Võ Quê – Bởi đã thấm đượm hồn ca dao Việt…

1079

25.8.2017-09:30

Nhà thơ Võ Quê

 

>> Mượn sóng ngỏ tình em

 

Bởi đã thấm đượm hồn ca dao Việt…

 

VÕ QUÊ

 

NVTPHCM- Là lục bát hai câu nhưng nhà thơ Trần Lê Khánh đã nối vần nhuần nhuyễn, khúc chiết nên toàn tập Lục bát múa với tôi đã thành một trường ca lục bát hoàn mỹ…

 

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên từ vùng quê có cái tên gọi dân dã: “làng Chuồn”. Từ nơi này tôi được nghe lời ru của mẹ, của chị, của bên nhà hàng xóm… Thuở thiếu thời, tôi chỉ biết cảm nhận giọng bổng trầm, êm ái của người ru, thuộc nằm lòng những câu ca dìu dặt:

 

Ru em cho théc cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau nam Phổ mua trầu chợ Dinh…

 

hay:

 

Anh buồn có chốn thở than

Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya

 

Lớn lên, được tiếp cận văn học nhà trường tôi mới biết lời ru xưa mà tôi từng mê say nghe là thơ lục bát. Biết rồi mê, rồi cố tìm, cố đọc, cố học thuộc lòng thật nhiều câu ca dao đầy ắp những chuyện tình, thiên nhiên, phong tục, tập quán, hương sắc quê nhà…; Rồi làm sao có thể quên giọng cha ngâm thơ Kiều của Nguyễn Du trong những đêm thanh vắng.

 

Những câu lục bát thấm đượm vào hồn, để đến khi chăm sóc các em – bắt chước mẹ, tôi cũng ru em bằng thơ lục bát, bằng truyện Kiều. Và tiếp nối khi có con, tôi lại tiếp tục ru con bằng ca dao Việt, bằng truyện Kiều tha thiết dịu êm.

 

Năm 1969, khi đang là học sinh lớp đệ nhất trường Quốc Học Huế tôi đã viết tặng cô nữ sinh Đồng Khánh 16 bài thơ lục bát khi biết nàng 16 tuổi, trong đó có câu:

 

Thơ bay trên đỉnh trăng tròn

Tình em mười sáu hãy còn thơ ngây

 

Tôi còn tặng nàng bài Ca dao mẹ, và hữu duyên nên chúng tôi trở thành bạn đời. Đến khi có con trai đầu lòng, nàng hỏi tôi đặt tên con trai là gì, tôi cười nói với nàng ngày trước anh viết tặng em Ca dao m mà nay em là mẹ Ca Dao, vậy tên con là Ca Dao. Không ngờ mái ấm hạnh phúc dằm thắm của tôi đã có những kỷ niệm đẹp, dễ thương về thơ lục bát.

 

Năm 1972 từ nhà tù Côn Đảo, thơ lục bát đã thành động lực mới giúp tôi tự tin, lạc quan vượt qua những nỗi gian lao, khốn khó, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, và tập thơ Lục bát Côn Đảo ra đời với những câu thơ:

 

Lá bàng từng chiếc rơi rơi

Cho ta viết trọn từng lời ca dao…

 

Những năm 80 khi bắt đầu gắn kết, say mê nghệ thuật ca Huế tôi dần hiểu ra rằng thơ lục bát – cụ thể là ca dao – có thế mạnh trong âm nhạc truyền thống Việt Nam được chuyển thể thành các làn điệu lý từ Nam chí Bắc; dân ca Quan Họ, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên cùng nhiều vùng miền khác… Riêng với dân ca Huế, thơ lục bát có thể trình bày theo dạng nói vè – là một loại diễn xướng dân gian có tính cách kể chuyện.

 

Tôi đặc biệt thích bài thơ lục bát Nữ sinh Đồng Khánh của nhà thơ Mai Văn Hoan được phổ nhạc, qua âm nhạc, bài thơ này đã có sức lan tỏa lớn trong công chúng yêu thơ. Lục bát cũng đượm nồng trong các điệu lý, như lý Tiểu khúc, lý Mười thương, lý Tử Vi, lý Năm canh, lý Ngựa ô, lý Giao duyên, lý Con sáo… và trong những bài hát ru, hò giã gạo, hò chèo thuyền, hò đạp nước, hát chầu văn, hò nện, hò đưa linh…

 

Mới đây, trước khi tiếp cận tập thơ lục bát hai câu có tựa đề Lục bát múa, tôi đã có dịp đọc chùm thơ ngắn của nhà thơ Trần Lê Khánh trên tạp chí Sông Hương số đặc biệt ra ngày 22-9-2016 với lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích về thơ ông: “Những bài thơ ngắn, nhưng như chiếc kính hội tụ những cao vợi thanh sạch không gian, lắng lại trong ánh nhìn của chiếc lá sen. Và những tàn lá sen ấy, ứa ra những giọt lệ thiền”.

Bìa tập thơ Lục bát múa của nhà thơ Trần Lê Khánh

 

Nhận xét này cũng rất phù hợp với nội dung thơ lục bát hai câu trong tập Lục bát múa của nhà thơ Trần Lê Khánh. Có lẽ bởi đã thấm đượm hồn ca dao Việt; trí huệ minh mẫn, tâm hồn hào hoa, ông đã hóa thân vào bốn mùa thiên nhiên:

 

chớm đông, quân tuyết chưa gần

cây di tản lá xuống hầm hết trơn

 

Cùng sự tưởng tượng phong phú mà mỗi bài lục bát hai câu của ông rất gợi cảm, gợi tình:

 

người đi tặng hết chờ mong

em đem nêm chặt vào lòng gối êm

 

Khái quát cao, vận dụng hình ảnh đẹp trong đời thực và ảo mà mỗi bài hai câu lục bát đã có một cấu trúc riêng, độc đáo:

 

em đem dĩ vãng cúng dường

cánh đồng sen nhỏ đau thương bùn lầy

 

Thơ lục bát hai câu của Trần Lê Khánh cô đọng, vi tế khiến tôi liên tưởng đến những câu thơ trong bài Thôn xóm Thừa Thiên của nhà thơ Bùi Giáng:

 

Vào thôn xóm trọ một mùa

Qua xuân tới hạ ghé chùa chiền hoa

Cô nương mắt ngọc răng ngà

Nhìn bồ tát gọi rằng là: dạ thưa

– Dạ thưa phố huế bây giờ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

 

Là lục bát hai câu nhưng nhà thơ Trần Lê Khánh đã nối vần nhuần nhuyễn, khúc chiết nên toàn tập Lục bát múa với tôi đã thành một trường ca lục bát hoàn mỹ.

 

Trong bộn bề nhiêu khê, phức tạp, buồn vui hiện nay, tôi nghĩ thơ lục bát vẫn lặng lẽ, bền bỉ ươm nguồn sữa ngọt – thơm trong tâm hồn người yêu thơ truyền thống Việt. Nhịp thơ, vần điệu, câu chữ có y nguyên nhưng nội dung thơ lục bát đã và đang thiên hình vạn trạng, muôn hồng nghìn tía, đủ sắc thanh hương với nhiều biến tấu mới đồng hành cùng cuộc sống qua ngọn bút, phím chữ tài hoa của những tâm hồn điệu nghệ, đồng cảm, nòi tình.

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Chế Lan Viên – Ngọn tháp thi ca hiện đại – Đoàn Trọng Huy

>> Ngôn ngữ độc thoại trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ – Lộc Hoàng Lê Na

>> Thân thể như tinh thần và thế giới – Nguyễn Chí Hoan

>> Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại – Trương Đăng Dung

>> Giật mình… Mai Hương – Nguyễn Minh Khiêm

>> Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ – Huỳnh Như Phương

>> Phía sau sự dịu dàng lặng lẽ Gia Hoà – Trần Lê Sơn Ý

>> Về sự phân biệt thi pháp học và lí luận văn học – Trần Đình Sử

>> Mưa đỏ – Bản giao hưởng nhân văn – Hoàng Thuỵ Anh

>> Chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam (1954-1975) – Huỳnh Như Phương – Kỳ 3

>> Chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam (1954-1975) – Huỳnh Như Phương – Kỳ 2

>> Chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam (1954-1975) – Huỳnh Như Phương – Kỳ 1 

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…