(Vanchuongphuongnam.vn) – Mỗi khi đến với bản làng người mường xứ Thanh, chắc hẳn mọi người không còn xa lạ với hình ảnh những nếp nhà sàn xinh xắn tựa lưng vào những dãy núi hay những quả đồi. Hướng ra phía xa xa những cánh đồng xanh mát, những dòng suối uốn lượn, róc rách ngày đêm. Nhà sàn của người mường có từ ngàn đời xưa, nó không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa riêng của người mường.
Ảnh minh họa
Trong mỗi gia đình người Việt nói chung, bếp lửa là thứ không thể thiếu. Nhưng đối với đồng bào mường Thanh Hóa, bếp lửa không chỉ để phục vụ cho sinh hoạt đời sống hàng ngày mà nó còn mang giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, là nơi gắn kết tình cảm thiêng liêng giữa các thế hệ người trong gia đình, dòng tộc, rộng hơn là cả cộng đồng.
Chuyện xưa kể rằng, lúc nhà Lang Cun Cần ra cầm đất cầm mường, người mường chưa có lửa để sinh hoạt nên “ăn khoai môn còn ngứa, ăn cá còn tanh, ăn ốc vèn còn đắng” nhà Lang chưa có “cuông củi để đúc bạc, chưa có nước để làm sạch làm quang”. Lang Cun Cần đã sai Việng Tun Mun (con ruồi trâu) đi đến nhà thần lửa là Tá Cặm Cọt để xin cách làm ra lửa. Tá Cặm Cọt cho Việng Tun Mun lửa nhưng cả ba lần Việng Tun Mun đi đường đều làm tắt lửa. Sợ nhà Lang quở trách bắt phạt nên Tun Mun đã nghĩ cách, bày mưu lừa Tá Cặm Cọt.
Vì Tá Cặm Cọt làm ra lửa nhưng không muốn cho Tun Mun nhìn thấy, đã đem nhốt Tun Mun trong cái chậu thau và hỏi:
Nhà ngươi có thấy gì không?
Tun Mun trả lời rằng: Mặt lầu lầu nhìn thấu thiên thấu địa.
Tá Cặm Cọt bực lắm, vì không biết mắt Tun Mun ở đâu.
Tun Mun nói rằng: muốn tôi không nhìn thấy ông hãy bỏ tôi vào rọ để lên gác bếp. Nằm trong rọ Tun Mun đã nhìn thấy Tá Cặm Cọt làm ra lửa đó là “lấy cây nứa già, cạo cho thành sơ, lấy cây kéo đi kéo lại”. Sau đó Tun Mun về chỉ lại cho Lang Cun Cần và từ đó người mường biết làm ra lửa.
Lửa đối với đời sống người mường có ý nghĩa rất quan trọng, vì vậy ngày nay nhiều gia đình vẫn còn giữ tục thờ thần bếp. Việc xây dựng một ngôi nhà mới để sinh sống là quan trọng cả đời người, nhưng việc đắp bếp cũng quan trọng không kém. Để đắp bếp, người mường phải chọn người lớn tuổi có uy tín trong gia đình, dòng họ, phải sinh đủ con gái con trai và phải làm ăn khấm khá. Sau nghi lễ cúng thần bếp, sẽ tiến hành đắp bếp. Với người mường bếp có hai loại là bếp trong và bếp ngoài. Bếp ngoài chỉ dùng để nấu nước và dành để tiếp khách, khách xa đến chơi thường được ngồi bên bếp lửa để uống nước, nói chuyện. Bếp ngoài còn là nơi để người lớn trong nhà ngồi kể cho con cháu nghe về chuyện ngày xưa, chuyện làng chuyện bản, dạy con cháu những điều hay lẽ phải. Bếp trong thường là nơi dành cho phụ nữ để nấu nướng phục vụ sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, bếp trong thường có nhiều tầng, tầng trên dùng để gác các loại lúa giống, ngô giống, tầng dưới thì gác các loại thịt sấy khô như thịt lợn, các thịt thú rừng đi săn bắn được, hoặc các loại làm chua như thịt chua, cá thính.
Nhà thơ Bùi Xuân Tứ
Việc đắp bếp được tiến hành rất trang trọng, vị trí đặt bếp thường được chọn nơi giữa nóc nhà chiếu xuống vì như vậy sẽ cân bằng được hơi ấm cho cả ngôi nhà. Sau khi làm khung bếp xong thì lần lượt rải bẹ chuối, lá sa nhân, vỏ cây núc nác, theo quan niệm của người mường đây là những thứ cây mát để giữ cho hòa hợp âm dương. Sau đó tiến hành đổ đất lên trên, đất đắp bếp phải lấy tầng đất sâu để vừa có độ ẩm, vừa sạch sẽ không lẫn các uế tạp, số đất đổ đắp bếp phải được tính theo số lẻ và đến thúng đất cuối cùng chỉ đổ một nửa, còn một nửa mang trả lại cho thần đất.
Khi đã đắp đất xong người ta tiến hành dựng ông Núc. Ông Núc là một hòn đá được đặt giữa bếp, ông Núc được coi là vật linh thiêng đối với người mường, nên khi nấu bếp rất kiêng kị việc lấy củi hay que cời gõ lên đầu ông Núc. Sau đó mới kê kiềng để nấu nướng. Đối với người mường xưa bếp lửa không bao giờ để tắt, vì khi bếp tắt tà ma hay thú dữ sẽ vào nhà. Nên khi không có nhu cầu nấu nướng thì họ sẽ dùng những cây củi lớn để ủ than, vì vậy bếp lửa quanh năm ấm nóng.
Ảnh minh họa
Bếp lửa gắn với người mường từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi. Khi mới sinh người phụ nữ mường thường được bố trí nằm cạnh bếp lửa để hơ than, nướng người bằng các loại lá thuốc. Nếu sinh con trai thì nằm bảy ngày, còn sinh con gái thì nằm chín ngày gọi là ở cữ. Khi chẳng may chết đi lại được lời mo của thầy mo dẫn đến nhà Tá Cặm Cọt xin đuốc để đi qua “đầm ti ao ma” (một vùng tối tăm mà ánh sáng mặt trời không thể lọt qua) để lên với mường trời. Sau khi đến được mường trời phải gặp Tá Oắn Than để gửi đuốc để sau này mới có lửa dẫn đường về hạ giới thăm người thân, thăm con cháu.
Mặc dù cuộc sống bây giờ có nhiều đổi thay, nhiều gia đình đã mua sắm những loại bếp ga, bếp điện hiện đại. Nhưng với người mường nét văn hóa bên bếp lửa sẽ còn mãi, là nơi mà người đi xa luôn nhờ về mỗi khi màn đêm buông. Bất chợt tôi lại nhớ câu xường ông ngân nga bên bếp một chiều mưa…
B.X.T