Đạo sư Nartnaul đã nói như thế – Truyện ngắn của Trần Như Luận

1041

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngài ấy sống theo lẽ tự nhiên. Hôn nhân không tình yêu cùng với thứ pháp lý vụn vặt kia tựa như cái mái hiên che trước nhà. Nó là sản phẩm nhân tạo. Còn lẽ tự nhiên là công năng vô tận của đất trời. Nó bao la, thăm thẳm, chỉ những kẻ đạt đạo mới thấu hiểu được.

Nhà văn Trần Như Luận qua nét vẽ của Viết Hiền

1.

Thị xã Madras ở miền Nam Ấn Độ hôm đó là một ngày tuyệt đẹp. Nhà ngoại cảm Leadbeater từ Úc sang, đang làm việc tại trụ sở Hội Thông Thiên học ở làng Adyar. Lúc dạo biển, ông trông thấy một cậu bé chừng mười bốn tuổi, ngơ ngác chơi đùa trong đám trẻ.  

Cậu xanh xao, gầy guộc và lỗ chỗ đầy nốt chí rận. Nhưng ông quan sát kỹ, thấy vầng hào quang tỏa quanh đầu cậu vô cùng rạng rỡ. Nó rất to và lấp lánh như ánh sáng hiền dịu của những ngôi sao xanh. 

Ông thầm nhủ: “Trong tương lai, đây là bậc đắc đạo, sẽ là Đấng Giảng Sư của cả thế giới”.

Hỏi quanh, hóa ra cậu chính là con của viên thư ký Hội. 

Đứng ở thềm nhà, sau khi trỏ vào cậu bé, nhà ngoại cảm thân mật nói:

“Anh thư ký! Nếu con anh được Hội dạy dỗ rồi đưa sang du học, lập nghiệp ở Anh, ý anh thế nào?”

Cha cậu bé ứa lệ vì quá mừng. Anh không mừng sao được khi gia đình quá khổ sở: vợ mất đã ba năm, ngày ba bữa bu quanh anh tới mười mấy miệng ăn, liệu tương lai chúng sẽ ra sao? Anh gật đầu vâng dạ. Anh còn nói thêm: Không những Krisna, mà ngay cả em trai nó cũng nên được cùng đi. 

Nhà ngoại cảm đồng ý ngay.  

2.

Krisna được hưởng một nền giáo dục Âu châu rất hoàn mỹ. Mười thầy cô giáo thi nhau dạy cả đức, trí và thể dục. Cậu thực hành cả môn Thông Thiên học. Lúc tròn mười lăm tuổi, sau gần một năm cậu ngồi thiền hằng đêm mà ông Leadbeater gọi là “xuất hồn đi gặp các vị đạo sư đắc đạo ở Tây Tạng”, Hội cho xuất bản rộng rãi cuốn Dưới chân đức thầy.

Ông cam đoan đó là những điều do Krisna tự chiêm nghiệm, viết ra. 

Đoạn kết in đậm:

“Bằng thiền định, giữ mình trong sạch, sống lương thiện, ăn chay trường, con người có thể hiệp thông với Thượng đế. Chúng ta có khả năng giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, trở thành Đấng Toàn Giác, hòa mình vào cõi phi thời gian và trở nên bất tử trong lòng Thượng đế”

Sách đến đâu cũng được độc giả hoan nghênh, đặt trọn niềm tin. Hội phát triển tới gần năm vạn hội viên. Để dọn đường cho “sự siêu việt và khả năng thuyết giảng của ngài Krisna”, ông Leadbeater và bà Chủ tịch Hội cho thành lập thêm Hội Ngôi Sao, mời cậu làm lãnh đạo.

Danh tiếng về sự thiêng liêng của Krisna lan ra thật xa. Từ Anh-Mỹ tới các nước Á châu, sau khi sách được dịch, in rồi phát hành với số lượng lớn, mọi người quả quyết Krisna là Đức Giảng Sư do Thượng đế gửi xuống trần gian. Không ít Phật tử Á châu gọi Krisna là ông Phật sống. Họ thầm đoán đó là Phật Di Lặc như kinh sách thường nhắc đến. 

3.

Những người gần gũi Krisna cho rằng: Cậu thực ra là một thanh niên rụt rè, lười cầm bút và hiếm khi đọc sách. Lúc còn trẻ, cậu thích diện đẹp và một mình lái xe hơi cả ngày, từ xứ này sang xứ khác. Thiền định đối với cậu chẳng là gì cả ngoài việc cậu ngồi lim dim nhìn bóng mình trên vách, thỉnh thoảng vọc kiến chơi, rồi suy nghĩ xem con đường mình đang đi là gì, nó sẽ dẫn cậu và mọi người tới đâu.

Vậy mà người ta nài ép cậu hết thuyết giảng ở thành phố này, lại trò chuyện ở thị xã nọ. Mới hăm mấy tuổi, cậu đã đi Mỹ, đến Pháp và nhiều nước Âu châu khác rồi quay về Ấn. Tháng Tám 1929, khá chín chắn ở tuổi ba mươi bốn, Krisna đứng trước mi-cờ-rô tại một hội trường lớn ở Hà Lan, trịnh trọng nói:

“Thưa các vị! Chân Lý không có đường vào. Chân Lý là vô tận. Niềm tin chỉ đơn thuần là chuyện cá nhân. Chúng ta làm sao có thể mang đỉnh núi xuống tận thung lũng? Chân Lý cũng thế: nó không chịu hạ thấp xuống cho vừa với mọi người. Thay vào đó, cá nhân phải tự mình nỗ lực vươn lên. Vì vậy, tôi tuyên bố: Giải tán Hội Ngôi Sao.”

Tuyên ngôn rành rọt và quá bất ngờ của Krisna khiến các hội viên gần như hoảng loạn. Ông Leadbeater và bà Chủ tịch Hội nhìn nhau bối rối. Nhưng tất cả coi như chuyện đã rồi. Niềm kỳ vọng thiêng liêng của ban lãnh đạo Hội tắt ngúm. 

4.

Trong suốt gần bảy mươi năm đi khắp nơi với tư cách một nhà du thuyết, hằng triệu khán thính giả từng chăm chú nghe Krisna trò chuyện đều có chung nhận định: Tuy không thực sự có tài hùng biện, nhưng ông nói chuyện dí dỏm, hết sức chân tình, diễn tả được những ý tưởng mới lạ và không hề bị gò ép bởi bất cứ định kiến nào. 

Những chủ đề ông hay nhắc đến là Chân Lý, sự giải thoát tri kiến, tính phi thời gian, thế nào là tự do tuyệt đối và nỗi sợ hãi cố hữu của con người. Ông cho rằng, chính thói quen bị quyến dụ vào Thiên Đường, lòng háo hức muốn có ngay thành tựu tu tập, cùng tập tục quỵ lụy trước kẻ tu hành hoặc các bức tượng, và sự khuôn định bởi những phân biệt không đáng có (phân biệt quốc gia, tôn giáo, tuổi tác, chủng tộc, vân vân); đại loại những thứ đó đã “nhốt” chúng ta lại, không cho chúng ta đạt được sự thay đổi tâm thức trong hằng trăm thế kỷ qua. 

Nói về sự thiêng liêng, Krisna không khẳng định điều gì cả. Ông nói: “Liệu có điều gì đó mà tư duy không thể chạm đến được, và nó thật sự bất hoại, vĩnh cửu hoặc phi thời gian? Tôi cho rằng, để tiếp cận điều này, tâm trí phải hoàn toàn tĩnh lặng, nghĩa là thời gian phải chấm dứt, và chúng ta phải tự do vượt thoát khỏi mọi định kiến, mọi phê phán. Chỉ khi đó, chúng ta có thể bắt gặp điều phi thường; và bản chất của nó chính là lòng yêu thương”.

Đôi khi ông nói đến Tình Yêu (tình yêu viết hoa) như là ngọn lửa không khói, và thậm chí không ngần ngại nói tới tình dục. Ông cho rằng ý thức của chúng ta quá nhấn mạnh đến tình dục, và vì vậy nó trở thành vấn đề; chứ thực ra, tình dục là điều tự nhiên, như cây thì phải đâm chồi, hoa thì phải nở.

Khi Krisna đến đâu, thính giả chen chân đến đấy. Hội trường không phải hằng trăm, mà hằng nghìn người. Thậm chí, có nhiều người ăn mặc bảnh bao, vì muốn thể hiện mình thuộc giới trí thức, rủ nhau đến dự hoặc thi nhau mua sách của ông về trưng phòng khách. 

5.

Không biết chúng ta nên gọi phần 5 của câu chuyện này là định mệnh hay sự ngẫu nhiên khi tạo hóa khéo sắp xếp để năm 1922, lúc Krisna hai mươi chín tuổi, em trai cậu bị hen suyễn tái phát nhiều lần; Rosalind được Hội mời đến để chăm sóc thường xuyên cho cậu ấy. 

Cô gái này mới mười chín tuổi và rất xinh. Khi lần đầu tiên bắt gặp ánh mắt thánh thiện của Krisna, cô bị chinh phục ngay. Nhưng thời điểm ấy, Krisna đang dành tình cảm cho một thiếu nữ khác và hay thư từ qua lại với cô ta. Vì vậy, Rosalind đành câm lặng. 

Ba năm sau, vào một đêm trở trời, em trai Krisna đột ngột tắt thở. Krisna gào khóc như điên. Cậu muốn dẹp bỏ tất cả nếu không có sự an ủi tận tình, thân mật của Rosalind. 

Để lo mấy công việc thường nhật do em trai Krisna đảm nhiệm trước kia, một tay thư ký giỏi giang được cử đến cùng ở với Krisna. Năm 1927, vì muốn Rosalind chính thức trở thành hội viên, bà Chủ tịch Hội thuyết phục chàng thư ký và cô ấy cưới nhau. Ba năm sau, bà cũng sắp xếp để vợ chồng chàng thư ký cùng sống dưới một mái nhà với Krisna để tiện cho mọi sinh hoạt của Hội. 

Năm 1931, vợ chồng họ sinh hạ một bé gái. Bé Radha kháu khỉnh và rất ngoan. Krisna nhận làm cha đỡ đầu. Cậu từng ẵm Radha mãi trên tay, rồi chơi đùa thân thiết với cô như cha con một nhà.

Mọi chuyện dường như êm ả. Bỗng năm 1960, lúc Radha chưa đầy ba mươi tuổi, đột nhiên cha mẹ cô ra tòa ly dị sau vài tháng lánh mặt nhau. 

Radha lòng đau như cắt. Ở một góc phố kín đáo, cô ôm chặt bạn tình trong tay, mếu máo: “Trời ơi! Em hết chịu nổi rồi! Em sẽ tự vẫn!”

Nhưng tất cả đã muộn màng. Radha thất thểu về nhà, gục đầu trên vai thầy Krisna mà khóc.

6.

Theo lời kể của bà Lutyens, thường trực Hội, việc Hội sắp xếp để ngài Krisna và vợ chồng bà Rosalind chung sống kéo dài từ năm 1927 cho đến nhiều năm sau khi chấm dứt Thế chiến thứ Hai là một quyết định không sáng suốt. Hai mươi năm sau, lại một sai lầm nữa khi ai đó đã giao bà Rosalind điều hành Trường Thung lũng Hạnh phúc tại Ojai (ở Ấn Độ) cùng với ngài Krisna và một nhà văn nam. Thời điểm ấy, ở tuổi trên năm mươi, ngài Krisna phát ra đủ bệnh. Suốt tám tháng ngài nằm giường, bà Rosalind là người phụ nữ gần gũi nhất để chăm sóc, thấu hiểu và an ủi ngài. 

Bà Lutyens cũng nói toạt ra rằng chồng bà Rosalind thuộc tạng người ranh mãnh, tham lam, yêu tiền hơn yêu vợ. Gã chí thú xây nhà, mua đất, mở cả công ty in ấn. Đến khi nghi ngờ về mối quan hệ giữa vợ mình với ngài Krisna, gã đã ghen tuông và liên tục gây sự với ngài Krisna. 

Thân hữu ông Krisna còn nói rõ về sự thiệt thòi quá sức chịu đựng của ông và yêu cầu ông đòi lại lẽ công bằng trước tòa. Họ quả quyết sáu mươi tác phẩm được in ấn và hằng trăm nghìn băng cassette ghi âm lời giảng của ông đều bị gã thư ký giữ bản quyền và thu lãi. Vụ kiện kéo rề rà suốt mười tám năm. Kết quả: ông Krisna thắng kiện. Tay thư ký buộc phải bán nhà, bán đất để bồi thường.

Những chuyện ấy gây bất bình trong dư luận và đến tai đạo sư Nartnaul, bậc chân tu có uy tín nhất thời bấy giờ. Năm 1991, năm năm sau khi Krisna lìa đời vì bệnh ung thư, bà Radha hằn học viết và chạy chọt để xuất bản cuốn Những cuộc đời đen tối bên Krisna. Bà nói rằng mặc dù bà luôn tôn trọng ông Krisna, nhưng cuộc tình trăng hoa ly kỳ, sâu nặng và đầy tội lỗi kéo dài hai mươi lăm năm dai dẳng giữa mẹ bà và ông ấy nên được đưa ra trước công luận, mặc ai nghĩ sao thì nghĩ. 

Ao ước tìm kiếm tiếng nói ủng hộ của đạo sư Nartnaul, bà Radha xin đến diện kiến. Bà kính cẩn trình cuốn sách mới in cùng mấy bức thư tình có thủ bút của ông Krisna ra trước mặt ngài và thề rằng mọi chuyện bà viết ra đều là sự thật. 

Vị ẩn sĩ tóc bạc phơ thản nhiên phán:

“Quý bà nghe đây: Thân phụ bà là một tay hám lợi, nhưng lại làm việc cho một tổ chức tôn giáo”

Đạo sư nói tiếp:

– Thân mẫu bà là một người hướng thượng, biết nhận định đâu là sự cao thượng, đâu là lòng tham lam. Nhưng bà bị cuộc đời trói buộc vào những mối quan hệ không thể thoát ra được.

Bà Radha vẫn không dám ngồi xuống. Tay bà run run chắp trước ngực, tim đập thình thịch.

– Ta cho rằng trái tim của những người phụ nữ tốt bụng thường như hoa hướng dương.

Người đàn bà sáu mươi tuổi đứng sững, chẳng biết nói gì. 

– Ta nhận thấy ngài Krisna là một triết gia đáng kính.

– Thưa đạo sư, ông ấy đáng kính ở chỗ nào? – Bà Radha đỏ mặt lên hỏi.

– Ngài ấy sống hồn nhiên và chỉ nói sự thật.

– Không! Ông ấy dối trá!

– Ta nghĩ khác: Ngài ấy là kẻ đạt đạo.

– Thần linh ơi! Đạo gì kỳ vậy? – Bà Radha gần như gắt lên.

– Ngài ấy sống theo lẽ tự nhiên. Hôn nhân không tình yêu cùng với thứ pháp lý vụn vặt kia tựa như cái mái hiên che trước nhà. Nó là sản phẩm nhân tạo. Còn lẽ tự nhiên là công năng vô tận của đất trời. Nó bao la, thăm thẳm, chỉ những kẻ đạt đạo mới thấu hiểu được.

Quy Nhơn, tháng Tư 2020

T.N.L