Khơi dòng chảy nghĩa tình

328

Đại tá – nhà văn Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thực ra đó là Cuộc thi viết, nhưng Ban Tổ chức (Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM – Hội Nhà văn TP HCM và Tạp chí Văn nghệ TP HCM) cân nhắc và quyết định gọi là Cuộc vận động viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ. Điều đó có nguyên do của nó, bởi nếu là cuộc thi buộc các tác giả phải “tranh tài”. Còn vận động viết mang tính “hiệu triệu” mọi người cùng tham gia nhằm tri ân và lan tỏa những tấm gương hy sinh vì đất nước; trong đó có những “trầm tích” mà bấy nay chưa ai biết đến. Có lẽ thế, ngay sau khi phát động (tháng 12/2021), các nhà văn, nhà thơ, bạn viết, trong đó có cả thân nhân liệt sĩ, thương binh, bà con ta đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã hưởng ứng nồng nhiệt.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức, đến hết tháng 9/2022, tức là chưa đầy 10 tháng đã có gần 150 tác giả gửi gần 200 tác phẩm về tham gia và hưởng ứng cuộc vận động. Ban sơ khảo do nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM làm Trưởng ban đã làm việc hết mình với tinh thần tri ân liệt sĩ, người có công với đất nước để chọn vào vòng chung khảo 20 tác phẩm của 20 tác giả. Ban chung khảo gồm những nhà văn có uy tín, là tác giả của nhiều tác phẩm được bạn đọc đánh giá cao về đề tài này đã làm việc một cách nghiêm túc, chọn ra những tác phẩm đủ tiêu chuẩn để trao giải thưởng.

Phải nói, viết về những người có công với đất nước; đặc biệt liệt sĩ, thương binh thật là một công việc đầy hứng thú, nhưng không ít khó khăn. Thứ nhất, cuộc đời cách mạng, sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh đã là tấm gương sáng, khó có ngòi bút nào có thể khắc họa đầy đủ được. Thứ hai, viết về họ – những liệt sĩ, thương binh và thân nhân của họ là viết người thật, việc thật; đòi hỏi người viết không chỉ có kỹ năng chuyên nghiệp mà còn phải có cái tâm, phải rung động thực sự trước cái đẹp, nhân văn ấy. Và, cũng có lẽ thế, gần 200 tác phẩm mà Ban Tổ chức nhận được đã có tính ước lệ, khái quát cao về tấm lòng và trách nhiệm của người đang sống với những người con ưu tú đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời mình cho đất nước. Mỗi tác giả, tác phẩm có cách tiếp cận riêng với mảng đề tài “chưa bao giờ cũ” này. Điều đáng trân trọng, các tác phẩm ấy đều cố gắng ở mức cao nhất nhằm khắc họa phẩm chất anh hùng, bản sắc Việt của mỗi công dân Việt Nam, dù họ là tướng lĩnh, chỉ huy hay là một người lính bình thường.

Đặc biệt hơn nữa, trong các tác phẩm ấy, hình ảnh các bà mẹ, người vợ, người yêu chiến sĩ – liệt sĩ với việc làm, suy nghĩ bình thường đã chạm vào trái tim người đọc. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Dung, người yêu của liệt sĩ Vũ Đình Tuấn, 1 trong 64 chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 (Nước mắt rơi khi trùng khơi cuộn sóng – Bùi Minh Tuệ). Đó là hành động anh hùng, bất khuất của Huỳnh Lan Khanh, con gái yêu của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Bị địch bắt đưa lên máy bay trực thăng, không khuất phục, Lan Khanh đã nhảy ra khỏi máy bay hy sinh nơi chiến khu Tây Ninh tết Mậu Thân năm 1968 (Thắm biếc một nhành lan – Nguyễn Minh Ngọc). Đó còn là cuộc chiến sinh tử của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam thuộc Trung đoàn 174 tại Cao Mê Lai (CPC). Nơi ấy sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, đó cũng chính là khoảnh khắc bừng sáng về tình đồng đội của những người lính Bộ đội Cụ Hồ (Cao Mê Lai, có ai còn nhớ? – Nguyễn Vũ Điền )…

Điều đáng trân trọng trong số các tác phẩm gửi về có nhiều tác giả không phải là người viết chuyên nghiệp. Với sự tri ân, họ viết về chính cha, mẹ, anh chị em ruột thịt của mình. Đó là tác giả Kiều Quốc Túy (sinh năm 1945) viết về cha mình là liệt sĩ Kiều Tấn Lập, nguyên giám đốc Sở Công an Nam Bộ, mẹ là Bà mẹ VNAH (Con gái nhớ thương, khâm phục và biết ơn ba). Đó là “Ngày đau thương đó” của Kim Quyên viết về cậu ruột mình – liệt sĩ Trần Văn Dần, Phó ban Tuyên giáo huyện Cái Bè (Tiền Giang). “Ngày đau thương đó” đã không phụ lòng người đi xa, các con của liệt sĩ Trần Văn Dần là Hà, Hải, Loan, Phượng đã trưởng thành nối gót truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương; trong đó có Bác sĩ Trần Văn Hải, hiện tại là Phó giám đốc bệnh viện Bình Dân.

Viết về thương binh liệt sĩ với các tác phẩm chạm vào trái tim, các bài viết tham gia cuộc vận động viết này còn khắc họa chân dung những người bạn chiến đấu đi tìm hài cốt và danh tính đồng đội. Đó là CCB Vũ Đình Luật trong tác phẩm “Chuyện về các chiến sĩ hy sinh trước thềm giải phóng” của Tuyết Dân; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Mặt trận 479 trong tác phẩm “Tinh thần Phù Đổng từ chiến tranh đến hòa bình” của Hoài Hương; CCB thương binh Đào Văn Quân với chiếc xe đạp cũ kỹ quanh năm đi tìm đồng đội (365 ngày đi tìm đồng đội – Vũ Minh Phúc )…

Điều đáng ghi nhận, do sự hấp dẫn của đề tài, bên cạnh những tác giả gửi bài “dự thi”, còn có sự hưởng ứng góp mặt của các tướng lĩnh, nhà văn, nhà báo nổi tiếng; đó là: Trung tướng Lưu Phước Lượng, Trung tướng PGS TS Nguyễn Đức Hải, Đại tá Mạc Phương Minh; các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh, Bích Ngân, Trình Quang Phú, Trầm Hương, Đỗ Viết Nghiệm, Trần Thế Tuyển, Lê Phi Hùng, Phan Tùng Sơn, Lê Kiên Thành… Những tác phẩm hưởng ứng ấy đã được chọn đăng trên tạp chí Văn nghệ TP HCM, báo QĐND, đặc san Linh Khí Quốc gia…, góp phần làm cho tập sách “chung cuộc” cuộc vận động đầy đặn như tràng hoa đặc sắc; đa hương tri ân liệt sĩ.Cuộc thi, cuộc vận động viết nào cũng có góc khuất không tránh khỏi. Tuy nhiên trong thời gian ngắn, kể từ khi phát động và với một đề tài “chưa bao giờ cũ”, cuộc vận động viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM – Hội Nhà văn TP HCM và Tạp chí Văn nghệ TP HCM tổ chức đã “cán đích” với sự vui mừng của BTC, BGK và những người thực hiện; đúng như nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, đồng Trưởng ban Tổ chức mong đợi: “Qua cuộc vận động viết này, chúng ta ước nguyện góp phần khơi dòng chảy nghĩa tình trong đời sống tinh thần xã hội đối với những người có công với đất nước. Đó cũng là món nợ và cơ duyên của người cầm viết hôm nay”.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2022

T.T.T