(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngược thời gian, ai cũng thấy lòng mình bồi hồi xao xuyến khi dòng tư tưởng dừng lại ở quãng đời đầy kỷ niệm. Với Bích, quá khứ của chị là những ngày tháng vui không trọn vẹn. Đi gần tới cái dốc bên kia của cuộc đời giờ ngoái lại nhìn, chị như vừa thoát cơn ác mộng. Vì vậy, lúc nầy Bích thấy yêu đời hơn và trân trọng những gì mình hiện có.
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet
Thuở ấy, cô nữ sinh xinh đẹp phải lòng anh sinh viên Y khoa tên Trí. Họ yêu nhau bằng tình cảm chân thành và luôn được ngợi khen là trai tài, gái sắc. Thế nhưng, hình như tạo hóa cũng ghen tỵ trước tình yêu nầy nên bày ra nghịch cảnh. Bích là con gái của sĩ quan chế độ Cộng hòa và mẹ là bác sĩ. Gia đình ấy đủ diều kiện để sang Mỹ định cư sau năm 1975. Điều đó có nghĩa là chị phải đứng trước sự lựa chọn: Theo gia đình qua Mỹ hay ở lại với người yêu?. Chị thật sự đau khổ. Cuối cùng thì trái tim có những lý lẽ mà lý trí không phản bác nổi. Vậy là Bích đã nghe theo quyết định của tình yêu. Mãi đến ngày gia đình ra đến phi trường để bay sang Mỹ thì mới phát hiện ra sự vắng mặt của chị. Không thể trì hoãn được. Chuyến bay ấy thiếu một người…
Đến lúc nhận ra không thể thiếu nhau thì Bích và Trí cưới nhau. Ba mẹ chị và đứa em trai cũng từ Mỹ bay về chúc phúc. Hạnh phúc cứ lớn dần theo ngày tháng. Đỉnh điểm của nó là hơn một năm sau, trong căn nhà anh bác sĩ trẻ nầy có thêm một thành viên. Bé Bảo là kết tinh của tình yêu ấy. Chị như “ngụp lặn” trong hạnh phúc. Sau giờ làm việc ở bệnh viện Trí lại về công việc của riêng mình trong phòng mạch. Tất bật là thế nhưng anh cũng tạo được khoản thời gian riêng cho gia đình. Công viên Lưu Hữu Phước ở thành phố Cần Thơ mỗi sáng sớm, mỗi chiều tà là không gian của gia đình hạnh phúc nầy.
Tiếng chuông điện thoại làm bé Bảo giật thót trong nôi và òa khóc.
– Alo, có phải người nhà của Bác sĩ Trí không ạ?. Chúng tôi gọi từ Công an Vị Thanh.
– Dạ, anh Trí đi công tác dưới Sóc Trăng rồi. Nhưng anh ấy không đi chung đoàn với bệnh viện.
– Chị phải hết sức bình tĩnh. Anh Trí bị tai nạn, chúng tôi đang đưa anh ấy về Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Bích buông máy và không nghe được gì thêm. Sau vài phút định thần, chị gởi con cho nhà bên cạnh và chạy ngay vào bệnh viện. Chị được vài giờ ngồi bên người chồng yêu quý rồi cũng đành vuốt mặt vĩnh biệt anh.
Những ngày tháng sau đó, Bích sống như cái xác không hồn. Chị không còn ai thân thích ở Việt Nam. Gia đình chồng thì ở quá xa nên không ai thường xuyên lui tới . Thành phố vẫn tưng bừng nhưng sao dưới mắt chị nó như bãi tha ma. Ngồi nhìn qua lớp cửa kính như đợi chồng về sau những ca trực đêm, hình bóng chị bây giờ cũng như xác sống. Như biết rõ cảnh tình nầy, ba mẹ Bích đã mua căn nhà trên Đà Lạt cho chị đưa con lên nghỉ dưỡng. Hy vọng của ông bà là chị sẽ nguôi ngoai nỗi đau mất mát quá lớn vừa qua. Các cụ đã nghĩ đúng. Chị Bích không muốn về Cần Thơ nữa, vì không muốn nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm của những ngày hạnh phúc.
Bé Bảo cũng đã đến tuổi vào mẫu giáo. Thời gian nầy, Bích thấy mình rảnh rỗi hơn. Chị muốn làm một công việc gì đó để giết thời gian. Nhưng làm gì bây giờ?. Từ trước đến giờ, chị sống cuộc sống của một tiểu thư đúng nghĩa. Hay là đi học một nghề nào đó?, nhưng nghề nào lại chẳng lao động chân tay?. Thế là chị xin vào học khóa Sư phạm để làm cô giáo. Chị đã có bằng Cử nhân ngoại ngữ rồi mà. Nghĩ là làm. Thế là chị đã có trong tay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tiếng Anh. Không bon chen xin việc, không thi công chức, Bích vào dạy từ thiện cho Cô nhi viện. Đây là mái ấm tình thương mà Ni viện Nguyên An lập ra gần nhà chị. Nhìn những đưa bé mồ côi, chị thương quá. Bé Bảo con chị cũng là trẻ mồ côi nhưng nó diễm phúc hơn rất nhiều vì được sống trong tình yêu thương trọn vẹn của chị và sự tài trợ của ông bà ngoại từ Mỹ. Những âm thanh tiếng Anh được phát ra không tròn vành rõ chữ của lũ trẻ mồ côi hòa trong tiếng thông reo như liều thuốc nhiệm mầu đã chữa lành dần vết thương trong lòng chị. Người dân quanh vùng chỉ biết chị là cô Bích dạy tiếng Anh cho chùa rất giỏi, rất hiền và rất đẹp. Dĩ vãng không vui của chị dần được xóa nhòa.
Sáng nay trên đường đi dạy, nhìn những lớp sương dày đặc của cao nguyên tan dần trong nắng ấm, bất giác Bích bật cười. Có lẽ đời chị sẽ rồi cũng sẽ sáng ấm dần lên như cảnh sắc nầy.
– Good morning Teacher ! (Chào cô giáo buổi sáng) – Đó là niềm vui đầu tiên trong ngày mà chị nhận được mỗi khi đến lớp. Đúng như ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn : “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Vậy là cao nguyên Đà Lạt nầy đã gắn bó với cô gái miền tây đã được hơn hai mươi năm. Bích bây giờ là cô giáo “đã có tuổi”. Ở cái tuổi năm mươi, cái tuổi mà trẻ đã qua nhưng già chưa tới, đôi lúc cô Bích cảm thấy cô đơn. Bích còn trẻ mà. So với tuổi cô còn rất trẻ. Khao khát hạnh phúc và được yêu thương là nhu cầu chính đáng của con người, cô giáo Bích cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, gắn bó với người đàn ông nào đó thì coi như canh bạc của cuộc đời. Từ lúc gần gũi với tiếng chuông mõ, lòng cô đã dịu hẳn. Thôi thì người bạn đời tiếp theo cứ để tùy duyên – Bích nghĩ vậy. Bảo bây giờ đã vào Trung học, nó không còn quấn quít với mẹ như trước. Bích cảm thấy cô đơn quá.
Vừa ổn định nơi ăn ở cho Bảo ở Sài Gòn khi nó vào Đại học thì Bích nhận được hung tin. Ông Thái ba của cô đã qua đời ở Mỹ. Trời ơi, oan nghiệt đến thế sao?. Mọi sợi dây tình cảm mà cô yêu thương đều bị cắt đứt. Người cha mà cô tôn kính, yêu thương và xem là thần tượng giờ đã không còn nữa. Bích cảm thấy buồn cho mình và lo cho mẹ ở bên kia đại dương xa thẳm. Tâm cảnh đau thương nầy Bích đã trải qua. Nhưng bà Thái là người đàn bà mạnh mẽ. Bà đã chấp nhận, chịu đựng và vượt lên số phận. Chính bà là người thường gọi điện về để động viên, an ủi Bích.
Sáng nay không có giờ dạy nhưng theo thói quen, Bích vẫn đến cô nhi viện. Trong cái lãng đãng của sương mù buổi sáng, cô giáo Bích nhận ra một người đàn ông đang đi lên dốc. Trên tay anh cầm bó hoa còn ngậm sương đêm. Chắc là anh ấy đã chờ trời sáng để tới chùa, chắc là mang tâm sự?. Hình như đây là lần thứ ba Bích gặp người đàn ông nầy đến Ni viện Nguyên An. Một lúc sau, anh từ chùa bước ra, hai ánh mắt nầy chạm nhau. Họ chào nhau như đã quen biết từ lâu và rồi tảng đá trước sân chùa là nơi họ ngồi bên nhau trò chuyện. Có lẽ cùng nỗi đau mất mát nên họ dễ thân nhau. Nhân, tên người đàn ông ấy, cũng đã mất vợ mấy năm. Mỗi tháng cứ đến ngày kỷ niệm anh đều mang hoa vào chùa viếng Phật và “tặng” vong linh của vợ.
Gần một năm sau, các ni cô trong chùa và lũ trẻ mồ côi được mời đến dự lễ cưới. Mọi người không ngạc nhiên chút nào vì đây là điều mà họ đã chờ mong. Ngôi nhà cô giáo Bích không còn trống vắng. Cô đã có người cùng nhau “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”.
Tiết học cuối cùng của năm học được cô Bích dành riêng để tâm sự với học trò. Thầy trò họ tâm sự đủ điều.
– Cô ơi, Đà Lạt là thành phố ngàn hoa, cô thích hoa nào nhất?
Có một cô học trò hỏi Bích như vậy.
– Mimosa ! – cô Bích trả lời mà không cần suy nghĩ.
Không đợi chúng hỏi thêm, cô giải thích:
– Hoa Mimosa là biểu tượng của tình yêu mãnh liệt, thủy chung, sâu sắc, đẹp một cách hoàn mỹ mà ai cũng ngưỡng mộ. Truyền thuyết kể rằng, xa xưa ấy ở nước Úc (Australia) có đôi trai gái yêu nhau say đắm và nguyện thề sẽ bên nhau. Vì không môn đăng hộ đối, gia đình ép nàng lấy chồng là bá tước. Được tin ấy, chàng trai lặng lẽ lên vùng núi để cố quên mối tình tuyệt vọng. Một ngày nọ trận cháy rừng xảy ra, chàng bất chấp nguy hiểm lao vào lửa cứu những con Kangaroo tội nghiệp và chàng đã bị chết cháy. Nghe tin chàng trai bỏ biển lên rừng, ngay trong đêm tân hôn nàng bỏ trốn tìm người yêu. Nàng tìm được xác chàng trong đống tro tàn. Khóc than đến kiệt sức, nàng gục chết bên xác người yêu. Sau đó, nơi nầy mọc lên một loài cây thân mộc lấp lánh hoa vàng thơm mát. Cảm kích trước tình yêu nầy, thổ dân địa phương đặt tên hoa đó là Mimosa (trong tiếng Úc, Mimosa có nghĩa là cây trinh nữ)
Không hiểu bọn trẻ nghĩ gì và vì sao chúng đồng thanh reo lên:
– Cô là Mimosa !
Dalat 25/5/2025
(Thương tặng em gái Quỳnh Mi)
C.V