Tuổi 20 thanh xuân cùng văn chương thành phố – Bút ký Hoài Hương

332


Nhà văn Hoài Hương.

Email: dieuhasaigon@gmail.com

Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.

Cán bộ Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh – Phòng Kiểm tra Văn hóa phẩm Xuầt – Nhập khẩu.

Nhà báo TP. Hồ Chí Minh.

Tác phẩm đã xuất bản:

Những khoảnh khắc sinh tử (Tập truyện ngắn – NXB Tổng hợp TP.HCM);
Sài Gòn 7.000 đêm & Thương… rồi nhớ (Tạp văn – NXB Văn hoá – Văn nghệ TP.HCM);
Hà Nội hoa tình (Tản văn – NXB Hội Nhà văn);
Tham – Sân – Si (Tập truyện ngắn – NXB Hội Nhà văn);
Lãng du tình (Tản văn & Tùy bút – NXB Hội Nhà văn);
Trong tim tôi có một vị tướng (Tập truyên ngắn – NXB Hội Nhà văn);
Trò chuyện văn chương (Trò chuyện về tác giả – tác phẩm – NXB Thanh Niên);
Tùy bút xanh (Tản văn & Tùy bút – NXB Trẻ).

Tuổi 20 thanh xuân cùng văn chương thành phố

1. 46 năm được là công dân TP. Hồ Chí Minh, đó cũng là một niềm tự hào không gì so sánh. Tôi thuộc thế hệ con của những cán bộ miền Nam tập kết, những người con của miền đất Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, của Sài Gòn – Gia Định “Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” đã “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu…” qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ.

Trong những câu chuyện của ba má kể cho nghe những ngày thơ ấu ở Hà Nội, tên Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đã “ăn” vào tâm trí trẻ thơ của tôi về thành phố quê hương thật đẹp qua ca khúc Sài Gòn đẹp lắm – Y Vân “…Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/… Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau/ Người ra thăm bến câu chào nói xôn xao/ Phố xa thênh thang đón chân tôi đến chung vui/ Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…”

Không biết có phải vì nhắc tới thành phố quê hương mà tôi đã từng hát nhiều lần cùng các bạn ở Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội ca khúc thiếu nhi Em đi thăm miền Nam của hai nhạc sĩ Hoàng Long – Hoàng Lân, có câu kết: “Sáng tươi tên vàng Thành phố Hồ Chí Minh”, tôi vẫn đặc biệt nhớ giai điệu và lời ca hơn 40 năm nay. Lại nhớ trong bài thơ “Ta đi tới” của Tố Hữu, được học từ cấp 1 với những câu không thể quên “Ai đi Nam bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng…”.

Cho dù còn nhỏ, nhưng khi nghe qua radio ca khúc Tiếng hát thành phố mang tên Người, nhạc Cao Việt Bách, lời của nhà báo Đăng Trung, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam những ngày tháng 5/1975…“Thành phố Hồ Chí Minh/ ngời ngời rực sáng tương lai/ trong mỗi trái tim/ trong mỗi ước mơ/ trong mỗi cuộc đời ta luôn nhớ Bác”…, tôi đã nôn nao trông ngóng háo hức mau sớm được về quê, về TP. Hồ Chí Minh của tôi.

Khi TP. Hồ Chí Minh kỷ niệm 20 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/1995, tôi đã làm một loạt phỏng vấn báo chí những nhà văn nổi tiếng của Thành phố có mặt trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, ngày đầu tiên của hòa bình: Bảo Định Giang, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê Văn Thảo, Văn Lê, Chim Trắng, Lam Giang, Thanh Giang… Và đó là lần đầu tiên được tiếp cận trực tiếp không phải qua tác phẩm, được nghe kể về cảm xúc của các nhà văn, được biết về những chi tiết “nguyên mẫu” trong các tác phẩm văn học của họ…

Đó là kỷ niệm đầy ấn tượng mang đến cho tôi bao điều thú vị về tác giả – tác phẩm. Tiếp sau đó, khi tôi thực hiện những bài báo cho chuyên đề Trò chuyện văn chương của báo Văn Nghệ Trẻ – Phụ trương báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, được gặp gỡ thêm nhiều nhà văn của Thành phố Hồ Chí Minh, từ các nhà văn thời kháng chiến chống Pháp thành danh, các nhà văn từng trưởng thành ở miền Bắc về, những nhà văn tên tuổi lừng lẫy trong kháng chiến chống Mỹ ở “R” ra, và thế hệ nhà văn thứ tư sau ngày 30/4/1975 được ví “thế hệ vàng” của văn chương Thành phố… Tôi theo học ngành Ngữ văn, việc được ngồi bên các nhà văn mà trước đó chỉ biết ngưỡng mộ qua tác phẩm, được trò chuyện và được chia sẻ những câu chuyện văn chương, cả chuyện “truy tìm” đối tượng chủ đề, nhân vật, chuyện “thao tác” ngôn ngữ – thể loại, chuyện “bếp núc” chi tiết…

Tất cả đã mang đến cho tôi thật nhiều cảm hứng để sáng tác văn học, điều mà tôi đã từng từ thời niên thiếu, thời sinh viên và rồi bỏ quên khi tốt nghiệp đại học, lăn mình vào công việc không liên quan đến văn chương.

Và tôi bắt đầu lại từ những trang văn nho nhỏ…

2. 40 năm Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, ở đời người, đây là tuổi vào độ chín ngọt tỏa hương sắc. Và với Hội Nhà văn Thành phố là một chặng đường tỏa sáng rực rỡ, đóng góp cho nền văn học Việt Nam đương đại nhiều tác phẩm giá trị, mang dấu ấn của thành phố, của thời đại, để mỗi thành viên trong đó đều cảm thấy tự hào khi có sự đóng góp, dù rất nhỏ rất khiêm tốn của mình.

Và tôi, cũng có niềm tự hào về điều đó với hơn 20 năm được đứng trong ngôi nhà chung của văn chương Thành phố – Ngôi nhà Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh cùng với gần 500 nhà văn nhà thơ khác.

Nhớ lại những ngày đầu quay lại với sáng tác văn chương do được các nhà văn tiền bối mấy thế hệ trước của Thành phố truyền “lửa” sau một thời gian “đóng băng” vì nhiều lý do, cảm giác thật vui khi tác phẩm của mình xuất hiện trên những trang văn học của một số tờ báo của Thành phố có tiếng là “mát tay” với các cây viết trẻ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Phụ Nữ, VOV….

Tôi biết ơn những nhà văn nhà thơ các thế hệ chú bác, anh chị đã khích lệ tôi mạnh dạn viết, và luôn chân tình cho tôi những lời khuyên – những bài học kinh nghiệm về nghề viết. Tôi luôn biết ơn nhà thơ Trương Nam Hương đã dẫn dắt và trân trọng từng tùy bút – tản văn của tôi, gửi in trên tạp chí Văn nghệ Công an, báo Hà Nội Mới, Người Hà Nội… Tôi cũng rất biết ơn nhà văn Châu La Việt, là người “phát hiện” ra, để giới thiệu cho tôi đến với tờ Văn Nghệ Trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành cộng tác viên “ruột” của báo, và rồi cho tới tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội, tờ Văn Nghệ, những tờ báo mà tính văn chương mang chất lượng cao, đòi hỏi người viết phải nghiêm túc và trách nhiệm với tác phẩm của mình… Đặc biệt hai nhà văn nổi tiếng của Thành phố, là hai cây bút gạo cội của văn chương Việt Nam đương đại, đã nâng đỡ tôi, giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh: Nhà văn Trần Thanh Giao, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân, giúp cho tôi có thêm điều kiện giao tiếp, học hỏi các nhà văn hội viên, để tác phẩm được tốt hơn, có ý nghĩa hơn.

Một kỷ niệm khó quên đầu tiên trong hành trình sáng tác văn chương, tôi được Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh chọn trong đoàn đại biểu các cây viết trẻ của Thành phố ra Hà Nội tham dự “Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ VI”- 2000, không những được là thành viên trong một “Group trẻ” gồm những cây viết xuất sắc của Thành phố – được xem là “Thế hệ nhà văn thứ 5” như: Nguyễn Thu Phương, Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Phan Hồn Nhiên, Lê Thiếu Nhơn, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Tiến Đạt, mà còn được gặp gỡ rất nhiều nhà văn trẻ đã thành danh trong cả nước, những người bạn văn chương “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” vì khoảng cách địa lý…

Sau Hội nghị, như được tiếp năng lượng, như có thêm cảm hứng và dần như một đam mê, tôi đã rất nhanh có được tập Tản văn Tùy bút xanh – NXB Trẻ, đánh dấu mốc bước đầu con đường văn chương của tôi, và tính đến hôm nay, tôi đã có 8 đầu sách được xuất bản, góp mặt ở mấy chục cuốn sách văn học khác ở nhiều thể loại: Thơ, truyện ngắn, tản văn, bút ký…. Đồng thời nhiều kỷ niệm văn chương gắn với Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh càng đầy thêm.

3. 20 năm hơn ở Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, tôi không nhớ hết đã bao nhiêu lần được dự các buổi ra mắt sách của các nhà văn ở nhiều thế hệ, rồi sau đó viết về tác phẩm của họ trong cảm xúc đtfợc đọc những trang văn trang thơ mang đến nhiều chân- thiện- mỹ cuộc đời. Đặc biệt khi Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, thì những buổi ra mắt sách của bạn văn Thành phố đã trở thành những ngày vui, được là một trong những độc giả đầu tiên tiếp cận tác phẩm mới, lại đtfợc chia sẻ cảm xúc cùng tác giả, cảm nhận sự yêu sách, “cuồng” sách của các bạn đọc nhiều lứa tuồi, nhiều thế hệ…

Có một kỷ niệm vui với người bạn văn trẻ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu thuộc Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, tôi đã “xúi” bạn ấy làm một show giới thiệu 3 tác phẩm mới ở Đường Sách, khi bạn ngỏ ý dùng sách để xây nhà Nhân ái. Và rồi, bạn trẻ ấy đã có một “show” thật khó quên, Và sau “show” này thì mấy tháng sau, sách đã đtfợc “chuyển” thành căn nhà Nhân ái ở An Hiệp, Tuy An, Phú Yên…

Vui nhất là kỷ niệm trao giải cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” của NXB Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, mà tôi may mắn lọt vào chung khảo. Khỏi phải nói niềm vui nhân lên gấp mấy lần, nhân dịp này tôi đã được làm quen thật sự với những cây viết trẻ 8X- 9X cực kỳ dễ thương, lâu nay chỉ đọc tác phẩm của họ, nay được đứng chung cùng họ trong một tác phẩm chọn lọc, cảm thấy thật thanh xuân. Và sau lễ trao giải, chúng tôi đã thành một “Team” không phân biệt tuổi trẻ già, chỉ trang văn là trẻ mãi, cùng động viên nhau trong đam mê viết, cùng chung nhau một tác phẩm tràn ngập thanh xuân Qua những miền yêu, và lại hẹn hò nhau những cuộc gặp gỡ để kết nối và lan tỏa những tác phẩm văn chtfơng góp vào văn hóa đọc cộng đồng…

Một kỷ niệm khác thật khó quên. Trong những ngày cả Thành phố giãn cách dịch Covid-19, tôi và nhà văn trẻ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu cùng viết chung một cuốn sách mang tên: Sài Gòn 7000 đêm và thương… rồi nhớ, được NXB Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản ra mắt đúng dịp Thành phố kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước. Và đúng ngày thành phố “mở phong ấn” lệnh giãn cách, hai chúng tôi đã được Truyền hình An Ninh TV tổ chức một show giới thiệu sách, phát sóng vào sáng 30/4/2020. Rồi sau đó chính cuốn sách này còn là một kỷ niệm vui khác nhiều ý nghĩa, từ sách mà thành một ngôi nhà Nhân ái giúp cho một gia đình nghèo khó vùng sâu vùng xa ở Phú Yên.

Cũng từ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, mà tôi có thêm khá nhiều kỷ niệm với HTV – Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Từ một show giới thiệu tác giả – tác phẩm cá nhân tôi, đến những lần được cùng các nhà văn trong Hội nói về tác phẩm mới của họ trên sóng truyền hình, mỗi lần là một kỷ niệm đẹp với bạn văn chương. Và không chỉ là HTV, mà còn là những talkshow hay giới thiệu tác phẩm trong chương trình “Văn học tuổi xanh” trên VOH- Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, kênh 99.9 Mhz, từ sự kết nối của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh với Đài. Khó nói hết niềm vui, khi chương trình có tôi và các nhà văn của Hội tham gia sau đó mang được giải thưởng truyền thông về cho VOH.

4. Trong những kỷ niệm sáng tác của tôi còn là những chuyến đi thực tế đầy ấn tượng sâu sắc do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Gần nhất là hai chuyến đi về miền Tây Nam Bộ với chủ đề “Môi trường thiên nhiên đồng bằng sông Cửu Long khi biến đổi khí hậu toàn cầu” và Khu Di tích Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh với chủ đề truyền thống “Biết ơn và Tiếp bước cha anh”.

Chuyến đi về miền Tây với hai cuộc giao lưu cùng talkshow truyền hình trực tiếp với sinh viên Đại học Đồng Tháp, sinh viên Đại học An Giang về chủ đề môi trường, để lại thật nhiều trăn trở suy tư về trách nhiệm của người cầm bút với những biến đổi đầy âu lo về môi trường đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Và cũng từ chuyến đi này, khi được trực tiếp giao lưu với các sinh viên, tôi tự thấy mình cần có thêm những trang viết dành cho giới trẻ nhiều hơn. Ngay sau chuyến đi, tôi đã có một tản văn Nỗi lo một mai châu thổ hoang vu, một truyện ngắn Phù Sa châu thổ, cả hai tác phẩm được đón nhận từ các báo Văn Nghệ Trung ương, Văn nghệ Công an nhân dân, VOV, VOH, báo Công an TP. Hồ Chí Minh đến các trang Web của sinh viên các trường, các Group văn chương trên mạng xã hội… Đó là niềm vui, cũng là chứng minh tôi đã tạo thêm cho mình phong cách viết mới, có thể tiếp cận bạn đọc giới trẻ.

Tới chuyến đi thực tế ở Tây Ninh, về nơi Trung ương Cục miền Nam đóng quân thời chiến tranh chống Mỹ, trải nghiệm cuộc sống ở rừng, hơn lúc nào tôi hiểu thêm những gì mà các nhà văn ở “R” đã từng miêu tả, từng thể hiện trên trang viết của họ ngày xưa. Đứng dưới tán rừng cổ thụ bên cạnh những miệng hầm tránh bom pháo của thời ấy, ngồi trong cái lán lợp lá trung quân ngắm những bàn ghế – vạt tre nứa – nơi làm việc của các vị lãnh đạo cuộc kháng chiến thuở đó, và có một khoảng lặng người trong không gian yên tĩnh nghiêm trầm bên bức ttfợng đài kỷ niệm 14.000 liệt sĩ An ninh T4… Trong tôi đầy ắp cảm xúc, tự thấy mình không thể nào bỏ qua mảnh đất này, khu rừng này và những con người từng ở đây, từng hy sinh ở đây… Vâng! Đó là đề tài tôi sẽ luôn quay đi quay lại trên trang viết của mình. Nhưng, cũng ngay lập tức, muốn chia sẻ những gì cảm nhận sau chuyến đi, tôi đã viết hai tản văn: Một miền rừng xanh thẳm, Một miền rừng hào hùng; Rừng hát gió lao xao cành biếc; Và một truyện ngắn: Anh đã tìm em trong hàng triệu đôi mắt Sài Gòn. Rất vui, truyện ngắn được in ngay số kỷ niệm 30/4/2021 báo Văn Nghệ Trung ương, và hai tản văn thì đăng trên báo Người Lao Động và VOV5 – Kênh Đối ngoại của VOV.

Những chuyến đi thực tế tạo cảm hứng sáng tác của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và các tác phẩm được viết sau chuyến đi là những dấu ấn kỷ niệm luôn đọng lại rất nhiều cảm xúc.

5. 40 năm Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh là một chặng đường chưa dài so với lịch sử hơn 300 năm của Thành phố, nhưng là một khoảng thời gian mang nhiều ý nghĩa. Hội đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ sáng tác và thúc đẩy sự phát triển của văn học Thành phố nói riêng, cả nước nói chung. Hội đã không ngừng phát triển về số lượng hội viên lẫn chất lượng tác phẩm văn học, góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hoá tinh thần của Thành phố. Cùng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được coi là một trong hai trung tâm văn học lớn nhất của nước.

“Tuổi 20” của tôi ở Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh là thanh xuân, là nhiệt huyết, là niềm tự hào, là trách nhiệm, cùng chung tay xây dựng bồi đắp, tô điểm cho ngôi nhà chung mang vẻ đẹp xứng với thành phố mang tên Bác. Và không gì ý nghĩa hơn là những trang viết, là tác phẩm văn học góp phần quan trọng vào thành tựu chung của văn học Thành phố, văn học cả nước.

40 năm Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu một chặng đường mới của Hội, như một kỷ niệm đẹp, là tập truyện ngắn Những khoảnh khắc sinh tử của tôi, viết về những người Thành phố đã hy sinh thanh xuân cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Để hôm nay, tôi và mọi người được hưởng hòa bình, hạnh phúc ở Thành phố mang tên Bác – Thành phố Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng”.

H.H