Xóm vú sữa bây giờ – Truyện ngắn của Phương Đình

868

(Vanchuongphuongnam.vn) – Buổi sáng, tiết trời chớm thu se lạnh, mùa khai trường rộn rịp năm học mới bắt đầu. Thêm các em từ quê ra tỉnh học, Văn lỉnh kỉnh dọn đồ đạc sách vở về đóng đô ở xóm Vú Sữa, cặp bờ sông Cái Khế. Văn về với ngôi nhà lá nhỏ vừa được ba mẹ mua cho để anh em cùng tự nấu cơm ăn đi học. Người phương xa mới nghe qua cái xóm mang tên loài trái cây miệt vườn, không ai không tò mò muốn biết lịch sử một xóm nội ô thành phố sở hữu cái tên ngọt ngào nghe ấm nồng thân mật như một suối nguồn dinh dưỡng.

Nhà văn Phương Đình

Sừng sững ngự trị nơi góc hẻm, bao quát cả một khu cửa nhà san sát, cách không xa chiếc cầu sắt cũ, cây vú sữa như người lính đứng gác một mình nơi điểm tựa biên cương, không quản ngại ngày đêm nắng mưa dầu dãi. Người cao tuổi sống nơi đây cũng không biết cây vú sữa ấy mọc từ bao giờ hay do ai trồng để từ đó con hẻm nhỏ được mang tên nó. Người ta chỉ biết nó trông ra vẻ đã có từ lâu, thân nó cao lớn vạm vỡ như cây sao, bao quanh bởi lớp vỏ khô nức nẻ sù sì, được che hờ sương nắng bằng mấy cành khẳng khiu lơ thơ trụi lá trên ngọn cao. Thỉnh thoảng cơn gió nhẹ thổi qua, những cánh bông vàng nhỏ li ti như đám bụi vàng rụng lác đác xuống mặt đường nhưng không bao giờ thấy cây kết trái. Do vậy có người bảo nó là cây vú sữa đực. Những khi trời mưa to gió lớn, mấy chú se sẻ bé tí, chim chìa vôi đẹp mả hay trao trảo liếng thoắng không biết từ đâu bay về, mượn mấy cành khô làm nơi trú ẩn. Đến gần đường Duy Tân chỗ chạy ngang đầu hẻm, ai nấy đều biết bà Mụ Sỏi nổi tiếng cả một vùng Đồng bằng. Bà già đỡ đẻ mát tay này có cậu con trai lớn là anh hai Khương sớm giác ngộ cách mạng, đi theo kháng chiến từ thời Nam Kỳ khởi nghĩa. Tận cùng hẻm Vú Sữa trông ra đường Phan Thanh Giản là đầu hẻm Hai Địa, tên một ông lính thổi kèn tây mập ú, uống rượu như hủ chìm của thời còn mồ ma thằng thực dân Pháp.

Không gian khu hẻm chiếm hết hai bên con đường nhỏ bò quanh co giữa lau sậy, chỉ dài hơn hai cây số, xóm Vú Sữa hoang sơ vắng vẻ, nhà cửa lưa thưa xập xệ nhưng chứa đựng nhiều huyền thoại của một thời đấu tranh chống Mỹ khi Văn còn đi học tại Tây Đô. Ngôi nhà lá nhỏ ọp ẹp của Văn cách không xa miếu bà Chúa Xứ, bên cạnh đụt mả giữa xóm, được coi là một nghĩa địa hoang đầy âm khí. Con kênh Tàu Hủ nhỏ bé lừ đừ chạy qua nơi đó trông như dòng nước tù, luôn bốc lên mùi hôi tanh nồng nặc cho người qua lại.

*

Nhà văn Nhất Tâm sống hẩm hiu đạm bạc trong một vuông nhà nhỏ ở ngay trước mặt am bà Chúa Xứ, bên đống rác to ẩm mùi hôi thối và vũng nước tù tư mùa luôn bốc lên mùi tanh tưởi. Thể lực bẩm sinh ốm yếu từ thuở bé, chân đi không vững, tai lại khó nghe, Nhất Tâm vẫn sống lạc quan với người vợ hiền ngày ngày thức sớm đi bán tương chao ở chợ Ninh Kiều cùng đám con nhỏ còn đi học. Thuở thơ ấu, do hoàn cảnh, thời gian đến lớp không nhiều, Nhất Tâm học ở nhà miệt mài tự học thêm. Khi trưởng thành, anh không những giỏi văn học mà cả tiếng Pháp, tiếng Hán và có niềm đam mê mãnh liệt với văn chương và nghề cầm bút. Không gian khiêm tốn của căn nhà lá đơn sơ với mấy người con và hai vợ chồng nhà văn chỉ gồm mấy tủ gỗ chứa đầy báo các loại và từ điển, bên cạnh những kệ tư liệu ngổn ngang gò đống đó đây. Nhất Tâm vẫn tự hào với bạn bè, khách lạ đó là tất cả tài sản quý giá của mình.

Sớm đến với nghề văn ngay từ thời niên thiếu trước cách mạng tháng Tám, nhưng nhuận bút không đủ trang trải cho gia đình, Nhất Tâm cam đành âm thầm làm thêm nghề phong thủy khó coi giống như Tản Đà ngày trước đã mở Hà Lạc lý số. Khách quen thân và bằng hữu của Nhất Tâm gồm những người buôn bán, làm ăn, và đa phần là giới trí thức, sinh viên học sinh ngưỡng mộ tài năng và nhân cách của nhà văn, tìm đến anh để trao đổi, học hỏi. Thính quan từ nhỏ yếu kém, Nhất Tâm phải dùng bút đàm để trao đổi lúc tiếp khách hay trò chuyện với bạn văn. Mỗi khi đi hội họp văn nghệ tại địa phương hoặc liên hệ với giới báo chí tại Sài Gòn, Văn luôn đến đèo Nhất Tâm ngồi yên sau chiếc xe Honda cà tàng đời cũ của anh hoặc dìu nhà văn ra bến xe đò để hai anh em cùng nhau ngao du các tỉnh. Là bạn văn cùng thế hệ với các nhà trí thức và những cây bút tiến bộ ở miền Nam như bác sĩ Lê Văn Thuấn, bác sĩ Lê Văn Khoa, nhà văn Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Sơn Nam, Nguyễn Tử Quang…, Nhất Tâm là tác giả của hơn mười lăm công trình biên khảo, sưu tầm, tiểu thuyết đăng báo hằng ngày (feuilleton) và nhiều từ điển văn hóa có nội dung tích cực, đã được các nhà xuất bản uy tín như Tân Việt, Sống Chung,… tại Sài Gòn ấn hành. Nhất Tâm được dư luận đánh giá là nhà văn có tài, giàu ý chí và nhân cách trong làng văn sung túc ở đất Cầm Thi. Sau ngày thanh bình trở lại trên đất nước, nhà văn Nhất Tâm được văn nghệ sĩ bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Tây Đô và Văn là Tổng Thư ký.

Là người cùng xóm hai nhà cách nhau không xa, Văn tôn trọng Nhất Tâm như bạn đồng điệu vong niên, là người anh cả đã hỗ trợ chí tình trong nghiên cứu tư liệu hoàn thành các tiểu luận tốt nghiệp khi anh học tại Đại học Văn Khoa Cần Thơ và Sài Gòn. Cùng với Sơn Nam, Kiên Giang, Nhất Tâm là cây bút cộng tác thường xuyên với tạp chí Văn nghệ Miền Tây, Lập Trường, những tờ báo văn nghệ tiến bộ, phát hành tại Cần Thơ trong thập niên 1960-1970 do Nguyễn Thanh chủ trương biên tập, được giáo sư tiếng Pháp nổi tiếng Nguyễn Bá Thảo, Chủ tịch MTDTGP Khu Tây Nam bộ mang vào khu kháng chiến (5/1968).

Sống lầm lũi trong giai đoạn bất phục tùng, hằng tuần, Văn cỡi chiếc xe máy nghĩa địa vừa đi dạy tư vừa đến giảng đường học thêm tại Đại học sau những ngày tranh thủ dạy Văn và Mỹ thuật tại thị trấn Cờ Đỏ, một huyện lỵ xa xôi heo hút, cách Tây Đô hơn năm mươi cây số.

Nằm hút sâu lòng xóm, giữa căn nhà lá nhỏ đơn sơ của văn sĩ Nhất Tâm và con kênh Tàu Hủ hôi tanh là khu đụt mã, nơi hội tụ của những nấm mồ hoang vô chủ, lô nhô ẩn hiện bên đám đế sậy um tùm, chen lấn ngoi lên khỏi đám cỏ bắc sắc bén sẵn sàng cứa rát chân người qua lại. Trong không gian tẻ lạnh nặc mùi chướng khí, những chú chim cú, chim mèo với đôi mắt thò lỏ và chiếc mỏ cong nhọn hoắc trông thấy ghét đậu trên tàu dừa cao tiếng kêu cu… cú… nghe rợn mình như báo hiệu trước bao điềm gở không hay. Trên cành cao các loài cây dại mọc như bình bát, cây sắn lủng lẳng buông thòng những dây cỏ rùa, dây cóc, hay thuốc cá xa trông như đàn rắn hoang ngụy thiện, hùa nhau buông mình xuống chờ bẫy mồi. Những buổi chiều muộn, gió mưa sùi sụt cả những đêm hiu quạnh âm u, người dân lao động lam lũ, đi làm trở về nhà sống tạm bợ trong mái nhà ọp ẹp tối tăm quanh đụt mả. Trong tiếng lau sậy xạc xào khi một làn gió thổi qua, thỉnh thoảng họ cảm nhận như vang vọng ra từ khu mả hoang lạnh lẽo những tiếng ma tru quỷ rống lạnh người!

Ngôi nhà Văn cách xa không mấy bước tới ngôi miếu bà Chúa Xứ trước nhà văn sĩ Nhất Tâm và am Cô Hồn nằm bên kia bờ kênh Tàu Hủ, đối diện với phía sau nhà Nhất Tâm. Những ngày lễ cúng âm binh vào ngày rằm tháng bảy hằng năm, những chiếc dĩa nhựa đựng thịt heo, tôm luộc, trứng vịt, bày la liệt trước cửa miếu, bên đống vàng mả cháy phừng phực, khói nghi ngút bốc lên tỏa mùi khét lẹt. Thức ăn của chùa đã quyến rũ đám cô hồn sống lố nhố đứng cạnh chực chờ bên cạnh như đàn kên kên đói mồi. Những lần đến thăm Nhất Tâm, Văn được nghe Nhất Tâm kể lại nhiều giai thoại về xóm Vú Sữa nơi anh đã sống trong suốt cuộc đời mình.

Dòng sông Cái Khế trước hẻm chảy qua cầu sắt cùng tên ra sông Hậu tại ngả ba sông Cần Thơ khá rộng và sâu ngày ấy đôi lúc vẫn còn là nơi hội tụ của cá sấu dưới nước và thú dữ rắn rết, cọp beo trên bờ do miền đất này không cách xa rừng U Minh còn đậm nét hoang sơ tiền sử. Chú Bảy Cà Thọt làm nghề vác mướn, có mấy đời tổ tiên đến lập ấp và sống nơi đây, theo lời ông bà nhiều thế hệ trước, thường kể lại cho con cháu về sự khai sinh của những sông rạch, đường sá trong đó có sự ra đời của con kênh Tàu Hủ.

Sông Hậu một đêm trăng thanh gió mát, người dân trên cồn Cái Khế bỗng thấy mặt sông rộn ràng dậy sóng. Hai gã sấu to khủng hơn ba trăm năm tuổi, từ rừng U Minh lạc về, rong rêu bám đầy mình, đang hùng hổ rẽ nước rượt đuổi theo một con cá dồ cờ lớn hết cở màu xám xịt. Sấu giương đôi mắt thò lỏ, cái miệng há hốc nhe đôi hàm răng sắt nhọn, chực nuốt sống con cá đáng thương, làm dậy sóng cả dòng sông Cái Khế. Bị nước lũ trôi giạt về từ Vàm Nao về, con cá kình họ hàng với loài cá tra, giương kỳ trên lưng như cánh buồm hải tặc, dài hơn 7 mét chạy trối chết từ ngoài ngả ba sông Cần Thơ trốn vô rạch Cái Khế. Cục diện giống y như hai chiến hạm đang truy đuổi ráo riết một chiếc tiềm thủy đỉnh của kẻ thù không đội trời chung vừa trồi lên mặt nước. Vừa lách mình chui luồn qua chân cầu sắt, chú cá dồ tội nghiệp rẻ trái chui nhanh vào miệng cống hẹp dưới lộ thoát vào rảnh nước nhỏ bên trong khu xóm. Hai tên cá sấu hung dữ đằng đằng sát khí, thân hình bồ tượng đành chịu dừng bước. Khốn khổ lại tiếp nối, khi chạy tìm sinh lộ thoát thân, con cá dồ chui được qua rãnh hẹp đường cống. Nhưng lúc kẻ thù hăng máu đi xa, tấm thân bồ tượng của nó lại không thể lội trở ra được sông lớn. Như một chiến binh thua trận, con cá giãy giụa rồi đành chết tại chỗ, mấy ngày sau, xác nó thối rữa trôi lềnh bềnh trên lạch nước hẹp, dần dần biến thành con kênh Tàu Hủ.

Trong một lần đi gác chim rừng tại đụt mả, bất ngờ bị mưa xối xả ập tới, Văn mang lồng chim vào tá túc tại nhà bác Tư Chà thợ hồ gần xóm mã, tình cờ được nghe kể lại một chuyện ly kỳ khác. Dạo ấy, bọn lính thực dân còn chiếm đóng tại trường Trung học Cần Thơ nay là trường Châu Văn Liêm làm doanh trại. Đêm khuya một ngày lễ, tên xếp Tây Robert nực nồng hơi rượu, khệnh khạng bước chân trên ngõ tắt khu xóm mả về trại, bỗng phát hiện ra một cô gái đang cho con bú trong ngôi nhà lá nhỏ trong xóm. Trinh là một sản phụ mới sinh con chưa đầy tháng, vẫn được bà mụ Sỏi đầu hẻm cho về sớm vì nhà nàng ở cùng xóm. Dưới ánh đèn dầu lờ mờ trong gian nhà vắng vẻ, chồng đi làm thuê chưa về, cô gái trẻ một con với khuôn mặt xinh đẹp dễ thương, nước da trắng trẻo. Đôi bầu vú căng mọng cô gái vừa sinh con đầu lòng khiến Robert không ngăn nổi dục vọng. Trong lúc đôi tay cô gái đang ôm đứa con cho bú, Robert khệnh khạng tạt vô, sà vào gần Trinh ậm oẹ tán tỉnh. Không biết ngôn ngữ nhưng Trinh cũng hiểu rõ điều gì tên Tây muốn, nàng ẳm đứa con còn đỏ hỏn cố lảng tránh đôi bàn tay lông lá sù sì của nó vồ vập khiến nàng không thoát khỏi… Sau trận cuồng phong dục vọng đầy thú tính của Robert, dù được chồng tận tâm chạy chữa, Trinh đã chết đi cùng đứa con bụ bẫm chưa đầy tuổi. Không lâu sau, những người dân lam lũ đi làm mướn ban đêm về muộn, hoặc thanh niên lãng tử đi chơi khuya về ngang xóm vắng, không tránh khỏi bắt gặp một bóng ma lù mù hiện ra nơi ấy. Một cô gái trẻ đẹp, trần truồng, tóc rối tung phủ xuống đôi bầu vú to căng tròn, trễ dài lượt thượt như hai trái mướp hương, sữa chảy nhuễ nhại lênh láng trên mặt đất, trong tiếng gào khóc thảm thiết của đứa con nhỏ đang khát sữa bò la bò lếch bên cạnh mẹ…

Nơi vắng vẻ khu xóm hoang, bọn giang hồ bất hảo của xã hội đen, dân nghiện xì ke ma túy tự do đến đụt mả âm thầm hoạt động. Dân vô gia cư lén lút giữa đêm khuya đến dựng lều cất nhà, hay chôn lén xác người thân. Trên con đường hai bên chằng chịt cỏ gà cỏ lác lởm chởm nhô lên khỏi mấy cái mương sâu, qua khỏi mấy cây dừa lão cao lêu nghêu nơi giữa lòng đụt mả là hai ngôi nhà lá thấp lè tè, như giấu mình dưới tàng rậm của mấy cây xoài mọc hoang. Người ta bảo đó là động chứa gái ăn sương của Mười Muôn bán rượu đế và Tư Bụng, sống bằng nghề nuôi em út vốn là hai anh lính biệt động quân cộng hòa giải ngũ. Những đêm khuya yên giấc của mọi người, bà con gần đó đôi lúc nghe rõ tiếng la thét ú ớ của những tên lính lê dương Mỹ nát rượu, đi tìm gái chơi, bị đám con nít ranh trong xóm lợi dụng lúc dẫn mối, lừa lấy tiền, giật bóp rồi xô ngã chúng xuống loi ngoi dưới mương bùn sâu.

Một chiều tiết tháng bảy mưa dầm gió lạnh, người ta thấy xuất hiện trên hẻm một lão bà mặc áo nâu sòng, dáng người quắc thước, mái tóc dài trắng cước phủ lưng, mang bên hông một túi vải cũ. Đó là bà Năm Núi Cấm, tu ở Thất Sơn, ngày ngày chống gậy trúc đi khắp nơi bán cao đơn hườn tán cho người bệnh thập phương. Khi đi ngang qua đụt mả xóm Vú Sữa, nơi nguyên quán của bà trước kia, bỗng nhiên bà Năm tự đi chậm lại, tay chỉnh cặp kính lão rồi mặt ngó dáo dác đó đây. Bà Năm có vẻ muốn biết một điều gì bà vừa bất chợt cảm nhận ra từ ngọn gió lành lạnh thổi qua thoảng mùi tanh tưởi, đầy âm khí. Sau khi bà con trong xóm nói rõ tình hình, bà Năm có ý kiến:
– Khu vực này mấy trăm năm trước vốn là vùng ma thiêng nước độc đầy chướng khí, được coi là thế giới cô hồn. Do vậy, người chết oan như cô gái đã thành con ma vú dài có cơ hội quấy phá người trần thế. Nay nên lập bàn hương án để tôi nán ở lại làm việc một tuần mới có thể không bị thế lực khuất mày khuất mặt như ma quỷ hoành hành. Bà con hẻm Vú Sữa nghe nói tin tưởng, làm y theo những gì bà Năm chỉ dẫn. Một con bò tơ đực mập, ba con heo ú trăm ký được thết đãi cho bọn quỷ sứ ma vương do Bà Năm chủ trì việc cúng tế. Suốt mấy ngày đêm kêu gọi thổ địa thần hoàng về hỗ trợ, bà Năm đã phủ phục cầu nguyện Trời Phật, hô phong hoán vũ xua đuổi tà ma. Sau đó, người ta ít nghe nói chuyện quỷ ma xuất hiện nơi xóm mả nữa. Bà con trong xóm, vốn có lòng trắc ẩn, hay thương người nên đã xây dựng cho thế giới cô hồn lạc lỏng và âm binh đói rách lang thang một “Am Cô Hồn” để làm nơi nương tựa tại ngay giữa lòng xóm. Và để nhớ ơn bà Năm Núi Cấm giúp đỡ diệt trừ ma quỷ, người ta cũng đã dựng lên một “Miếu bà Chúa Xứ” để người dân trong xóm tưởng nhớ đến Lão bà đã hết lòng giúp đỡ và cũng để làm nơi cúng kiến vào ngày rằm tháng tốt để lo lót dứt điểm cho thế lực hắc ám khuất mặt khuất mày.

Đó là tất cả lý lịch cắt ngang trích dọc đầy đủ của cái xóm cũ Vú Sữa, Văn đã đến ở từ thuở còn ngây thơ chơi với mực tím mồng tơi, trót đã đắm say mùi hương sách vở. Rồi Văn lập gia đình, làm nghề gõ đầu trẻ đến với học trò trường lớp yêu thương bên sân trường rực rỡ màu hoa trạng nguyên, phượng vĩ, và lân la đến với làng Văn. Văn cũng hăm hở được vào chung chiếu văn cùng anh em nòi tình đồng điệu. Nhờ mối tơ duyên được nhập hộ khẩu vào cái xóm nghèo đất Tây Đô ngày xưa được coi sào huyệt của kẻ tứ chiếng giang hồ mà Văn đã hiểu được đôi phần về thế thái nhân tình và lòng người đen bạc. Dù vậy, Văn vẫn coi cái xóm nhỏ nghèo xơ xác, một góc khuất cá biệt của thành phố yêu thương này luôn mang dòng máu nóng hổi còn đọng mãi nơi sâu thẳm trái tim mình: Cần Thơ đường hồng hay đường xanh/ Bao nhiêu năm in dấu chân anh/ Bốn mùa cuối phố hay đầu ngõ/ Mưa gió đi về cũng gọi tên. Bạn bè văn nghệ, có người tỏ ra hiểu Văn, thương thân anh vóc gầy ốm thư sinh, trói gà không chặc lại trót ở cái xóm tồi tàn hiu quạnh nhưng dữ dội vô cùng. Họ cảm thông với anh ngoài việc đi dạy học, ngày lễ chủ nhật, Văn với thân gà trống nuôi con, còn phải cặm cụi thức thâu đêm chắt chiu kiếm thêm chút phụ thu bằng ngòi bút và cây cọ để lo cho đám con đông nheo nhóc sớm mồ côi mẹ: Bút vung phượng múa rồng bay/ Chàng Năm * ắt hẳn tình hoài ngàn năm/ Hẻm Vú Sữa, đường Duy Tân/ Gần nguồn sao mãi cỗi cằn chàng ôi! (Thơ Lê Hà Uyên).

*

Một mùa xuân rực rỡ đến sớm. Những ngày mới tinh khôi rộn ràng bắt đầu nơi xóm Vú Sữa, Tây Đô mở hội ngày đêm giữa rừng cờ sao phấp phới như vạn cánh hoa mai vĩ đại: Rực rỡ sao vàng, mai vĩ đại/ Năm cánh xòe lên chín cửa sông trong không gian lồng lộng, biển lòng người như mở tiệc vui đại hội hoa đăng. Hai bên đường phố, với nụ cười tươi thắm nở trên khuôn mặt sáng tươi hạnh phúc, bà con trẻ già hồ hởi chào mừng những anh chiến sĩ giải phóng – những chàng Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi mang dáng Việt Nam, từ các nơi rầm rập đổ về tiếp quản thành phố. Trong rừng người vỡ òa niềm vui trong mong đợi ngày hạnh phúc từ lâu đã thành hiện thực, Văn cảm thấy xúc động khi nhận ra thêm bao điều thích thú. Anh vui vô cùng và tự hào về cái xóm nghèo đã cho anh sống những ngày buồn vui đan xen trong đời. Bác Mười Muôn nghèo rớt mồng tơi bán rượu đế sống lây lất qua ngày, anh hai Lợi ốm yếu vất vả chạy xe lôi từng bữa nuôi con, chịu thu mình trong cuộc đời thường bé nhỏ, lại là những người yêu nước đã âm thầm treo lá cờ đỏ sao vàng trên ngọn dừa cao vòi vọi nơi đụt mả mỗi khi có lễ lớn. Chú Tư Bụng cam ẩn mình mang tiếng nuôi em út, từng gan góc, thể hiện mưu trí nhạy bén để cứu anh đặc công trong bước đường cùng bị truy đuổi quyết liệt bởi mấy tay cảnh sát cộng hòa… Những cuộc đời thầm lặng từng bị rẻ khinh ấy đều có mặt trong buổi ra mắt ban đại diện khóm trong buổi bình minh ngày mới, sau đó trở thành cán bộ cột trụ trong chính quyền cách mạng xóm tại tỉnh nhà. Từ hôm biết được lịch sử trung thực của khu xóm đặc biệt thành phố, mấy anh cán bộ khu vực năng đi qua lại nơi xóm mả để làm yên lòng bà con. Bóng con ma vú dài rợn người xưa kia xuất hiện đêm đêm nhát người đi qua hẻm, dường như bị dị ứng với chiếc camera hiện đại bé tí vừa mắc cao trên cột điện nên đã vắng bóng từ lâu.

Trong không gian thênh thang, ấm áp, long lanh ánh nắng thủy tinh của những ngày mới bắt đầu, qua hết cơn giông bảo tối tăm, Xóm Vú Sữa bây giờ thay da đổi thịt, sáng tươi, rạng rở như một góc nhỏ địa đàng của thành phố cầm thi. Vừa dẫn xe máy ra khỏi cổng nhà, đưa mắt vui vẻ nhìn lại một vòng quanh khu xóm thân quen, Văn cảm thấy yêu đời, thong dong cỡi con ngựa sắt hòa theo dòng người rộn rịp cho kịp buổi sáng đến trường lớp với học trò.

  P.Đ

* Chàng Năm: Ngũ Lang, bút danh của Văn.