Với dòng sông yêu thương

341

Trong văn chương, người ta thường coi hình ảnh con đường và dòng sông là biểu tượng sinh mệnh của lịch sử và tình yêu. Đường Trường Sơn, sông Bạch Đằng, sông Tương, sông Seine… đã gợi lên nơi tâm khảm người đọc nhiều cảm nghĩ. Sông Vàm Cỏ Đông (Long An) đã đi vào thi ca thời nhân dân chống giặc ngoại xâm. Hoài Vũ là một tác giả tiêu biểu của những vần thơ đẹp về dòng sông quê yêu thương ấy.


Nhà văn Hoài Vũ.

Dù nổi tiếng hơn ở nhiều bài thơ tình (trong đó có 7 bài được phổ nhạc), Hoài Vũ cũng viết truyện (6 tập) và dịch thuật (5 tập). Nhà thơ Hoài Vũ đã từng giữ chức: Tổng Biên tập báo Văn nghệ Giải phóng, Ủy viên Ban Biên tập báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam)… Ông tên thật là Nguyễn Đình Vọng (sinh1935), quê Quảng Ngãi. Dù sinh trưởng ở miền Trung, nhưng cuộc đời hoạt động và sự nghiệp văn chương của anh gắn liền với mảnh đất Nam bộ. Hoài Vũ là một trong những văn nghệ sĩ có mặt xuyên suốt chiến trường chống Mỹ trong thời điểm gian khổ và ác liệt nhất nơi miền Đông máu lửa.

Thực tế chiến tranh đau thương và hào hùng của nhân dân là dung môi cảm hứng đậm đặc giúp nhà thơ hình thành những tác phẩm trung thực sâu sắc. Nhắc đến Hoài Vũ, ta không thể không nói đến trước hết bài thơ Vàm Cỏ Đông nổi trội của nhà thơ. Cuối năm 1963, khi đế quốc Mỹ bắt đầu đổ quân vào Nam bộ, vào một đêm Hoài Vũ cùng nhà thơ Giang Nam vượt qua khỏi sông Vàm Cỏ Đông trong sự rình rập của tàu giặc, về nằm giấu mình trong một chòi vịt ọp ẹp của dân giữa một cánh đồng. Ngay trong cái không khí vô cùng nhạy cảm của đêm đen căng thẳng nồng nực mùi chết chóc ấy, Giang Nam viết bài thơ Qua sông Vàm Cỏ, Hoài Vũ thì hoàn thành tác phẩm Vàm Cỏ Đông. Bài thơ của Hoài Vũ được viết nhanh và sau đó được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam.

Khi tác giả bài thơ Quê hương nổi tiếng đang mang bên mình chiếc radio nên kêu Hoài Vũ lại để cùng nghe. Sau khi được nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ Vàm Cỏ Đông trên đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Trương Quang Lục (sinh 1935) lúc ấy là kỹ sư hóa chất đang công tác tại nhà máy Lâm Thao, xúc động, cảm hứng phổ nhạc. Sau này bài hát được trình bày bởi các ca sĩ nổi tiếng: Cẩm Ly và Quang Linh, Thanh Thúy… Chính cái nội dung chứa đầy tình tự đậm tính nhân văn với lời thơ dung dị, thiết tha kể lể ấy đã khiến cho bài thơ Vàm Cỏ Đông dễ dàng đi vào lòng người.

Sở dĩ nhà thơ Hoài Vũ viết được những vần thơ dễ lay động hồn người như thế là vì anh là một trong những văn nghệ sĩ đã bám trụ suốt không gian mịt mùng khói súng nơi chiến trường Nam bộ. Nhà thơ đã mắt thấy tai nghe, từng rung động xót xa trong lòng do thực tại chiến tranh khốc liệt trong một giai đoạn đau thương nhất của lịch sử. Bên cạnh nỗi đau thương tang tóc vô bờ của đồng bào, nhiều đồng đội của Hoài Vũ đã ngã xuống trong đó có những tên tuổi như Lê Anh Xuân (1940-1968), Trần Hữu Trang (1906-1966), Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Vĩnh Hòa (1933-1967)… Nhà thơ đã chân tình kể lại, dưới những trận mưa bom B52 của đế quốc Mỹ khi vượt qua sông Bé, mình là người may mắn thoát chết trong gang tấc, nay may mắn còn được sống để làm thơ.

Sau bài Vàm Cỏ Đông sáng tác theo thể loại thơ mới có vầnHoài Vũ còn sở hữu những bài thơ tình thời chiến nổi trội được các nhạc sĩ hàng đầu phổ thành ca khúc: Anh ở đầu sông, em cuối sông (Phan Huỳnh Điểu), Hoàng hôn lặng lẽ (tựa bản nhạc  Chia tay hoàng hôn – Thuận Yến), Đi trong hương tràm (Thuận Yến), Em đang ở đâu (Thuận Yến), Thì thầm với dòng sông  (Thuận Yến), Tình theo gió bay (Thế Huy)… được nhiều ca sĩ trình bày.

Hoài Vũ là một hồn thơ đa cảm đa tình. Mỗi bài thơ sáng tác cùa ông đều có nguồn gốc từ một chuyện tình lãng mạn của tác giả. Bài thơ Anh ở đầu sông, em cuối sông được sáng tác sau đó cũng nổi tiếng không kém Vàm Cỏ Đông. Tựa đề bài thơ và cả bản nhạc làm nhớ đến 4 câu trong bài Hán thi Trường tương tư của Lương Ý Nương, một nữ sĩ sống vào thời Hậu Chu (907-955), ở vùng sông Tiêu Tương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc: “Ngã tại Tương giang đầu/ Quân tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thủy” (Em ở đầu sông Tương/ Chàng ở cuối sông Tương/ Nhớ nhau mà không gặp/ Cùng uống nước sông Tương).

Trong những năm đánh Mỹ ác liệt (1968), Hoài Vũ vừa đi thực tế vừa được phân công mở lớp đào tạo những cây bút trẻ ở Long An. Trong lớp có Bảy Nhàn, một nữ sinh viên hoạt động hăng hái trong phong trào đấu tranh ở đô thị, mới được đưa ra hậu cứ. Cô Bảy Nhàn có khuôn mặt dễ nhìn, dáng người mảnh mai, giọng nói trong trẻo lại có vốn kiến thức văn học. Cô Nhàn tiếp thu nhanh bài giảng của thầy Hoài Vũ, chưa hết khóa học đã có truyện đầu tay Làng ven sông được đăng trên tạp chí Văn nghệ Giải phóng. Hoài Vũ tận tình chỉ bảo về nghiệp vụ báo chí, thơ văn cho Bảy Nhàn. Bảy Nhàn cũng hết lòng quan tâm Hoài Vũ như một người thầy, người anh đáng kính trong những lần nhà thơ bị sốt rét. Nhưng tình cảm của Hoài Vũ nồng nàn hơn, đã vượt qua ranh giới thầy trò.

Trong khi chiến trường Long An ngày càng ác liệt, bất ngờ Hoài Vũ nhận được lệnh phải về Trung ương cục miền Nam (R). Thời gian xa cách, Hoài Vũ sáng tác bài thơ Anh ở đầu sông, em cuối sông, được nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu phổ  nhạc, thể hiện tình cảm nhớ nhung tha thết: “Anh ở đầu sông, em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông”. Yêu người, nhà thơ yêu luôn cả cảnh vật miền quê của Bảy Nhàn: “Ôi bát ngát, chân trời miền Hạ/ Tím tình yêu, tím cả ước mong”. Niềm tiếc nuối, xót xa làm đau đáu ở nhà thơ còn được thể hiện trong bài Đi trong hương tràm dào dạt tính nhân văn: “Dù trái tim em không trao anh nữa/ Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”…

Trong thời gian đã xa Long An, Hoài Vũ làm tiếp bài thơ Nàng Thơm và gửi tặng cho một người bạn còn công tác nơi miền Hạ. Nội dung bài thơ kể lại mối tình cảm động của đôi trai gái mộc mạc miệt vườn. Cô gái thương chàng trai nghèo khổ, ngày ngày lam lũ cấy cày trên mảnh đất khô cằn mà vẫn đói rách. Hằng đêm, cô gái lặng lẽ ra nhìn thửa ruộng tiêu điều, dùng nước mắt của mình nhỏ xuống mỗi cây lúa héo hon một giọt, khiến ruộng lúa của chàng xanh tốt trở lại. Kỳ diệu thay, từ lúa trổ bông sum suê đến mùa lúa chín, gạo nấu thành cơm hạt trắng nõn thơm ngon, nên người ta lấy tên cô gái đặt luôn cho tên lúa: lúa Nàng Thơm, rất nổi tiếng hiện đang cấy trồng đại trà ở Long An để xuất khẩu trên thị trường.

Hoài Vũ mở đầu bài thơ bằng hai câu ngọt ngào như một lời thủ thỉ ấm nồng tình tự: “Nàng Thơm, tên lúa hay tên em/ Nghe dịu tâm hồn ngọt gió đêm”. Bài thơ sau đó được một soạn giả chuyển thành bài ca vọng cổ giai điệu mượt mà khiến ai đọc qua bài thơ hoặc được nghe bài hát cũng biết nhà thơ muốn tiếp tục giải bày tình cảm yêu thương của mình với miền quê Long An, nơi đó có hình bóng của người con gái mình yêu thương nơi miền Hạ. Bài thơ thực ra phải được đến tay Bảy Nhàn nhưng rất tiếc khi ấy chị đã không còn ở hậu cứ mà phải nhận gấp nhiệm vụ quan trọng tại một địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Chỉ vài ngày sau, Bảy Nhàn bị sa vào ổ phục kích của địch và bị chúng bắt đày ra nhà ngục Phú Quốc. Tin không lành đến tai Hoài Vũ, khiến anh đau lòng viết ngay bài thơ Gửi người bạn gái trong tù. Bài thơ này truyền đi trên làn sóng đài Phát thanh Hà Nội.

Với Hoài Vũ hay nhiều nghệ sĩ khác, nỗi đau khổ dường như là mảnh đất màu mỡ hình thành những kiệt tác của kẻ tài hoa: Tiếng ca tuyệt vọng là tiếng ca hay nhất (A. De Musset). Thảm cảnh chết chóc từ chiến tranh, nỗi khắc khoải khổ đau trong xa cách hay nhung nhớ đợi chờ đã giúp cho nhà thơ Hoài Vũ sở hữu được những vần thơ tuyệt bút lưu lại mai sau.

Trong lịch sử văn học nghệ thuật thế giới xưa nay, thi ca với hội họa, âm nhạc có mối tương quan định mệnh như người ta thường nói: thi trung hữu họa (trong thơ có họa), thi trung hữu nhạc (trong thơ có nhạc) – Những hương thơm, sắc màu và âm thanh đáp lời nhau (Baudelaire). Những áng thơ trữ tình với lời tình tự lâm ly tha thiết của Hoài Vũ được thăng hoa thêm tác dụng tích cực về nghệ thuật, nhờ vào sự chấp cánh bởi giai điệu bay bổng của những nhạc sĩ tài hoa và tiếng ca thánh thót trữ tình của những ca sĩ nổi tiếng. Cảm xúc từ bài thơ Anh ở đầu sông, em cuối sông của Hoài Vũ, ông Tô Minh Giới, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Giám đốc Sở Giáo dục TP. Cần Thơ, một tâm hồn yêu văn nghệ, đã phóng tác thành 6 câu vọng cổ mượt mà, được trình bày trên sân khấu và đài phát thanh.

Tóm lại, trong thế hệ những văn nghệ sĩ yêu nước như Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Đoàn Giỏi, Nguyễn Văn Bổng, Giang Nam… của một giai đoạn chiến tranh giữ nước khốc liệt mà sinh mệnh con người chỉ nằm ở ranh giới đường tơ kẽ tóc giữa sự sống và cái chết giữa sự sống và cái chết, Hoài Vũ xứng đáng được gọi là một hồn thơ – chiến sĩ. Cuộc sống chiến đấu đã giúp cho Hoài Vũ có được những trang thơ chứa chan tình người, tình yêu Tổ quốc, sự gắn bó với quê hương, và sự nghiệp kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong những vần thơ hay, thấm đẫm tính nhạc đó vẫn thấp thoáng hình bóng một giai nhân – nguồn cảm hứng được coi là nàng Thơ đáng yêu thoáng qua cuộc đời nhà thơ…

Theo Nguyễn Thanh/Báo Văn Nghệ