Đạo diễn Lê Cung Bắc: Lang thang vào miền đất mới

517

Đạo diễn Lê Cung Bắc được sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nội, bác, cha… của anh đều đỗ đạt cao và là những trọng thần triều Nguyễn.

Khi Lê Cung Bắc lớn lên, những người anh của anh đã thoát ly đi kháng chiến. Riêng anh, vì là con út nên mẹ không cho đi xa, bắt phải ở nhà theo đuổi việc học. Anh học ở Trường Quốc học Huế. Sau khi tốt nghiệp cử nhân chính trị kinh doanh ngành bang giao quốc tế ở Viện Đại học Đà Lạt, anh vào Sài Gòn lấy tiếp bằng cao học quản trị kinh doanh.

Tốt nghiệp loại giỏi ngành kinh tế nhưng Lê Cung Bắc ngay từ thời sinh viên đã được biết đến như một người tài hoa ở lĩnh vực văn nghệ. Anh là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm kịch Thụ Nhân một thời vang bóng ở Viện Đại học Đà Lạt. Tuy là nhóm kịch sinh viên song Thụ Nhân đã rất thành công qua các vở kịch kinh điển của thế giới với những buổi diễn trước hàng ngàn khán giả tại Đà Lạt cũng như Sài Gòn.

Trước năm 1975, Lê Cung Bắc đã cộng tác với nhiều ban kịch trên truyền hình và nổi lên như một tài năng, nhờ đó được cử đi Pháp và Canada năm 1974 để nghiên cứu về ngành kịch nói. Sau khi đất nước thống nhất, anh cộng tác với Đoàn Kịch nói Bông Hồng, cùng lúc tham gia đóng phim. Đến năm 1982, anh rời hẳn sân khấu, chọn điện ảnh làm sự nghiệp.

Tôi có dịp gặp gỡ Lê Cung Bắc nhiều hơn từ quãng thời gian này. Dù ngấp nghé tuổi 40 song anh vẫn là một diễn viên rất “hot”, nhất là sau khi anh thành công với vai Trí, một sĩ quan chế độ cũ với cuộc sống nhiều bi kịch trong phim “Con thú tật nguyền” (đạo diễn Hồ Quang Minh) và tạo ấn tượng mạnh mẽ với vai ông già cùi trong phim “Dấu ấn của quỷ” (đạo diễn Việt Linh).


Đạo diễn Lê Cung Bắc.

Đến quán cà phê bên cạnh Hãng phim Giải Phóng, hầu như lần nào tôi cũng gặp cặp bài trùng Lê Cung Bắc – Phạm Thùy Nhân. Hai người là “cựu” diễn viên nhóm kịch Thụ Nhân và giờ đây lại cùng nhau đi tiếp con đường điện ảnh. Sau khi đóng một vài vai, Phạm Thùy Nhân chuyển sang làm biên kịch chuyên nghiệp, còn Lê Cung Bắc thì phải sau hàng trăm vai mới bước vào nghề đạo diễn.

Từ năm 1992, sau khi Hãng phim Giải Phóng mạnh dạn giao cho Lê Cung Bắc đạo diễn bộ phim video đầu tiên “Trên cả hận thù”, rồi năm 1994 với phim truyện nhựa “Nhịp đập trái tim”, anh đã đáp lại sự kỳ vọng đó với giải thưởng đạo diễn đầu tay do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng. Cả sự nghiệp làm phim của anh tiếp theo như là một sự trả ơn ý nghĩa nhất cho những người từng đặt niềm tin nơi anh ở quán cà phê năm nào. Đó là “Người đẹp Tây Đô”, phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của TFS; là “Dòng đời” (52 tập), đoạt 3 giải đạo diễn, quay phim, diễn viên nữ chính do khán giả bình chọn; là “Vó ngựa trời Nam”, đoạt 3 huy chương vàng Liên hoan Phim truyền hình năm 2008, đoạt 3 giải Cánh diều vàng. Và còn hàng trăm tập phim khác nữa, cho đến bộ phim cuối cùng được phát sóng “Mỹ nhân Sài thành” (49 tập).

Song song với việc cho ra mắt những bộ phim làm thỏa mãn sự trông chờ của người thân quen cũng như khán giả, đạo diễn Lê Cung Bắc còn có công lớn trong việc “tạc” ra nhiều ngôi sao nghệ thuật trong lòng hâm mộ của công chúng từ những diễn viên mới vào nghề như Việt Trinh, Hồng Ánh, Võ Sông Hương, Huỳnh Đông…

Có người cho rằng “nghệ thuật vị nghệ thuật” song với Lê Cung Bắc, “nghệ thuật vị nhân sinh” – làm nghệ thuật là để phục vụ con người. Anh từng nói: “Tôi dùng nghệ thuật như cách lập ngôn của mình”. Trong phim, bao giờ anh cũng gửi vào những thông điệp về luật nhân quả, hướng con người đến cái thiện bởi anh rất tâm đắc câu nói của Dostoievski: “Chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi nhân loại”.

Cái đẹp cứu rỗi đó, anh không chỉ có trong phim như một cách lập ngôn mà còn lan tỏa trong cả cuộc sống đời thường. Anh sống khá giản dị, lúc nào cũng đi chiếc xe máy cũ kỹ, quần tây sờn áo cổ kín, đầu luôn trùm chiếc mũ vải, đối xử với mọi người luôn với phong thái gần gũi, thân thiện. Anh có một kiến thức khá uyên bác, giỏi tiếng Pháp, rành Hán Nôm, thuộc làu nhiều thơ văn, điển tích, biết ngâm thơ, chơi đàn…

Ngôi nhà của anh nằm sâu trong một con hẻm nhưng khá nên thơ nhờ có cây cối và một cái sân nhỏ trên gác hiên. Anh đặt tên ngôi nhà của mình là “Tịnh tam cốc”, cái sân nhỏ là “Phù vân các”. Anh từng tâm sự ngày trước thường nóng nảy, ra hiện trường phim lắm lúc không kiềm chế cũng to tiếng với cộng sự. Song, nhờ luôn răn mình, dần dần anh hiểu “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du). Anh tin vào luật nhân quả, cho đi thứ gì sẽ nhận lại thứ đó, nên “đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”.

Gia đình Lê Cung Bắc có “căn” làm quan, ngay những người anh ruột đi kháng chiến sau này cũng là những người có vị trí cao, bản thân có bằng cao học ngành kinh tế vào thời điểm được coi là quý hiếm, bạn bè đồng môn đều trở thành những doanh nhân thành đạt cả trong lẫn ngoài nước. Song, anh lại chọn con đường nghệ thuật đầy chông gai, trắc trở và nghèo khó chỉ với lý do duy nhất là vì yêu thích, mà anh gọi theo nhà Phật đó là do nhân duyên.

Lê Cung Bắc là người mang tâm nhà Phật, tin rằng con người ta luôn lang thang trong cõi luân hồi, hết kiếp này đến kiếp khác. Anh đã rời xa cõi thế và hẳn giờ này đang lang thang vào một cõi khác, một miền đất mới. Chào anh nhé, Lê Cung Bắc, chúc anh thượng lộ bình an!

Đạo diễn Lê Cung Bắc (tên thật Nguyễn Hữu Ty, SN 1946) qua đời lúc rạng sáng 13-6, sau một thời gian chống chọi bệnh ung thư phổi. Linh cữu ông được quàn tại nhà riêng ở cư xá Bắc Hải, quận 10, TP HCM; lễ động quan lúc 14 giờ ngày 15-6, sau đó an táng tại Nghĩa trang Sài Gòn Thiên Phúc ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Theo Cát Vũ/NLĐ