‘Chiếc áo màu huyết dụ’ – Truyện ngắn của Nguyễn Bá Hòa

599

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông Tẩn nhìn lên bầu trời, từng chùm mây sẫm màu dường như bất động. Có thể mưa sớm, ông quơ vội mớ củi ở chái hiên vào bếp. Lên nhà trên, đốt mấy cây hương cắm lên bàn thờ, nhìn ảnh bà Tẩn, miệng ông lẩm bẩm điều gì đó, lấy cái túi xách nhỏ đặt sau bàn thờ ông chuẩn bị đi lên thị trấn. Ông bước chậm, cái sân gạch trước nhà còn đẫm ướt sương đêm. Kéo tấm tre đan khép hờ cửa ngõ, ông lại nhìn trời rồi lại nhìn ngôi nhà. Ngôi nhà mái ngói âm dương đã có từ thời cha ông để lại, không lớn lắm nhưng cũng đủ cho một gia đình đông con ăn ở. Trước đây là thế, nhưng bây giờ ông chỉ sống một mình, lại đi sớm về tối, ngôi nhà đã cũ lại càng thêm cũ, cô độc trên mảnh vườn đầy cỏ dại. Con gái ông lấy chồng ở thị trấn được năm năm thì vợ ông mất sau cơn bệnh nặng.

Thực ra thị trấn chỉ cách nhà ông độ hơn ba cây số, băng qua cánh đồng là đến. Ông có hai sào lúa trên cánh đồng đó, cho thằng rể canh tác. Hai vợ chồng nó vừa siêng năng vừa giỏi giang, vừa làm nông vừa mở cửa hàng bách hóa nên cuộc sống khá lên từng ngày. Hai đứa cháu ngoại, đứa lớn sáu tuổi, đứa nhỏ bốn tuổi, khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Thương con thương cháu, đã nhiều lần ông định đánh tiếng mời vợ chồng nó về ở với ông nhưng thấy vô lý đành im lặng. Ừ mà vô lý thật, chúng còn đại gia đình ở đó, còn ông bà nội mấy đứa nhỏ, còn buôn còn bán nữa… Mà ngày nào chúng cũng xẹt về thăm ông, lại cung cấp gạo mắm muối, có hôm đi chơi ở xóm trên về đã thấy nó nấu sẵn cơm, cả canh cả cá nữa. Ông tuy đã bảy mươi lăm nhưng còn cường tráng lắm, tự lo cho mình được. Nói thế, nhưng nhiều đêm nằm một mình nhớ vợ, nhớ con, nhớ cháu ông lại tủi thân. Con dế kêu ran ở góc vườn, tiếng ễnh ương oàm oạp khiến ông không ngủ được.

Ngày còn bà Tẩn, âm thanh đó thân thuộc vô cùng, thiếu nó ông mất ngủ, thế mà bây giờ… Những đêm vắng lạnh, đôi ngọn đèn chong trên bàn thờ làm sáng lên một phần khuôn mặt bà Tẩn. Khi bà đau nằm liệt giường, ông tự tay chăm sóc từ thuốc thang cơm nước đến giặt giũ. Ông thường kể chuyện vui cho bà khuây khỏa. Có lần nghe ông nói trên huyện mới khai trương một siêu thị, trong đó bày bán đủ thứ hàng hóa, thứ nào cũng sang cũng đẹp, bà cầm tay ông thì thào: “Khi nào tôi hết bệnh, ông đưa tôi đi siêu thị mua cái áo len màu huyết dụ…”. Sau đó chẳng bao lâu, bà đi và bỏ ông lại một mình. Những đêm không ngủ, ông tự hứa với lòng phải để dành tiền lên siêu thị mua cho bà cái áo len đúng màu huyết dụ.

Một vài hạt nước, có lẽ trên vòm lá, rơi xuống khuôn mặt rám nắng, tưởng mưa, ông đưa tay quệt nước rồi lại nhìn lên bầu trời. Đám mây chuyển sang màu sáng, những tia nắng mùa đông yếu ớt vẫn chưa làm vơi đi cái rét của những ngày tháng Chạp. Vừa đi vừa nhẩm tính, còn hơn mươi ngày nữa là đến Tết rồi, ông phải mua cho hai thằng cháu ngoại hai cái áo mới và lên siêu thị… Tiếng xe máy tới gần, cắt ngang suy nghĩ của ông.

– Bác Tẩn đi lên thị trấn hả? Cháu chở bác một đoạn nghe!

– Cảm ơn anh, để tôi đi bộ tập thể dục luôn!

– Rứa thôi, chào bác, cháu đi trước!

Anh thanh niên chào xã giao rồi phóng xe đi thẳng. Anh ta biết và cả thôn cũng biết, ông Tẩn đi bán vé số dạo cho một đại lý ở thị trấn. Vé số bán chủ yếu ở thị trấn nhưng từ nhà đến đó có khi cũng bán được năm ba vé cho người quen, bộ mặt nông thôn ngày một thay đổi, có đồng vào đồng ra nông dân cũng chơi vé số thử thời vận, vì thế ông chọn cách đi bộ. Khi con gái và thằng rể biết ông đòi đi bán vé số, chúng làm ầm lên khóc lóc kêu la. Chúng lo cho ông đầy đủ, đâu đến nỗi để ông phải bươn chải kiếm sống. Tuy chúng không học hành nhiều nhưng cũng muốn giữ sĩ diện cho gia đình, nhất là hai đứa cháu ngoại. Nhưng cuối cùng chúng cũng bị ông thuyết phục. Nào là ngồi nhà một mình buồn chán, nào là đường đã bê-tông hóa, đi để tập thể dục lại kiếm thêm ít đồng tiêu vặt, vả lại có nghề nào là xấu đâu, bán vé số cũng như bán phân bón, thuốc trừ sâu thôi. Rồi ông hứa với chúng chỉ làm cho vui trong ba tháng.

Đã ba tháng nay rồi, với túi xách nhỏ đựng mấy tập vé số ông đi khắp thị trấn. Con cháu ban đầu thấy khó chịu nhưng dần cũng quen. Ông thường xuyên ghé thăm mấy đứa cháu, có bữa ăn cơm với chúng. Chúng khuyên ông cố giữ sức khỏe, đừng ráng quá. Thấy ông vui, con cháu cũng tạm yên lòng. Đúng là ông vui thật sự, kiếm được đồng nào ông bỏ vào lon bia cũ để trong tủ thờ vì sợ chuột kéo đi làm ổ.

Tiếng còi xe làm ông giật mình, đã đến thị trấn rồi. Ông rẽ qua bên trái, vào dãy hàng quán đông người mời mọc vé số, tiện đường hỏi thăm mấy anh xe ôm đường lên huyện.

Hai đứa cháu ngồi trong quán ăn mì với cha, nhận ra ông ngoại trước cửa kêu toáng lên mừng rỡ:

– Ông ngoại! Ông ngoại!

Thằng rể lật đật chạy ra:

– Cha lên sớm thế, vào đây ăn tô mì với tụi con!

Ông ngập ngừng rồi bước hẳn vào quán, kéo ghế ngồi bên hai đứa cháu phân bua:

– Ngoại định chặp nữa mới ghé… Thôi, ăn đi cháu!

Tô mì thịt thơm phức, ông cầm đũa, có phải ớt cay quá không mà thấy mắt ông ươn ướt.

Đưa chén trà lên môi nhưng ông lại bỏ xuống, đã uống qua ấm thứ hai rồi, không khéo đêm nay lại mất ngủ. Tiếng chó sủa vu vơ đầu xóm càng làm tăng thêm cái vắng vẻ của đêm. Tháng Chạp năm nay mưa chẳng bao nhiêu, cái lạnh chỉ se se, có lẽ lập xuân sớm. Ông lật tờ lịch treo tường nheo mắt dò tìm, những con số thản nhiên vô tư hấp háy dưới ánh đèn. Đã hai ngày nay ông không đi bán vé số nữa, phần vì lời hứa với con, phần vì ông nghĩ chắc đã dành đủ số tiền mà ông cần. Vả lại đã hăm bốn rồi, còn phải lo dọn dẹp nhà cửa nữa. Nhớ lại gương mặt của con Bảy hôm kia, ông có muốn đi nữa cũng khó. Chưa lần nào ông thấy đứa con gái hiền như đất của ông lại cương quyết đến thế: “Con cấm cha không được đi bán vé số nữa!”. Ông gượng cười đồng tình với nó.

Mở tủ thờ, lon bia cũ đựng tiền vẫn còn nguyên. Ông loay hoay lôi mấy tờ bạc vuốt thẳng rồi đếm. Bảy trăm mốt. Ông nhìn lên bàn thờ: “Không biết chừng đó đủ không bà, tôi có bao giờ đi mua cái gì đâu mà biết!”. Ông lại cẩn thận bỏ mấy tờ bạc vào lon bia, bọc thêm cái bao nhựa rồi để vào chỗ cũ. Gà gáy nghe rõ to, ông lại giường trùm mền kín người, cố dỗ giấc ngủ.

– Ông Tẩn ơi! Có lên thị trấn cho tôi gởi mua mấy thứ ở nhà con Bảy.

Ông bật dậy, huơ chân tìm đôi dép chạy ra mở cửa.

– Bà nói gì?

– Ông có ghé lại con Bảy cho tôi nhờ tí việc!

Lưỡng lự một chút rồi ông gật đầu.

Trời đã sáng hẳn, mà trời hôm nay đẹp làm sao, nhẹ thếch trong veo. Đêm qua ông mơ thấy bà Tẩn về, ông nói với bà ông sẽ lên huyện mua cái áo len màu huyết dụ, bà vui lắm, cười mãi. Hôm nay tốt trời, đi lên huyện là thuận nhất, để mai mốt mưa dầm thì khó. Đi vội ra sau tưới qua loa đám cải và hàng ớt, lau sơ cái mặt, định tìm cái mũ nhưng rồi ông lại nghĩ bảy trăm mốt, hai cái áo, một cái áo len, không biết có đủ không? Hay là… Ông quyết định lấy cái túi xách nhỏ đi lên thị trấn. Những ngày giáp Tết họ chơi số dữ lắm, phải bán thêm vài ba hôm nữa.

Hàng cây bên đường đã bắt đầu nhú lộc, những cành xương điểm lác đác những mầm xanh. Lúa đông xuân mơn mởn gợn sóng nhấp nhô theo làn gió nhẹ. Ông nghe rõ tiếng chân quen thuộc của mình gấp gáp hơn mọi ngày. Đại lý vé số của cậu Dũng đây rồi, chẳng thấy ai cả, buổi sáng vắng khách hay là ông đến muộn. Cậu Dũng từ quán cà-phê bên kia đường chạy về:

– Sao mấy bữa nay không thấy ông đến? Vé số ngày hôm nay chỉ còn một ít, ông lấy thêm một trăm vé ngày mai nghe!

– Được rồi, nhưng tôi chỉ bán đến ngày mai thôi, con Bảy không cho tôi bán nữa, cậu Dũng thông cảm!

– Ừ, vào nhận vé đi!

Ông bỏ trăm vé nguyên của ngày mai vào túi xách, thắt miệng lại cẩn thận. Dự tính phải bán cho hết số vé hôm nay nhưng ông không đi qua phía chợ mà rảo qua phía bờ sông vì sợ vợ chồng con Bảy phát hiện. Phía bờ sông vắng người hơn, nhưng quán xá dọc bờ vẫn có người chơi vé số. Thấy bóng mình ngắn dần ngả về phía sông, lại nghe bụng cồn cào biết đã gần trưa, ông vào một quán nhỏ kiếm tô mì lót dạ. Rời quán, ông quay trở lại chợ. Giờ này vắng khách mua nên mấy bà chủ quầy thường tranh thủ buôn chuyện, đây cũng là dịp để ông bán được nhiều vé nhất.

Đi một vòng, ông đã bán gần hết tập vé, đếm đi đếm lại chỉ còn năm vé. Ông mừng thầm sẽ bán xong sớm rồi về nhà, còn trăm vé kia… Ông giật bắn người, cái túi xách đâu rồi? Hớt hãi chạy ngược lại hướng bờ sông, quán mì đã đóng cửa. Ông đứng trân ra, mặt tái nhợt. Tiếc nuối, thất vọng, đau khổ cứ cuồn cuộn làm đau thắt bụng rồi trào lên đôi mắt. Ông khóc như một đứa trẻ. Lê đôi chân nặng trĩu rã rời, ông đến mép sông vục nước rửa mặt, thẫn thờ ngồi hàng giờ ở đó. Trong đầu ông lùng bùng suy nghĩ. Như thế này, không được! Như thế kia, cũng không được! Ông cố tìm cách gì đó để níu kéo, để dựa đỡ, để hy vọng dẫu là mong manh hư ảo. Chiếc loa bên đường nổi nhạc báo hiệu buổi phát thanh chiều, ông biết đã đến giờ trả vé. Ông nhìn năm tờ vé số, mắt sáng lên như người sắp đắm giữa biển khơi tìm được phao cứu hộ. Ừ! Biết đâu! Ông quyết giữ nó lại. Đi ngang qua đại lý, ông bảo đã bán hết vé, ngày mai thanh toán luôn.

Ngày mùa đông thật ngắn, gió không rõ từ hướng nào mang cả hơi sương phả vào mặt, ông nghe lành lạnh. Không còn nhớ phải ghé lại con Bảy, đường về nhà chập chờn nửa quen nửa lạ, ông bước đi như bóng ma tìm về cổ mộ.

Ngôi nhà ông Tẩn khác hẳn. Chỉ một buổi sáng thằng rể đã dọn sạch cỏ trong vườn, vun lại luống cải, tỉa tắn hàng chè tàu, sửa lại cái ngõ. Nó còn chở xuống hai chậu vạn thọ bông vàng đặt ngay trước hiên nhà. Mấy ngày nay, hai vợ chồng nó chở xuống đủ thứ đồ ăn thức uống, các loại thực phẩm để chiều nay rước ông bà, cho cả những ngày Tết nữa. Ông chỉ quét váng nhện, lau dọn bàn thờ, rửa sơ bộ ấm chén. Tuy đã nguôi ngoai chuyện mất trăm tấm vé số nhưng cái cảm giác mình là người bất hạnh nhất cứ bám chặt lấy ông. Hôm đó mang năm tấm vé số về nhà, xếp cẩn thận vào một cái đĩa đặt lên bàn thờ, ông thắp hương khấn vái rồi chờ đợi.

Suốt đêm ông không ngủ, sáng sớm đã lên thị trấn, không quên mang theo bảy trăm mốt đồng lỡ không trúng số còn có tiền trả cho đại lý. Ông tưởng năm tấm vé số là cái phao để ông bám víu giữa đại dương bất hạnh bao la, nhưng không phải thế, nó chỉ là năm mảnh giấy nhỏ nhoi vô nghĩa. Số tiền ít ỏi còn lại ông sẽ lì xì cho hai đứa cháu. Mấy đêm nay ông cứ thấy bà Tẩn về, khi thì dọn dẹp nhà cửa, khi thì sắp xếp quần áo. Tối hôm qua bà nói với ông: “Ông lẩm cẩm quá rồi, có ai bảo ông mua áo cho tôi đâu, tôi nói là khi hết bệnh ông đưa tôi đi siêu thị mua cái áo len màu huyết dụ, mua là mua cho ông đó, ông không nhớ ông đã nói với tôi là ông thích cái áo len màu đó hay sao!”. Sau giấc mơ, ông cố nhớ lại lời của bà, phải rồi, hồi đám cưới con Bảy trời trở lạnh, thấy một người khách đến ăn mừng mặc cái áo len màu huyết dụ, ông buộc miệng khen đẹp rồi quên bẵng từ lâu, thế mà… Ông tự hỏi, không biết mơ có khi nào là thực, thực có khi nào là mơ, nhưng dù sao nghe bà nói thế ông cũng cảm thấy yên lòng.

Nghe tiếng xe máy từ đầu xóm, ông đã nhận ra tiếng xe của thằng rể. Ông nhìn đồng hồ, tụi nó xuống sớm, ừ thì cúng sớm cho nó về còn lo bên nội nữa.

– Ông ngoại!

Chưa trèo xuống xe, thằng lớn đã inh ỏi gọi ngoại. Nỗi buồn vụt biến mất, ông hớn hở đỡ hai đứa cháu xuống xe. Thằng rể bưng cái hộp vào nhà, không biết đựng thứ gì trong đó. Con Bảy xách thêm một giỏ trái cây. Ông đùa:

– Sang năm phải sắm chiếc xe nữa chứ đi cả nhà một chiếc là không ổn đâu nghe!

– Cha chơi với hai cháu, tụi con xuống bếp khoảng một tiếng là xong ngay.

Ông Tẩn dắt hai đứa nhỏ qua nhà hàng xóm. Mới chiều ba mươi mà chúng đã diện đồ mới, con nít có khác. Ông nhìn cái áo mới trắng tinh của chúng nuốt tiếng thở dài vào bụng.

– Hai đứa đi với ngoại qua nhà bác Tám coi nấu bánh tét nghe.

Ba ông cháu tung tăng trên đường quê. Nắng thật dịu dàng, gió cũng hây hây rười rượi. Mùi trầm hương lẫn trong gió khiến chiều ba mươi thơm lừng rạo rực.

Hai vợ chồng con Bảy đã sửa soạn xong, gọi ông về cúng cuối năm. Khói hương từng vòng lượn quanh, ông chắp tay nhìn lên bàn thờ không nói gì cả, có lẽ ông đã nói hết những điều muốn nói từ những đêm trước chăng?

– Hai đứa bây lạy mẹ đi!

Con Bảy thì thầm khấn vái lâu lắm, còn khóc nữa. Hai vợ chồng nó đưa ông cái hộp, con Bảy nói trong nước mắt:

– Ngày mẹ hấp hối, căn dặn tụi con phải tìm mua cho được cái này để cha dùng ngày Tết. Đây là quà Tết của cha.

Hai đứa cháu thấy mẹ khóc, không biết chuyện gì cũng khóc theo. Tay run run ông vụng về mở hộp. Trời ơi! Một cái áo len màu huyết dụ. Ông bật khóc. Sau làn khói hương, hình như bà Tẩn lại cười.

N.B.H