Ba Hữu, Cúm Núm miệt Vĩnh Đại

1038

Trần Bảo Định

(Vanchuongphuongnam.vn) – Kinh Ngang dẫn nước thành dòng từ ngã ba Cái Rưng – Bông Súng thuộc sông Vàm Cỏ Tây, băng qua làng Vĩnh Đại, chảy thẳng một mạch về cuối vàm kinh Dương Văn Dương giáp mí đất Gãy Cờ Đen thì, nó lộ hẳn một vùng đất hoang được lưu dân đến khẩn và khai mở ở những năm đầu của thế kỷ 20.Trong số người lưu dân buổi đầu đó, có dòng họ Lê của bác Sáu Tý.

Hôm rồi, nhân ngày giỗ tía. Chiều tiên thường, bác Sáu kể chuyện con cúm núm hồi “Đến đây xứ sở lạ lùng/Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” (ca dao). Thím Bảy đầu khất khăn sọc rằn, ngồi chồm hổm cùng mấy bà nhổ lông vịt ở mé bến nước, nói vói lên:

– Anh Sáu ơi! Tui khoái nghe chuyện anh với Hồng Sến đi dậm cù bắt chuột lúc đồng sắp nổi nước.

Bác Sáu ngó xuống bến, chưa kịp trả lời. Bà Hai Trầu xỏ ngang thím Bảy:

– Bây lúc nào cũng khoái cù với dậm rồi dậm với cù!

Hình như bà thấy mình lỡ lời sao đó với thím Bảy, bà thấp giọng nói một hơi:

– Tau biết bây không quên nó, dẫu giờ đã con đùm con túm. Cái thằng thiệt bảnh trai, ăn nói có duyên, lại lính Vệ Quốc Đoàn đi đến đâu, nhiều con gái chết mê chết mệt đến đó! Sau ngày hòa bình, nó về quê dựng phim, quay phim: Cánh Đồng Hoang, Mùa Gió Chướng… như là gởi nhớ gởi thương, gởi lại lòng tri ân nơi chôn nhau cắt rốn!

Nói xong, bà chép miệng:

– Tội nghiệp! Người tốt bụng thường lao đao, lận đận…

Gió tuột đọt tràm thổi thốc qua bến nước, chéo góc khăn rằn rớt khỏi đầu che khuất mặt thím Bảy!

Ba Hữu vấn điếu thuốc rê Cao Lãnh, mời bác Sáu và hỏi:

– Sao mình kêu nó là Cúm Núm, hả bác?

Bác Sáu đứng dậy, bước ra sân, cầm con cúi mồi thuốc hút. Đọt nắng trải dài vạt rừng bên kia cánh đồng Gò Hàn mênh mông. Bất giác, bác cảm thấy búi tóc của bác sắp bung, trước cái mênh mông của trời đất!

Có tiếng của ai đó, cũng có thể tiếng của bà Hai.

– Xứ mình kêu nó Cúm Núm chớ, xứ má qua hồi nẳm thường gọi nó là con gà nước. Chắc bởi nó đi đứng khúm núm nên, người mình kêu nó Cúm Núm?

Đám nhóc ngồi dưới đất ngóng cổ nghe, tưởng được giải tỏa thắc mắc, thích thú cười rộ.

Bác Sáu quay vô bàn, bưng chén trà còn dở dang uống cạn.

– Cúm Núm sống nơi lùm bụi, ven ao hồ, đất biền lầy, ruộng lúa… Tiếng kêu của nó xoáy vào lòng người, thương với nỗi thương nhớ cố hương. Tiếng kêu đó, chỉ kêu vào buổi trời ngã về chiều và buổi rạng đông. Nó vang lên một thứ âm thanh trầm hùng, cao vút khi nhịp nhàng rộn rã, lúc êm ái lẳng lơ!Nói không sợ trừ bì, tiếng kêu của nó nào khác chi tiếng chày giã gạo, tiếng chày quết bánh dưới ánh trăng quê!

Bác Sáu ngưng nói, ngó từng khuôn mặt con cháu. Vụt bác nghiêm giọng:

– Ở đây, trừ thằng Ba Hữu vì nó ở miệt Tân An. Đám tụi bây, đứa nào lọt lòng cho tới lớn mà, chưa nghe tiếng Cúm Núm kêu?

Ba Hữu dặm hỏi: “Nó kêu ra sao bác Sáu? Thì chợt nghe ngoài bìa ruộng vang lên… Cúm núm… cúm núm… Cum… cum…cum… cum…Ọc…ọc…ọc… quyện theo nắng chiều, nửa kiêu hãnh, nửa quyến rũ!”

Lời bác Sáu trải đều trước giờ cúng tiên thường, nhắc nhớ thế hệ sau.

– Họ Lê từng nuốt ngược nước mắt vào lòng, chịu cảnh ly hương để đến vùng đất mới khẩn hoang, khai phá. Và, cũng đâu dễ dàng gì cho ông bà mình thuở đó trên bổn xứ Vĩnh Đại này: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma” (ca dao). Sơn trường lắm, mới có được hạt ngọc trời cho ăn mà sống đến ngày nay.

Bác Sáu chợt nói lớn:

– Mai sau nếu có phải tệ gì thì tệ nhưng, tụi bây không được tệ bạc nhau, không được thua kém loài Cúm Núm ở xứ sở quên mình!

Ba Hữu thắc mắc chẳng hiểu bác Sáu nói vậy là, vậy mần sao? Bạo phổi hỏi, bác Sáu cười:

– Cái thằng học trò “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” cứ thắt chặt buộc ràng, mắc gút mối mở. Thôi thì, để qua thắp nhang cung thỉnh gia tiên, ông bà… thần hoàng bổn cảnh, những người khuất mặt khuất mày… về ăn bữa cơm chiều. Rồi, đêm nay, qua kể tiếp chuyện Cúm Núm cho mà nghe.

Ba Hữu bỏ học, rời Thị xã Tân An trở về Vĩnh Đại gia nhập bộ đội huyện khi, quân Pôn Pốt tấn công phòng tuyến Vĩnh Hưng. Giặc lấn chiếm sâu vào làng xóm nằm dọc biên giới, tàn sát đồng bào dã man. Đồng thời, nước nổi ngày một dâng cao và nhận chìm công sự chiến đấu. Đồng Tháp Mười thành biển nước chỉ trong một đêm. Dân ngửa mặt kêu trời:Thiên tai, địch họa! Năm đó, là năm Mậu Ngọ, 1978!

Bọn Pôn Pốt tập kích vào đơn vị của Ba Hữu lúc hừng sáng. Trận đánh khốc liệt, Ba Hữu bị thương và bị giặc bắt.

Trong tay kẻ thù, Ba Hữu bị chúng trói “thúc ké” hai tay ngược về phía sau. Ruồi và kiến đánh hơi mùi tanh của máu, nó bắt đầu bu vết thương. Ba Hữu không hề đau bởi vết thương mà, đau bởi thân cá chậu chim lồng!

Một ngày một đêm trôi qua, kẻ thù chẳng thèm ngó ngàng, đá động gì đến tù binh Ba Hữu. Tiếng súng hòa tiếng pháo từ biên giới dội về, đôi lúc nghe nhức tai, long óc. Khoảng trưa hôm sau, bọn chúng tống vào phòng giam chung với Ba Hữu một người trạc tuổi 30, mặc quân phục bộ đội Việt Nam, áo quần bê bết bùn sình, mắt sưng húp… Có lẽ, người đó vừa trải qua trận đòn tra tấn.

Đêm chập chờn trôi theo ánh pháo sáng, tiếng súng nổ rộ phía biên giới quê nhà!

– Đồng chí cấp bực gì? Thứ mấy? Tên chi?

Giọng nói của hắn rất ấm và nhẹ nhàng trong đêm.

Không có tiếng đáp lại, hắn chậm rãi hỏi tiếp:

– Đồng chí thuộc đơn vị nào? Bộ chỉ huy đóng ở Lò Gạch hay ở Gò Măng Đa?

Gió lòn qua khe vách, bất giác Ba Hữu rùng mình. Từ đâu không rõ, câu chuyện Cúm Núm mà hồi nẳm, bác Sáu kể trong cái đêm cúng xong tiên thường, lần lượt hiện về… Hắn vẫn chưa chán hỏi. Trời sắp sáng, Ba Hữu nằm im, tỉnh táo: Có thể, hắn là con Cúm Núm mồi cũng nên!

Chúng kéo lết Ba Hữu trên mặt đất.

Tên Pôn Pốt đui một mắt, có vẻ là tên chỉ huy; lấy chưn đạp lên ngực của Ba Hữu.

– Đơn vị mày từ đâu tới? Đụng độ với bọn tau mấy trận? Thằng nào chỉ huy? Nói!

Không thèm nghe câu hỏi của giặc, Ba Hữu chỉ nhớ lời bác Sáu nói:

“Khi cây lúa trổ đòng đòng, hạt ngậm sữa và tiết trời chuyển động sang xuân, Cúm Núm kêu tiếng kêu kiêu hãnh và gợi tình. Từng cặp bắt cặp nhau ân ái, nó giấu kín tông tích từ đâu tới, đã từng chạm mặt nhau bao lần, ai dẫn dắt nó đến Động Thiên Thai… và”.

Một tiếng “hự” vang lên khô khốc, máu miệng trào phún theo gót chưn của tên Pôn Pốt rút  khỏi lồng ngực Ba Hữu.

– Mở miệng sống, câm miệng chết! Tau không có thời gian!

Tên Pôn Pốt bồn chồn, hốt hoảng trước sự điềm nhiên, tỉnh rụi của Ba Hữu.

Ba Hữu, tính nhẩm thời gian và bây giờ, đã qua tháng sáu; nghĩa là, mùa đẻ Cúm Núm đã xong. Tránh tháng Bảy, vì tháng Bảy là tháng mưa Ngâu, Cúm Núm đẻ sớm(?). Bác Sáu nhắc, rằng:

“Đi thăm đồng, hễ thấy chỗ nào lúa bị bẻ cò bông, chắc chắn đó là ổ của con Cúm Núm, mỗi ổ áng chừng năm, bảy trứng; mỗi mùa nó có thể đẻ đôi ba lần. Dẫu mình có chết, đất Vĩnh Đại đâu hết chiến sĩ và chiến trường trên mặt trận biên giới đâu hết chiến binh?”.

Ba Hữu thản nhiên cười, nụ cười hóa thành nỗi sợ hãi khủng khiếp đối với tên Pôn Pốt. Như, để che nỗi sợ hãi khủng khiếp, nó gấp gáp đưa cái cực ác ứng xử. Mũi lê bén nhọn, cắm phặp xuống đùi của Ba Hữu, máu phọt thẳng lên trời trong tiếng thét khác chi, tiếng Cúm Núm kêu buổi sớm mai ở quê nhà: Tù tù… Cúm núm… Cúm núm… Cum… Cum… Cum…Ọc…

Tên Pôn Pốt lủi mất lúc nào, Ba Hữu không để ý!

Hắn rê ra lau máu, đỡ Ba Hữu ngồi dậy. Hắn chảy nước mắt, mùi dầu nóng hiệu Angka phảng phất trên mắt hắn.

– Thì, đồng chí cứ bịa ra truyện để khai, tránh đau và khỏi chết(!?)

Ba Hữu cười bâng quơ, bên tai nghe văng vẳng lời bác Sáu:

– Bọn thất đức thường dùng Cúm Núm mồi bẫy bắt Cúm Núm. Họ huấn luyện con mồi thuần thục tiếng kêu, đầy uy lực của một lãnh chúa, rèn lưỡi phát ra thứ âm thanh quyến rũ động tình. Nhưng cũng ngộ, con Cúm Núm mồi chỉ hăng say bắt đồng loại ở buổi đầu; thường sau đó, nó không mần theo ý chủ nhân và cũng có đôi khi nó tự cắn lưỡi mà chết.

Hỏi vì sao? Bác Sáu nói:

“Chắc là, nó ân hận vì đã dùng tiếng kêu đồng loại lừa dối đồng loại, cho người tận diệt giống nòi”!

Thể hiện sự tận tình chăm sóc, hắn bưng nước cho Ba Hữu thấm môi. Ba Hữu gật đầu, thay lời cảm ơn. Hắn tưởng Ba Hữu chịu đèn, lấy trong người ra tấm bản đồ chiến sự trải rộng lên mặt đất. Hắn lấy cây que, chỉ từng điểm tọa độ trên đất Vĩnh Hưng, hỏi những điều… đối phương muốn biết, thật muốn biết…

Ba Hữu nhắm nghiền đôi mắt, thở hắt hơi lên, từng ngón tay chúm mở như đương bắt chuồn chuồn. Hắn phát hoảng, không giữ ý giữ tứ gì nữa:

– Mày không được quyền chết, trước lúc tau muốn biết những điều tau cần biết!

Tiếng gọi “đồng chí” từ lỗ miệng của hắn đã bị chặn bởi tiếng “mầy, tau”.

Ba Hữu tức cười trong bụng và, tự dưng nghe bác Sáu nói từng tiếng một:

– Về sau, đám người bẫy cúm núm tìm lấy trứng cúm núm, gởi nhờ đám gà – đặc biệt là gà tre – ấp giùm. Đó là, thứ Cúm Núm mồi độc chiêu, đầy bản lĩnh và sẵn sàng mần theo lệnh chủ. Nó hoàn toàn cắt lìa nòi giống, chỉ còn duy nhất tiếng kêu. Tiếng kêu của sự chết chóc và sự phản bội huyết thống giống nòi!

Ba Hữu từ từ mở mắt, ngó hắn bằng cái ngó thương hại và tha thứ. Hắn mừng phát run. Ba Hữu thở dài theo suy nghĩ: “Hắn, đích thực con cúm núm mồi được chủ nuôi từ hồi còn là trứng”!

Hôm mang hài cốt Ba Hữu về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Vĩnh Đại, thím Bảy ngồi khấn vái và lật từng lóng xương của thằng cháu. Thím bồi hồi nhớ Hồng Sến với những mùa dậm cù bắt chuột khi đồng sắp nổi nước, nhớ bà Hai Trầu, nhớ Bác Sáu… Giờ thì, tất cả đã là người thiên cổ!

Kinh Ngang xưa, bây giờ người ta gọi là kinh Vĩnh Đại. Thím thì thầm với xương cốt Ba Hữu:

– Con không chết bởi Cúm Núm mồi được chủ nuôi từ hồi còn là trứng. Con chết bởi, lòng cao thượng của con Cúm Núm đầu đàn trên vùng đất kiên cường Vĩnh Đại, một vùng đất nằm giữa ruột Đồng Tháp Mười đã bao đời, đổ mồ hôi sôi nước mắt; đổ máu xương để gầy dựng và gìn giữ dây ruộng, miếng vườn dù phải đội bom hứng đạn vẫn một mực “một tấc không đi, một li không rời”!

Gió rừng tràm, dịu cơn nắng quái đồng bằng.

Mắt thím Bảy rưng rưng:

– Đã là đầu đàn trong đàn Cúm Núm nghĩa là lãnh chúa của một vùng đất tự thiên nhiên phân định, chỉ cần một bóng dáng, một tiếng kêu lạ… kẻ thù xâm phạm vào vùng đất đó, Cúm Núm đầu đàn xông thẳng ra đánh đuổi kẻ thù.

Thắp nhang, khói tàn vàng bay theo từng sợi nắng, thím Bảy vĩnh biệt thằng cháu thương yêu và lập lại lời bác Sáu:

– Mai sau, nếu có phải tệ gì thì tệ nhưng, tụi bây không được tệ bạc nhau, không được thua kém loài Cúm Núm ở xứ sở quên mình!

TBĐ