(Vanchuongphuongnam.vn) – Chợ là nơi tập hợp mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội để sinh hoạt mua bán, trao đổi hàng hóa, ăn uống, hát hò… Chợ quê xưa là nơi tụ họp tại các xã, ấp, xóm… có đông dân cư sinh sống.
Chợ quê Tràm Chim ngày khai mạc
Chợ quê Nam bộ xưa thường được chọn những khu đất trống cạnh các dòng sông, dòng kênh hay cặp bên tuyến lộ làng để thuận tiện trong việc lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa. Chợ quê Nam bộ xưa là nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam, là nơi tập trung đông đảo người dân tới sinh hoạt mua bán, trao đổi hàng hóa theo phương thức “tự sản tự tiêu”… Hình ảnh người bà với những bó rau muống, đọt lang, rau nhút hay lọn bông súng, rỗ bông điên điển, mớ chanh, ớt; người dì với xề khoai lang, khoai mì hay mâm bánh cam, bánh còng, bánh bò, bánh tiêu, bánh da lợn, xôi vị, xôi vò, bắp nấu, chuối nướng… bày bán ở chợ quê mộc mạc. Hình ảnh các cô với vài trái bí, trái bầu, trái cà, nảy chuối, mớ đậu bắp, đậu đủa, đậu rồng; các chị với nồi chè đậu xanh, nồi bánh canh giò heo, nồi cháo lòng hay thau sương sáo, sương sa hột lựu, bát lọt, bánh đút… cùng với tiếng rao ngọt lịm mời khách mua hàng giữa chợ quê nhộn nhịp. Hình ảnh anh nông dân nuôi được con gà, con vịt hay chài lưới, cắm câu bắt được vài con cá lóc, cá trê, mớ cá chốt, lòng tong… cũng đem ra chợ quê bán đổi gạo… Hình ảnh gánh “sơn đông mãi võ” biểu diễn võ thuật và bán thuốc “cao đơn hoàn tán” được người đi chợ và trẻ em đứng ngồi thành một vòng tròn để xem rất quen chợ quê…
Trong thời đại 4.0, hình ảnh chợ quê đang dần bị phai mờ, thay thế vào đó là những khu chợ mang dáng dấp hiện đại như: siêu thị, cửa hàng bách hóa xanh, chợ online, shopee… có shiper chở hàng hóa giao đến tận nhà…
Những năm gần đây, các cấp chính quyền địa phương đang tái hiện lại hình ảnh văn hóa đẹp của chợ quê Nam bộ xưa, với hình thức đa dạng đặc trưng của từng vùng, miền châu thổ đồng bằng sông Cửu Long và nội dung thật phong phú mang đậm nét dân gian. Trên địa bàn các Huyện, Thành phố của tỉnh Đồng Tháp – thuần khiết như hồn sen, trong những năm qua cũng đã tái hiện lại nhiều khu chợ quê Nam bộ xưa để nhắc nhớ, lưu giữ lại nét văn hóa đặc trưng hồn cốt dân tộc, quê hương như: chợ quê cù lao xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh; chợ quê cồn Long Thuận, huyện vùng biên viễn Hồng Ngự; chợ quê Gò Tháp, huyện Tháp Mười… Tại huyện Tam Nông, đêm ngày 3/2/2024 cũng đã khai mạc và đưa vào hoạt động chợ quê Tràm Chim. Vị trí Chợ quê Tràm Chim cặp bờ kè đoạn kênh Đồng Tiến và nằm dọc hai bên đường Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Tràm Chim – cách Vườn Quốc gia Tràm Chim chưa đầy một cây số.
Phía trước chợ quê Tràm Chim là cổng chào cao khoảng 6m, có thiết kế biểu tượng một con Sếu đầu đỏ, cổ trụi đang đứng ngẩn cao đầu, dùng mỏ giơ cao bảng chữ “chợ quê Tràm Chim”. Bên trong chợ quê có 40 quầy hàng và không gian đờn ca tài tử, các tiểu cảnh đẹp để du khách tham quan chụp hình check-in, hệ thống đèn leb lưới trang trí, đèn chiếu sáng công cộng, nhà vệ sinh, bãi để xe, thùng đựng rác… Nét độc đáo của chợ quê Tràm Chim là các quầy hàng đều được đặt tên của các loài chim hiện có ở Vườn Quốc gia Tràm Chim như: Quầy chim Trích Cồ, Quầy chim Bồ Nông, Quầy chim Cu đất, Quầy chim Vành Khuyên, Quầy chim Khách, Quầy chim Ó cá, Quầy chim Ốc Cao, Quầy chim Trao Trảo, Quầy chim Sâu, Quầy chim Sắc, Quầy chim Se Sẻ, Quầy chim Sơn ca, Quầy chim Quốc, Quầy chim Giang Sen, Quầy chim Diệc lửa, Quầy chim Vạc xám, Quầy chim Điêng Điểng, Quầy chim Yến, Quầy chim Sáo, Quầy chim Chào mào, Quầy chim Còng Cọc, Quầy chim Le le, Quầy chim Chìa Vôi, Quầy chim Chích Chòe, Quầy chim Bìm Bịp, Quầy chim Bối cá, Quầy chim Tu Hú, Quầy chim Nhạn, Quầy chim Mắt xéo, Quầy chim Vẹt, Quầy chim Họa Mi, Quầy chim Vàng Anh, Quầy chim Trĩ vàng, Quầy chim Bồ câu, Quầy Cò đen, Quầy Cò Bợ, Quầy Cò trắng, Quầy Cò lửa, Quầy Cò Ốc, Quầy Gà nước… Có những Quầy trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; có Quầy bày bán hàng hóa đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười như: mật ong, trà Sen, khô cá lóc, khô cá sặc rằn, nước mắm cá linh, khô cá chốt, tép khô, dưa kiệu… Có Quầy chế biến các loại chè, xôi, bánh mì cà ri, bún thịt nướng, bánh tầm bì, hột vịt lộn, bánh canh bột sắt, gỏi đu đủ tép, bánh tét, bánh khọt và bánh dân gian các loại… Có Quầy bán những đồ ăn, thức uống trở về ký ức tuổi thơ như: bánh in, bánh bò, bánh da lợn, bánh bèo, bánh mì sợi trộn dừa nạo, bánh kẹp, bánh bột đậu, bánh ít trần, bánh lọt, si rô nước đá bào… đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả phải chăng. Chợ Quê Tràm Chim đảm bảo vẻ mỹ quan, bãi để xe không thu tiền để tạo thiện cảm, thu hút nườm nượp người dân, du khách đến tham quan, mua sắm… tạo không khí chợ quê Tràm Chim vui nhộn, phấn khích. Sau khai mạc trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chợ quê Tràm Chim tiếp tục nhóm họp vào các ngày 26 và 28 âm lịch. Sau Tết, chợ quê Tràm Chim tiếp tục nhóm họp trở lại vào ngày 15/2/2024 và tiếp đó, mỗi tuần nhóm họp một lần vào thứ bảy.
Hoạt động của “chợ quê Tràm Chim” dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu và hình ảnh của huyện Tam Nông; tuyên truyền, giới thiệu các món ăn, thức uống truyền thống do người dân Tam Nông tự làm và phục vụ nhu cầu giải trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ của người dân, du khách… Đây là nét mới của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp trong dịp Tết cổ truyền năm nay.
T.T.T