Hồ Chủ tịch – Khởi sắc một phong cách nghệ thuật văn chương

608

Nguyễn Tấn Thành

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không thích làm thơ vì đã sinh ra trong thời quốc phá gia vong: Ngâm thơ ta vốn không ham. Bác nghĩ, theo quan niệm thường tình xưa nay, làm thơ vịnh phú chủ yếu là để tả cảnh mây gió, trăng hoa, tuyết núi sông trong lúc nhàn nhã, nhằm thỏa mãn lòng yêu cảnh vật thiên nhiên của con người. Nhưng một hiện thực không ai có thể phủ nhận là mỗi khi Bác cầm cọ vẽ tranh hay đặt bút viết văn, làm thơ, dù tranh ký họa, văn xuôi hay văn vần, sáng tác nào của Bác cũng mang dấu ấn của một tác phẩm hoàn chỉnh có giá trị từ nội dung đến nghệ thuật. Ta tìm hiểu đặc điểm ở phong cách, bút pháp thể hiện trong tác phẩm của Bác, để học tập Bác làm nghệ thuật văn chương.

Ảnh chân dung Hồ Chủ tịch – Nguồn internet

Mỹ từ pháp (1), còn gọi Từ hoa (Rhétorique) là phương pháp sử dụng những từ ngữ đẹp, có nghĩa bóng bẩy, thâm thúy để diễn tả một ý nghĩa, một sự việc, khiến cho câu văn, lời thơ gây được cảm xúc mạnh mẽ không kém phần thú vị cho người đọc.  Nhìn chung, mỹ từ pháp gồm nhiều thể loại: tỉ lệ, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, biền ngẫu (phép đối), điệp ngữ, phép dùng điển cố, thậm xưng (cường điệu)… mà các bạn làm thơ đều biết. Những câu ca dao, tục ngữ khuyết danh tác giả và những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Việt Nam: Nguyễn Du (1766-1820), Nguyễn Trãi (1380-1442), Hàn Mặc Tử (1912-1940), Thế Lữ (1907-1989), Khái Hưng (1896-1947), Thẩm Thệ Hà (1923-2009)…; Trung Hoa: như Lý Bạch (701-762), Đỗ Phủ (712-770); Pháp: Victor Hugo (1802-1885), Lamartine (1790-1860), Paul Verlaine (1844-1896), Chateaubriand (1768-1848); của Đức: W.Goethe () hoặc của Nga Puskin () đều sử dụng từ hoa một cách hiệu quả trong tác phẩm của mình. Tìm hiểu sự nghiệp văn học nghệ thuật của Chủ tich Hồ Chí Minh, ta nhận thấy, tác phẩm nào của Bác cũng kết tinh phong cách độc đáo của một ngòi bút có tài năng đích thực trong đó Bác đều áp dụng tu từ.

Ta có thể kể từ vở kịch Con rồng tre (1922) (2), đến những tác phẩm nghị luận như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường kách mệnh(1926), bản Tuyên ngôn độc lập (1945), đến những bài thơ tứ tuyệt chữ Hán luật Đường trong tập thơ Nhật ký trong tù (1942-1943) và những bài thơ tiếng Việt theo đủ thể loại Bác sáng tác ra từ trước Cách Mạng Tháng Tám trong thời kỳ chống thực dân Pháp đến thời kỳ chống đế quốc Mỹ. Với Bác Hồ, ta đã nhận ra ngay nhan đề Con rồng tre của vở kịch cũng biết tác giả đã sâu sắc muốn ví von nhân vật chính của tác phẩm – vua Khải Đình bù nhìn – với một con rồng chỉ làm bằng một gốc tre khô cằn vô tri vô giác, chẳng có chút gì giá trị. Sự tinh tế trong nghệ thuật châm biếm vừa so sánh vừa đối lập: Con rồng tre của Bác khiến ta liên tưởng đến nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật “Tiến sĩ giấy”: khi cụ Tam Nguyên Yên Đỗ ví von tiến sĩ giấy: “Ghế tréo, lọng xanh, ngồi bảnh chọe/ Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi!” để ám chỉ bọn khoa bảng bất tài hữu danh vô thực trong xã hội.

Ngoài lối ẩn dụ, Bác Hồ còn dùng phép thậm xưng (cường điệu) để nhấn mạnh nồng độ ý nghĩa một sự việc. Trong “Tuyên ngôn độc lập” viết năm 1945, được coi là một áng thiên cổ hùng văn trong kho tàng văn chương Việt Nam thời chống Pháp và đọc tại quãng trường Ba Đình (2-9-1945), Bác đã tố cáo tội ác tày trời của thực dân Pháp trong việc tàn sát người dân Việt Nam yêu nước: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những biển máu”.

Phép tượng trưng được áp dụng nhiều bài thơ nổi tiếng: “Hòn đá nặng/ Hòn đá to/ Nhiều người nhắc/ Nhắc lên đặng” (Hòn đá), hay trong tư tưởng “…Vì sự nghiệp trăm năm, trồng người”…

Phép nhân hóa là liệu pháp coi sự vật cây cỏ vô tri như con người biết hành động, suy nghĩ, có tình cảm rất được đắc dụng bởi các văn thi sĩ nổi tiếng như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm (1705-1749), Tố Hữu (), Xuân Diệu (1916-1985), Chế Lan Viên (), Nguyễn Bính ()… Trong văn thơ Bác, ta dễ tìm gặp: “Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn” (Giải đi sớm); “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” (Ngắm trăng); “Xem sách, chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi” (Thơ tặng Bùi Bằng Đoàn). Hoặc “Núi ấp ôm mây, mây ấp núi” (Mới ra tù, tập leo núi). Đây là bài tứ tuyệt là một bức tranh đẹp, hay vào bậc nhất trong tập thơ Nhật ký trong tù. Nội dung bài thơ thể hiện tình cảm của thiên nhiên lẫn tình yêu của con người, trong đó nổi bật lên một chủ thể hiên ngang hào, rong không gian mênh mông lãng đãng sương khói Đường thi.

Phép dùng điển cố có ý mượn lại một chuyện xưa tích cũ trong sử sách được phổ biến để làm màu sắc thêm ý nghĩa câu thơ, đoạn văn: “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên” (Sáu mươi tuổi – năm 1950)…

Phép đối (biền ngẫu) sử dụng các ý nghĩa hay từ loại trong câu cho đối nhau để tạo nên nét đặc thù về ý nghĩa và âm điệu. Biện pháp nghệ thuật này, ta thường bắt gặp trong những bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật – câu 3 và 4 (cặp trạng), câu 5 và 6 (cặp luận). Trong thơ Bác, phương tiện mỹ từ này được áp dụng thành thạo có chủ đích: – “Non xa xa/ nước xa xa…/ Đây suối Lênin/ kia núi Mác” (Pắc Bó hùng vĩ  – Tháng 2-1941), “Sáng ra bờ suối/ tối vào hang” (Tức cảnh Pắc Bó – Tháng 2-1941), “Thi đua sản xuất/ chiến đấu xung phong” (Thơ mừng xuân 1966), – “Vì độc lập/ vì tự do” – “Đánh cho mỹ cút/ Đánh cho ngụy nhào” (Mừng xuân 1969)…

Biện pháp tu từ Bác Hồ hay sử dụng nhất – cũng như đa phần các văn thi sĩ quen thuộc trong văn học nước nhà là phép tỉ lệ (so sánh) trong câu văn hay câu thơ luôn có chữ như để đối chiếu trực tiếp tính cách tương tự mà ta rất dễ dàng phát hiện. – “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” (Cảnh khuya-1947), “Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng” (Mừng xuân 1964), “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa” (Mừng xuân 1967), “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” (Kêu gọi thiếu nhi-1941), “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng” (Thư Trung thu 1951), “Núi trọn như đầu bình vôi/ Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng…/Ơn Đảng như mẹ như cha” (Mở mang thủy lợi – 25-5-1958)… “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/ Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình” (Đảng ta – 5-1-1960)…

Điều ta có dịp phát hiện ra không kém phần thú vị là Bác hay dùng phép tương phản – về nội dung ý nghĩa và về chiến thuật bút pháp – trong khi làm thơ hay viết văn để gia tăng hiệu năng tác dụng và cảm xúc nơi người đọc: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao” (Nhật ký trong tù), “Ví không có buổi đông tàn, Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”, “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”… Trong áng thiên cổ hùng văn Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch, với cương vị lĩnh tụ của một quốc gia, như một nhà nghị luận sắc sảo và hùng hồn,Bác Hồ đã khéo léo sử dụng thủ pháp nghệ thuật gậy ông đập lưng ông (hay củi đậu nấu đậu) khi nêu ra trước các bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền (1791) của Pháp để làm luận cứ mà hùng hồn kết tội bọn xâm lược thực dân và đế quốc.

Tổng quan nhìn lại, chưa đề cập rộng lớn về giá trị nghệ thuật đến toàn bộ sự nghiệp văn chương, mỹ thuật, báo chí… của Bác Hồ, ta chỉ nói riêng về phương cách sử dụng mỹ từ pháp của Hồ Chủ tịch đã hình thành một vẻ đẹp trong sáng của thẩm mỹ học, và nét tinh tế của một ngòi bút điêu luyện, vừa truyền thống vừa hiện đại ở sự nghiệp văn học mang tính nhân văn đặc trưng và phong cách nghệ thuật độc đáo của Người. Ngưỡng mộ và kính trọng Hồ Chủ tịch, ta không chỉ đinh ninh một dạ theo gương sáng của Người về đạo đức, tác phong, cách làm việc mà còn học ở Người một bút pháp điêu luyện trong nghệ thuật hành văn, làm thơ. Sử dụng tu từ (từ hoa, mỹ từ pháp) trong tác phẩm văn học là thể hiện tính chuyên môn của mỹ học, là đạo đức của thẩm mỹ học. Bởi lẽ, Bác Hồ, như mọi người đã biết, trong cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như trong văn chương, đã là hiện thân sự sống đạo đức của một danh nhân văn hóa thế giới.

10.04.2020

N.T.T

(1) Tên một tác phẩm biên khảo về Mỹ từ pháp của nhà văn, nhà thơ, nhà giáo Thẩm Thệ Hà (1923-2009), nhà văn yêu nước đã sáng tác nhiều tác phẩm với thể loại đa dạng. Xem KTNN số 935 ngày 1-08-2016

(2) Con rồng tre là vở kịch nguyên tác bằng tiếng Pháp mà nhà báo Pháp Léo Poldes (1891-1970) đã cho công diễn, được Bác viết với mục đích đả kích vua Khải Định bù nhìn, nhân nhà vua được mời sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa tại Marseille (20-05-1922).