Đổ “Hàng Ngoại” – Truyện ngắn của Trương Quang Nhân

785

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiếng khóc bị nén lại trong vòm miệng, vọt thoát ra ngoài, len qua kẻ tay của hắn, nghe như một tiếng rên, kêu ư ử và ngúc ngắc… 

Nhà văn Trương Quang Nhân 

 

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa 

Óng tre ngà và mềm mại như tơ..

(Lưu Quang Vũ) 

“Sinh hạ vào một ngày trời trở lạnh… Lạnh là Hàn – Đổ Hàn! Đúng, đúng rồi! Hay, hay lắm. Cái tên thật tuyệt!”

Vậy đấy – Khi đặt tên cho hắn, bố hắn đã nhầm cái họ Đỗ (có dấu ngã) với cái chữ Đổ (dấu hỏi), để giờ đây, cái tên Hàn cùng với quyết tâm học ngoại ngữ đến độ điên khùng của hắn, đã làm cho người ta nhầm thêm lần nữa: Từ Hàn không gờ thành Hàng có gờ trong cái biệt danh “Hàng ngoại” – Đổ Hàng Ngoại.

Ban đầu, vì còn sợ mích lòng người ta chỉ gọi hắn bằng cái biệt danh ấy một cách lén lút. Thỉnh thoảng, đôi kẻ bạo miệng hoặc vài người coi khinh hắn quá lắm mới dám nửa đùa, nửa thật gọi hắn bằng cái tên “Hàng Ngoại”. Hắn khó chịu ra mặt, sừng sộ, thậm chí… hăm he nhưng vẫn không chịu chừa cái tật mê ngoại ngữ đến là lạ đời này: Chẳng bao giờ dùng câu chữ thuần Việt – khi thì chen vào dăm ba chữ, lúc thì cả lô cả lốc tiếng Anh hoặc nửa Anh, nửa Ta, pha pha, lẫn lẫn…

Ấy, thế là cái biệt danh Hàng Ngoại đã nghiễm nhiên thay thế cho cái tên cúng cơm của hắn. Chẳng một ai còn nhớ ra rằng hắn đã từng có cái tên Hàn mà cha hắn đã dày công chọn lựa.

Mãi, thành quen. Và, hắn ít nhiều cảm thấy thích thú với cái biệt danh “khá chất lượng” này…

*

–  Không có gì phải khó chịu với cái biệt danh ấy cả! –  Hắn  tự nhủ – Này nhé, trong thời buổi hội nhập đương nhiên là cần phải có kiến thức về ngoại ngữ, đặc biệt là cái thứ tiếng “thượng hảo hạng” như cái tiếng Anh, để… dễ dàng kiếm sống và để… để mở rộng tầm hiểu biết chứ lỵ! – Giả dụ, có một cuốn sách nào đó bằng tiếng Anh mà ta có nhu cầu tìm đọc, thì thử hỏi đợi cho đến lúc các dịch giả chuyển ngữ sang tiếng Việt thì còn gì là sốt dẻo, thêm nữa, chưa chắc đủ độ tin cậy và, rất có thể, nội dung cuốn sách ấy đã lỗi thời từ đời nảo, đời nao…

– Này nhé: để việc hợp tác, giao dịch được thuận lợi thì các cơ quan, đặc biệt là các tổ chức thương mại cần phải có một cái tên quốc tế để giao dịch – và, hắn hùng hồn tự liệt kê cho chính hắn nghe cả lô, cả lốc cái tên giao dịch, đại loại như: Cokhidon, Thaquni, Thucovin, Xukhaudana,… – Các cậu dám bảo những cái tên này được viết bằng tiếng Việt à!? Xin thưa: Anh, Anh đấy! Anh chính hiệu!

– Này nhé, nói: Tôi yêu em nhiều hơn là tôi có thể nói bằng tiếng Việt nghe chẳng hay và chẳng hợp tí nào. Nhưng nếu biểu đạt điều nầy bằng Anh ngữ thì khỏi phải chê: I  love you more than I can say. Lần nào cũng vậy, khi lẩm nhẩm câu này là hắn cứ gục gặt cái đầu, thích thú chiêm nghiệm cái tuyệt vời về câu chữ của cái thứ tiếng, mà theo hắn, là …”trên mức tuyệt vời” này.

– Này nhé, dựa vào cách đặt tên như của các công ty ở trên, ta có thể trêu chọc chúng bạn một cách rất thời thượng, làm cho không khí chuyện trò trở nên vui nhộn mà không hề sợ… mích lòng, tỷ như: Sovoking (Vua sợ vợ), Sovonhavina (Sợ vợ nhất Việt Nam),…

Chẳng ai rỗi hơi để mà phản đối cái lập luận “ngoại lai” này và chê bai cái khả năng tiếng Việt còn khá lôm côm của hắn, hắn được nước, tiếp tục tự bi bô và tự thấy cóc cần phải trau dồi thêm cái vốn tiếng Việt còm cỏi, ba cọc, ba đồng của mình – “Có gì đâu mà phải trau với dồi, nhỡ có nói sai cũng chẳng có ai chê trách đâu” – Bởi hắn thấy những câu thật “tào lao”, đại loại như: “Chiếc cà vạt đạp quá… Close up – Củng cố lòng tự tin!”, “Hàng nội, chất lượng ngoại!”… cứ liên tục đập vào mắt tất thảy mọi người ấy thế mà có mấy ai lên tiếng chỉ trích đâu… Hắn cứ viết sai chính tả, nói lắm câu thông thường sai ngữ nghĩa – Mặc kệ! Hắn cứ lao vào học ngoại ngữ và trung thành với Anh ngữ vì theo hắn, đây là thứ tiếng hiện đang “sáng giá” nhất.

Hắn học quên ngày, quên đêm, quên ăn, quên ngủ và quên… rất nhiều thứ – Mà có thứ gì trên đời hắn thiết nữa đâu. Hắn chỉ mong sao việc học ngoại ngữ được nhanh nhất, sớm đọc được sách báo tiếng Anh và giao tiếp được với người Anh trong thời điểm sớm nhất – Và, như vậy, cơ hội được vào làm việc cho một cơ quan liên doanh với nước ngoài sẽ được nhanh nhất, và… “học tiếng Anh muôn thuở vẫn còn là cơn sốt, ai nhanh kẻ ấy nhờ!” ­- Thỉnh thoảng, hắn lẩm nhẩm câu này và lại cắn chặt môi như để tự… thể hiện quyết tâm.

“Muốn học giỏi ngoại ngữ, trong cuộc sống thường nhật ta nên rèn luyện thói quen tư duy sự vật, hiện tượng bằng chính cái thứ tiếng nước ngoài mà ta đang theo học” – Lời chỉ dạy của thầy Huênh ở trung tâm ngoại ngữ Anh-pha-bết được hắn trung thành thực hiện. Chạm cái bàn, hắn bật ra: This is a table; Trước khi ngồi lên ghế, hắn lẩm bẩm: Sit down, please!; Va phải bức tường, hắn gục gặc: I’m sory, I’m sory! ; Thương thầm nhớ trộm một cô bạn gái chẳng hề có cảm tình với mình, hắn tự dỗ dành: It is better to love in vain than never to love at all  (Thà yêu trong vô vọng còn hơn là không hề yêu)…

Cứ thế, cứ thế… trên môi Hàng Ngoại luôn lầm bầm những từ ngoại pha pha, nửa tây, nửa ta… như một người mắc hội chứng tâm thần.

Mọi người dần xa lánh, rồi sợ hãi hắn như sợ một con bệnh tâm thần nặng. Hắn nhận biết điều nầy và cảm thấy tức đến điên người: “Lũ chúng mày tâm thần thì có… Được, ông sẽ cho chúng mày biết! – Cứ cái đà học theo kiểu nhập tâm này, chắc chắn năm đến ông mày sẽ thông thạo tiếng Anh, sẽ tìm được một việc làm ở một cơ quan liên doanh với nước ngoài và đương nhiên… sẽ có mức lương rất hậu. Lúc đó chúng mày sẽ sáng mắt ếch ra… chứ đừng tưởng ông khùng.

Hắn lại lao vào học.

Thỉnh thoảng, hắn tập diễn thuyết một mình ở bất kỳ những đâu, trước bất kể đối tượng nào: ở xó bếp, nơi vườn hoa, trước những chó, những gà, những cây, những cảnh… Với ai, hắn cũng dùng tiếng Anh tất thảy. Hắn nói bằng miệng, phụ họa bằng tay, bằng chân, bằng mắt và thậm chí… bằng cả thân người. Ai không hiểu, mặc kệ! Ai bảo hắn tâm thần, mặc kệ!…

Tự biết mình nói tiếng Anh chưa thật chuẩn, hắn dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc tập thở, luyện khẩu hình, tập phát âm… tất cả vì một quyết tâm duy nhất là phải làm chủ cho bằng được cái thứ tiếng, vẫn theo hắn, là cứu cánh để tạo dựng sự nghiệp.

Bỗng… một hôm, hắn phát hiện ra rằng hắn không tài nào diễn đạt được một vài ý, thậm chí, nói một vài câu thông thường bằng Việt ngữ như trước đây được nữa. Hắn cố lục tìm trong trí nhớ, nhưng đành chịu, hắn chẳng tài nào nhớ nổi. Hắn hơi lo sợ, và càng hốt hoảng khi nhận biết thêm rằng, hắn phát âm tiếng Việt cũng mất chuẩn: đa số đều mất các dấu thanh…

Hắn loay hoay vòng quanh nhà một cách không chủ định, rồi cũng không chủ định, hắn thả bộ ra đường. Mắt dáo dác nhìn quanh, chừng như hắn đang kiếm tìm một cái gì đã mất…

– Xin lỗi! Hình như anh… đang tìm cái gì thì phải!

“Trời!… Đẹp tuyệt trần!” – Nhìn cô gái có gương mặt trái xoan, má hồng, môi thắm, nụ cười nhân hậu, rạng rỡ tia nhìn – “Phải lịch sự chứ!” –  Hắn nghĩ và buột miệng trả lời bằng một câu tiếng Anh líu ríu. Cô gái ngẩn người.

Biết lỡ lời, hắn co tay bụm miệng lại thật nhanh, mặt đỏ lựng, mắt mở to. Nhìn động thái kỳ quặc này, mặt cô gái xám xanh, rồi tái nhợt. Hốt hoảng, cô xoay lưng và… co cẳng chạy.

Hắn ngơ ngác giây lâu rồi gọi với theo, nhưng… cũng lại bằng cái thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ của mình. Bậm môi, hắn cố giữ lại cái thứ tiếng nước ngoài ấy trong bụng, rồi vò đầu, bứt tóc, hắn gắng sức để tư duy sự vụ bằng tiếng mẹ đẻ. Hắn cố gọi với theo lần nữa nhưng… lời gọi của hắn đã chẳng thể thành lời.

Hắn đã không nói được nữa rồi. Có thể (!) những khổ luyện về cách phát âm mà hắn đã, đang thực hiện và những gắng sức quá mức để điều chỉnh sự phát âm thật chuẩn cho tiếng mẹ đẻ của mình vào lúc này đã làm cho các cơ vùng mặt của hắn, đặc biệt là các cơ vùng cằm, miệng co cứng. Xương quai hàm của hắn bất động, vòm miệng của hắn méo xệch.

Đau đến dữ dội và hắn té xỉu bên đường…

*

Hắn từ từ mở mắt, cô y tá ngừng tay:

– May quá, anh đã khỏe!

Hắn định cảm ơn cô, nhưng cửa miệng của hắn giờ đây đã là nơi mà ngôn ngữ của một đất nước có bề dày đến bốn ngàn năm văn hiến nhất mực chối từ, chẳng thèm tìm đến. Những cụm từ tiếng nước ngoài lại cứ chực trào ra. Hắn lấy tay bụm miệng, cố kìm giữ lại. Người hắn rung lên bần bật, bọt mép trào ra. “Khổ thân chưa! Mình không nói được tiếng mẹ đẻ nữa rồi…” – Hắn đau đớn nghĩ và… bật khóc.

Tiếng khóc bị nén lại trong vòm miệng, vọt thoát ra ngoài, len qua kẻ tay của hắn, nghe như một tiếng rên, kêu ư ử và ngúc ngắc…

Cô y tá thở dài:

– Lại một cơn co giật… Thật tội nghiệp!

  Tam Kỳ, ngày 21 tháng 5 năm 1999 

                                                                T.Q.N