Hãy giữ bản tình ca – Truyện ngắn Bùi Công Dụng

777

(Vanchuongphuongnam.vn) – John Key đã thấm mệt. Anh và đoàn người đã lội bộ như thế qua gần ba quả đồi. Nhìn về phía trước, John muốn nói với người thanh niên Việt Nam đang lầm lũi bước đi kia vài câu gì đó cho vui, nhưng lại không biết tiếng Việt. Còn người thanh niên bản địa, anh ta biết mỗi câu chào xã giao khuôn khổ, chẳng áp dụng được gì nhiều.

Nhà văn Bùi Công Dụng 

Cuối cùng anh phiên dịch đành phải lên tiếng:

– John, nghỉ một tí đi!

John nhoẻn cười, đồng ý. Tốp người kia cũng đồng ý, và họ cùng ngồi nghỉ trên một tảng đá rộng.

Vuốt mái tóc hoa râm đẫm mồ hôi, John nhìn bao quát khung cảnh núi rừng. Phía bên kia ngọn núi là bãi đá đất đồi trống thoai thoải. Ở đó có những tảng đá lớn đứng tựa vào nhau, và cũng chính nơi đó nhiều năm trước đây, nó trở thành nấm mồ chôn vùi tuổi xuân và ảo vọng của anh.

Ông bố của John, là đời thứ tư của dòng họ, kể lại rằng từ cái thời tao loạn của cuộc nội chiến đẫm máu trăm năm trước trên đất Mỹ, giữa những kẻ xâm chiếm thuộc dòng dõi Anglo-saxon với bọn người di cư phía Nam, đã vô tình để lại cho cả gia đình và dòng tộc John một tình sử vừa ngọt ngào vừa bi tráng. Ông cố nội đời thứ nhất của John, một người trai dũng cảm, cùng người bố trong đội quân các sĩ quan tài ba của Đảng Cộng hoà mới thành lập, đã lăn xả vào cuộc chiến với người miền Nam nổi tiếng bất trị.

Một đêm trăng yên tĩnh, khi chiến trường dứt tiếng súng, viên sĩ quan trẻ kia đã viết thư về cho mẹ:

“Thưa mẹ, con và bố lao vào trận chiến đấu như những con mãnh hổ. Kẻ thù, chúng như lũ cừu non nháo nhác. Chắc người ta cũng nói với mẹ về những huyền thoại tranh đấu của lũ người này, nhưng mẹ hãy đừng tin, tất cả chỉ là đều thêm thắt. Họ bị chìm nghỉm bởi hệ thống vũ khí tối tân cùng thiết bị kỹ thuật thông tin hiện đại của quân Chính phủ”.

Nhưng có một điều viên sĩ quan đã giấu mẹ, đó là, trong khung cảnh tiêu điều của những căn nhà gỗ, những lán trại đang cháy dở gần mép lưu vực sông Mississippi, bên ngọn đồi nhỏ, họ đã bắt gặp một cô gái Mêhicô chạy loạn. Chính đôi mắt đầy sợ hãi lo âu, nhưng vô cùng xinh đẹp của nàng đã làm cho viên sĩ quan trẻ tuổi xao xuyến. Chàng cất tiếng gọi bố quay lại, họ đã mang cô gái đi theo đoàn quân chiến thắng.

Và như thế, ông cố nội mấy đời trước của John khi ra đời đã mang theo dòng máu của người da màu loạn lạc. Điều đó chẳng sao!

Bà cố nội của John là một người Pháp. Bà cũng thể, bị cuốn theo một trào lưu di dân vào vùng Bắc Mỹ. Ở đó bà sinh ra ba người con, ông nội John là con út.

Về sau ông nội cưới một người phụ nữ mộ đạo người Đức, sinh ra bố John. Điều đó cũng chẳng sao!

John bật nắp lon bia, ngửa cổ tu một hơi. Phía trước, tốp tìm kiếm kẻ đứng người ngồi, họ đang chậm rãi ăn những khẩu phần lương thực mang theo. Chẳng ai nói với ai một câu.

– John, nhớ nhà hả?

– Ồ, Mười, anh suy diễn sai rồi!

– Vậy anh đang mơ điều gì? – Anh phiên dịch hỏi tiếp.

John trả lời đang nghĩ về một người đồng đội. Đó là một người lính dũng cảm mà John đã không thể đem theo… để rồi, sau bao nhiêu năm tháng day dứt, John quyết định lần tìm về nơi này.

Đang nhìn lơ đễnh lên bầu trời, bỗng nhiên John bật dậy:

– Thôi, chúng ta đi, Mười!

Mười ủng hộ: “Tốt, chúng ta đi”. Và tốp người tiếp tục lên đường.

Cũng phải, họ cần phải đến đích trước khi chiều xuống. Đêm nay họ phải căng lều, mắc võng ngủ lại, sáng mai mới bắt tay vào công việc được.

John tự quyết định vào quân ngũ và đã tình nguyện sang Việt Nam. Điều này gây ra một cú sốc, nhất là đối với bà Caroll, mẹ của John. Bà là một tín đồ trung thành của phái Kito giáo, bà thuộc từng câu từng chữ trong kinh thánh. Từ ngày John xa nhà, bà chăm đi nhà thờ hơn, bà cầu nguyện cho đứa con trai non dại bồng bột của bà. Làm sao ngăn cản nó? Con cái đến tuổi trưởng thành, nó tự quyết định cuộc sống của nó, ai can thiệp được. Riêng bà, bà Caroll vẫn muốn nó hãy đi vào con đường thương trường hơn là phải dấn thân vào cái lò chiến tranh chết đẫm kia. Tụi nó đi tìm lợi lộc gì ở cái xứ ấy? Thế nhưng ông bố lại khác, ông cho rằng khi đủ lông đủ cánh, nó phải bay. Phải tự biết bay, phải tự biết đón hướng mà cất cánh, phải dấn thân và tự tạo lập sự nghiệp.

John nghĩ về khoảng thời gian cách đây gần ba chục năm về trước. Hồi đó mới 18, 19 tuổi, anh còn quá trẻ để hiểu cho hết khái niệm của một cuộc chiến tranh. Sự ập đến và đọng lại, với thế hệ John chẳng phải gì khác, chính là sự kiêu hãnh của một lớp người vừa mới thoát thai từ cuộc đại chiến thế giới. Và cứ thế người ta khắc hoạ vào tâm trí anh những trận đánh vang dội thế kỷ mà quân đội Mỹ đã đem lại cho nhân loại.

Viên tướng không quân đã hùng hồn huấn thị trước ngày John và đồng đội lên đường sang Việt Nam:

“… Các bạn, những Wartelo, Normandi, Stalingrat đó đều chỉ là những khúc dạo đầu. Phải đỉnh đạc bước vào cuộc chiến mới Việt Nam! Việt Nam, đó mới là bản khải hoàn ca hùng tráng và bất hủ của quân đội Hoa Kỳ!”.

Ở trường học, người ta không dạy cho John về sự xâm lược, mà chỉ dùng những từ hoa mỹ để ngợi ca và giải thích về chiến tranh.

Hành quân qua các làng mạc Việt Nam, John bắt đầu học những bài học đầu tiên:

– Này John, nhìn tao bắn này!

Sau tiếng nổ xé tai, đứa trẻ bản xứ đang chạy nhảy tung tăng, nhẹ nhàng ngã lăn…

– Này John, nhìn tao đốt này!

Sau cú xoẹt lửa, những túp nhà cuộn khói, bốc cháy:

“John, mày hãy luôn ghi nhớ, người Mỹ chúng ta không bao giờ chấp nhận những kẻ bất phục tùng“.

John mang máng nhớ lại, cái chân lý ấy cũng đã một thời được chứng minh. Ông cố tổ của John vốn là hiện thân của những cuộc chinh phạt từng ngọn đồi, ngọn núi, từng cánh đồng cỏ bao la, thu phục các nước láng giềng với những túp lều vải thô sơ, bụi bặm của lũ thổ dân da đỏ lang bạt, khốn cùng…Và bây giờ người ta bảo John tiếp tục cuộc chinh phục trăm năm ấy. Cuộc này sẽ đích thực hơn nhiều!

Ở nơi đồn trú của một cùng giáp ranh giữa trung du và đồng bằng, một đêm trăng yên tĩnh, khi chiến trường tạm ngưng tiếng súng, John viết thư về cho mẹ:

“Mẹ yêu quý! Con thực sự hoảng sợ. Thậm chí nỗi hoảng sợ đã làm cho con không dám nhìn vào bất cứ khoảng không nào. Bất cứ ở đâu, hầu như đều có họng súng đang chĩa tới. Chúng con đang bị vây hãm trong một vành đai tranh chấp mà Việt Cộng, như người ta thường gọi, lại chẳng thấy đâu. Cái chết luôn rình rập. Phải đến ngày mai chúng con mới có hy vọng hy vọng chi viện. Mẹ đã khuyên con: Làm người tử tế hãy tin vào Chúa trời, con xin cầu Chúa ban phước lành, dù chỉ đêm nay”.

John đã cầu Chúa. Và Chúa ở trên cao, nghe thấy, cũng đã ban phát cho John, dù chỉ là cơ hội duy nhất.

Bây giờ những người Việt Nam nhỏ nhắn ấy đang bên cạnh John. Họ là những kẻ bất phục tùng, nhưng lại là người chiến thắng. Thế mà họ chẳng nói gì đến sự chiến thắng, cũng chẳng nói gì về sự cáo chung của một thế lực được coi là hùng mạnh nhất toàn cầu.

Họ đang lặng lẽ, tận tụy bên John, giúp John đi tìm một đồng đội!

Trời rạng sáng.

Bình minh núi rừng thật tuyệt đẹp.

John khoan khoái vươn vai hít thở, mắt đăm đăm nhìn đám sương mù bao phủ ngọn núi phía xa. Tốp người cũng lục đục kéo nhau dậy.

Họ bắt đầu vào việc. Họ chặt cây, phá lau lách, đào bới những tảng đá. Bao nhiêu năm rồi, cây rừng lau lách đã phủ kín lối đi. Những tảng đá mẹ, đá con năm xưa bị che lấp bởi những bụi cỏ mọc um tùm. Thế nhưng những điều John nói, cứ như mệnh lệnh.

– “Tôi nhớ rõ: Chính tại vị trí này!”

John còn nói, ở đằng sau, phía chân dốc có một sân bay dã chiến. Vào thời điểm cực kỳ khó khăn đó, máy bay tiếp viện của sư đoàn Americal đã đến kịp, đại đội John được tiếp thêm sức và lập tức phản công. Hình như từ bức tường vô hình bị dồn hãm, những người lính giải phóng đã bật dậy và lao tới quyết tử bằng một trận xáp lá cà cuối cùng. Pháo binh Mỹ viện trợ cũng dội ác liệt, dập nát cả trận địa…

Mồ hôi ướt đẫm trên lưng John, cái xẻng đặc công không lúc nào ngơi nghỉ trên tay anh đã lôi cuốn tốp người đang đào bới. Họ đã đào được một hố rộng gần ba mét, sâu khoảng tám mươi centimet.

Bỗng nhiên đôi mắt john cảm thấy cay cay… Đó là phần hồn của một vùng đất mà John luôn ấp ủ, day dứt và ân hận, có lẽ suốt cả cuộc đời! Một đất nước với những con người cần cù chân chất, lòng quả cảm được chắt lọc từ nỗi khát khao cuộc sống hoà bình và phẩm giá của một nền văn hoá lâu đời. Lẽ nào chúng ta cứ cản đường đi của họ. Hãy cứ để như thế, cứ để cho John yên lặng. Một mình…

Và John khóc!

Gạt nhẹ thêm một nhát xẻng nữa, tay John bỗng chạm phải một hộp sọ. John dùng tay cào đất xung quanh và từ từ nâng nhẹ.

John mừng rỡ:

– Tôi đã tìm thấy rồi! Giọng nói anh tràn đầy niềm hân hoan.

Hộp sọ đó còn nguyên vẹn. Xung quanh có mấy đoạn xương rời từng mảnh, còn phân biệt được rõ các chi. Một sợi dây ny lon dù rơi từ vốc đất mà John đang khư khư nắm lấy.

Đất là vàng. Đất là tôn giáo. Đất là nguồn sữa mẹ và bây giờ đất là đạo lý cuộc đời. John nghẹn ngào quỳ xuống trong lòng hố, tay anh đưa lên đầu, đặt nhẹ qua hai vai và cánh tay dừng lại ở trái tim, John cầu nguyện.

John cầu nguyện vì một sự tìm đến và sẽ không bỏ rơi một linh hồn. John cầu nguyện sự che chở cho một tâm hồn giờ đây thanh thản.

Có một tiếng nói nhè nhẹ phía sau lưng John:

– Này John! Anh có nhầm không. Đây không phải là hài cốt người Mỹ chúng ta! một người Mỹ đi trong đoàn, phát hiện.

Hàng chục cặp mắt đổ dồn về phía John vì quá bất ngờ. Thế là thế nào?

Cuộc kiếm tìm nào cũng đều có những ý nghĩa thiêng liêng, nhưng nó phải đạt được yêu cầu của những nỗi niềm riêng tư thầm kin. Họ đã vượt hàng ngàn cây số đến vùng đất này cũng vì một đồng đội và vì John, vì lời thỉnh cầu của John về thân phận một con người.

Bây giờ…

John nói chậm rãi:

– Wille, anh nói đúng. Đây không phải là hài cốt người Mỹ chúng ta!

John lặng lẽ mở túi áo rút ra một tờ giấy gấp tư. Đó là mảnh giấy đã rơi ra từ áo người lính Việt Nam chết trận năm nào, và lúc đó John đã kịp cuối xuống nhặt lấy. Tờ giấy ấy John đã cất kỹ như một kỷ vật và đã ố màu qua thời gian. John cứ thế mang theo, ấp ủ… Lúc cúi xuống nhặt nó, John đã bỗng đọc trong đó một không gian huy hoàng, tráng lệ, một vùng trời mây nước mênh mông, giống hệt như vùng Arizona ngọt ngào của anh. Những nét chấm phá bay bổng như những tiếng sấm chớp thét gào! Nhưng cũng như con người, thiên nhiên cũng có sức sống mãnh liệt. Những khoảnh khoắc đớn đau, những niềm khao khát bị vùi lấp bởi những đám mây mù, cứ thế hoà quyện vào nhau giành giật nhau… John trao cho người phiên dịch tờ giấy và ngoảnh lại nói với mọi người:

– Trong trận xáp chiến ác liệt đó, tôi đã bắn chết người lính quả cảm này!

Người phiên dịch Việt Nam mở tờ giấy, trên đó chi chít những dòng chữ khó xem, những dòng chữ nhảy múa giữa các dòng kẻ xiêu vẹo và những nốt nhạc li ti chép vội vàng.

Bên góc trái tờ giấy có mấy chữ chưa bị nhoè : H…Việt – Tình ca

B.C.D