Ba Paul – Ông Tây Việt Minh

591

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tuổi thơ của Ba Pôn từ đó lớn dần lên theo từng biến thiên của bản thân anh, gia đình anh và tình hình đất nước. Năm lên bảy, sau khi cha ruột mất, Ba Pôn theo mẹ về sống với bên ngoại là bà Bảy Phố ở xã Tân Quới, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Bà ngoại của Ba Pôn sớm góa chồng, thuộc gia đình bần cố nông, hằng ngày phải bơi xuồng đi bán trái cây dạo trong làng để nuôi một bầy con bốn người.

Trong giờ ra chơi cuối buổi dạy sáng, tôi vào văn phòng ngồi xem lại bài giảng tiết cuối cho học sinh. Trời gần đứng trưa xanh trong. Con đường Võ Thị Sáu yên tĩnh, vắng dần bóng người qua lại. Nghe tiếng chị thơ ký báo có khách, tôi ngẫng đầu lên, ngó ra cửa :

– Năm, cháu nhìn kỹ coi Ông Tây nào đây?

– Dạ, cháu chào chú Út mới qua chơi… Tôi đứng dậy lên tiếng chào chú Trần Kiêm Côn, cán bộ hưu trí và chăm chú nhìn người khách lạ bên cạnh chú tôi trước cửa trường học, chưa biết xưng hô thế nào với người đàn ông trạc gần tám mươi tuổi và cao lớn trên một mét tám mà chú tôi bảo là ông Tây.

– Bon-giua mơ-xi-ơ* (Bonjour Monsieur). Tôi đành gượng gạo, máy móc chào người khách theo cung cách của một giáo viên Pháp ngữ.

Nhìn thẳng vào mắt tôi, chú Út dõng dạc thân tình:

– Anh Ba Pôn, ông Tây Việt Minh, cháu ngoại bà Bảy Phố ở ngang nhà cháu tại rạch Cái Tắc ngày trước đó.

Trí nhớ tôi âm thầm đẩy lùi thời gian hơn nửa thế kỷ, lòng tôi bồi hồi quay về với nhiều ký vãng xa xưa về hình bóng và dấu ấn cuộc đời đặc biệt của một con người đáng kính vào hàng thế hệ cha tôi.

Ba Pôn và KTS Huỳnh Tấn Phát

Ba Pôn (Paul) tức Paul Bastien mang tên Việt Nam là Lê Quang Nghiêm, sinh ngày 24-12-1920 tại nhà Bảo sanh Phụng Hiệp (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) trong một gia đình trung lưu tại miền Tây Nam bộ. Thân phụ anh là đốc học Lê Quang Ngọ, một nhà mô phạm tận tụy với nghề gõ đầu trẻ. Và mẹ anh là bà Nguyễn Thị Dĩ, một phụ nữ lao động hiền hòa, chơn chất của vùng sông nước Hậu Giang.

Mới lên bảy tháng tuổi, Ba Pôn được vợ chồng một thanh tra giáo dục người Pháp, ông Henri Bastien và vợ là bà Dương Thị Sáu vốn là bạn thân và cũng là đồng nghiệp của thân phụ Ba Pôn, do không con nên thương mến anh, xin anh làm con và cho nhập quốc tịch Pháp để chính thức coi như là con cái ruột trong gia đình người Pháp của họ. Thấy ông Henri cùng là đồng nghiệp, vợ chồng tử tế, dễ thương, gia đình nề nếp đạo đức như người Việt Nam, vợ chồng ông Lê Quang Ngọ xúc động, đồng ý dù anh là con trai, lại là đứa con duy nhất trong gia đình. Tháng năm 1921, Ba Pôn được chính thức khai sinh với tên Pháp Paul Bastien, thay thế cho tên Việt Nam của anh chỉ tồn tại được bảy tháng.

Đến năm tuổi, người cha Pháp Henri Bastien của Ba Pôn hồi hương cùng vợ nhưng Ba Pôn không chịu xa rời cha mẹ ruột để sang Pháp khiến cho vợ chồng thanh tra Henri xót xa thương mến mà không thể làm gì hơn. Dù vậy, hai người cha của Ba Pôn vẫn tiếp tục liên lạc với nhau thường xuyên qua thư từ để biết thông tin về Ba Pôn, đứa con chung yêu quí của họ.

Tuổi thơ của Ba Pôn từ đó lớn dần lên theo từng biến thiên của bản thân anh, gia đình anh và tình hình đất nước. Năm lên bảy, sau khi cha ruột mất, Ba Pôn theo mẹ về sống với bên ngoại là bà Bảy Phố ở xã Tân Quới, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Bà ngoại của Ba Pôn sớm góa chồng, thuộc gia đình bần cố nông, hằng ngày phải bơi xuồng đi bán trái cây dạo trong làng để nuôi một bầy con bốn người.

Hồi đó,  do chính sách chia để trị của thực dân, Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, mặc nhiên bị coi là một tỉnh hải ngoại của mẫu quốc. Hạng trên chủ xã hội là thành phần công dân Pháp, hoặc do huyết thống hoặc do chính quyền cho phép vào “dân Tây” được coi trọng, phần còn lại là dân thuộc địa bản xứ, bị xem thường như nô lệ. Dù về mặt pháp lý, Ba Pôn là công dân Pháp với tên Paul Bastien, con của Henri Bastien, nhưng từ lúc sơ sinh cho đến giờ, anh chẳng hưởng được gì từ chế độ đặc biệt dành cho người có quốc tịch Pháp.

Anh Ba Pôn thực tế chỉ sống như kiếp người lệ thuộc. Vốn thương đứa cháu ngoại bất hạnh sớm mồ côi cha, bà Bảy Phố đưa anh lên Sài Gòn học nội trú trường tại trường mồ côi lai Pháp (Orphelinat de la Société de Protection de l’Enfance) tại Chợ Lớn (địa điểm trường phổ thông cơ sở Hùng Vương Quận 5 hiện nay), do Hội Bảo vệ các Con em lai thành lập từ năm 1910.

Sau khi mẹ mất, năm anh chín tuổi (1929), Ba Pôn đậu bằng Tiểu học (1934 – Certificat d’études primaires) hạng Giỏi (Mention Bien), được toàn bộ giáo viên nhà trường đánh giá là thông minh, đầy triển vọng nên trường Mồ côi chịu xuất ra phí tổn, chuyển anh ra Sài Gòn tiếp tục học tại trường Chasse-Loup Laubat (nay là trường TH Lê Quí Đôn, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh), trường Trung học duy nhất tại Nam kỳ dạy đến Tú Tài Đôi dành cho giai cấp được ưu đãi đặc biệt trong xã hội thời Pháp thuộc. Sau khi đậu bằng Trung học, cuộc đời của Ba Pôn bắt đầu bị cuốn dần vào vòng xoay tình thế chính trị nước nhà.

Giữa thời điểm cao trào Mặt trận Bình dân bên Pháp vào những năm 1934-1937, phong trào Mặt trận Bình dân cũng phát triển sôi nổi ở nước ta. Ba Pôn háo hức theo diễn biến tích cực của thời cuộc với sự đấu tranh của các chí sĩ yêu nước ở Sài Gòn lúc bấy giờ như Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn…

Thời gian này, liên tiếp nổ ra các cuộc đình công, bãi khóa tại Sài Gòn, Chợ Lớn và tại các trung học Cần Thơ, Mỹ Tho, Pétrus Ký. Giữa năm 1937, Ba Pôn đã tự nguyện tham gia đình công cùng các thợ in của nhà xuất bản Jean Testelin khi anh đang học nghề tại đây. Sự kiện Nguyễn An Ninh đậu Cử nhân Luật ở Pháp về nước, từ chối lời mời ra làm viên chức tòa án của viên thống đốc Nam Kỳ, đã làm cho anh Ba Pôn hết sức tán thành và khâm phục… Anh Ba theo dõi từng bước và vô cùng xúc động khi thấy Nguyễn An Ninh tự mình bỏ tiền ra in báo Tiếng Chuông Rè (La Cloche félée) viết bằng tiếng Pháp để tố cáo thực dân, tự mình đi bán báo và dầu cù là để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước trong quần chúng.

Dù anh Ba xê dịch nhiều lần giữa Cần Thơ và Sài Gòn, nhưng nơi đâu, anh cũng nhận ra dã tâm của thực dân Pháp dù chúng có dùng chiêu bài : Tự do, bình đẳng, bác áiTuyên ngôn Nhân quyền năm 1786 của chế độ Cộng hòa Pháp. Anh Ba Pôn chỉ chú ý đến Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, một việc làm cực kỳ nguy hiển nhưng anh Ba đã chuẩn bị, rào đón trước những gì mà thực dân có thể buộc tội anh.

Ngày 03 tháng 09 năm 1945, quân phiệt Nhật đảo chánh thực dân Pháp. Nhật tuyên bố đã giúp Việt Nam giành lại độc lập, đồng thời giải phóng ba dân tộc Đông Dương thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và hô hào ba nước cùng xây dựng khu thịnh vượng chung Đại Đông Á. Anh Ba Pôn chưa tin tưởng ở chính quyền Nhật, nhưng được người bạn là công an trưởng vùng Thới Lai, Cờ Đỏ khuyên anh ra trình diện để tránh rắc rối về sau. Vốn nặng tình quê hương, sau đó anh Ba trở về Cái Tắc, Trà Mơn xin gia nhập tổ chức “Thanh niên Cứu tế Tân Quới”, quyên góp giúp đồng bào miền bắc đang bị nạn đói chết chóc khủng khiếp từ tháng 03 năm Ất Dậu làm chết hàng triệu người. Để tăng cường hiệu quả thêm, anh em trong phong trào cứu tế tổ chức những đêm văn nghệ lấy tên là Đoàn hát Cải lương Thanh niên cứu tế Tân Quới, cho biểu diễn tại đình thần làng Tân Quới. Anh em chỉ huy Đoàn Văn nghệ mạnh dạn mời cả gia đình cô Kim Thoa, một nghệ sĩ trứ danh của làng nghệ thuật cải lương Nam Trung Bắc.

Những đêm hát “cây nhà lá vườn” thành công tốt đẹp, cô Kim Thoa còn đề nghị diễn thêm nhiều đêm để gom tiền cứu trợ đồng bào ruột thịt lâm hoạn nạn. Đoàn hát cải lương đi lưu diễn thêm tại Tân Lược, Phong Hòa, Cái Vồn cả đến Châu Thành Cần Thơ, đến đâu cũng được bà con hưởng ứng nhiệt liệt. Trên đường làm việc thiện, chính sự bỗng sôi sục lên với tin tổ chức Thanh niên Tiền phong ở Nam bộ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm thủ lĩnh. Ba Pôn sẵn sàng gia nhập đoàn thể lớn này. Anh em tiến hành kiểm tra số tráng đinh trong làng, tổ chức chỉnh tề thành tiểu đội, trung đội, chia làng xã ra thành từng vùng.

Ông Nguyễn Văn Khâm (hay Nguyễn Thành Khâm, tức nhà thơ Ái Nhân), người đã năng nổ chủ trương xây dựng phong trào cứu tế Tân Quới, làm thủ lĩnh. Dưới sự sắp xếp của Thanh niên Tiền phong xã Tân Quới, nhiều lớp học đêm được mở ra với mục đích xóa nạn mù chữ cho mọi tầng lớp chưa biết đọc biết viết. Ông Nguyễn Thanh Hà (hay Nguyễn Hùng) tự Út Hùng, tức là nhà thơ Hà Thanh Trúc tích lũy kinh nghiệm từ mấy năm hoạt động trong đoàn hướng đạo và truyền bá quốc ngữ tại Cần Thơ, đã tích cực tham gia.

Sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập và bản Tuyên ngôn  Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước thế giới chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Tại tỉnh Cần Thơ, Ủy ban Hành chánh tỉnh tổ chức cuộc mít tinh lớn vào ngày 09 tháng 09 năm 1945 để chào mừng Bản Tuyên ngôn Độc lập. Lợi dụng cơ hội, nhóm giáo phái Hòa Hảo do Trần Văn Soái (Năm Lửa) đóng tại Cái Vồn, phía Cầu bắc Cần Thơ bên kia sông Hậu tập trung giáo dân và lực lượng võ trang của giáo phái nhằm ý định lật đổ Ủy ban hành chánh tỉnh Cần Thơ. Năm Lửa thất bại, con trai là Hai Hoành cùng một tùy viên bị bắt xử tử bởi Tòa án Nhân dân tỉnh.

Từ khi Lâm thời Ủy ban Hành chánh Nam bộ chỉ thị thành lập Ủy bqn Hành chánh từng địa phương, sau thống nhất thành Ủy ban Kháng chiến, tại xã Tân Quới, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chánh được cử làm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, anh Ba Pôn được cử đi học lớp Quân sự Cấp tốc tại Châu Thành Cần Thơ. Kết thúc tốt đẹp khóa học trở về, ông Nguyễn Thanh Hà đề nghị với cấp trên cho anh Ba giữ trọng trách thành lập Đội Dân quân Du kích, tập họp được khoảng 70 anh em và hai chị phụ nữ của ba xã liền nhau : Tân Quới, Thành Lợi và Tân Lược.

Đội quân Du kích đầu tiên của ba xã được huy động thành lập tại nhà bà Bảy Phố (bà ngoại của Ba Pôn); về sau mượn đình thần Tân Quới làm doanh trại và tổ chức lễ Tuyên thệ cho dân quân trước bàn thờ Tổ quốc trong tiền sảnh. Anh Ba Pôn cùng các bạn đã nghiêm trang tuyên thệ : “Hôm nay nước nhà cần người đánh đuổi ngoại xâm, tôi xin tình nguyện dấn thân. Ngày mai, hòa bình lập lại, tôi xin trở về nhà làm một người dân cày”.

Phụ nữ tình nguyện vào đội du kích, được phân công làm cấp dưỡng và cứu thương. Anh Ba càng xúc động hơn khi thấy nữ nghệ sĩ Kim Thoa tặng đội 50 áo dài để xé ra làm băng cứu thương. Ngoài trung đội Vệ quốc quân đặt dưới sự chỉ huy của anh Phạm Tấn Khương (còn gọi là Khương Tò Le, vì anh Khương biết thổi kèn hiệu quân đội (clairon). Đội Dân quân Du kích Liên xã Tân Quới, Thành Lợi, Tân Lược do anh Ba Pôn làm đội trưởng là đội dân quân đầu tiên và duy nhất của vùng Trà Mơn lúc bấy giờ.

Nhưng rạng sáng ngày 23 tháng 09 năm 1945, lợi dụng tình hình thiết quân lực, quân Pháp, với sự hỗ trợ của lực lượng Anh-Ấn bất ngờ đánh chiếm các công sở, sở cảnh sát, trại vệ binh cộng hòa, các bót quốc gia tự vệ cuộc, ngân hàng, bưu điện, khám lớn Sài Gòn. Lâm ủy hành chánh đã ra lệnh kháng chiến toàn Nam bộ.

Lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh đã thôi thúc triệu triệu người dân Việt Nam lên đường diệt giặc, sẵn sàng hy sinh tất cả để được sống độc lập, tự do : Ai có dao dùng dao, ai có mác dùng mác, mỗi người dân là một chiến sĩ…” Tiếng hát giục giã mọi người hãy lên đàng ngày càng vang vọng khắp nơi : “Mùa thu rồi, ngày 23… Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến… Nóp với giáo mang ngang vai…”

Nơi đội quân du kích của anh Ba Pôn trách nhiệm là phía tả ngạn sông Hậu, nằm trên đường tiến quân chủ yếu của địch khi chúng đánh chiếm lại Cần Thơ bằng đường bộ. Để đến Cần Thơ, chỉ có hai con đường : đường thủy từ biển Đông vào hai cửa Định An và Trần Đề; đường bộ bằng lộ quản hạt số 1 từ Sài Gòn đến bắc Mỹ Thuận xuyên sông Tiền rồi qua phà Cần Thơ vượt sông Hậu vì Cần Thơ nằm bên hữu ngạn.

Rạng đông ngày 30 tháng 10 năm 1945, hạm đội Pháp từ biển Đông tiến vào, xả đủ loại súng lớn nhỏ, bắn đạn lum đum như mưa lên trận địa của anh Ba. Anh Ba và các anh em dân quân bắt buộc phải im tiếng. Đến trưa, chúng đổ bộ bên kia sông, đánh chiếm thành phố Cần Thơ. Đồng thời, chiến hạm A12 của chúng vẫn tiếp tục bắn phá dữ dội, khống chế cả một đoạn sông Hậu dài độ 7 km nhất là khu vực chung quanh hai bên bến phà. Yếu thế hơn chúng về vũ khí và lực lượng, toàn bộ dân quân du kích phải rút về phía sau.

Anh Ba Pôn không may bị thương nơi đầu gối trong trận này, được anh em dìu về nhà chữa trị. Ba Pôn lên cơn sốt mê man suốt ba ngày, anh em mạo hiểm đưa anh vượt ngang sông Hậu vào ban đêm, sang trạm y tế quận Ô Môn trong khi chiến hạm A12  vẫn tiếp tục hùng hổ, diệu võ giương oai một mình trên sông. Vết thương khá sâu và thiếu thuốc gây mê, anh Ba phải chịu mổ sống để moi ra hết đất bùn ở trong vết thương. Tôi đã nhận rõ vết sẹo của anh Ba nơi đầu gối trái trong ngày anh từ Marseille (Pháp) trở về Việt Nam, nghỉ trọ tại nhà tôi ở Cần Thơ. Trong thời gian, điều trị vết thương nơi trạm xá, Ba Pôn được chị Lưu Thị Hạnh (vốn là chị ba của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), Phó chủ tịch Ủy ban Ủng hộ kháng chiến tỉnh Cần Thơ đến thăm viếng, động viên và an ủi tinh thần. Sau lần bỏ phiếu bầu cử quốc hội đầu tiên ngày 06/01/1946, trạm y tế được di chuyển vào Thới Lai. Anh ba trở về đơn vị cũ ở Tân Quới. Lúc này, đội Dân quân Du kích Liên xã đã sáp nhập vào đội Vệ Quốc Quân của anh Phạm Văn Khương.

Anh ba Pôn về khu đợi công tác khác. Anh Huỳnh Phan Hộ, khu trưởng khu 9 và anh Phan Trọng Tuệ, chính ủy điều anh Ba qua Vệ Thám phòng với hai nhiệm vụ : + Một là : Ghé lại Cần Thơ quan sát tình hình và có dịp liên hệ trực tiếp với anh Ba Hạp tên thật là Nguyễn Văn Truyền, Chỉ huy Phó Trung đội chủ lực Mặt trận Bình Thủy, ngoại ô Cần Thơ mà sau này anh Truyền sẽ thay thế trung đội Vệ Quốc quân của anh Khương để bảo vệ các cơ sở cách mạng vùng này. Anh Nguyễn Văn Truyền có gặp lại anh ba Pôn sau 40 năm, và xác nhận cho anh Ba (Xin xem phụ lục ở phần cuối bài). + Hai là : Vượt sông Hậu và sông Tiền, sang khu 8 liên hệ trực tiếp với anh Trần Văn Trà, khu trưởng và anh Xuyến, Chính ủy cùng tham gia thuyết phục Bernard Thạch, bạn của anh Ba trước đây ở Sài Gòn. Vì Thạch là người mang hai dòng máu Pháp-Campuchia nên hoạt động phóng túng, vô tổ chức, từng phạm sai lầm thiệt hại cho quân dân ta tại Bắc Vàm Cống.

Trên đường trở về khu 9, khi đi ngang qua Sa Đéc, Ba Pôn bị lính pạc-ti-san (partisans) của đốc phủ Tâm, tỉnh trưởng Nam Kỳ tự trị bắt giam. Sau hơn một tháng bị giam giữ, nhờ mang gấy căn cước ghi Pháp tịvh, anh Ba được trả tự do. Về lại khu 9, anh Ba tiếp tục công tác ở Vệ thám phòng.

Sau thỏa hiệp ký kết ngày 14/06/1946 tại Paris giữa Hồ Chủ tịch và bộ trưởng Pháp Marius Moutet, Lâm ủy hành chánh Nam bộ củng cố lại tổ chức, đề phòng Pháp trở mặt. Khi Ủy ban Kháng chiến Tân Quới được tái lập do yêu cầu chính trị, anh Hoàng Thiên Hóa, chính trị viên bộ đội anh Khương giữ chức chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Tân Quới và anh Ba Pôn được cử chức Phó chủ tịch, kiêm nhiệm công tác bí mật Vệ thám của vùng này.

Đầu tháng 04 năm 1947, cấu kết với quân đội Pháp, nhóm giáo phái Hòa Hảo Năm Lửa trong vùng nổi dậy. Trên đường đi công tác, anh Ba Pôn và anh Hóa bị chúng vây bắt. Anh Hóa bị chúng điều đi bí mật, biệt tích, anh ba Pôn bị chuyển về giam giữ tại trạm công an của chúng đóng sâu trong cánh đồng Trà Khiết. Ba Pôn nghĩ đến việc phải phi tang các giấy tờ liên quan đến công tác, thấp thỏm lo lắng không biết tối đến mình có  bị cho “mò tôm” không…

Anh ba thủ tiêu giấy tờ liên quan đến công tác chính trị của anh tại khu vực, chỉ trừ giấy Chứng minh nhân dân Pháp tịch, chuẩn bị tinh thần tự bảo vệ cho mình trong những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đêm thứ hai, lúc gần sáng, có hai người lực lưỡng đỗ ập vào nhà, bắt trói anh Ba đưa sang bên kia sông trao cho đội Liễu và vài tên lính Pháp đang chờ sẵn. Nực cười thay, Việt gian lại bắt Pháp gian! Bọn chúng đem giam anh Ba Pôn tại đồng Cái Vồn bốn ngày rồi chuyển anh về sở Mật thám Vĩnh Long để điều tra.

Thật may mắn! Tại đây anh ba gặp lại người cha vợ hụt một năm về trước đang chễm chệ ngồi trên chiếc ghế thông ngôn. Ông can thiệp khéo để tránh cho anh ba những trận đòn khốc liệt mà aiin đến đây đều không thoát khỏi. Chẳng khai thác đưộc gì ở anh Ba, chúng cho chuyển anh về sở Mật thám Cần Thơ. Tên cảnh sát trưởng Costa thật nham hiểm. Để uy hiếp tinh thần anh Ba, lúc đầu hắn cho bộ hạ tra tấn người khác trước mặt anh cũng như chúng từng tra tấn người vợ trước mặt chồng, tra tấn các con thơ trước mặt cha mẹ.

Chúng nghĩ làm như vậy là đánh thức vào tình cảm phạm nhân rồi sau đó mới hành hạ thể xác cốt sao cho đối tác phải khai ra. Cảnh sát trưởng Costa mặt lạnh như tiền, chăm chú theo dõi nạn nhân, thấy anh Ba cao lớn, vạm vở, hai thằng ập vào kéo thẳng hai tay anh tạt sang hai bên, hai thằng khác, đứa dùi cui cao su, đứa gậy gộc đánh mạnh vào ngực và lưng anh cùng lúc cho đến khi anh hộc máu, ngất xỉu chúng mới tạm ngừng tay. Rồi thì đến từng xô nước lạnh được hất vào mặt để anh tỉnh lại để bọn đồ tể tiếp tục những kiểu đánh đập tra khảo tàn khốc hơn hình phạt thời trung cổ : trói cánh gà rút lên trần cao… Một thằng lớn tiếng : Gan lỳ mãi được à? Đến cơm nước thì anh Ba mỗi ngày chỉ được chúng vứt cho hai chén cơm nguôi với vài hạt muối và ít nước lạnh.

Chẳng khao thác được gì sau hai tuần lễ giam cầm, đánh đập tàn nhẫn không tiếc thương, bọn cảnh sát chuẩn bị chuyển anh Ba sang khám lớn Cần Thơ. Lúc làm thủ tục, Cảnh sát trưởng Costa phân bua :

– Anh thấy đó! Chính đồng bào anh đã tra tấn anh chứ không phải chúng tôi đánh đập anh đấy. Uất ức quá, Ba Pôn trả lời :

– Tôi không ngờ là một viên chức cảnh sát trưởng của Cộng hòa Pháp quốc như ông lại hèn nhát vô liêm sĩ đến mức chẳng dá`m nhận lấy trách nhiệm việc mình làm. Theo lời nói của ông thì chừng như những kẻ tra tấn đánh đập tôi không tuân theo mệnh lệnh của ông à?

Bốn tháng sau, chờ cho các vết thương bị tra tấn của anh Ba Pôn lành, chúng chuyển anh lên Sài Gòn, giao cho Tổng Nha Cảnh sát Ca-ti-na. tại phòng điều tra ở đây, anh Ba gặp lại còn nhiều và hiện đại hơn các dụng cụ tra tấn ở các nơi trước nữa :… ghế đẩu, ghế dài, bàn tròn, bàn vuông bên trên để sẵn mấy dynamo, mà về sau tại Algérie chúng gọi là gégene, để dùng vào việc chuyển điện đến khắp mọi nơi trên cơ thể con người bị đưa vào đây.

Chủ yếu chúng chọn những nơi dễ nhận cảm giác mạnh như tai, miệng, bộ phận sinh dục nam cũng như nữ: kiểu tra tấn cực kỳ dã man, độc ác mà chúng cho là hiệu quả tột đỉnh. Sau vài tuần được tập huấn tại Tổng Nha cảnh sát mà cũng chẳng khai thác được gì, anh Ba được dời qua Khám Lớn Sài Gòn ở đường Lagrandière (nay là Thư viện Quốc gia – đường Lý Tự Trọng). Trong những tháng dưỡng bệnh nơi đây, thỉnh thoảng, anh Ba Pôn lại được quân cảnh lính dù của thực dân triệu về cơ quan thưởng thêm cho vài trận đòn trước khi ra tòa án quân sự Sài Gòn.

Ngày 21/04/1948, tòa án quân sự Pháp tại Sài Gòn kết tội anh Ba “Vi phạm an ninh trận tự hải ngoại của Nhà nước” (Atteinte à la sureté extérieure de l’Etat) và anh phải chịu bản án tối thiểu “Năm năm khổ sai”, miễn biệt xứ chiếu theo Bộ Luật Hình sự của Cộng hòa Pháp. Vì anh Ba mang Chứng minh nhân dân Pháp nên chúng kết tội anh phản bội lại “Mẫu quốc”. Được tin đến tháng 08 sẽ bị đưa sang Pháp thụ án tù khổ sai, anh Ba phản ứng đấu tranh bằng tuyệt thực. Ba Pôn đòi được đi đày tại Côn Đảo thay vì đi Pháp. Vì lẽ Ba Pôn nghĩ : tuy Côn Đảo là địa ngục trần gian, đi dễ khó về là tử địa nhưng dầu sao cũng là phần đất của quê hương, của Tổ quốc Việt Nam. Nhưng yêu cầu của anh Ba không được thỏa mãn. Ngày 01/09/1948, cảnh binh đến xích anh Ba vào đòn cáng, khiêng anh xuống giam dưới hầm tàu Sơn Tây bít bùng.

Sau hơn một tháng lênh đênh trên biển cả, từ Á sang Âu, ngày 03/10 tàu chở anh Ba Pôn cặp bến cảng Marseille, nơi mà cách đây bốn mươi năm, trên con đường ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã đặt bước chân đầu tiên khi đến nước Pháp. Tại đây, anh Ba Pôn bị giam tại nhà tù Chave, rồi bị chuyển liên miên vào các loại nhà tù Trung Ương đặc giam những người mang án đại hình trên đất Pháp để chờ ngày đi đày sang Guyane tại Nam Mỹ ở tận bên kia bờ Đại Tây Dương, chốn rừng sâu nước độc chẳng kém gì Côn Đảo ở nước ta. Trong thời gian ngồi tù tại Pháp, anh ba Pôn được gặp và kết thân với nhiều bạn tù tốt mà họ cũng rất mực yêu thương anh. Những Đảng viên Cộng sản Pháp đã bị bỏ tù vì đấu tranh chống chiến tranh bẩn thỉu tại Việt Nam từ năm 1945, cùng chia sớt, giúp đỡ anh trong tù…

Sáng ngày 07/04/1951, trong cảnh trời còn tối mịt mù của mùa đông giá lạnh, anh Ba Pôn được trả lại tự do. Ba Pôn được anh bạn tù Ripaux ngày trước khi hai người còn mắc vòng lao lý ở Việt Nam, đến đón đưa anh về nhà riêng tại một miền quê, Tại Pháp, anh Ba hoạt động hăng hái ở nghiệp đoàn, tổng công hội và thường xuyên liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp vì anh tán thành đường lối, chủ trương của các đoàn thể đó. Đầu năm 1952, anh Ba Pôn được gia nhập vào Đảng Cộng sản Pháp. Vài tháng sau, anh được cử làm bí thư chi bộ (tiểu tổ) Saint Barnabé tại nơi anh thường trú và cuối năm đó, sau khi học xong trường Đảng cấp tỉnh, anh Ba được đảm trách vai trò bí thư quận ủy. Anh tích cực tham gia các phong trào yêu nước và hội Hữu nghị Pháp Việt và luôn là người đi đầu trong các cuộc mít tinh, biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Pháp.

Từ hăm 1968 đến năm 1973, anh đã nỗ lực hỗ trợ hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam sang Paris đàm phán để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Chính anh Ba Pôn lái xe đưa rước các chính khách Việt Nam trong những ngày dự họp. Và tổ chức các buổi họp mặt anh em đồng chí cũ tại nhà.

Cảm động nhất là trong thời gian đàm phán về hòa bình ấy, trong khi chính quyền Pháp cấm mang cờ hai miền Nam Bắc Việt Nam trong các cuộc biểu tình, mít tinh, anh Ba Pôn đã mạnh dạn cho hai cô con gái lai Pháp của mình là Marguerite (Lê Kim Cúc) và Hélene (Lê Minh Nguyệt) hiên ngang mặc hai chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam bằng màu cờ hai miền đất nước tổ phụ đi đầu các cuộc biểu tình. Trong thời gian hội nghị Paris về Việt Nam vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, anh Ba đã yểm trợ tích cực phái đoàn ta, liên hệ sát cánh với nhiều đồng chí cán bộ Đảng như Xuân Thủy, Huỳnh Tấn Phát, Lưu Hữu Phước, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, nguyên Thứ trưởng bộ Y tế nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976-1978)…

Không chỉ thể hiện nhiều đức tính đáng trân trọng đối với quê hương, Tổ quốc, anh Ba Pôn còn là người con, người cháu vô cùng hiếu thảo, rất biết tình cội nguồn máu thịt với bà con tổ phụ, xóm làng. Ba Pôn còn là người bạn tốt, giàu nhân nghĩa đối với bạn bè, đồng chí. Tình cảm anh, bổn phận anh đối với gia đình vợ con cũng là tấm gương sáng trong đẹp đẽ về một người chồng, người cha mẫu mực. Trong quá trình hoạt động của anh Ba Pôn nơi đất Pháp hải ngoại, anh Ba luôn được vợ anh, chị Giáo sư ngoại ngữ Jacqueline xinh đẹp và hai quí nữ đức hạnh thảo hiển nhiệt btình giúp đỡ. Một điều làm ta tâm phục và không bao giờ có thể quên được là cả gia đình anh bốn người đều là Đảng viên Đảng Cộng sản (Pháp).

Tôi là người đồng hương Tân Quới đã ngưỡng mộ anh Ba ngay từ lúc anh cùng mấy anh em du kích trở lại đốt ngôi nhà lớn của ngoại anh trong mùa kháng chiến tiêu thổ, chống thực dân Pháp của nhân dân ta cách đây hơn sáu mươi năm. Trước khi anh qua đời vào năm 2003, tôi có được may mắn gặp lại anh, gần gũi anh trong một thời gian ngắn ngủi mà vô cùng quí báu. Và cũng được tiếp con anh, cô Kim Cúc Marguerite tại nhà tôi nơi đường Hoàng Văn Thụ vào năm 2004 khi cô ấy mang hủ tro hỏa táng hình hài anh để được lưu giữ tại quê hương Việt Nam theo lời dặn dò tâm huyết của cha. Từ đó, tôi có thêm dịp hiểu anh và trân trọng anh như một Ông Tây Việt Minh, trọn đời nhớ thương anh với tất cả chân tình.

Đan Tâm