cậu không bao giờ dám cởi khẩu trang ra.

– Cuối cùng thì, ai là người quan trọng với cậu nhất, hở Kiên?

– Dĩ nhiên là hai mẹ con cô ấy.

– Vậy thì tôi nghĩ hai người đó có quyền được biết về tình trạng của người mà họ yêu thương nhất.

Cái đêm cuối cùng nhóm còn trụ lại ở kho hàng, Kiên hỏi cô có thèm gì không? Cô bật cười, sao cậu có thể hỏi một câu thừa thãi thế hở Kiên?

Rất nhiều bạn bè cô đã tếu táo đùa rằng khi nào hết dịch, họ sẽ kéo nhau đi ăn sập quán xá Sài Gòn cho thỏa những cơn thèm. Thành phố này và những quán quen. Trước kia, lấy cớ thèm một ly bia mà cô và bạn có cớ để thức đến tận khuya. Thành phố chưa bao giờ ngủ say. Bởi đâu đó ở một góc vắng, vẫn nghe tiếng xô chậu va vào nhau. Hương thơm của rất nhiều loài hoa Đà Lạt tập kết về giữa đêm khiến phố như một nàng công chúa ngủ mơ vẫn rù quến bao kẻ si mê. Hay một đêm chếnh choáng say, cô bước khỏi cánh cửa một beer – pub mà miệng cười suốt đoạn đường về. Hình như hôm ấy Khôi đã nói gì với cô. Đây là một trong rất ít lần hiếm hoi anh cùng cô đi chơi khuya đến thế. Công việc của anh không cho phép anh say, dù trong những ngày nghỉ. Chỉ một cú điện thoại, anh lập tức có thể bỏ rơi cô. Vậy nên, vui được lúc nào cứ tranh thủ mà vui đi. Hơi men đã khiến cô không còn nhớ Khôi đã nói gì. Chỉ nhớ đôi môi anh đã chạm đến cô. Rất gần. Rất lâu sau đó, cô vẫn tin rằng Khôi là người đàn ông đẹp nhất cô từng gặp. Ít ra, anh luôn đẹp nhất trong mắt cô. Khôi có vẻ đẹp của một người đàn ông mẫn cảm. Nhưng cũng thật kỳ quặc. Tỉ như, anh có thể nhắn tin liên tục cho cô trong vài tuần, nhưng lại biến mất không lý do trong vài ngày. Cô có thể dùng nhiều cách để khai thác tối đa lý do tàng hình của anh, hoặc giữ chân Khôi lại bên mình. Nhưng có lẽ trái tim luôn có tiếng nói riêng của nó. Khi cần, nó sẽ lên tiếng.

Kiên hỏi cô có thèm một người nào đó ở bên không? Ừ nhỉ, thèm chứ nhỉ! Mà thế quái nào Kiên lại khơi trúng nỗi thèm cô đã cố giấu tận sâu. Cậu thật là!

Không dưng, cô lại muốn kể Kiên nghe về Khôi. Kể về một người từng thân thuộc như hơi thở, rồi phút chốc lại biến mất không tăm tích, cô có phải là kẻ dở hơi không nhỉ? Như cái hồi Khôi bốc hơi khỏi căn gác nhỏ của cô, con bạn thân thậm chí đã nổi đóa cốc đầu, mắng cô là đồ điên. Một người đàn ông như Khôi, khối đứa con gái mơ ước đấy.

Cô chỉ cười nhạt, uống hết chỗ rượu nho đen thẫm còn sót lại sau bữa ăn tối. Việc ấy trước đây cô chưa từng làm. Vì bận nghịch ngợm khum bàn tay bụm lấy những lọn khói thuốc phà ra từ môi Khôi. Những lúc cực kỳ căng thẳng, anh lại hút. Anh sợ lắm, Nguyên ạ! – Khôi nói. Anh luôn tràn ngập nỗi sợ khi đối diện sự mất mát, dù chỉ là nỗi mất mát của kẻ khác.

Anh cũng đã như ba và mẹ cô, dù muốn hay không, cô vẫn không thể giữ họ trong tay mình. Khói về trời. Rồi khói có thành mây hay lại xóa hẳn dấu vết. Cô không biết. Nhưng rõ ràng những hình dung về họ, về anh vẫn hiển hiện đâu đó trong tim cô, trong trí não cô. Ngay cả khi cô chìm dần vào cơn mộng mị vô cùng.

Sau Kiên, lần lượt đến cô và những bạn khác trong đội đón nhận tin không vui. Buổi sáng hôm ấy, vài chiếc lá của chậu hồng nhỏ trước hiên nhà khua khoắng trong cơn gió nhẹ. Nụ hồng đã kịp hé những cánh hoa màu vàng ươm. Cô vuốt ve những cánh hoa mềm mượt, nghe mùa thu khe khẽ cựa mình. Cô sửa soạn mọi thứ cho một cuộc rời đi.

Hơi thở càng lúc càng khó nhọc. Ở mảnh giấy ghi vội số điện thoại người thân, cô run rẩy lựa chọn số đứa bạn thân, sau nhiều lần gạch đi số của Khôi. Hai năm rồi, chắc gì anh còn lưu số nữa. Và chắc gì anh nhớ có người cần bám víu vào anh để có niềm tin tiếp tục sống. Chắc gì…

Việc đầu tiên sau khi cô tỉnh dậy là tập thở. Khi việc bản năng nhất của con người là thở cũng phải gắng sức thì mọi thứ còn lại trở nên vô nghĩa. Thở đi. Thở thôi. Thở. Tiếng bác sĩ liên tục nhắc nhở cô thở. Cô không đủ sức để cố nhìn và đoán xem gương mặt bác sĩ tròn méo ra sao sau lớp kính chắn dày cộm đầy hơi nước. Tất cả các bác sĩ đều mang một khuôn mặt như nhau, một giọng nói đều đều như nhau. Và mọi thứ thức ăn, nước uống ngay bây giờ cũng nhạt nhẽo như nhau, chỉ khác ở hình thái và màu sắc.

– Phần của cô đó. Đặc biệt nha. Ráng ăn nào!

Cô nhìn chén đậu hũ nước đường sóng sánh như mật. Vài lát gừng mỏng tinh tế lẫn trong thớ đậu mềm. Chắc là chén đậu hũ rất thơm, và ngọt, và béo nữa. Khôi từng rất thích món đậu hũ nước đường cô nấu. Phải là đường mật, đường phên. Phải là gừng bánh tẻ mới thơm trong, không đắng. Trong cơn khốn khó này, được tặng một chén đậu hũ nóng hổi, dù cô chẳng còn cảm nhận được mùi vị gì, bỗng dưng thấy ai đó thật dễ thương phi thường.

Những ngày ở viện, cô hết nằm nghiêng đến nằm sấp theo lời bác sĩ. Đầu óc trống rỗng, khôn cùng. Cô đã tắt điện thoại từ khi tỉnh lại. Thở thôi. Rồi cầu nguyện.

Nhưng rồi hôm ấy, bác sĩ lại hỏi cô sau tấm kính chắn mờ hơi nước.

– Cô có cần liên lạc với người thân không?

– Tôi nghĩ là chưa, bác sĩ.

Bác sĩ nhìn cô hồi lâu. Rồi anh gửi cô một cành hồng với nhiều trái hồng trứng còn tươi rói.

– Một người nhờ tôi chuyển cho cô. Tôi nghĩ là cô nên biết.

Mùa hồng đến rồi ư? Mùa đẹp tươi đã đến mà cô nào hay. Những trái hồng quá đẹp, da căng bóng, ửng lên màu vàng cam ngọt lịm. Cô mân mê cành trái. Một mảnh giấy được ghim cẩn thận “Kiên đây. Tôi đã chiến thắng và trở về. Nguyên cũng sẽ như vậy nhé. Hãy nghĩ về người quan trọng nhất đang chờ cô trở về!”.

Người quan trọng nhất ư?

Kiên nhắc cô mới nhớ. Mới hôm qua, cô đã mơ thấy mình ngồi cùng người phụ nữ bán hoa ở con đường hoa tươi gần bệnh viện nơi Khôi từng công tác. Cô đã từng ngồi đó, với một người phụ nữ lạ giữa Sài Gòn, nửa khuya, khi Khôi bỗng dưng biến mất khỏi cô như một làn gió. Và cô khóc. Nhưng tối hôm qua, Khôi đã hỏi rằng cô có muốn làm mẹ những đứa con của anh không? Và cô cười. Y hệt hôm cô say.

Cô rụt rè mở điện thoại. Dòng tin nhắn vẫn liên tục gửi đến hằng ngày, suốt gần 20 ngày cô nằm viện, cùng một nội dung. Số điện thoại của Khôi.

***

Ngồi trên chuyến xe trở về căn hộ nhỏ, cô dang tay qua cửa xe đón nắng. Bao lâu rồi, cô chưa nhìn thấy nắng rọi qua những vòm cây. Xe ngang chỗ cây chò nâu cổ thụ, nơi có chú sóc già hay nhảy từ cành xuống gốc cây tìm thức ăn, cô thảy vội trái bắp mua được trên đường cho nó. Chỗ đó, lâu lắm rồi, Khôi đã chỉ cho cô một bí mật. Một bí mật già nua mang tên sóc nâu háu ăn. Bí mật kia đã rõ ràng. Chỉ có Khôi giờ đã trở thành bí mật.

Cô rón rén bấm số. Giọng nói mờ đục quen thuộc sau tấm kính chắn lại vang lên, kiểu như người ấy đang hiện ra trước mặt cô, bằng xương thịt mà cô chưa kịp định hình cho rõ ràng.

– Ráng khỏe chờ anh nhé! Sớm thôi Nguyên ơi!

Cô lặng đi, bất chợt òa khóc.

Cô biết, giờ này trên hành lang bệnh viện, Khôi vẫn đứng nhìn theo bóng cô xa khuất. Cô gọi tài xế dừng lại, ra khỏi xe. Cô đứng bên vệ đường, trên phố xá quen thuộc, lặng ngắm phố trở mình. Bên kia đã thấy lác đác vài tiệm hoa tươi mở cửa. Kia nữa là quán cà phê mang đi. Đằng này, là xe bánh mì của bà cụ tóc trắng. Ơn trời, sau cơn vần vũ của đại dịch, gặp một khuôn mặt quen thuộc hay xa lạ đều làm ta hạnh phúc muốn khóc.

Khôi ơi, ta sẽ chờ nhau nơi phố đông tràn nắng. Những ngày xa xót sẽ mờ dần. Như khi cô khum tay hứng nắng, dẫu không giữ được nắng tràn qua tay, nhưng hơi ấm của nắng mai là có thật.

Như Khôi đã trở về. Là thật.

Bỗng nhiên, cô nghĩ về những đứa trẻ được mẹ chúng “đẻ như gà”. Và câu hỏi của chúng lại vang lên trong trí nhớ cô, như một bài thơ tinh nghịch “Đố mi, con gà có trước hay cái trứng có trước?”.

Theo Trần Huyền Trang/Thanh Niên

————-

(*) Câu thơ của tác giả Bích Hạnh