Những ngày làm báo chiến trường

692

Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phải đến sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) tôi mới về làm báo chính thức. Nhưng ngay từ những ngày đặt chân đến chiến trường Nam Bộ (1971), tôi đã tập tẹ viết báo, chụp ảnh.

Nhà báo Trần Thế Tuyển

Ấy là năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tôi được phân công làm nhân viên chép tin đọc chậm thuộc tiểu đoàn 31 huấn luyện chiến sỹ mới vừa từ hậu phương bổ sung vào chiến trường. Ban ngày cùng tham gia huấn luyện, học tập với đơn vị. Đêm khuya (chừng sau 22 giờ), tôi trực bên chiến radio chiến lợi phẩm để chép tin đọc chậm qua Đài TNVN. Lúc đầu háo hức lắm. Sau quen dần, tôi vừa chép tin, vừa tập viết bài gửi cho bản tin của Công trường 5 (Sư đoàn 5). Anh Lê Doãn Hợp (sau này là Bộ trưởng Bộ TTTT) và các anh: Thế Tiến, Mộng Tỉnh… trực tiếp làm tờ tin Sư đoàn.

Năm 1972, tôi được bổ sung về Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng ) làm nhiệm vụ chiến đấu ven biên giới. Sau trận Gò Da, Sóc Nóc, tôi được điều lên tiểu đoàn bộ giúp chỉ huy về công tác Đảng, công tác chính trị. Đây là thời cơ để tôi thực hiện ước mơ của mình: vừa cầm súng, vừa cầm viết.

Mỗi lần xuống đơn vị nắm tình hình, tôi đều viết tin hoặc bài gửi cho tờ tin Sư đoàn hoặc báo, đài phát thanh Quân Giải phóng. Tôi nhớ mãi bài báo đầu tiên của tôi được đọc trên đài là gương chiến đấu dũng cảm của chiến sỹ Quách Hồng Tâm. Tâm quê ở Quảng Bình. Bổ sung vào đơn vị chiến đấu, khi hành quân xuống đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị của anh bị địch bao vây. Trên đầu trực thăng. Dưới đồng nước xe bọc thép. Tâm bị thương vào bụng, bị địch bắt đưa lên xe thiết giáp. Không đầu hàng địch, Tâm đã rút từng khúc ruột của mình ném vào mặt giặc. Và, anh đã hy sinh giữa tuổi hai mươi .

Sau này bài báo ấy được phát trong Chương trình Phát thanh QĐND. Mừng lắm, càng phấn khích tôi trên con đường cầm viết.

Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (27-1-1973), tôi được rút về Ban Chính trị Trung đoàn, trực tiếp phụ trách tờ tin của Trung đoàn. Thượng vàng hạ cám, Ban biên tập chúng tôi, trong đó có các anh: Phan Hồng Chiến (trợ lý); Nguyễn Trọng Thanh, Văn Ẩm (họa sỹ – sau về báo Nhân Dân) ôm trọn công việc xuất bản một tờ tin ở chiến trường.

Tôi xuống đơn vị cơ sở không chỉ làm nhiệm vụ của một trợ lý tuyên huấn mà còn say sưa với vai trò một “phóng viên mặt trận”.

Năm 1977, cuộc chiến với đế quốc Mỹ chưa tan khói súng, bè lũ phản động Pôn Pốt lại gây hấn, gieo rắc tang thương trên biên giới Tây Nam. Chúng tôi lại vác súng, máy ảnh ra trận. Tôi và các nhà báo: Mai Bá Thiện, Xuân Hoà, Vũ Xiêm, Đỗ Kết… là nhóm phóng viên đầu tiên của Quân khu 7  có mặt trên biên giới chứng kiến sự tàn sát dã man của quân Pôn Pốt đối với đồng bào ta. Sau khi giúp bạn giải phóng PhnomPenh, quân tình nguyện Việt Nam, theo đề nghị của chính quyền non trẻ và nhân dân CPC ở lại làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn. Chúng tôi lại tiếp tục hành quân cùng bộ đội từ mặt trận 779 đến mặt trận 479…

Cuộc sống, chiến đấu, tác nghiệp của phóng viên chiến trường với biết bao kỷ niệm vui buồn. Những trải nghiệm thực tế giúp tôi ngày càng nhận thức đầy đủ về công việc gần như sứ mệnh mà mình tự nguyện dấn thân. Tôi nhớ mãi mỗi lần theo bộ đội hành quân truy kích địch. Rõ ràng lúc ấy, kẻ thù chắc chắn không phân biệt ai là “chiến đấu viên” ai là “phóng viên”. Và, như thế, tay súng tay viết, cánh nhà báo phải tác nghiệp, tác chiến như một chiến sỹ cầm súng thực thụ .

Sau này, tôi được các trường, trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí mời dạy. Mỗi lần gặp gỡ sinh viên hoặc học viên, những kinh nghiệm tác nghiệp trong chiến tranh là câu chuyện hấp dẫn nhất đối với họ.

Gần đây giới thiệu chuyên đề về Lao động của nhà báo cho sinh viên trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, tôi nói rằng, đó là một nghề cao quý và đặc biệt. Cao quý bởi sứ mệnh của báo chí. Báo chí không chỉ là một kênh thông tin mà còn là một mặt trận. Nhà báo không chỉ là người đưa tin mà còn là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tôi truyền đạt cho học trò không chỉ bằng lý luận mà hơn thế bằng sự trải nghiệm, thực tiễn (thực tiễn ấy không chỉ đổi bằng mồ hôi mà đôi khi còn bằng xương máu nữa). Nghề báo là một nghề đặc biệt, bởi sản phẩm của nó liên quan đến xã hội, công chúng. Do vậy đòi hỏi người làm báo phải có cái tâm trong sáng, phải dũng cảm vượt qua khó khăn và cả sự cám dỗ để làm tròn sứ mệnh…

Những kỷ niệm một thời làm báo chiến trường còn y nguyên trong ký ức của tôi.

TP Hồ Chí Minh, tháng 6-2019


(*) Nguyên Phó Cục trưởng Cục Báo chí – Nguyên TBT báo SGGP