Cây sầu đông trước ngõ – Truyện ngắn của Mỹ An

1316

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mặt trời trôi về phía bên kia sông Tiền dưới chân núi Hòn Nhón gửi lại những tia nắng yếu ớt vàng vọt lấp lánh trên những tàn cây ven đường. Anh liêu xiêu bước được bước mất đi loạng choạng từ quán về nhà. Đang đi lại đứng, rồi nhìn quanh như sực nhớ ra điều gì đó, có ai đang gọi. Mà ai nhỉ? Ở đâu? Rõ ràng là có ai đó đang gọi mình kia mà. Không! Tự nhiên thấy sóng lưng lành lạnh, nhìn bóng tối như nhảy múa trong không gian im ắng lạ thường, anh hoảng hốt muốn đi thật nhanh về nhà nhưng không được nữa rồi. Men rượu đã ngấm vào làm cho anh lảo đảo chập chờn, đôi ba lần muốn ngã về phía trước, may mà kịp gượng lại chứ không người ta thấy anh nằm vất vưởng bên lề đường…

Tác giả Mỹ An 

Ráng đến trước ngõ, anh dừng lại ngồi dựa lưng vào gốc cây sầu đông to bằng mấy ôm để nghỉ một tí. Mắt mơ màng nhìn lên trời xanh chợt thấy những chùm hoa sầu đông tim tím đang nở rộ tỏa ra mùi hương thanh khiết dịu nhẹ… làm cho anh tỉnh hơn đôi chút. Anh cười một mình với câu hỏi chợt lóe lên trong đầu:

– Không biết ai đã đặt tên cho cây là sầu đông nhỉ? Chắc là nó cũng sầu như cuộc mình vậy!

Tự nhiên có một nỗi buồn thầm kín nào đó về giăng bủa lấy anh. Anh rùng mình sợ nhất là trong đời này mỗi sáng thức dậy nhận ra bên mình chẳng có cái gì để mà vui cả. Vậy là anh buồn và khóc, khóc như một đứa trẻ. Đúng là khi rượu vào con người dễ bị kích động. Chao ôi! Mới vui lại buồn, mới cười lại khóc. Anh thấy mình biến thành hai con người tôi và ta cùng tồn tại trong một chủ thể, lúc rượu vào là sẵn sàng tra vấn lẫn nhau.

– Mày lôi thôi quá, cứ say hết cười lại khóc, mà khóc vì cái gì mới được chứ?

–  Khóc vì cha mình đó!

–  Sao vậy?

– Thì nhớ hồi năm 1954, mẹ đã tiễn cha ở dưới gốc cây sầu đông trước ngõ này để cha đi làm cách mạng.

– Ừ, thì chiến tranh mà, có biết bao cuộc chia ly mà nói!

– Nhưng trường hợp của cha mẹ mình lại khác!

– Khác ở chỗ nào?

– Cha mình theo cách mạng để mẹ mình ở lại nơi này, trong vòng kìm tỏa “chim lồng cá chậu” của chế độ cũ. Mẹ nơm nớp lo sợ trước những mắt kính đen ngòm của những con diều hâu ngày đêm theo dõi rình rập những gia đình có thân nhân theo Cộng Sản như gia đình mình.

– Rồi sao nữa?

– Rồi sau đó, mẹ sinh mình ra trong một đêm mưa gió… Vò võ đợi chờ! Và phải tìm đủ mọi cách để nuôi mình khôn lớn, bảo toàn cho được giọt máu của cha để lại. Vậy mà ông ấy nào đâu có biết!

– Biết chứ sao lại không?

– Không!

– Vì sao là không? 

– Là vì qua 21 năm, sau ngày 30/4/1975, khi mà miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập thống nhất, cha mình trở về quê cũ. Cả nhà nghe tin cha còn sống lòng như mở hội, nhất là mẹ, sau bao năm đợi chờ, cha về mẹ vui sướng biết dường nào. Mẹ cố chạy mua cho được con gà và mấy lon nếp nấu xôi, trước để cúng ông bà tổ tiên mừng ngày đoàn tụ, sau để cha bồi dưỡng. Nhưng cha về mặt lạnh như tiền, cha hỏi trống không:

– Thằng Kiên đó à, nghe nói nó đi cảnh sát cho địch phải không?

Mẹ lo lắng:

– Ờ, thằng Kiên đó anh! Đã hai mươi năm rồi còn gì!

Cha im lặng không hỏi thêm gì nữa. Mẹ thấy vậy rất lo, tìm cách lại gần để hỏi cha chuyện gì đã xảy ra. Nhưng mẹ lên nhà trên thì cha xuống nhà dưới, mẹ xuống nhà dưới cha lại lên nhà trên. Một thời gian không lâu cha lên cơ quan huyện ở rồi chuyển lên tỉnh làm việc, không về với mẹ con mình nữa.

– Sao lại có chuyện tàn nhẫn đến vậy?

– Đã thế, ông còn bảo mẹ con mình có quan hệ với chế độ cũ.

– Thì sống ở trong chế độ địch không quan hệ sao được. Không dính lông cũng dính cánh chứ. Cái ông này sao mà giáo điều quá vậy?

– Ừ thì khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo kia mà! Khổ thật, sau đó ổng bỏ luôn mẹ con mình và đi cưới một bà khác về làm vợ.

– Rứa là ông không đủ tư cách làm cán bộ rồi chứ chưa nói gì đến cán bộ lãnh đạo!?

– Sao lại không đủ, cả đời ông chỉ biết hy sinh, sống chết cho cách mạng mà!

– Người cách mạng phải có đạo đức nghĩa tình thủy chung chứ!

– Ai dám đem cái chuyện đạo đức nghĩa tình thủy chung này ra phê phán vì ông đã làm một chức quan to đầu tỉnh rồi!

– Rứa là ông không còn thương con cháu phải không?

– Thương chi mà thương. Nhớ có lần vào một ngày giáp Tết của  năm 1990, gia đình mình quá khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, không biết lấy đâu để sắm sửa Tết cho mấy đứa nhỏ, mình đánh liều đến nhà ông với ý định vay mượn một ít tiền, may mà gặp ông. Vừa thấy mình bước vào nhà, ông hất hàm hỏi:

– Chứ mày đến đây có chuyện chi rứa?

Nhìn trong nhà có gần trăm thùng bia người ta vừa đi chúc Tết chất đầy một góc phòng, anh định xin mấy thùng mang ra chợ bán lấy tiền về sắm Tết. Chưa bày tỏ ra ý định đã nghe ông nói tiếp:

– Mày ở quê chắc thiếu thông tin lắm, mà thiếu thông tin thì lý luận và nhận thức sẽ không theo kịp thực tiễn, sẽ lạc hậu ngay nên mày lấy một ít Báo Nhân dân đem về đọc trong mấy ngày Tết để bổ sung nhận thức nhé!

Trời ơi, nghĩ đến mấy đứa con ở nhà, thấy ông nói sao mà lạ kỳ quá. Anh định hét lên “Cha có còn là cha của tôi nữa không?” nhưng làm như thế sợ mình trở thành thằng con bất hiếu nên đành im lặng…

 Thế là anh ôm lấy cây sầu đông như ôm mẹ mình mà nghẹn ngào khóc như chưa được khóc bao giờ, khóc như trẻ con khát sữa chờ mà không thấy mẹ về, khóc như để chia sẻ những nỗi niềm lúc bình thường không dám nghĩ đến. Vậy mà hôm nay trong cơn say bao nhiêu những suy nghĩ bất chợt kéo đến với anh. Nhìn quanh bóng tối từ mặt đất hắt lên, cái lạnh từ bên ngoài cũng lén vào bên trong người làm cho anh rùng mình tỉnh rượu. Nghiệm ra mới biết nhiều khi trong cơn say con người thường trở nên thật thà như đếm và thành tâm đến tận cùng. Chẳng hạn như có hôm anh gặp một người bạn thân cùng làm cơ quan với cha mình. Hai anh em tay bắt mặt mừng rủ nhau ra quán làm mấy ly.

Rượu vào, người bạn hỏi anh:

– Chứ mẹ cậu ở nhà có khỏe không?

Nghe hỏi đến mẹ, anh trả lời như mếu:

– Mẹ mình đã mất cách đây mười năm rồi!

– Xin lỗi, rứa mà mình vô tâm không biết! Ở cơ quan có nghe cha cậu nói đâu!
– Khi mẹ mất mình có báo cho cha nhưng ông ấy không về!

– Nghĩa tử là nghĩa tận, sao cạn tàu ráo máng vậy! À mà bây giờ ông về hưu rồi có khỏe không?

– Cũng không được khỏe, cứ mỗi lần mình ra thăm là ông lo, ông hỏi mình về tình hình ở địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu nghĩa vụ thuế chưa? Năm nay tình hình sản xuất nông nghiệp như thế nào? Công tác tuyển quân có gì khó khăn không?

– Còn chuyện con cháu, ông có hỏi gì không?

– Không! Khi mình tổ chức đám cưới cho mấy đứa con, có mời ông nhưng ông chỉ gửi quà chứ không về.

– Còn chuyện tộc họ?

– Chuyện tộc họ cũng vậy, hằng năm có mời ông về dự hội tộc nhưng ông không quan tâm đến!

Nghe vậy, trong lúc chuếnh choáng bạn anh nhận xét một câu nghe đau như hoạn:

– Nói thật cậu đừng giận nhé, chứ cha cậu sao mà giống động vật quý hiếm quá vì hiện nay mà còn những người như ông ấy quả là hiếm có vô cùng!

Anh nghe có cái gì đó chua xót dâng lên nghèn nghẹn trong cổ họng. Anh định phản ứng lại nhưng nghĩ cho cùng cái anh bạn này đã từng làm trợ lý cho cha mình một thời gian dài, chắc đã hiểu về tính cách của ông ấy nhiều hơn là mình nên mới nói như vậy…

*

Những ngày cuối đời, cha anh ốm nặng và yếu đi trông thấy. Phận làm con anh phải đến chăm sóc cha. Ngồi nhìn cha nằm đau đớn trên giường bệnh mà lòng anh lại nhớ đến mẹ quay quắt. Anh cứ nghĩ nếu mẹ là đất thì cha là trời. Nhưng sao trời lại bão giông để đất phải ngập lụt. Nếu mẹ là nước thì cha là lửa, vì sao ở cùng một nhà mà lửa cứ cháy để nước sôi lên đốt cả gia đình…

Giọng cha như yếu dần, đôi mắt đục cố mở ra để quan sát chung quanh, rồi cha thều thào hỏi:

–  Thằng Kiên có ở đó không con?

Anh nắm chặt lấy bàn tay cha. Ơi cái bàn tay giờ như một nắm xương lạnh buốt, đang cố hết sức áp nhẹ vào lòng bàn tay anh mà không đủ sức nữa rồi. Nhưng từ trong cái lạnh buốt ấy anh vẫn thấy còn một chút hơi ấm nào đó đang tỏa ra truyền sang làm cho anh thấy dễ chịu. Thế mới hiểu trong những giây phút cuối đời cha sắp về với thế giới bên kia, ông vẫn nghĩ đến anh. Anh xúc động trả lời:

– Dạ con là Kiên, đang ở đây cha!

Ông thều thào:

– Cám ơn con đã ở bên cha lúc này. À mà cây sầu đông đầu ngõ nhà mình có còn không con?

Nhắc đến cây sầu đông đầu ngõ anh lại thấy nghẹn ngào, ôm lấy cha, thì thầm:
– Cha ơi! Cây sầu đông đầu ngõ nhà mình vẫn còn đó. Vì nó là hiện thân của cha và mẹ. Cả đời này, nó vẫn trổ bông và chờ đợi như mẹ chờ cha năm xưa. Giờ mẹ đã mất nhưng cây sầu đông vẫn còn đứng đợi! Mỗi năm Tết đến xuân về vẫn đều đặng nở ra những chùm hoa tím mềm mại mỏng manh giữa khung trời hoài niệm.

Có lẽ vì thế mà cha đã cất kỹ hình bóng nó đến tận bây giờ mới hỏi con như vậy chăng? Nếu là vậy thì cha ơi, đời người dẫu có cố quên đi những nỗi sầu thiên cổ nhưng những hoài niệm cũ thì mãi còn trong miền ký ức xa xôi. Như chính cha đây, một đời dù có làm gì, ở đâu và đến mức nào đi nữa cũng không thể quên nổi cây sầu đông trước ngõ nhà mình.

M.A