Hồ Chí Minh – người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam

868

Người sáng lập báo chí cách mạng:

Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới mà Người còn là một nhà báo lớn. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của mình, Bác luôn coi báo chí là phương tiện quan trọng để vận động tuyên truyền cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng, hiệu quả nhất với mọi đối tượng. Vì vậy, dù ở đâu, trong hoàn cánh nào Bác cũng chỉ đạo, phát hành những tờ báo cách mạng giúp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc chóng tới thành công.

Khi ở Pháp, Bác là một trong những thành viên sáng lập báo Le Paria (Người cùng khổ). Ngày 1/4/1922, số đầu tiên của báo Le Paria ra đời. Đây là diễn đàn của các dân tộc thuộc địa ra mắt bạn đọc tại Paris. Bác là một cây bút tích cực của tờ báo này, vừa là phóng viên, nhiếp ảnh, biên tập viên vừa phát hành báo. Mục tiêu chính của báo là lên án chủ nghĩa thực dân, giác ngộ các dân tộc thuộc địa, đồng thời vận động nhân dân Pháp đấu tranh chống chế độ thuộc địa. Báo có lời tuyên ngôn: “Le Paria tố cáo những sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán, tình trạng bị bóc lột về kinh tế mà nhân dân các vùng lãnh thổ, hải ngoại đang là nạn nhân”. Bác đã viết tới 38 bài cho tờ báo này, tố cáo tội ác của thực dân, kêu gọi các dân tộc thuộc địa đoàn kết, vùng lên đấu tranh. Từ tháng 4/1924 đến tháng 4/1926 báo ra được 38 số thì đình bản.

Cuối năm 1924, Bác về Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và ra báo Thanh niên, Bác trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận quan trọng. Ngày 21/6/1925, báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra số đầu tiên, Bác là biên tập chính cho số báo này, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là phương tiện tuyên truyền, là vũ khí chiến đấu của các tổ chức cách mạng. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925 cho đến tháng 4/1927 đã ra được 88 số bằng tiếng Việt.


Báo Thanh niên do Bác Hồ làm chủ bút

Tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta.

Tháng 2/1927, Bác sáng lập báo Lính kách mệnh (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân ngày nay), chủ yếu dành cho các chiến sĩ cách mạng, các lực lượng vũ trang.

Những tờ báo xuất bản công khai hoặc bí mật ở nước ngoài từ năm 1922 tại Pháp, hoặc năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1928  tại Thái Lan, năm 1929 tại Hồng Kông do Bác sáng lập đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng và chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập một đảng Cộng sản kiểu mới có đủ khả năng, bản lĩnh chính trị để lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá tan ách nô lệ của thực dân Pháp, giành quyền độc lập, tự do, hạnh phúc, hoà bình cho dân tộc Việt Nam, đưa nước ta tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Sau ngày thành lập Đảng 3/2/1930 một thời gian, Bác sáng lập tờ Tạp chí Đỏ xuất bản ngày 5/8/1930. Bác là người chỉ đạo và cộng tác viên thân thiết của các tờ báo Đảng (Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta…) với nhiều bài viết, bút danh khác nhau. Bác chấn chỉnh và đổi tên báo Đồng thanh thành báo Thân ái để tạo sự gần gữi thân mật hơn với nhiều đọc giả.

Đầu năm 1941 Bác về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương VIII, thành lập Mặt trận Việt Minh (ngày 19/5/1941), lập ra báo Việt Nam độc lập. Tờ báo này là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh mới thành lập . Số đầu tiên ra ngày 1/8/1941 do Bác trực tiếp biên tập và vẽ một bức tranh tuyên truyền rất đặc sắc, phía dưới có 4 câu thơ: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”. Tờ báo tồn tại cho đến ngày Cách mạng tháng 8 thắng lợi.

Sau Cách mạng tháng 8, Bác tiếp tục chỉ đạo, cho ra đời một số tờ báo mới. Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951, báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân dân) ngừng xuất bản. Bác chỉ đạo ra báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam, rất thiết thực, gần gũi, sâu rộng với quần chúng nhân dân. Số đầu tiên ra ngày 11/3/1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo hoạt động báo, Bác còn là cộng tác viên xuất sắc. Từ số 1 ra ngày 11/3/1951 đến số 5.526 ra ngày 1/6/1969, tổng cộng Bác đã viết và đăng 1.205 bài trên báo Nhân dân với 23 bút danh khác nhau.

Tại đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Bác căn dặn các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí của họ… Mỗi nhà báo là một tờ hịch cách mạng”. Bàn về hai chữ “tự do” và “chân lý” đối với người viết báo, Bác day: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”.

Học cách viết báo của Bác:

Việc viết báo bằng tiếng Việt đã khó nhưng viết bằng ngoại ngữ lại càng khó hơn. Tuy Bác biết tiếng Pháp vì đã được học một thời gian theo ở trường Quốc học Huế nhưng chưa có đủ trình độ để viết báo. Để học được ngoại ngữ Bác phải kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ, học ở mọi nơi, mọi lúc cho kỳ thuộc, có khi viết các từ đó lên cánh tay để vừa làm vừa nhìn vào đó cho nhớ. Hôm sau lại học mười từ khác, cứ thế mà tích luỹ dần như người ta bỏ tiền tiết kiệm hàng ngày vào ống. Bằng cách đó dần dần Bác đã có một vốn từ rất phong phú để viết báo bằng tiếng Pháp.

Ông Trần Dân Tiên kể lại: Chủ nhiệm báo Dân chúng – cơ quan của Đảng Xã hội Pháp- ông Jean Longuet, cháu ngoại Các-Mác và là nghị viên của Quốc hội Pháp, đã khuyến khích Bác viết bài và ông sẽ đăng lên báo Dân chúng để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những sự bất công xảy ra ở Việt Nam. Bác không đủ vốn tiếng Pháp để viết, phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều Bác muốn nói.

Vì vậy Bác bắt tay vào việc học viết báo. Thường lui tới toà soạn báo Dân chúng, Bác đã làm quen với chủ bút tờ báo Đời sống thợ thuyền. Cũng như ông Longuet, người chủ bút này rất đáng mến. Ông ta bảo Bác viết tin tức cho tờ báo của ông. Bác nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, năm sáu dòng cũng được“. Bắt đầu viết rất khó khăn, tin tức về Việt Nam Bác không thiếu, thiếu nhất là văn phạm Pháp. Mỗi bài Bác viết thành hai bản, một bản gửi toà soạn, một giữ lại để đối chiếu với bài báo nếu được đăng, sửa những chỗ viết sai. Khi thấy viết đã bớt sai, ông chủ bút bảo: “Bây giờ anh viết dài hơn một tí, viết độ bảy, tám dòng“. Bác viết bảy, tám dòng, dần dần có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ, người chủ bút, khẽ bảo: “Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng không dài hơn“. Bác thấy khi phải rút ngắn cũng khổ như trước kia phải kéo dài ra. Nhưng cũng hết sức cố gắng, và Bác đã thành công. Ông chủ bút bảo: “Từ nay anh có thể viết ngắn hay dài theo ý định của mình”.

Ngoài việc học ngoại ngữ, viết báo, Bác còn học cách tích luỹ vốn ngôn ngữ và văn học nữa, để giúp cho việc viết báo và sáng tác văn học sinh động hơn. Bác đã tranh thủ đọc sách của những nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng, như: Shakespeare, Dickens bằng tiếng Anh; Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Quốc; Hugo, Zola, Anatole France, Léon Tolstoi bằng tiếng Pháp, Mắc-xim Gorky bằng tiếng Nga… Bác đã viết cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” bằng tiếng Pháp, gồm những tài liệu chống thực dân Pháp, lấy tư liệu trong sách của người Pháp ở thư viện quốc gia và viết vở kịch “Con Rồng tre” đả kích Khải Định khi y sang Pháp dự triển lãm hội chợ thuộc địa ở Mắc-xây. Vở kịch bị chính phủ Pháp cấm, nhưng Câu lạc bộ ngoại ô Paris đã công diễn, được các nhà phê bình văn nghệ Pháp khen hay.

Bác đã đi vào cõi “trường sinh”  nhưng những lời  Bác dạy đối với người làm báo nói riêng và người cầm bút nói chung vẫn là “sợi chỉ đỏ” để chúng ta nâng cao trách nhiệm, đạo đức của người làm báo. Bác là người luôn coi báo chí cách mạng là một “mặt trận”, là “vũ khí” tuyên truyền nhạy bén, sâu rộng nhất tới nhiều đối tượng, góp phần làm nên thành công của cách mạng Việt Nam trong mọi giai đoạn. Người không những sáng lập, lãnh đạo, chỉ đạo  báo chí cách mạng Việt Nam mà Người còn là một biên tập viên, cộng tác viên xuất sắc, gần gũi, thân thương nhất của những tờ báo đó.

Ngày nay chúng ta có rất nhiều điều kiện để học tập tốt hơn, viết tốt hơn nhưng do thiếu ý chí và thiếu phương pháp tự học, lại ngại khó khăn gian khổ nên kết quả chưa cao. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi chúng ta cần phải có tinh thần, nghị lực, ý chí và phương pháp tự học như Bác Hồ. Mỗi nhà báo nói riêng và người cầm bút nói chung trước khi viết hãy tự trả lời các câu hỏi mà Bác thường đặt ra trước khi viết: Viết cái gì (xác định nội dung viết), viết để làm gì? (mục đích viết), viết cho ai? (xác định đối tượng viết) và viết như thế nào? (phương pháp viết). Từ đó, ta mới có được trình độ, kiến thức toàn diện để sống và làm việc trong thế giới hội nhập quốc tế ở thời kỳ công nghệ 4.0.

Lê Xuân