Khuôn nhạc tuổi thơ – Tùy bút của Lại Thị Ngọc Huệ

494

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xa quê, chợt nhận ra cái gì càng nhỏ bé lại càng gợi nỗi nhớ chơi vơi, nhớ cồn cào. Nhớ nửa trái xoài chín vàng ươm con chào mào để lại, nhớ bông súng tím nở bung trên cánh đồng ngày lũ, nhớ cả mùi nước nồng cay xộc thẳng lên mũi mỗi lần sặc nước… Nỗi nhớ lửng lơ đưa tâm hồn lơ lửng, nửa như muốn bay cao, muốn thoát buộc ràng mà thỏa thuê bao ước vọng, nửa như nó mặc tình cho mấy sợi dây mảnh đen đen vắt ngang khoảng trời trước mặt treo mình chênh vênh trên ấy.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Cũng là vài sợi dây cắt bầu trời làm hai nửa mà ở mỗi nơi cảm nhận lại khác hẳn nhau. Phải chăng tất cả cũng chỉ bởi tâm trạng người nhìn. Ở chốn xa xôi kia, đó là cả khoảng trời tuổi thơ, chất chứa những nghĩ suy khờ dại, những mong ước ngây ngô cùng niềm vui nho nhỏ mà hồn nhiên. Còn ở đây, vẫn trời, vẫn những sợi dây, những chiếc cột, nhưng nó đơn giản chỉ là nó, là những thứ in hằn lên bầu trời màu tro xám, lạnh và buồn. Hạt mưa nhẹ rơi, đọng lại trên đường những vũng nước nho nhỏ, thi thoảng gợn lên đôi vòng sóng bạc. Từng nghe ai đó bảo rằng chỉ cần qua cách nhìn một vũng nước sẽ có thể đánh giá tâm hồn một người. Người thực tế chỉ thấy những bùn đất, thấy sự thiếu thốn hoặc xuống cấp của cơ sở hạ tầng. Người có tầm nhìn sẽ đọc ra từ đó bao dự định, bao kế hoạch, dự án rồi đầu tư. Còn người nghệ sĩ, họ thấy cả một bầu trời bao la, trong xanh với những cụm mây bồng, và đôi khi có cả sắc cầu vồng. Tôi không phải là người nghệ sĩ, cũng chẳng có tâm hồn nghệ sĩ, vũng nước kia chỉ có thể phản chiếu cho tôi những thứ bên trên nó mà thôi. Đó là một bầu trời xám lợt sau mưa với những đường dây điện chạy dài…

Lúc nhỏ, khi đã phần nào có đủ những cảm nhận, tôi thường hay gọi những người thợ điện là những nhạc sĩ tài hoa và độc đáo mà không một người nhạc sĩ nào có thể làm ra những bản nhạc như họ. Họ căng ngang giữa trời những sợi dây thẳng tắp như cầm bút vẽ lên trang giấy một khuôn nhạc ngọt ngào. Họ không vẽ lên ấy những nốt nhạc trầm bổng, những quãng, những thứ khác… nhưng bản nhạc vẫn được hòa tấu, tạo nên những giai điệu vui tai. Tôi gọi những chú chim mỏi cánh dừng chân nghỉ lại trên đó là những chàng nghệ sĩ đồng sáng tác. Các chú vừa là nốt nhạc sinh động trên khuôn nhạc độc đáo kia, vừa là người nghệ sĩ hát lên giai điệu của riêng mình. Bởi vậy, bản nhạc của thiên nhiên là muôn ngàn khúc ca, có trùng nhưng chưa bao giờ lặp. Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, những nốt nhạc ngân nga trầm bỗng ấy chỉ kết thúc khi hoàng hôn rủ xuống nhân gian chiếc áo choàng đỏ thẫm sắc cam. Vậy mà, hôm nay, khi đứng giữa tầng năm nơi lớp học, chờ mãi, chờ mãi cũng chỉ có một nốt Mi buồn rười rượi, khẽ khàng đậu rồi vội vã mất hút sau những hàng cây phía xa xa…

Phải chăng những tòa nhà cao tầng đã gỡ mất khỏi khuôn nhạc một vài đường kẻ, làm rụng rơi bao nốt bỗng trầm hay bởi do ở cái nơi thân quen mà xa lạ này vốn không có khuôn nhạc của tuổi thơ tôi? Có cái gì mằn mặn như tiếc nuối trượt qua môi, trôi nhanh theo cánh nguyệt quế vừa bị gió cuốn bay…

Buồn nhỉ! Khoảng trời vô tận ấy vẫn ở trước mặt tôi, vẫn trong xanh, vẫn cao và xa quá đỗi. Vậy mà tâm hồn tôi lại chẳng thể tìm một chút thân thuộc dù là mong manh nhất. Nốt nhạc bé bổng của tôi đã chết rồi, có ai thương xót mà ngâm cho chúng một bài ai điếu?

Người ta nói, dây điện nối văn minh, nối dài những kỉ nguyên ánh sáng. Với tôi thì đơn giản hơn, chúng là những sợi chỉ mành ai đó nghịch ngợm cuốn quanh Trái Đất. Trạng Nguyễn Hiền ngày xưa buộc chỉ ngang lưng kiến càng để xỏ xuyên qua vỏ ốc, còn tôi ngày nay, mượn sợi chỉ vô tình vắt ngang cánh chim mỏi cuối ngày để vá nhờ tâm hồn mong manh mới lớn. Tôi giấu thời gian giữ lại cho mình một chút ngòn ngọt tuổi thơ như một chiếc vé thông hành bước vào chuyến tàu kí ức, để tôi có thể một lần được trở lại nơi ấy, một lần lại được lắng nghe bản nhạc muôn đời chẳng trùng giai điệu tấu lên từ những chú chim đậu trên đường dây điện.

Lại nhớ ngày xưa, cái ngày mà tâm hồn bé thơ còn ôm ấp bao khát vọng phiêu lưu. Tôi bé xíu ngước nhìn bầu trời bao la, tự hỏi không biết khi mình bước đi men theo đường dây điện thì liệu rằng có thể đến đâu. Phải chăng sẽ đến vương quốc của người cá, của những nàng tiên? Tất nhiên, tôi chưa từng thử làm điều đó nhưng trí tưởng tượng tuổi thơ đã hơn một lần lạc vào thế giới thần tiên của những nghĩ suy. Hơn chục năm sau, nghĩa là tôi của bây giờ, đứng giữa lầu cao và lại một lần tự hỏi, đường dây kia, nếu mình bước lên, đi mãi, đi mãi thì có được về nhà? Những ước mơ về xứ thần tiên ngày nào bao la rộng lớn giờ thu bé lại, nhỏ xíu xiu chỉ còn gói gọn trong một chữ “nhà”. Ừ thì từng ấy thời gian vẫn không thể biến đứa trẻ ngây ngô, thích mơ mộng trong tôi lớn thêm được chút nào. Nhưng tôi lại thấy mừng vì điều ấy, mừng như Pinochio được hóa thành người nhờ phép màu của nàng tiên xanh.

Người ta chỉ ngồi hàng giờ ngắm sao chứ chẳng ai như tôi, bỏ ra từng ấy thời gian để ngắm đường dây điện. Thật ra không hẳn tôi ngắm dây điện, chẳng qua tôi đang chờ. Tôi chờ cánh chim se sẻ mệt nhoài ghé lại dừng chân, cất tiếng giúp tôi vẽ nên nốt nhạc tuổi thơ. Một nốt thôi rồi bay đi tôi cũng thỏa lòng. Làm người ai chẳng tham, mặc dù nói một nốt thôi nhưng sâu thẳm trong lòng vẫn cứ mong sẽ có nhiều, nhiều… và nhiều hơn nữa. Nếu được vậy chắc hẳn tôi sẽ vui cả ngày. Giống như đang cuộn mình trong chăn trốn cái lạnh ngày đông, chợt đâu đó vẳng lại lời rao như quen như lạ: “Ai kẹo kéo…”. Nghe ấm nồng như ai vừa góp gom một chút mát thanh của cơn gió tuổi thơ thổi căng trái bong bóng nhỏ, thả vào khoảng trời hồn tôi…

Trái bóng nhỏ đầy màu sắc khẽ đung đưa, tôi thích thú đưa tay ra đón. Tiếc thay, nó như đứa bé con tinh nghịch, cứ mãi xuất hiện trước mắt tôi nhưng không cho tôi bắt lấy. Rồi bong bóng mãi bay xa, bay mãi, chỉ còn để lại phía sau một niềm tiếc nuối và một khoảng không tĩnh lặng đến vô cùng.

Khuôn nhạc tuổi thơ của tôi đâu rồi chứ?

L.T.N.H