Những hình ảnh đẹp, ấn tượng và ý nghĩa về Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu

296

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong bảng tổng kết sau đó, trong thời gian 36 ngày đêm trên đồi E1, khẩu pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi…

Anh hùng Phùng Văn Khầu là một chiến sĩ pháo thủ, một mình tiêu diệt gọn một đại đội 04 khẩu pháo 105 ly của quân địch chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày mà lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội ta tung bay trên nắp hầm De Castries như một cột mốc đánh dấu sự thất bại hoàn toàn ý chí duy trì thuộc địa ở Đông Dương của thực dân Pháp, chúng tôi có dịp ghé thăm tư gia anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu – người khẩu đội trưởng đã dũng cảm chiến đấu 36 ngày đêm trên Đồi E1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tư gia của ông nằm trong một con hẻm nhỏ tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tại đây, chúng tôi đã được xem và chiêm nghiệm những bức ảnh đẹp, tràn đầy kỷ niệm của người anh hùng Điện Biên từ thời chiến đấu cho đến khi hòa bình, trở lại cuộc sống đời thường. Có những bức ảnh đã được chụp cách đây trên nửa thế kỷ vẫn được lưu giữ rất cẩn thận và ngăn nắp trong 4 tập album lớn. Thế mới thấy được cái phẩm chất của bộ đội cụ Hồ và sự trân trọng, nâng niu những tấm hình kỷ niệm của người lính Điện Biên.

Lật từng trang ảnh trong cuốn album, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động bởi những câu chuyện trong từng bức ảnh, có những tấm ảnh đã xuất hiện và trở lên quen thuộc trên các trang báo mạng, nhưng cũng có những tấm ảnh ít được biết đến và những câu chuyện chưa từng được công bố. Giờ đây, những trang ảnh này như một hiện vật lưu trữ những câu chuyện đầy ý nghĩa của anh hùng Điện Biên  Phùng Văn Khầu.

Vợ chồng anh hùng Phùng Văn Khầu bên khẩu sơn pháo Điện Biên Phủ

Bắt gặp nhiều nhất trong cuốn album có lẽ là ảnh cụ Khầu bên những người đồng chí, đồng đội đã cùng nhau chiến đấu, cùng lý tưởng và một lòng cống hiến cho cách mạng. Có những tấm ảnh cụ ôm đồng đội của mình mà không kìm được nước mắt. Đó không chỉ là cái ôm của hai người chiến sĩ năm xưa mà đó là cái ôm hồi tưởng lại những năm tháng khốc liệt trên chiến trường, cụ và đồng đội đã chiến đấu như thế nào, tận mắt chứng kiến những người anh em của mình ngã xuống ra sao.

Để có được tự do như hôm nay là máu xương và công sức của biết bao thế hệ  chiến sĩ, đồng đội của cụ đã chiến đấu, hi sinh giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc. Thế nên khi đất nước hòa bình, cụ Khầu nhận thấy mình phải có trách nghiệm xây dựng và bảo vệ đất nước, còn làm được gì cho Đảng, cho nhân dân là cụ luôn sẵn sàng. Và những bức ảnh cụ Khầu tham gia các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố, ảnh mở lớp dạy thêm miễn phí cho cháu học sinh trong khu phố đã minh chứng cho phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ không phút nào ngơi nghỉ, luôn mong muốn góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong cả thời chiến và thời bình. Tôi cũng rất ấn tượng với những tấm chân dung của anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu ngày còn trẻ chiến đấu bên những người đồng đội, cho đến khi mái tóc đã ngả xế chiều, mặc dù đã xuất hiện những dấu vết thời gian, dù đất nước đã đổi mới, duy chỉ có tác phong vẫn vậy. Vẫn luôn nghiêm túc, bình tĩnh, tự tin, luôn sẵn sàng phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cuộc đời anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu quả thực rất nhiều điều đặc biệt. Cụ mồ côi từ khi còn rất bé, lớn lên nhờ cách mạng, trưởng thành trong chiến đấu và tìm được tình yêu của đời mình (cụ bà Hà Thị Cay) cũng là nhờ cách mạng. Suốt đời cụ Khầu luôn có người vợ Hà Thị Cay là hậu phương vững chắc. Chưa cần nghe ai nói nhiều, chỉ thông qua những tấm ảnh cũng cảm nhận được tình yêu, sự gắn bó của hai cụ dành cho nhau. Những tấm ảnh ngày còn trẻ hai cụ hạnh phúc bên những đứa con và nay, khi về già là những tấm ảnh hạnh phúc và viên mãn bên một “đại gia đình” có con, có cháu, có dâu, có rể. Hay những bức ảnh tại các sự kiện kỉ niệm cùng với đồng đội và người dân.

Cụ Khầu cũng thường xuyên đi cùng cụ bà chụp ảnh cùng nhau. Những bức ảnh như thế không chỉ để lưu giữ kỷ niệm 2 ông bà cùng đi tham dự các sự kiện mà còn là một lời cảm ơn của cụ Khầu dành cho người vợ đã hi sinh âm thầm, làm hậu phương vững chắc, chấp nhận những năm tháng chồng đi biền biệt chiến đấu mà không một lời oán thán. Rồi cụ Khầu cũng không quên lưu giữ kỷ niệm cùng vợ bên những di tích lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là bên khẩu sơn pháo lịch sử minh chứng cho sự đồng hành, giúp sức của cụ bà trong mọi công lao, thành tích chiến đấu của cụ Khầu.

Các nhà văn thăm tư gia anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong bảng tổng kết sau đó, trong thời gian 36 ngày đêm trên đồi E1, khẩu pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi… Hình ảnh khẩu pháo đã cùng cụ vào sinh ra tử được chụp bằng ảnh trắng đen ngày xưa, kỹ thuật chưa được hiện đại như bây giờ nhưng được cụ Khầu cất giữ rất cẩn thận, phẳng phiu bốn góc, khẩu pháo này đã cùng cụ và đồng đội quyết chiến trên Đồi E1, nó là nhân chứng duy nhất chứng kiến đồng đội ông đã hi sinh, nằm lại nơi đồi E1 mãi mãi và cũng là nhân chứng duy nhất chứng kiến khẩu đội trưởng Phùng Văn Khầu đã có lúc ngất đi vì sức ép của đạn pháo, tỉnh dậy lại tiếp tục chiến đấu, đồng đội hi sinh gần hết, chỉ còn lại một mình khẩu đội trưởng Khầu thao tác thay các vị trí đã hi sinh hoặc bị thương. Không có bản tổng kết nào ghi lại được câu chuyện này, nhưng khẩu pháo ấy biết rõ, lịch sử dân tộc biết rõ, cụ và những đồng đội trên đồi E1 năm xưa đều biết rõ.

Câu chyện và những tấm hình về anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu hay đến mức trời đã nhá nhem tối mà chúng tôi vẫn không nhận ra. Đến khi gập cuốn album ảnh lại thì cũng đã gần 8h tối, lên xe chúng tôi về lại trung tâm thành phố Hà Nội, không ai nói gì nhưng lòng đều đang rất khâm phục, có phần bồi hồi xúc động về những đóng góp, hi sinh của người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ đến khi làm Đại tá pháo binh và trở về với cuộc sống đời thường. Cả cuộc đời cụ Phùng Văn Khầu nhiều lần được gặp Bác Hồ, được giác ngộ cách mạng và luôn sẵn sàng một lòng trung thành với Đảng, với Nhà nước, luôn mong muốn cống hiến hết mình cho nhân dân, cho nước nhà ngày một giàu đẹp hơn.

Tác giả Bảo Thơ 

Sáng hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục có cơ hội đến thăm Bảo tàng Pháo binh tại phố Đội Cấn – Hà Nội. Tại đây chúng tôi được các đồng chí cán bộ Bảo tàng tạo điều kiện cho thăm quan những chứng tích lịch sử trong các chiến dịch, các trận đánh oanh liệt trong lịch sử bộ đội Pháo binh, trong đó có các di tích của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ở đây, tôi đã được tận mắt chứng kiến những di vật của những anh hùng, được nghe những câu chuyện chiến đấu để hiểu hơn được phần nào những đóng góp to lớn, sự hi sinh, xả thân quên mình của những người chiến sĩ không chỉ trong kháng chiến mà ngay cả ở thời bình.

Tôi được chứng kiến bức ảnh được chụp vào ngày 6 tháng 12 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đang họp quyết định chủ trương mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, một chiến dịch lớn, có tầm ảnh hưởng đến quốc tế đến tận ngày nay. Bảo tàng cũng lưu giữ lại được chiếc áo trấn thủ và chiếc ba lô của anh hùng Phùng Văn Khầu, thuộc Khẩu đội 2, Đại đội 755, Trung đoàn Pháo binh 675 sử dụng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đặc biệt, tôi được tận mắt thầy được Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh của anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu được Bác Hồ tặng sau trận đánh trên Đồi E1, Điện Biên Phủ. Chiếc Huy hiệu này là niềm tự hào, là dấu mốc quan trọng để cụ Khầu được gặp Bác Hồ, được Bác quan tâm chỉ dạy và lựa chọn suốt đời theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Những hình ảnh đẹp, ấn tượng và ý nghĩa về anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu sẽ mãi là một nét đẹp nhân văn với thế hệ trẻ chúng tôi.

BẢO THƠ