Võ Hồng – Người tránh xa những ‘vết xe cũ’

549

“Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” là chủ đề hội thảo khoa học quốc gia diễn ra ngày 24/4/2022 tại Khu du lịch Sao Việt, TP Tuy Hòa, Phú Yên. Hội thảo do Trường Đại học Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Viện Khoa học Giáo dục Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Lạt, Trường Đại học Thái Bình Dương tổ chức. Hội thảo đã thu hút trên 60 tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Khoảng trời riêng Võ Hồng

Trong đề dẫn hội thảo, TS Trần Lăng – Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên đánh giá: Với cuộc đời cầm bút liên tục hơn nửa thế kỷ, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Võ Hồng là mẫu nhà giáo – nhà văn lương thiện, trong sáng và bền bỉ với nghề. Suốt những năm dài vừa một mình nuôi ba con nhỏ, vừa dạy học, viết văn, Võ Hồng đã để lại một di sản văn chương đồ sộ gồm 6 tiểu thuyết – truyện dài, hàng trăm truyện ngắn, tùy bút và rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi.

Hoài cố nhân là tác phẩm được xuất bản đầu tiên của Võ Hồng, khai sinh ra sự nghiệp văn chương của nhà văn và từ đó cảm hứng và tinh thần hoài niệm như một đặc trưng xuyên suốt các trang viết. Những đóng góp của nhà văn Võ Hồng cho quê hương, cho văn học, văn hóa dân tộc, cho lĩnh vực giáo dục là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa không chỉ trong thực tại mà còn hướng đến tương lai.

Tham luận tại hội thảo, PGS-TS Võ Văn Nhơn nhấn mạnh, có ý kiến cho rằng Võ Hồng là người đứng ngoài vòng thời đại nhưng có đọc tác phẩm mới thấy ông luôn đồng hành với đất nước, dân tộc. Như một người hiền của phương Đông, văn chương của ông đã vượt lên những thiên kiến chính trị hẹp hòi để bày tỏ chữ Hiếu đối với quê hương, đất nước của mình. Vì thế mà văn chương của ông đã tồn tại bền bỉ với thời gian.

Trong Người về đầu non, Võ Hồng đã nói về cuộc chiến tranh ở quê hương ông: “Chiến tranh tràn lan mỗi ngày một rộng, làng tôi thành bãi chiến trường. Ðồng bào tản cư, bỏ nhà bỏ cửa, ruộng vườn để cỏ mọc hoang. Bác gái lần mò vào được với chúng tôi, mừng gặp con cháu nhưng mắt vẫn hướng về ngôi nhà cũ và về ngôi mộ bơ vơ ở lại một mình…” (Võ Hồng, 1968). Trong đó có cảnh người chết cũng không được an táng yên ổn, có cảnh người vợ bên xác chồng và đứa con dại có đôi mắt ngây thơ, đầu mang chiếc khăn tang giữa hương trầm mộ chí. Tiểu thuyết Như cánh chim bay có thể xem là biên niên sử về con người Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Những phong trào chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Những cảnh tập luyện quân sự, canh gác, phá đường; phong trào tăng gia sản xuất, trồng khoai, trồng sắn; phong trào bình dân học vụ… đã được ông miêu tả hết sức sinh động trong tác phẩm.

Nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong cho rằng, qua trang viết, Võ Hồng thường biểu lộ mọi điều tốt lành cho mọi người, mọi nhà. Thế giới nhân vật của ông là thế giới của những con người yêu thương, độ lượng. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật nào cuối cùng cũng có thể trở thành con người tốt. Ông đánh thức thiện lương ở mỗi người, bằng cách kéo tất cả những gì tốt đẹp về phía mình, những người tốt bụng về đứng chật tâm hồn nhân ái, ấm áp tình người của mình.

Đọc Võ Hồng, chúng ta khó tìm thấy những tư tưởng lộ liễu, tính gay cấn và những tuyên ngôn mạnh mẽ. Như một cao thủ có nội công thâm hậu, ông chỉ nói về những việc bình thường, những chuyện có thật trong đời sống quanh mình, chuyện của chính bản thân và gia đình, những chuyện tưởng không có gì để viết. Tư tưởng sâu sắc lại được biểu hiện qua những chi tiết hết sức bình thường, người đọc không phải truy tìm ở nhiều tầng, nhiều lớp xa xôi cũng có thể nhận thức được vấn đề.

Phạm Phú Phong nhìn nhận: “Biệt tài dựng truyện, tạo không khí cho truyện và xương thịt cho tính cách qua từng nét phác thảo cô đọng, làm cho Võ Hồng gần với Nam Cao. Ở ông có cái hóm hỉnh sinh động của Nguyễn Công Hoan, tình cảm nhẹ nhàng chân chất và thiết tha của Thạch Lam, lại có cả sự sắc sảo của Nam Cao. Không phải là sự cộng lại pha tạp, ảnh hưởng mà là sự nhất quán của một văn cách tài hoa theo kiểu Võ Hồng”.

Theo TS Lê Thị Hường, nhà văn Võ Hồng sáng tác ở nhiều chặng đường, gồm nhiều thể loại, song ông khá nhất quán về bút pháp. Điều này khiến văn chương Võ Hồng mang một sắc thái riêng, khó hòa lẫn trong văn học miền Nam (1955 – 1975). Võ Hồng đứng riêng ra như thế một phần bởi tâm hồn ông, quan niệm và lối viết của ông gần hơn với văn học lãng mạn.

Tuổi thanh xuân của Võ Hồng trải qua trong bầu khí quyển của văn học lãng mạn. Võ Hồng từng học ở Hà Nội (từ 1940 – 1943), nơi được xem là cái nôi của Thơ mới và Tự lực văn đoàn. Từ truyện ngắn đầu tay Mùa gặt, đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy (1939), phải đến hai mươi năm sau Võ Hồng mới xác lập được vị thế nhà văn; song vệt sáng lãng mạn từ thời tiền chiến vẫn theo ông suốt cuộc đời viết văn, đặc biệt bộc lộ rõ qua truyện ngắn.

Thông điệp lan tỏa yêu thương

Tham luận của hai nhà nghiên cứu Bùi Thanh Truyền và Lê Minh Tú tập trung vào những đóng góp đặc sắc của nhà văn Võ Hồng trên lĩnh vực văn học thiếu nhi. Cũng là kể chuyện trẻ con, nhưng cái duyên của ông không ở sự trong trẻo, hồn nhiên, sôi nổi mà đến từ những đắng đót, “trầm tư” thuở ấu thơ và cả những tháng năm “gà trống nuôi con”: Vĩnh biệt cây trứng cá, Một ngày cho mẹ, Từ giã tuổi thơ, Người bạn nhỏ tên Tô, Người anh vắng mặt, Mẹ gà con vịt, Cánh thiệp đầu xuân,…


Hội thảo khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng”. 

Bằng sự trải nghiệm, cái nhìn, hành xử của người trong cuộc, trái tim nhạy cảm trước những bi kịch của tha nhân và của chính bản thân, Võ Hồng đã mang lại một dư vị riêng cho văn học thiếu nhi như ông hằng tâm niệm: “Nghệ thuật là thấy được cái nhỏ nhất chưa ai thấy, nghe được cái chưa ai nghe và diễn tả bằng ngôn ngữ chưa ai dùng. Là tránh xa những vết xe cũ, những lối mòn” (Trầm tư, Võ Hồng, NXB Trẻ, 1995).

Trong những câu chuyện thiếu nhi của Võ Hồng, phía sau nỗi buồn luôn chan chứa những tình cảm chân thành, nồng nàn, dung dị. Càng xót xa, buồn bã trước cái chết của con Tô (Người bạn nhỏ tên Tô), sự ra đi của cây trứng cá trong vườn (Vĩnh biệt cây trứng cá), người đọc càng nhận thấy rõ mối giao kết, gắn bó vô hình nhưng mật thiết, mạnh mẽ giữa trẻ em với thiên nhiên. Tác giả muốn đề cao tấm lòng nhân hậu của các em dành cho vạn vật cũng như vai trò quan trọng của tự nhiên trong hành trình nuôi dưỡng nhân cách, tinh thần của trẻ. Tuy thiếu vắng hình ảnh người mẹ, nhưng không gian gia đình trong truyện Mẹ gà con vịt chưa bao giờ vắng tiếng nói tiếng cười. Hạnh phúc đơn sơ mà nồng thắm có được nhờ tình yêu vô bờ bến của người cha và tấm lòng hiếu thảo của các con.

Nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh nhận định: “Tác phẩm của Võ Hồng lúc nào cũng được trân quý, chứng tỏ chúng thật có giá trị tinh thần và lịch sử và đã trải qua được sàng lọc của thời gian. Ông đã là nhà văn lớn của nửa hậu bán thế kỷ XX, bề thế văn nghiệp của ông lớn không phải ở những triết lý, học thuyết có thể đề xướng trong các tác phẩm mà là ở sự già dặn, phong phú và chân thật của tác giả”.

Tại hội thảo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Những giá trị mà nhà văn Võ Hồng để lại qua các tác phẩm văn chương của ông, trong đó có những tác phẩm cho thiếu nhi là vô cùng quý giá. Hội Nhà văn Việt Nam đang thực hiện cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, để có những tác phẩm văn học khiến các em trở thành những người tốt, mang tinh thần, cốt cách văn hóa người Việt. Các nhà văn hiện nay cần có tâm thế, và cần thực hiện được sứ mệnh của mình như nhà văn Võ Hồng và những nhà văn thế hệ ông đã làm, để lại giá trị vĩnh hằng, vượt thời gian”.

Nhà văn Võ Hồng sinh tại làng Ngân Sơn (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) – một ngôi làng trước đây chuyên làm đồ gốm, nằm bên bờ sông Phường Lụa, gần nhà thờ Mằng Lăng, núi A Man và đường ra gành Đá Dĩa. Giấy khai sinh Võ Hồng ghi là 5/5/1921, nhưng theo lời ông đã kể, ông sinh vào ngày Năm, tháng Chạp năm Nhâm Tuất (tức ngày 21/1/1923 tính theo dương lịch). Ông mất ngày 31/3/2013.

Theo Đào Đức Tuấn/VNCA