Gửi lại chiến trường – Truyện ngắn của Võ Văn Thọ

505

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chú Quyết sinh năm Đinh Hợi, năm Canh Tý này đã gần 74 tuổi, tuy nhiên nhìn bên ngoài chỉ khoảng như mới bước qua lục tuần. Bí quyết sao nhìn chú trẻ vậy, thì phải hỏi Thím của Thắng. Chắc thím quan tâm chăm sóc tốt cho chú lúc về hưu đến giờ cũng mười lăm năm rồi chứ chẳng chơi. Vì sao Thắng gọi chú bằng “anh năm Quyết”, thì Thắng xin bật mí: Chú trẻ trung quyết đoán, tính tình vui vẻ, lạc quan, nói chuyện có duyên, hay pha chút khôi hài trong bất kỳ tình huống gay cấn nào, có nụ cười, tiếng nói của Chú là hóa giải một cách êm thấm mọi bức xúc, tranh chấp trong thôn, xóm…

Tác giả Võ Văn Thọ 

 Ở tiệc tùng nào có chú tham dự, giống như trong “bàn nhậu” có mỹ nữ, hay nói khác có “bông hoa đẹp” tiếp khách; uống rượu, bia không biết say là gì? Đó là nói về góc độ nhậu nhẹt; còn trong công việc khi còn đương chức, hay khi về hưu kiêm nhiệm việc thôn, xóm chú rất có trách nhiệm, nên được người dân yêu quý.

*

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, “anh năm Quyết” ở Bắc về quê, rồi được nhận công tác ở Ty Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng một thời gian dài; sau khi tách tỉnh Quảng Nam ra khỏi thành phố Đà Nẵng, chú về làm Phó phòng Lao động thương binh xã hội huyện, đến khi nghỉ hưu tham gia Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn mấy nhiệm kỳ liền; ở vị trí nào anh cũng phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình năng nổ, sâu sát, gần gũi, hòa đồng. Ấy vậy, nên không những được thương, bệnh binh yêu mến, mà nói riêng chị em hoàn cảnh trong chiến tranh, như thanh niên xung phong… “quá lứa, lỡ thì”, đều muốn gửi gắm, tâm tình, sẻ chia với “anh năm Quyết”… Cô Hồng, một Thương binh ở thành phố Ba Kỳ, trước đây công tác ở Ty… rất thần tượng chú và sẵn sàng làm “người tình”, của Chú. Cô ấy nói vậy với Thắng… chứng tỏ “anh năm Quyết” có số “đào hoa” chớ bộ!…

*

Ngày Thắng lên đường làm nghĩa vụ quân sự, Chú có mặt động viên, dặn dò, sau này ra trường tiếp tục đi học ở Hà thành, chú lại căn dặn kỹ càng hơn. Thắng cũng đã hứa với chú, sẽ cố gắng làm tốt, phát huy truyền thống gia đình và tấm gương của chú. Chú cười tươi, nắm thật chặt tay Thắng giật giật mấy cái. Đúng phải thế cháu ạ, không để “hổ danh” gia tộc. Chú tin ở cháu!

Chuyện về Chú thì dài, nhưng Thắng luôn nhớ, mặc dù công việc bận, nên ít được tiếp xúc với chú, chỉ những khi tranh thủ về quê đám đình, giỗ chạp, ngày Tết cổ truyền chú, cháu mới có chút thời gian hàn huyên, những lúc này tôi xưng tên và gọi chú là “anh năm Quyết” cho thêm thân mật. Chú rất vui, thích ứng ngay với cái tên Thắng đặt cho chú. Vì biết Thắng hài hước, chứ không phải là vô lễ với chú. Sỡ dĩ Thắng dùng tên Quyết vì chú rất quyết đoán trong công việc, đã quyết việc gì thì làm bằng được. Hơn nữa, ghép tên chú và cháu thì thành Quyết Thắng. Nên nghe rất có lý!

Trong chiến tranh chống Mỹ, chú từng đi Bộ đội chiến đấu dũng cảm, bị thương chú được ra Bắc điều trị, học tập và trưởng thành, sau ngày thống nhất đất nước chú về quê cha đất tổ, với một con mắt, còn một con mắt chú gửi lại chiến trường – Chú là thương binh hạng 2/4, nên Thắng càng thêm quý chú ở cái lý ấy!

Ngày chú lấy Thím làm vợ, cũng hết sức bình dị, như những người lính “Cụ Hồ”. Thím là thanh niên xung phong, sau đó là Bộ đội, rồi là thương binh 3/4, sau ngày giải phóng miền Nam, Thím được tổ chức phân công về tại cơ quan của chú công tác. Hai người cùng lý tưởng, mục tiêu, cùng cảnh ngộ gặp nhau rồi yêu thương nhau. Ngày ấy, chú ghi địa chỉ quê quán, thôn xã, huyện, rồi thím một thân một ngựa tìm về gặp mặt mẹ chú và tự giới thiệu:

– “Con tự nhận là con dâu của mẹ Đoàn”! Vì con thương yêu anh ấy, nhưng anh  bận việc cơ quan, cử con về ra mắt mẹ trước, “Xin mẹ chấp nhận con là con dâu của mẹ”! Mẹ của chú chỉ biết vui mừng chấp nhận, và họ sống rất hạnh phúc, hiếu thảo cho tới khi mẹ già, rồi đi xa…

Thím là người thật thà, hồi trẻ trông thím rất xinh đẹp, tính tình vui vẻ, nhìn hình ảnh thím trong quân phục bộ đội thời ấy, rất thần tượng. Thắng thầm khen trong bụng, chú khéo biết nhìn người!…

Vợ chồng chú thím sinh hạ liên tục bốn đứa em và nuôi dạy nên người, ai cũng có công ăn việc làm, có đứa em giờ đã là Chủ tịch của một xã lớn của huyện, em gái út giờ cũng là giáo viên mầm non ở một thành phố Ba Kỳ.

Về hưu, Chú tập trung phát triển mô hình VAC nhỏ, tuy nhiên nhà chú không thiếu thứ gì từ các loại rau xanh, đến bò, lợn, gà, vịt và đào ao thả cá… Đúng là mô hình nông thôn mới, để người dân trong thôn học tập, nhằm thoát nghèo bền vững.

Chú rất thích Thắng về quê ghé nhà chú chơi, để hỏi thăm tình hình trong nước, thế giới, chuyện công việc của Thắng làm tốt hay chưa? Sau cùng là chú cháu gặp nhau làm vài ly gọi là “giải khát”, vì ở quê quan niệm:

– Khi có chút men thì mới thật lòng “trút bầu tâm sự”. Chú hay nói vui: Chú uống với cháu một ly rượu gạo là “uống cả cánh đồng”. Riêng về anh mồi cháu không phải lo đã có chú, thích gì có nấy, Chú ra tay chỉ mười lắm phút sau có ngay; còn nước thì chú có “trà độ” dầm thuốc Bắc luôn sẵn sàng, nếu muốn dùng cái anh “bật nắp” thì Thắng lo nhé! Rồi Chú cười thật tươi… Vì lẽ ấy mà Thắng hợp tính chú!

Một hôm hai anh em Thắng từ thành phố Ba Kỳ cùng về thăm mẹ, chị các cháu ở quê, không quên ghé thăm chú thím. Thím không ở nhà, vì đi thăm cháu ở thành phố; chú ra tay ngay, dùng cuốc vố ra gốc chuối sau vườn đào mấy con giun đất, chặt khúc, móc vào lưỡi câu, lấy đôi cây cần thả xuống ao, năm phút sau đã có được 5-6 con rô phi to như bàn tay, chú mổ bụng làm sạch ruột, rồi cho vào chảo dầu phụng, chỉ 10 phút sau đã có món mồi ngon, thêm mấy quả dưa leo, cà chua chín và một ít ớt chuột mọc tự nhiên trong vườn do anh em tôi ra tay “thu gom”, thế là mấy chú, cháu tha hồ tâm sự từ trưa mãi đến xế chiều; khi hoàng hôn ngấp nghé bụi tre làng, những tia nắng cuối cùng chui xuống những ụ rơm vàng, trên những đám ruộng vừa gặp xong. Xa xa, từng đàn cò trắng hối hả bay về phía chân núi, Thắng cảm thấy làng quê thật hiền hòa dung dị, như cái tình, cái nghĩa từ sâu thẳm trái tin con người!…

Chú còn nói, ở phố dùng thịt nhiều, về quê dùng cái món cá tự nhiên rất tốt cho sức khỏe và hợp khẩu vị. Vì được thay đổi không khí, nên chú cháu “dốc bầu tâm sự”… Thắng còn biết, tuy chú không nói ra, nhưng những khi “trái gió trở trời”, thời tiết thay đổi chú và thím toàn thân đau nhức, bởi do vết thương chiến tranh còn để lại, song với nghị lực và tinh thần lạc quan, Chú Thím luôn chiến thắng được bệnh tật!

Chú hay kể chuyện tếu, hài, nên ai tiếp xúc với chú đều có ấn tượng, và cảm thấy mình trẻ ra được cả chục tuổi, có lần xem phim tình cảm Hàn Quốc, thấy diễn viên nữ quá đẹp, chú nói vui với Thím:

– Má my ơi! Nhà mình có tới 3 con bò, ba chăm sóc rất tốt, lại có con bê sắp chào đời, Má có thể cho ba bán bớt một con để ba “bắt kèo” với em diễn viên: “Chu hu mông – Hàn Quốc” một đêm không? Ba sẽ đóng vai: “Chim đang s…” chứ ba thấy hắn đẹp quá!

Thím chỉ biết liếc mắt mần duyên, nhìn chú thật tình tứ – cười thật hiền từ, nói vui:

– “Thì má đâu có cấm ba, miễm Ba còn sức khỏe là vui rồi”!… Nói thì nói vậy thôi, chứ chả lẽ thím không biết ghen? “ớt nào là ớt chẳng cay”…

– Thắng quan sát, thấy chú thím thật hạnh phúc mà mừng thầm, rồi chạnh suy nghĩ, giá như vợ Thắng cũng có suy nghĩ giống Thím, thì thật tuyệt vời…

– Có lần chú kể cho Thắng nghe một câu chuyện khá thú vị: Khi đó năm Quyết còn đảm đang chức vụ Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, dịp gần tết cổ truyền, có 1 chị phụ nữ trong thôn không chồng nhưng được cái “sinh con như máy đẻ”, do gặp khó khăn tìm đến nhà “anh năm Quyết” và nói:

– “Anh năm có thể giúp em, hỗ trợ ít tiền và gạo cho mẹ con em ăn tết đàng hoàng được không?”. Cô gái dứt lời, năm Quyết liền nói: “Chứ răng hồi em sướng không gọi anh năm, chừ lúc khổ lại tìm đến anh?”. Nói thì nói vậy thôi, chứ chú rất sâu sát, đã nêu ra trong cuộc họp thôn và đưa vào danh sách hộ nghèo, lấy biểu quyết được người dân trong thôn nhất trí, sẽ hỗ trợ chị ấy tiền, gạo để ăn tết! Chỉ là chưa phát, nên chị nóng lòng… Tuy nhiên, Chú khéo léo nhắc nhở chị đó rất nhẹ nhàng:

– Vì chị mà cả thôn phấn đấu 1 năm, vẫn chưa nhận được thành tích cao nhất, chị sinh con thứ 4, 5 chứ không phải là 3! Lúc này, hai khóe mắt chị ấy rơm rớm nước mắt, hứa với chú:

– “Em sẽ nghe lời anh năm, em trót lần này là triệt sản. Mong anh năm thương mẹ con em!…”

*

– Đối với dòng tộc, chú là người góp tiếng nói khởi xướng mô hình “Tộc họ văn hóa, văn minh”; cách đây năm năm, tộc của Thắng đã thực hiện được ý nguyện này, và góp phần thực hiện chủ trương chung của trên; ý nghĩa ở chỗ, đoàn kết, giúp đỡ, sẻ chia với bà con trong tộc họ, khuyến học, khuyến tài, tích đức, để con cháu sống có hoài bão, ước mơ, hiếu thảo hơn với ông bà, cha mẹ…

*

Ngày ba Thắng còn sống, ba Thắng đã mấy lần đòi cách chức đảng viên của chú:

– “Chú là đảng viên mà nói năng chưa chuẩn. Tôi lấy tư cách là Bí thư chi bộ thôn cách chức đảng viên của chú”!

– Chú chỉ cười và nói: “Anh góp ý thì em nghe, em sẽ sửa, nhưng xin anh đừng cách chức đảng viên của em”!

– Ba Thắng là người cộng sản rất “bôn sê vích” (*), nên Thắng cảm thông cho chú và không nghĩ chú bị “cách chức”!…

Chuyện về “anh năm Quyết” còn dài, Thắng chỉ mong chú luôn là tấm gương để con cháu học tập. Nhân dịp, kỉ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sỹ sắp tới, Chú  tròn 73 năm tuổi đời – “thập tam tri thiên mệnh”, Thắng viết để tặng chú, như tấm lòng tri ân, và đó cũng là đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… của người Việt Nam. Mong gia đình chú thím mãi bình yên, hạnh phúc nơi làng quê hiền hòa, bình dị!…

Tam Kỳ, đầu thu 2020

V.V.T

Ghi chú: (*) Là người theo Chủ nghĩa Mác-Lê nin. Ý nói người cộng sản liêm chính, mẫu mực.