Khói un chiều – Truyện ngắn Trần Bảo Định

1162

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Non sông chính là quê hương, và ai cũng có quê hương để ngưỡng mộ, tôn thờ; để khắc vào lòng nỗi thương nhớ!”. Trên đường áp giải thủ lãnh Tân thành – Mỹ Quý về Mỹ Tho, Đại tá Rieuner sai lính mang thức ăn, nước uống tới… Phủ Cậu từ chối. Ông yêu cầu được cõng lên boong tàu.

Nhà văn Trần Bảo Định

Mình từ nguyên bản sinh ra
Đến khi chết chẳng thể là bản sao

Một.
Nằm nghe con nước Cổ Chiên vỗ bờ đêm, bà Năm Bố chánh sứ thao thức nhớ chồng (1), nhớ quê… Rồi, như những nét chấm phá thủy mặc tranh, bao hình bóng cũ chợt lan man, tản mạn về chồng bà Bố chánh sứ Trần Tuyên trong tâm trí người sương phụ.

Quê ông ở non Mai, quê bà ở sông Thạch Hãn (2) trên vùng đất Quảng Trị nghèo bạc tiền nhưng giàu nhơn nghĩa. Lúc sanh thời, ông thường nói: “Non sông chính là quê hương, và ai cũng có quê hương để ngưỡng mộ, tôn thờ; để khắc vào lòng nỗi thương nhớ!”. Mỗi lần nghe chồng nói vậy, bà nhớ dòng sông tuổi thơ mang tên Thạch Hãn đến cháy lòng. Bởi, do những tháng năm vất vả, gian truân để sanh tồn đã bào mòn con người ở xứ sở “mồ hôi của đá”. Nhưng, không vì vậy mà dòng sông thiếu thủy chung, thiếu tinh khiết:

“Không thơm cũng thể hương đàn
Không trong cũng thể nước (nguồn) Hàn (3) chảy ra”

Hồi đó, bà hỏi ông: “Vì sao, sông có nhiều tên?”. Ông nói: “Vì sông chảy qua nhiều vùng đất. Người dựa vào đất đặt tên sông, chớ sông có khi nào được tự đặt tên cho mình!”… Hiểu ngọn nguồn và thâm sâu, nên dù “áo mão cân đai” ở chốn quan trường, tâm hồn ông vẫn hoàn toàn thuộc về “thứ dân”, thuộc về Thạch Hãn: “Con sông được tạc hình lên Thuần đỉnh (một trong cửu đỉnh nơi Hoàng cung) và được liệt vào tích điển thờ trong triều đình…”. Vậy mà, giờ đây, ông đành đoạn sớm ra đi về cõi khác, bỏ bà ở lại một mình với hai con còn thơ dại. Trong đó, có thằng Hai mang chứng bịnh phong cùi.
– Ngủ đi má, khuya rồi!
Mạch quá khứ tâm tư bà Năm bị lời nhắc của cậu Hai cắt dòng chảy.
– Khuya rồi, ngủ đi con!
Bà Năm mượn lời con, nhắc lại con.

Nghĩa là từ đầu hôm tới giờ, cả hai má con đều cùng thức.
Cậu Hai bò dậy vén mùng, lết lần về phía cái bàn hình bán nguyệt kê sát mặt đất. Ngọn đèn dầu mù u hắt bóng cậu in lên tường nhà hình thù kỳ quái, như “con thú tật nguyền”. Căn bịnh phong cùi quái ác phát tác sau khi cậu đỗ cử nhơn khoa Tân Sửu (1841) trường Hương Gia Định, nên chỉ làm quan tri phủ Kiến Tường một thời gian ngắn rồi thôi. Cùng năm đó, cha cậu tử trận; má cậu vừa chịu tang chồng vừa gánh nỗi bất hạnh của con!

Đêm khuya hoắc.

Mấy khắc thời gian trôi qua, bà Năm nằm nghiêng ngó con ngồi tư lự, tự dưng nước mắt bà rơi thấm gối. Bà hiểu rằng, với người mắc phải phong cùi, chẳng chỉ đau nỗi đau thân xác mà còn đau nỗi đau tâm hồn khốc liệt. Mình mẩy lở loét, cùi cụt, hôi thúi… khiến mọi người, cả người thân đều muốn xa lánh. Nhiều lần, cậu Hai lạy má cho cậu cách ly gia đình để tự lo liệu cuộc sống. Mỗi lần như vậy, bà ôm con vào lòng: “Có người mẹ nào đành lòng bỏ con, nhứt là lúc con đang tuyệt vọng?”. Rồi, bà an ủi con:
“Người làng thương mến con nên mới gọi con là Phủ Cậu (4)”. Ngại con mặc cảm, bà thường dạy: “Phủ là vì con đàng hoàng lúc làm quan tri phủ, Cậu là bởi con xuất thân con quan, lại là quan thanh sạch, thương dân”. Bà luôn luôn rắn rỏi trước mặt con, cái rắn rỏi ngụy trang che giấu nỗi bi thương đầy ứ trong lòng người mẹ.

Bà đã hứa trước vong linh chồng: “Không để căn bịnh nan y xô ngã đứa con trai trưởng họ Trần rớt xuống vực sâu tận cùng của kiếp nhơn sanh!”. Và, bà mang cả mạng sống của mình mồi ý chí, nhơn phẩm làm người cho con vững tin đứng lên!

Hai.
– Thưa Chủ tướng! Đây là bản họa đồ đồn Cai Lậy dưới quyền chỉ huy của viên Đại úy Chasseriaux.
Sáu cận vệ trình lên Phủ Cậu.
Tháng Tám, trời chợt mưa chợt nắng, và con sông Tiền no nước Biển Hồ đổ về ngày một gấp gáp khiến các chi lưu sông Tiền dẫn phù sa tràn ngập mấy cánh đồng vào mùa nước nổi vây quanh Cai Lậy.

Thận trọng trải bản họa đồ, Phủ Cậu ngồi bệt xuống mặt đất thành Mỹ Quý (5) rồi ngó từng chi tiết, nghiền ngẫm chi li từng cung đường tiến thoái từ lúc khởi đầu đến lúc kết thúc trận đánh. Pháp không có cơ sở và cũng không ngờ, một người phong cùi đi đứng còn chưa vững lại có thể xông pha trận mạc (?).

Cõng Chủ tướng lên pháo đài góc thành phía Tây, Sáu cận vệ để Phủ Cậu nằm trên lưng mình quan sát địa hình địa vật hướng đồn Cai Lậy. Trong nắng chiều phôi phai, tự đáy lòng Phủ Cậu trào dâng niềm cảm hoài dấu tích người xưa. Mỹ Quý thuộc đất Ba Giồng đã từng là đại bản doanh của quân Đông Sơn dưới quyền chỉ huy Đỗ Thanh Nhơn, nhằm chống lại quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy.

Với tánh đa nghi và không chịu nổi bất kỳ ai lấn áp quyền uy của mình, Nguyễn Ánh lập mưu hạ sát Đỗ Thanh Nhơn khi sự nghiệp khôi phục nhà Nguyễn chưa thành. Trên nền đại bản doanh đầy máu và nước mắt quân Đông Sơn, Phủ Cậu cùng nghĩa binh và dân chúng đã miệt mài ngày đêm xây thành Mỹ Quý (6), mà Pháp gọi Tân thành; nghĩa là thành mới xây sau thành Chí Hòa. Phủ Cậu dẫu phế nhơn, nhưng không vì vậy mà ngồi yên nhìn giặc cướp nước; ông xin má cho ông ra chiến trường và má đã hài lòng, động viên con: “Dù thế nào thì trong huyết thống của con cũng có hào khí “non Mai sông Hãn”. Con trai má, nhớ lấy!”. Từ đó, má con Phủ Cậu rời Mỹ Thới, Vĩnh Bình (Vĩnh Long) đến Mỹ Quý, Cai Lậy (Định Tường), đem cái hùng tâm chống giặc cứu dân.

– Thưa Chủ tướng! Có Chánh quản đạo tìm Chủ tướng.
Viên trấn thủ pháo đài bẩm báo.

*
– Chào ngài Tri phủ!
Chánh quản đạo Võ Duy Dương thi lễ…

Phủ Cậu với hai phần ba thân bất toại nên mỗi khi ngồi là ngồi bật ngửa trên cái ghế bành đặc dụng dành riêng cho người mắc bịnh phong. Do đó, dù muốn ngăn Chánh Quản đạo thi lễ, Phủ Cậu cũng không có cách nào bước chưn xuống đất để can ngăn.
– Nầy, Thiên hộ Dương! Sao ông khách sáo vậy?

Trong ký ức buồn, cả hai nhớ lại cái chết bi tráng của Biện lý bộ binh Đỗ Thúc Tịnh trên đường nhận nhiệm vụ Tuần phủ Định Tường, sau khi thành Mỹ Tho lọt vào tay Pháp. Trước tình thế cấp bách “dầu sôi lửa bỏng”, dân chúng và các nghĩa sĩ nhứt loạt chọn Phủ Cậu làm Tri phủ, Thiên hộ Võ Duy Dương làm Chánh quản đạo và Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân làm Phó Quản đạo. Phủ Cậu nhẹ nhàng nói tiếp:
– Tụi mình cùng cảnh ngộ sống trên quê hương đã mất, là những người bằng hữu sinh tử chung chiến hào. Từ rày về sau, ông chỉ cần kêu tôi Phủ Cậu là đủ!

Thiên hộ Dương cảm kích tấm chơn tình Phủ Cậu. Phủ Cậu nói tiếp:
– Thực chất Mỹ Quý độc chiếm vị trí xung yếu ngăn chặn giặc Pháp xâm nhập vô địa bàn huyện Kiến Đăng tức Cai Lậy và tự nó, đảm đương vai trò trọng yếu chia cắt quân thù giữa thành Mỹ Tho với các tiền đồn phía Tây Định Tường; trong đó, có đồn Cai Lậy. Thiên hộ Dương chú tâm nghe Phủ Cậu lý giải, chợt nẩy ý:
– Trước khi đánh đồn Cai Lậy, theo thiển nghĩ của tôi, ta cần đưa quân quấy nhiễu và có thể cả tấn công các đồn Trung Lương, Rạch Rầm, Ba Rài… Nếu, điều kiện tác chiến cho phép, ta sẽ buộc Pháp kéo dãn và phân tán lực lượng để đối phó. Hiện nay, đồn Cai Lậy thiếu quân tập trung phòng thủ mạnh; tới lúc đó, thuận lợi giành thắng lợi thuộc về Phủ Cậu.

Phủ Cậu nhắc Sáu cận vệ rót rượu để ông mời bạn uống chén rượu tâm đồng.
– Vậy, phiền ông Thiên hộ nói lại với ông Thủ khoa Huân cùng gánh vác một vai dụng kế “nghi binh” từ đồn Bình Cách tới Ba Rài. Và, nếu cần thì nhờ tướng quân Trương Định ở Tân Hòa chia lửa.
– Việc đó, anh em tôi lo.
Thiên hộ Dương nhấn mạnh thêm:
– Và lo chu toàn!

Nắng ráng chiều, tiếng cười Phủ Cậu sảng khoái.
Song, khi thấy ánh mắt Thiên hộ Dương nhìn ông vẻ ái ngại, ông biết bạn lo lắng cho ông với thân thể tật nguyền lúc lâm trận sẽ vô cùng khó khăn? Mặt mày ông biến dạng, thoạt trông như mặt cọp trên cái hình thù cổ quái. Nghĩa sĩ và dân Mỹ Quý gọi người thủ lĩnh của mình: “Thú diện nhơn tâm”!
– Ông Thiên hộ chớ lo lắng, tứ chi của tôi từ lâu đã thuộc về Sáu cận vệ nầy!

Rồi, Phủ Cậu nói sơ qua đôi nét thân thế người vừa tâm phúc, vừa cận vệ của mình:
– Sáu, người xóm Dầu, Mỹ Tho; có họ tên cúng cơm đầy đủ Nguyễn Văn Dõng, là con thứ sáu trong gia đình đông con. Sáu là cháu ngoại Quản Tu, người đã dẫn quân mai phục giết chết viên Trung tá Bourdais (7) vào chiều ngày 10 tháng 4 năm 1861 tại vàm Bến Chùa (sông Bảo Định) khi chỉ huy pháo hạm Monge tiến đánh chiếm thành Mỹ Tho. Sáu sức vóc hơn người, võ nghệ tinh thông và tận tụy công việc vô hạn… Sáu cận vệ đã đem sanh mạng gìn giữ nghiêm ngặt, an toàn đầu não để guồng máy vận hành phong trào chống Pháp ở Tân thành – Mỹ Quý trơn tru, hiệu quả.

Thiên hộ Dương cảm khái trước người vệ sĩ có tấm lòng trượng phu, mà chắc gì các bậc trượng phu khác làm được.

Ba.
– Bà muốn sống thì phải kêu tên Phủ Cọp ra đầu thú Đại Pháp!
Viên thông ngôn dịch lời Chánh tham biện Mỹ Tho, Đại tá Desvaux.
Bà Năm im lặng, đứng dửng dưng coi như chẳng nghe gì cả.

Đại tá Desvaux tức giận, trán nổi gân xanh hình sợi dây thòng lọng chạm lông mày giống con sâu rọm bám lá mai. Hắn lặp đi lặp lại câu nói và bắt viên thông ngôn dịch tới dịch lui để bà Năm nghe hiểu trả lời.
– Bà có nghe tôi nói không?
Hắn đập mạnh tay xuống mặt bàn, báo hại mấy cái tách úp khay trà ngả nghiêng như thằng say rượu.
Bà điềm tĩnh nói:
– Người mẹ ở xứ tôi, không có thói quen biểu con đầu thú giặc!

Chẳng kềm chế nổi, hắn quất vào mặt bà mấy bạt tai và hình như chưa hả cơn thịnh nộ, hắn đạp bà té bật ngửa vô vách. Từ mép miệng và mũi, máu rỉ ra… ánh mắt người mẹ rực lửa. Hắn rùng mình, giựt bước thụt lùi… Bóng chiều chầm chậm trôi qua Tân thành – Mỹ Quý.

Hôm đó, giữa trùng vây quân thù, Sáu cận vệ liều mình cõng Chủ tướng mở đường máu chạy về cứ Bang Lềnh. Tới nơi, Sáu mệt muốn đứt hơi; nhưng bụng dạ vẫn vui, vì trời vẫn còn chìu lòng người yêu nước nên chưa đến đỗi đối xử cạn tàu ráo máng, tuyệt nọc!

Bang Lềnh bốn bề hoang dã, sình lầy: “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tựa bánh canh”. Những ngày Phủ Cậu giấu mình nơi đây, ông ngẩn ngơ nhớ mẹ, thẫn thờ lo lắng sự an nguy của mẹ và ngong ngóng tin tức từ Mỹ Quý đưa về.

Mùa nước nổi, bông điên điển vàng rực cánh đồng.
Nhấp nhô những chiếc xuồng nhảy sóng như những chiếc lá tre dập dềnh trôi… Quê hương Phủ Cậu đẹp vô ngần và cái đẹp vô ngần đó đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương trong tâm hồn Phủ Cậu. Chẳng khác bao người con xứ sở Nam Kỳ, khi gót giày xâm lược dẫm lên đất Gia Định thì mọi từng lớp con dân kết đoàn chống giặc, dù biết rằng giặc mạnh gấp trăm lần, dù biết rằng võ khí thô sơ đối đầu võ khí hiện đại. Phủ Cậu xuất thân con quan, lại là kẻ sĩ; kẻ sĩ Gia Định không được “hèn với giặc, bỏ rơi dân”, mà phải: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi). Ông thấm nhuần “đại nghĩa”, “chí nhân” của người xưa, nên đã cùng nghĩa quân liên tiếp hai lần công đồn Cai Lậy (8) khiến Đồn trưởng Đại úy Chassériau và đám thủy quân lục chiến xấc bấc xang bang. Đã vậy, Phủ Cậu còn phối hợp quân với nghĩa binh Thiên hộ Dương, Thủ khoa Huân đồng loạt tấn công đồn Kỳ Hôn, Trung Lương, Rạch Gầm (9)… đã đè bẹp tính tự tôn, thói kiêu ngạo của viên Đại tá Desvaux.
Sáu cận vệ và đoàn tùy tùng chống xuồng đưa Chủ tướng chuyển cứ tới Mỹ Trang.

Đêm quê nhà, súng quân thù nổ vu vơ!
Mấy ngày rồi, Phủ Cậu cử người dò la tin tức mẹ, chưa thấy động tịnh gì. Ông cố cầm nước mắt, nhưng chẳng đặng. Trong giấc ngủ chiến trường, hằng hà sa số kỷ niệm mẹ con nhắc nhớ một thời thơ ấu êm đềm bên dòng Cửu Long Giang và những lời mẹ dạy, mẹ ru, mẹ hò… rót tình quê thấm vào lòng trẻ. Có lần, hai mẹ con tắm giặt ở bến sông, lúc khỏa nước kỳ cọ lưng con, mẹ nói:
– Gốc gác con thuộc về non Mai sông Hãn. Non sông biểu tượng đất nước, ba con nhiều lần nói với má như vậy. Cổ nhân thường dựa thế đất mà định Hình, dùng âm dương bát quái suy đoán lành dữ mà định Khí. Nếu Trời là nơi quy định số phận sống chết, sướng khổ con người thì Đất là nơi con người phải sống phụ thuộc suốt đời đói no, hung kiết. Với Nước thì ngược lại, Nước nuôi Người, nuôi Đất, nuôi Trời. Thiếu hoặc mất Nước, thì bất luận Người – Đất – Trời đều tiêu vong như nhau. Ba con còn ân cần dặn má: “Đừng thấy nước Cửu Long Giang mỗi năm một mùa nước nổi tràn sông, ngập đồng linh láng như biển cả mà đối xử tệ bạc hoặc phung phí nước. Rồi, sẽ có lúc mất nước trơ đáy sông, nếu một mai con người không biết chung tay hay hững hờ gìn giữ nước!”.

Ngày đó, tuy ông chưa là cử nhơn, song ông cũng đã nhận biết điều quan trọng nhứt của nước chính là nguồn mạch, nơi nước chảy vô chảy ra. Nước có nước tốt, nước xấu: “Nước tốt sanh của cải, bảo tồn đời sống cho người và vạn vật. Nguồn nước vươn xa, dù quanh co khúc khuỷu vẫn nhớ nguồn quay vòng lại và chứa mạch ngầm để không bao giờ cạn nước. Nước xấu là nước có mùi hôi thúi đổ ào ào, xông tới xâm lấn nguồn nước đang thanh bình, trong sạch”.

Phủ Cậu lầm thầm:
– Ta vốn an phận tật nguyền, muốn sống thanh sạch giữa dòng nước hiền hòa nơi thôn xóm. Nhưng ngặt nỗi, thằng giặc hung hãn và ngang ngược xua quân cướp nước, buộc ta phải dùng gươm cứu lấy nước!

*
– Thưa Chủ tướng! Giặc treo cụ bà trên tháp pháo đài phía Tây thành (10).

Phủ Cậu điếng người, toàn thân run lẩy bẩy khi nghe Sáu cận vệ báo hung tin.

Đại tá Desvaux bắn tiếng: “Muốn cứu mẹ thoát chết, Phủ Cậu phải chấp nhận ra đầu thú”. Một đồn mười, mười đồn trăm… Cứ thế, chẳng mấy chốc tin đó lan truyền khắp trong dân.

Phủ Cậu lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: “Đầu thú hay không đầu thú? Cứu má hay không cứu má?”. Mùa mưa, đồng nổi nước. Nước lạnh cóng, nước lấp xấp muốn liếm cái võng tre Phủ Cậu nằm; vậy mà, Phủ Cậu nóng sốt li bì, mê sảng, và hình như trong mê sảng, ông nghe tiếng mẹ vọng về: “Tình nhà, nợ nước! Khi buộc phải chọn lựa, con của má hãy can đảm gác tình nhà, đền nợ nước”.

Phủ Cậu nằm sấp úp mặt xuống đất, quay đầu về hướng Tân thành tạ lỗi cùng mẹ: “Lạy má! Má tha tội bất hiếu cho con!”.

Mùi đất nước quyện lòng, kẻ sĩ khoa bảng trở thành dõng sĩ: “Má ơi! Con của má không quên nợ nước!”.

Đã hai hôm trôi qua, bà Năm vẫn trắm trơ trắm trất, chẳng thèm đếm xỉa tới yêu sách và kỳ hạn buộc bà kêu gọi Phủ Cậu đầu thú. Đại tá Desvaux không đủ kiên nhẫn chờ đợi, hắn nổi thú tính đánh đập bà dù bà đang bị treo lủng lẳng.
– Sao? Bà có chịu làm theo lời tôi không?

Hắn gằn từng tiếng, từng tiếng một.

Viên thông ngôn có vẻ hốt hoảng, bởi chó theo chủ nên chó rành nết chủ. Đó là, bộc lộ hiện tượng hành động tàn ác của Đại tá Desvaux sắp xảy ra.

Bà Năm tỉnh rụi, rồi chậm rãi bà nhắc lại lời nói từ hai hôm trước:
– Người mẹ ở xứ tôi, không có thói quen biểu con đầu thú giặc!

Đại tá Desvaux trừng mắt, những đường chỉ máu mắt đỏ sọc. Hắn trở báng súng đánh ống chưn bà. Bà nghiến răng, ngước mặt ngó trời, không một tiếng kêu than. Sợi dây thừng treo bà trên tháp pháo đài đong đưa gió. Từ trên cao vời vợi, bà nhìn thấy quê hương bà chưa bao giờ đẹp như hôm nay, và ở cuối chưn mây nhòa trong nắng, bà tin có đứa con yêu dấu đang làm theo lời mẹ dặn. Bất giác, bà mỉm cười! Thấy bà mỉm cười, hắn điên tiết thẳng tay quất gậy vào thân xác người đàn bà đã mỏn hơi tàn lực. Uất hận, bà cố nói để viên thông ngôn dịch lại cho hắn nghe:
– Chim muông còn không chịu làm “chim mồi” để người bẫy bắt đồng loại. Ta là người, lại là người mẹ, làm sao ta dám làm cái chuyện vô luân… biến thành mồi dẫn dụ con cho kẻ thù bắt?

Hắn nả đạn từng cú một, sợi dây thừng giựt từng hồi… Bà giãy giụa, nghẽo đầu, máu rơi thấm ướt đất. Dường như hắn run tay, đầu nòng súng nhả làn khói mong manh đầy nghiệp báo! Và, liền sau đó, hắn vội ra lịnh rút quân (11).
Thi thể bà Năm bấy nhầy vết đạn thù, lơ lửng treo trên tường thành Mỹ Quý loang lổ đạn pháo!

Tư.
Phủ Cậu mật nghị với Thiên hộ Dương, Thủ khoa Huân; và đồng thời, mở chiến dịch tập kích quân Pháp trên khắp các mặt trận: Cai Lậy, Cái Thia, Cái Bè, Rạch Gầm, Trung Lương, Tân Lý,… khiến Đại tá Desvaux và quân viễn chinh Pháp “thất điên bát đảo”, suốt mấy tháng cuối cùng của năm 1861.
Nhiều lần, Đại tá Desvaux đau đầu bởi cách đánh nhỏ lẻ quấy nhiễu nhưng “thiên la địa võng” tinh nhuệ và đầy mưu trí của nghĩa quân. Hắn thường phàn nàn với Đại tá Rieuner: “Hồi đánh thành Mỹ Tho, khi phải đối mặt với hai mũi tiến công của quân ta, viên Tổng đốc Nguyễn Công Thành, Án sát Huỳnh Mẫn Đạt đều bỏ trốn; Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành, Phó Đề đốc Đặng Đức hoảng loạn rút vào thành và rồi, cuối cùng cũng chạy tháo thân (12). Vậy mà, giờ đây, Phủ Cậu chỉ là kẻ ứng nghĩa… Và, chẳng những không quy hàng cứu mẹ mà còn liên tục áp lực gây khốn đốn cho ta. Đại tá có kế gì?”. Đại tá Rieuner im lặng, miệng không rời dọc tẩu màu cánh gián.

Cái chết bi tráng của bà Năm đã là lời hiệu triệu tràn đầy uy lực đánh quân xâm lược không chi bằng. Cái ác không làm nản lòng khiếp sợ. Tất cả nghĩa binh đều để tang mẹ Chủ tướng và thề trả thù!

*
Mỹ Trang chiều xuân.
Đại tá Rieuner mắt xanh màu ve chai, màu nước dơ ở rừng tràm lưu niên, ra lịnh chặt đôi chưn, hai cánh tay của Sáu cận vệ. Bởi, với hắn, Sáu cận vệ đã nối đôi chưn, chấp hai cánh tay mình hiến dâng cho Phủ Cậu. Người dõng sĩ xóm Dầu không hổ danh trai Định Tường thời loạn, Sáu cận vệ bình thản trước cặp mắt cú vọ, lấm lét của viên Đại tá. Sáu đón nhận cực hình, trút máu mình tưới đất quê hương trước khi trút hơi thở cuối cùng. Đại tá Rieuner cúi mặt, bỏ đi!
Cái chết của người cận vệ thật lẫm liệt, thật anh hùng… Phủ Cậu nghe trái tim đau nhói như ngàn muối xát, kim đâm.

Quân viễn chinh Pháp dưới quyền chỉ huy Đại tá Rieuner bất ngờ bao vây, chia cắt Cai Lậy – Cái Bè, rồi đánh úp vô căn cứ Mỹ Trang (13). Phủ Cậu cùng nghĩa binh chống trả quyết liệt, đánh “giáp lá cà”…Toàn bộ nghĩa binh đền nợ nước. Phủ Cậu và cận vệ sáu người bị giặc bắt.
Đại tá Rieuner hỏi cung Phủ Cậu ngay tại mặt trận:
– Đồng đảng ngươi còn bao nhiêu tên, ở đâu?
Phủ Cậu khịt mũi, nước dãi xanh lè.
Hắn nhịp nhịp ba-toong in dấu lên mặt đất, hỏi tiếp:
– Mấy tên Thiên hộ Dương, Thủ khoa Huân đang trốn đâu?
– Đi cướp nước người, nghĩa là đi cướp nguồn sống của dân tộc khác, kẻ cướp không trốn thì thôi, mắc mớ chi ông Thiên, ông Thủ phải trốn?

Đại tá Rieuner đỏ mặt, xông tới.
Phủ Cậu cười.
Nụ cười khiến hắn chùn chưn, vì cả đời binh nghiệp, hắn chưa từng thấy người chiến binh nào trầm tĩnh, can trường như vậy khi bị đối phương bắt!
Bịnh phong đã lần hồi ngoạm mất mười ngón tay trên hai bàn tay và Phủ Cậu giờ chỉ còn lại đôi cùi tay với khuôn mặt dị dạng mặt cọp. Hắn chần chừ, tiến tới không xong, thối lui chẳng đặng; bởi ánh mắt Phủ Cậu làm hắn bị khớp đèn. Hắn cúi gầm mặt, ra lịnh thuộc hạ khiêng Phủ Cậu xuống tàu chiến.

Con sông Tiền quằn mình dưới những đợt sóng rẽ nước của mũi tàu giặc, báo hiệu ngày tháng êm đềm nơi quê nhà đã hết. Thân “cá chậu chim lồng”, bên tai Phủ Cậu còn văng vẳng lời mẹ nói:
“Non sông chính là quê hương, và ai cũng có quê hương để ngưỡng mộ, tôn thờ; để khắc vào lòng nỗi thương nhớ!”.
Trên đường áp giải thủ lãnh Tân thành – Mỹ Quý về Mỹ Tho, Đại tá Rieuner sai lính mang thức ăn, nước uống tới… Phủ Cậu từ chối. Ông yêu cầu được cõng lên boong tàu.

Hoàng hôn trải lớp sương mờ trên mặt sông và trong lớp sương mờ đó, Phủ Cậu nghe tiếng mẹ dặn dò: “… Khi buộc phải chọn lựa, con của má hãy can đảm gác tình nhà, đền nợ nước!”…
“Má ơi! Con của má, đi tìm má đây!” (14)
Viên sĩ quan thuộc cấp run bước vấp ngã, lắp bắp báo cáo:
– Ph…ủ… C…â ậ…u… cắ…n… l…ưư…ỡi…!
– Cái gì? Ngươi… nói cái gì?
Đại tá Rieuner hốt hoảng chạy lên boong tàu.

Từ khóe miệng Phủ Cậu, máu chảy thành giọt rơi tí tách xuống sàn tàu, mắt trừng uất hận…
Hắn hoảng loạn, liệng dọc tẩu xuống sông, chưn bước thụt lùi… thục lùi, và miệng la hét như thể động kinh!
Xa xa… đàn cò qua sông chiều về tổ!

T.B.Đ

1. Bố chánh sứ Vĩnh Long Trần Tuyên (1801-1841) nguyên quán Quảng Trị. Đêm 17 rạng 18 tháng 3 năm Tân Sửu (1841) ông tử trận tại Ô – Đùng, dân lập đền thờ nơi ông tử trận. Ngày 25 tháng 7 năm Ất Sửu (12.9.1925), vua Khải Định sắc phong ông làm Thần hoàng làng (Theo Vĩnh Trường: Sự hình thành đất Nam Kỳ tỉnh lục và tỉnh Trà Vinh).
2. “Núi Mai Lĩnh ở phía Tây huyện Thành Hóa… Năm Minh Mạng thứ 11, đắp lũy đất gọi là thành Vĩnh Ninh, năm thứ 12 đổi thành phủ Cam Lộ”. “Một dòng sông lớn từ phường Mai Lĩnh ở thượng nguồn chảy xuống vòng lên phía Bắc đến địa phận xã Thạch Hãn, rải rác từng đoạn có những gồ đá chắn ngang dòng cho nên có tên Hãn giang”. (Theo sách Đại Nam nhất thống chí – Quốc sử quán triều Nguyễn).
3. Nguyên tên trước kia là Thạch Hàn [石瀚].
4. Trần Xuân Hòa (? – 1862), con của Bố chánh sứ Vĩnh Long Trần Tuyên. Ngày 6.1.1862, ông bị quân Pháp bắt khi đang cùng nghĩa sĩ đánh trả quân thù ở Định Tường và sau đó, ông cắn lưỡi tự tử.
5. Nay thuộc ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
6. Thành Mỹ Quý dài khoảng 130m, ngang 50-60m. Cách thành khoảng 500m là lũy tre dày đặc; kế đến là hệ thống hào sâu 3m, rộng 4-5m, dưới hào có cắm chông tre. Tường thành dày 3-4m, cao hơn 3m. Bốn góc thành có bốn pháo đài, và trên đó có bốn khẩu thần công hướng ra bốn phía.
7. GS. Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), tr.279, Nxb Tp.HCM, 2002.
8. Đêm 25.8 và đêm 29.8.1861.
9. Đêm 4.9.1861.
10. Ngày 25.9.1861.
11. Ngày 28.9.1861.
12. Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn, Án sát Huỳnh Mẫn Đạt chạy về Kiến Đăng (phủ Kiến An, Định Tường). Trưa ngày 12.4.1861, Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành ra lịnh thiêu hủy toàn bộ kho tàng, tài liệu… rồi cùng Phó Đề đốc Đặng Đức rút chạy về Vĩnh Long, trước khi quân Pháp chiếm thành lúc 1 giờ 30 phút, ngày 12.4.1861.
3. Ngày 6.1.1862
14. Giặc Pháp bêu đầu Phủ Cậu (Trần Xuân Hòa) và 6 nghĩa binh tại chợ Thuộc Nhiêu. Rồi, sau đó, giặc chôn đầu ông cùng 6 nghĩa binh chung nấm mồ ở khu vực Cầu Dền (gần chợ Thuộc Nhiêu, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và dân gian sở tại gọi là “Mả bảy Ông”. Được biết, năm 1964, chính quyền Sài Gòn lập ấp Tân Sinh (thay ấp chiến lược) đã san bằng “Mả bảy Ông”, và nay không còn vết tích.