(Vanchuongphuongnam.vn) – Cho đến nay có thể nói Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh là hai trong số những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Thế nhưng, cho đến nay số ngôn ngữ đã dịch và số bản dịch được xuất bản của hai tác phẩm này vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ và thống nhất.
Với Nhật ký trong tù phần lớn các bài viết đề cập đến vấn đề này đều có chung nhận định: Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh đã được dịch ra “hàng chục tiếng nước ngoài”. Một số ít tác giả đưa ra số lượng và kể tên các ngôn ngữ đã có bản dịch, song số lượng giữa các tác giả không thống nhất, ngay cả trong cùng một thời gian công bố.
Để góp phần bổ khuyết cho tình trạng nêu trên và hiểu rõ hơn giá trị và sức lan tỏa của tác phẩm Nhật ký trong tù trên thế giới, chúng tôi đã tiến hành sưu tầm và giới thiệu các bản dịch Nhật ký trong tù ra các ngôn ngữ nước ngoài. Theo tìm hiểu và sưu tầm bước đầu của mình, kết hợp với sưu tầm của một số tác giả đi trước, chúng tôi được biết Nhật ký trong tù đã được dịch ra ít nhất 36 ngôn ngữ/ chữ viết nước ngoài.
Các ngôn ngữ đó (xếp theo thứ tự chữ cái a,b,c) là: Ả Rập, Anbani, Anh, Ba Lan, Ba Tư, Basque, Belarus, Bengali (Bangladesh, Ấn Độ) Bồ Đào Nha, Croatia, Czech, Đan Mạch, Đức, Esperanto, Galicia, Hàn Quốc, Hebrew, Hindi, Hungary, Hy Lạp, Italia, Kazakh, Lào, Malayalam (Ấn Độ), Mianma, Mông Cổ, Na Uy, Nga, Nhật, Pháp, Phần Lan, Rumani, Slovak, Sinhala (Sri Lanka), Tây Ban Nha, Thụy Điển, Uzbek.
Trong số các ngôn ngữ kể trên, chỉ tính những bản dịch được in thành sách hay in riêng, có 8 ngôn ngữ đã có 2 bản dịch là: Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Slovak, Thụy Điển, Lào; 4 ngôn ngữ có 3 bản dịch là: Sinhala, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Czeck; 1 ngôn ngữ có 4 bản dịch là tiếng Bengali và 1 ngôn ngữ có 6 bản dịch là tiếng Anh.
- Một số bản dịch Nhật ký trong tù sang chữ nước ngoài chưa được biết
Bên cạnh các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Phần Lan và bằng tiếng Na Uy mà chúng tôi đã giới thiệu trong hai bài viết năm 2020 và năm 2021, hai bản dịch bằng tiếng Hebrew và tiếng Galicia (được chúng tôi giới thiệu năm 2023), còn có một số bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài khác cũng chưa được sưu tầm và giới thiệu ở Việt Nam. Đó là các bản dịch tiếng Bengali, tiếng Malayalam, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Basque.
Tiếng Bengali (hay Bangla) là ngôn ngữ thuộc chi đông Ấn-Aryan với khoảng 265 triệu người nói, chủ yếu ở Bangladesh (159 triệu) và miền bắc Ấn Độ (104 triệu). Tiếng Bengali là ngôn ngữ quốc gia duy nhất của Bangladesh. Ở Ấn Độ tiếng Bengali là một trong 22 ngôn ngữ chính thức được hiến pháp công nhận và là ngôn ngữ chính thức của các bang Tây Bengal, Tripura, Assam, và Jharkhand. Ngoài ra tiếng Bengali cũng được công nhận là ngôn ngữ thứ hai ở Karachi (Pakistan).
Cho đến nay đã có 4 bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Bengali, trong đó có 3 bản được dịch và xuất bản ở Bangladesh và 1 bản được xuất bản ở Ấn Độ.
Ba bản dịch được xuất bản ở Bangladesh là: কারাগারের দিনলিপি (Nhật ký trong tù) do Ovinu Kibria Islam (sinh năm 1986) dịch, gồm 120 trang, được nhà xuất bản Văn học Quốc gia xuất bản năm 2012. Bản dịch này đã được biết đến ở Việt Nam, tuy nhiên tên dịch giả Ovinu Kibria Islam bị viết nhầm thành Ovinu Bibria Islam. Bản dịch thứ hai có tiêu đề কারাগারের কাব্য (Thơ viết trong tù), 96 trang, do Munir Siraj (sinh năm 1946) dịch, Annow Prokash xuất bản năm 2017 và bản dịch thứ ba হো চি মিনের কবিতা (Thơ Hồ Chí Minh) gồm 32 trang, do Shamsur Rahman (1929 – 2006) dịch, Charulipi xuất bản năm 2017. Cả ba bản dịch trên đều được dịch từ bản dịch tiếng Anh của Aileen Palmer.
Còn bản dịch thứ tư gồm 104 trang được nhà xuất bản Monfakira xuất bản năm 2013 ở Calcuta (Ấn Độ). Bản dịch do nhà thơ, dịch giả Priyadarsi Mukherji (sinh năm 1962) dịch trực tiếp từ nguyên bản chữ Hán sang thơ tiếng Bengali. Mới đây dịch giả Priyadarsi Mukherji. một nhà Trung Quốc học hiện đang giảng dạy ở Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) đã chia sẻ với chúng tôi về việc dịch tác phẩm này trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Văn Nghệ Công an số Xuân 2024.
Nhật ký trong tù bằng tiếng Malayalam: മിന്, ഹോ ചി, ജയില് ഡയറി “Ho chi minh, jail diary” do nhà thơ Koyamparambath Satchidanandan dịch, được Granthashala Sahakarana Sangam xuất bản lần đầu tiên năm 1976 ở Kerala. Sau đó bản dịch đã được các nhà xuất bản khác nhau ở Ấn Độ tái bản 6 lần vào các năm 1982, 1991, 1998, 2004, 2005 và 2021.
“Ho chi minh jail diary” được thực hiện dựa trên bản nguồn tiếng Anh “The Prison Diary of Ho Chi Minh” do Bantam Book xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1971. Bản dịch xuất bản lần đầu tiên gồm 88 trang, với 101 bài thơ và lời giới thiệu của dịch giả. Riêng bản in năm 1991 do Kozhikode: Madonna Books xuất bản chỉ có 61 trang, còn bản in năm 2021 do Mavelikkara: Fabian Books xuất bản dày 125 trang.
Dịch giả K. Sachidanandan (Malayalam: കെ സച്ചിദാനന്ദൻ) sinh năm 1946, là nhà thơ và nhà phê bình nổi tiếng người Ấn Độ, viết bằng tiếng Malayalam và tiếng Anh, nguyên biên tập viên của Tạp chí Văn học Ấn Độ và Thư ký của Sahitya Akademi (Viện Hàn lâm Văn học Ấn Độ). Là người tiên phong về thơ hiện đại Malayalam, K. Sachidanandan cũng là một trong những nhà thơ đương đại lớn nhất ở Ấn Độ với 60 tác phẩm bằng tiếng Malayalam, trong đó có 21 tập thơ và 32 tập thơ được dịch ra 18 thứ tiếng khác.
- Sachidanandan đã giành được 35 giải thưởng cho sự đóng góp văn học của mình, trong đó có 5 giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Ấn Độ cho 5 thể loại khác nhau và nhiều giải thưởng quốc gia khác. Ông được Chính phủ Ba Lan trao tặng Huân chương Hữu nghị Ấn Độ-Ba Lan năm 2005 và năm 2006 được chính phủ Italia phong tước Hiệp sĩ và Huân chương Dante của Viện Dante. Năm 2011, tên ông được đưa vào danh sách Ladbroke có khả năng đoạt giải Nobel Văn học. Năm nay K. Sachidanandan bước vào tuổi 78 và hiện sống cùng gia đình ở New Delhi.
Ở Ấn Độ, ngoài bản dịch tiếng Malayalam và tiếng Bengali, cón có một bản Nhật ký trong tù bằng tiếng Hindi. Bản dịch có tựa đề हो ची मिन्ह, जेल डायरी (Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù) do Anuvadak Satyavrat dịch, nhà xuất bản Lucknow Pariksha Prakashan xuất bản năm 2006. Bản dịch dày 134 trang, song chúng tôi chưa sưu tầm được bản in nên không biết được bản dịch được thực hiện dựa trên bản nguồn nào và gồm bao nhiêu bài thơ được dịch.
- Những bản dịch đã được biết, song chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác
Đó là các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Thụy Điển và tiếng Basque.
Có lẽ cho đến nay, chúng ta chỉ mới biết được Nhật ký trong tù bằng tiếng Tây Ban Nha qua bản dịch “Diario de prisión” của Felix Pita Rodriguez, do Coleccion cocuyo, Instituto Del Libro/La Habana, xuất bản năm 1970. Tuy nhiên, Nhật ký trong tù tiếng Tây Ban Nha còn có 2 bản dịch khác, được xuất bản trước và sau bản dịch của Felix Pita Rodriguez (1909 – 1990), nhà thơ Cu Ba đã từng gặp chủ tịch Hồ Chí Minh và là tác giả bài thơ nổi tiếng “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”.
Một bản có tiêu đề “Cuadernos de la cárcel. Poemas” (Nhật ký trong tù. Thơ) do Emilio Jáuregui dịch, La rosa blindada xuất bản ở Buenos Aires năm 1968. Bản dịch được thực hiện dựa trên bản dịch tiếng Pháp “Carnet de Prision” của Phan Nhuận, do nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1965. Bản dịch dày 114 trang gồm 101 bài thơ và in lại lời nói đầu trong bản dịch của Phan Nhuận.
Dịch giả, nhà thơ Emilo Jáuregui (1940-1969) là người Argentina, từng là Tổng thư ký Liên đoàn Báo chí Argentina, từng học ở đại học Sorbonne (Pháp) và đã đến thăm Việt Nam năm 1966. Năm 1969 ông bị cảnh sát của chính phủ độc tài Onganía của Argentina sát hại trong cuộc biểu tình ở thủ đô Buenos Aires chống chuyến thăm của Rockefeller, thống đốc bang New York và là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Argentina ngày 27.6.
Một bản khác có tiêu đề “Diario de prisión” do Ángel Yanguas dịch, Tusquets xuất bản ở Barcelona lần đầu năm 1974, lần thứ hai năm 1977 và lần thứ ba năm 2019. Bản dịch gồm 123 trang với 101 bài thơ dịch và lời giới thiệu của dịch giả. Trong lời giới thiệu, Yanguas cho biết bản dịch được thực hiện dựa trên bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh. Ngoài ra ông còn dẫn một số tài liệu về Hồ Chí Minh và một số bài thơ mà ông tham khảo trong quá trình dịch.
Nhật ký trong tù bằng tiếng Bồ Đào Nha gồm có 2 bản dịch đều được in ở Brazil. Bản dịch thứ nhất có tựa đề “Poemas do cárcere” do Coema Simões & Moniz Bandeira dịch, Laemmert, Rio de Janeiro – Guanabara xuất bản năm 1968. Bản dịch gồm 71 trang in 76 bài thơ được dịch từ bản dịch tiếng Pháp của Phan Nhuận và lời giới thiệu của Moniz Bandeira. Bản được Bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu “Xuất bản tại Bồ Đào Nha năm 1969” chỉ là bản in rônêô lựa chọn 20 bài từ bản dịch này.
Một bản dịch khác có tựa đề “Diário de Prisão de Ho Chi Minh” do Difel xuất bản ở Rio de Janeiro năm 1971. Bản dịch gồm 137 trang, in 101 bài thơ cùng với lời giới thiệu của Harrison E. Salisbury trong bản dịch tiếng Anh “The Prison Diary of Ho Chi Minh” (do Bantam Books xuất bản năm 1971) và Lời nói đầu của Phan Nhuận trong bản dịch tiếng Pháp (1963). Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là bản dịch chỉ ghi được dịch từ bản dịch tiếng Anh, mà không ghi tên dịch giả.
Đáng chú ý nhất có lẽ là bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Basque. Mặc dù là ngôn ngữ chỉ có khoảng 1 triệu người nói (ít hơn một số dân tộc thiểu số của Việt Nam) sống chủ yếu ở một vùng đất rộng khoảng 10 ngàn km2 ở Tây Ban Nha và Pháp, song tiếng Basque cũng có một bản dịch Nhật ký trong tù với tựa đề “Gartzelako Egunkaria”. Bản dịch do Iñaki Aramaio, dịch trong thời gian ông bị giam ở trong tù, do Susa, một nhà xuất bản chuyên về sách văn học nghệ thuật của xứ Basque, xuất bản năm 1985. Bản dịch gồm 101 bài thơ được dịch sang tiếng Basque dựa trên bản nguồn tiếng Tây Ban Nha “Diario de prisión 101 poemas” của Ángel Yanguas .
Một bản in của bản dịch này đã có trong bộ sưu tập các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Song thật đáng tiếc là bản dịch được giới thiệu là “Bản tiếng dân tộc miền nam Liên Xô (cũ)”, không giới thiệu tên dịch giả và tên nhà xuất bản “Susa” cũng bị xác định sai là “Lege Gordailua”.
- Vài suy nghĩ về việc sưu tầm và giới thiệu các bản dịch Nhật ký trong tù sang tiếng nước ngoài
Có lẽ trong kho tàng văn học Việt Nam chưa có tác phẩm nào được dịch ra tiếng nước ngoài sớm như Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ 3 tháng sau khi xuất bản bằng chữ Quốc Ngữ (tháng 5.1960), Nhật ký trong tù bằng tiếng Nga đã được xuất bản ở Moskva (tháng 8.1960) và cuối năm Nhật ký trong tù bằng tiếng Pháp (Journal de Prison, Poèms) cũng được xuất bản ở Hà Nội . Kể từ đó, nhất là sau khi bản dịch tiếng Anh “Prison Diary” (do Aileen Palmer dịch) được xuất bản năm 1962, Nhật ký trong tù tiếp tục được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài khác và hiện vẫn tiếp tục được dịch, in cũng như đăng tải trên internet .
Nhờ có những bản dịch đó người đọc thuộc các tầng lớp khác nhau trên thế giới biết thêm và hiểu hơn về một con người khác trong Hồ Chí Minh, đồng thời hiểu được vì sao nhà thơ Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, việc sưu tầm, gìới thiệu các bản dịch cũng như dịch giả của các bản dịch đó một cách rộng rãi đến bạn đọc Việt Nam là việc làm có ý nghĩa và cần thiết đối với giới nghiên cứu cũng như những người yêu thích Nhật ký trong tù.
Chúng ta cần giúp cho bạn đọc hiểu được các dịch giả nước ngoài dịch Nhật ký trong tù sang ngôn ngữ của họ không phải chỉ vì cùng chung lý tưởng cách mạng hoặc lý tưởng vì con người mà còn vì sự ngưỡng mộ tài năng nghệ sĩ của Hồ Chí Minh. Điều này có thể thấy được trong lời giới thiệu các bản dịch của nhiều dịch giả. Chẳng hạn: “Tôi dịch Nhật ký trong tù vì đây là những bài thơ hay. Bởi vì tôi ngưỡng mộ cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh” (Pentti Saarikoski, dịch giả bản dịch tiếng Phần Lan). Hay: “Những bài thơ súc tích, ngắn gọn trong Nhật ký trong tù là những kiệt tác nhỏ, mặc dù phần lớn trong số đó được ra đời trong những điều kiện dường như kém thuận lợi nhất cho công việc sáng tạo của nghệ sĩ.” (Maria Kurecka, đồng dịch giả bản dịch tiếng Ba Lan)…
Đã 62 năm kể từ khi Nhật ký trong tù được dịch sang các ngôn ngữ nước ngoài lần đầu tiên và 12 năm được công nhận là “bảo vật quốc gia của Việt Nam”, song việc sưu tầm và giới thiệu các bản dịch Nhật ký trong tù ra tiếng nước ngoài “vẫn chưa đầy đủ và chính xác”, như dịch giả Thúy Toàn từng nhận xét. Thiết nghĩ trong điều kiện công nghệ như hiện nay, tình trạng này không khó khắc phục. Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn, Bảo tàng Hồ Chí Minh là những tổ chức, cơ quan chuyên trách có thế mạnh và điều kiện để thực hiện việc này.
Mặt khác, cùng với việc sưu tầm cần chú trọng tới việc nghiên cứu và giới thiệu các bản dịch cũng như các dịch giả của các bản dịch đó tới bạn đọc Việt Nam. Bởi lẽ việc làm này giúp bạn đọc hiểu rõ hơn sức lan tỏa sâu rộng của tác phẩm Nhật ký trong tù, thấy rõ hơn giá trị của “bảo vật quốc gia” và tầm vóc của danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.
Võ Xuân Quế