Kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh Ernest Hemingway (7/1899 – 7/2019): ILYA ERENBURG KỂ VỀ ERNEST HEMINGWAY (từ Hồi ký “Con người, năm tháng, cuộc đời” của I.Erenburg)

777

Tô Hoàng (chọn dịch)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi học được ở Hemingway rất nhiều điều. Trước ông, các nhà văn thường kể chuyện về con người, đôi khi kể rất xuất sắc. Nhưng Hemingway không bao giờ kể mà là thể hiện về họ. Ở chính điểm này tìm ra lời giải thích ảnh hưởng của ông đối với các nhà văn ở các nước khác nhau. Không phải mọi nhà văn đều yêu thích ông, nhưng rõ ràng tất cả bọn họ đều phải học ông.

Nhà văn Ernest Hemingway

Hemingway trẻ hơn tôi 8 tuổi, và tôi đã sửng sốt khi nghe ông kể lại chuyện ông đã từng sống ở Paris vào đầu những năm 1920, hệt như tôi đã sống ở đó 8 năm trước, khi tôi ngồi tại quán cà phê “Selekte” –bên cạnh quán “Rotonda” để ước ao những mẩu bánh mì sớm mai thơm phưng phức. Tôi ngạc nhiên vì vào năm 1922, tôi có cảm tưởng những năm tháng anh hùng của Monpanas đã lùi về phía sau và tại quán “Selekte” đang nhâm nhi nhũng tách cà phê nóng hổi là những khách du lịch giàu có người Mỹ. Hóa ra vào thời điểm ấy còn ngồi đó cả chàng trai Hemingway bụng đói mà vẫn cắm cúi làm thơ và nghĩ ngợi về cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình.

Hồi tưởng lại quá khứ, tôi và ông nhận ra rằng chúng tôi có những người bạn chung: nhà thơ Blez Sandra, họa sỹ Paskin. Hai người bạn này có gì đó giống với Hemingway, có lẽ cũng vì có cuộc sống sục sôi; cũng có lẽ đều mê đắm chạy đuổi theo tình yêu, sự hiểm nguy, cái chết.

Hemingway tính tình vui vẻ, gắn bó máu thịt với cuộc sống, có thể kể hết giờ này qua giờ khác về một con cá to chưa từng thấy bơi sát bờ biển Florida; về những trận đấu bò tót; về những niềm mê say đủ kiểu, đủ loại của mình…

Một lần, Hemingway đột ngột dừng ngang câu chuyện cá mú, và nói: “Dẫu sao thì trong cuộc sống cũng có những ý nghĩa nào đó… Lúc này tôi đang nghĩ về phẩm giá của con người. Hôm kia, gần thành phố Trường Đại học một người Mỹ đã bị giết. Anh ta đã hai lần đến thăm tôi. Một chàng sinh viên… Chúng tôi nói Chúa trời biết tới những điều gì, biết về thơ ca, sau đó biết tới những chiếc xúc xích nóng hôi hổi. Tôi đã có ý định giới thiệu chàng thanh niên này với anh. Cậu ta nói rất hay như thế này: Còn gì đáng phỉ nhổ hơn chiến tranh. Nhưng chính ở chiến lũy Madrid này tôi bỗng hiểu vì sao tôi sinh ra. Phải xua đuổi chiến tranh ra khỏi Madrid – Im lặng một lát, Hemingway nói thêm – Anh thấy đấy, muốn buông bỏ vũ khí đâu có dễ!”.

Tôi nhớ thêm một cuộc đàm đạo khác. Hemingway nói rằng: “Những nhà phê bình nếu không phải là những thằng ngu thì cũng là những thằng giả vờ ngu. Tôi đã đọc thấy họ viết tất cả các nhân vật của tôi đều là những con bệnh tâm thần. Làm sao khác được khi cuộc sống chó má đến như vậy. Nói chung ra, họ bị coi là tâm thần khi những điều quá xấu xa chất lên đầu lên vai họ. Con bò tót trên đấu trường quả là thần kinh không bình thường, nhưng khi được thả về đồng cỏ nó hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh. Vấn đề là ở đó!”

Vào cuối năm 1937 từ Teruely tôi trở lại Barselona. Dọc bờ biển những cây cam đã nở hoa. Nhưng ở Teruely chúng tôi vẫn thấy cóng buốt, hắt hơi liên tục. Trên xe đến Barselona bị xe dằn sóc mạnh hóa ra lại ngủ rất say. Tôi chỉ bừng tỉnh khi có ai đó lay mạnh vai tôi. Hemingway xuất hiện ngay trước mặt: “Sao, chọn Teruely à? – Hemingway nói – Mình tới đây với Kapa!”. Trên bậu cửa là bạn tôi, nhà nhiếp ảnh Kapa (Anh đã hy sinh trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương). Tôi đáp: “Tôi không quyết định. Hình như mọi chuyện đã khá hơn… Mọi người nói rằng bọn phát xít đang điều động thêm quân dự bị”. Tôi bừng tỉnh hẳn, rướn mắt ngạc nhiên nhìn Hemingway, ông vận trên mình trang phục mùa hè. “Anh diên rồi sao? Vẫn còn lạnh cắt da cắt thịt”. Nhà văn cất tiếng cười: “Mình biết tự sưởi ấm chứ!”, vừa nói ông vừa kéo từ chiếc túi hộp phía sau quần ra chai rượu uytxky. Nom ông tỉnh táo, cười liên tục: “Tất nhiên còn khó khăn… Nhưng dẫu sao bọn phát xít cũng đang bị sé lẻ…” Tôi trao cho ông địa chỉ những người chỉ huy quân Tây Ban Nha để ông tìm Grigorovist: “Anh ta sẽ giúp bạn!”. Chúng tôi chia tay theo kiểu người Tây Ban Nha vung tay vỗ mạnh lên vai nhau. Hemingway còn giữ được một tấm ảnh chụp hồi đó: Tôi ngồi trên giường, ông ta đứng bên tôi. Tấm ảnh này được đưa vào một cuốn sách xuất bản tại Mỹ về cuộc đời của ông.

Cuối tháng 6 năm 1938 tôi trở lại Tây Ban Nha. Hemingway không còn ở đó. Hình ảnh ông trong ký ức của tôi là một chàng trai trẻ, dáng cân đối. Tôi không còn nhận ra ông nữa, khi mười năm sau tôi nhìn thấy ông trong một bức ảnh: Hemingway đã là một ông già phục phịch với hàm râu bạc trắng.

Tôi gặp lại Hemingway một lần nữa vào cuối tháng Bảy năm 1941. Tại Moskva hầu như đêm nào cũng có còi báo động phòng không, người ta xua chúng tôi xuống hầm. Muốn ngủ cho đủ giấc tôi cùng với B.M Lapin quyết định qua đêm tại khu nhà nghỉ bỏ trống của Visnhevsky tại Peredenkino. Người ta chuyển cho tôi bản dịch tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” của Heminway. Thế là vẫn mất ngủ, tôi và Lapin truyền tay nhau đọc hết trang này tới trang khác. Sáng hôm sau Lapin đáp tầu đi Kiev và anh đã không bao giờ còn trở về nữa. Súng phòng không vẫn liên tục nhả đạn lên trời, còn tôi vẫn đọc và đọc. Tiểu thuyết viết về Tây Ban Nha, về chiến tranh. Đọc hết trang cuối tôi cất tiếng cười một mình.

Đó là một cuốn sách rất buồn… Và trong sách là niềm tin ở con người, là tình yêu tuyệt vọng mà thánh thiện, là chủ nghĩa anh hùng của một nhóm du kích hoạt động phía sau lưng quân thù do Robert Dzordan-một người lính tình nguyện Mỹ chỉ huy. Những trang cuối của cuốn tiểu thuyết là sự khẳng định cuộc sống, lòng dũng cảm, chiến công. Robert Dzordan nằm trên đường với đôi chân dập nát, yêu cầu đồng đội của anh nhanh chóng rút quân. Anh ở lại một mình với cây súng tiểu liên. Anh có thể tự kết liễu đời mình, nhưng anh vẫn muốn được chết khi giết thêm vài tên phát xít. Hemingway tìm tới với lời độc thoại nội tâm, và đây một trích đoạn ngắn: “…Mọi điều sẽ diễn ra thật tuyệt vời khi có một viên trái phá rơi trúng nơi này – anh nghĩ – Nhưng sẽ còn hạnh phúc hơn khi quả đạn rơi lúc mình đã xuống được dưới gầm cầu. Thời gian trôi đi sẽ giúp mình khỏe hơn, tỉnh táo hơn. Những làn sóng điện là thứ chúng ta đang cần. Quả là chúng ta đang cần nhiều thứ. Vì như mình có được một chiếc chân dự phòng… Mà nghe đây, cũng có thể mình không kịp làm điều đó, khi bỗng nhiên mình ngất đi. Bọn chúng sẽ tóm cổ mình, bắt mình trả lời hết câu này tới câu khác… Điều đó thật không tốt!…” Và đoạn độc thoại nội tâm ấy kết thúc như sau: “Thật hạnh phúc cho Robert Dzordan đã không phản bội lại mình, bởi vì rằng vào chính giây phút đó đội kỵ binh đã phóng ra khỏi rừng, cắt ngang con đường…”

Tên gọi của cuốn tiểu thuyết này Heminway lấy từ những vần thơ của một nhà thơ Anh thế kỷ 17, Djon Donn.

Những vần thơ ấy có thể trở thành lời đề từ cho tất cả những gì Hemingway đã viết. Thời buổi đã đổi thay, ngay cả bản thân nhà văn cũng đổi thay, nhưng trong Hemingway mãi mãi còn lại cảm giác của mối quan hệ giữa một người với tất cả mọi người – điều mà chúng ta thường gọi theo kiểu sách vở là “Chủ nghĩa nhân văn”.

Sau khi Hemingway qua đời, tôi đã đọc được bài báo trên báo Mỹ, một nhà phê bình đã gắng thuyết phục mọi người tin rằng cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha đối với nhà văn cũng chỉ là một khoảnh khắc tình cờ giữa những cuộc đấu bò tót và những lần đi săn tê giác. Điều này thật là sai. Hemingway không phải ngẫu nhiên ở lại giữa thành phố Madrid bị vây hãm; không phải ngẫu nhiên trong thời gian Thế chiến hai vốn là một phóng viên chiến tranh, ông có thể ngồi ở các ban tham mưu, Hemingway lại lên đường xuất trận cùng những người du kích Pháp; cũng không phải là ngẫu nhiên Hemingway đã lên tiếng chào mừng thắng lợi của những người ủng hộ Phiden Castro. Trong cuộc đời ông có những đường hướng riêng của mình.

Vào tháng 8 năm 1942, trong một thời điểm rất xấu, tôi đã ghi vào nhật ký những dòng sau đây: “Tôi muốn gặp lại Hemingway sau những ngày cùng chung lưng đấu cật chống chủ nghĩa phát xít tại Tây Ban Nha. Chúng ta cần bảo vệ cuộc đời này. Đấy chính là nghĩa vụ thiêng liêng với thế hệ bất hạnh chúng ta. Mà nếu chúng ta không làm được việc đó thì nhiều người khác trong chúng ta cũng nhất định nhìn thấy khúc hải hoàn ca của chiến thắng – những ai không quên anh lính tình nguyện Mỹ còn lại một mình trên đường với khẩu tiểu liên trong tay và một trái tim lớn.”

Tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” đã chịu một số phận không ngọt ngào gì. Một phía là ông già và biển cả; một phía kia là tuổi trẻ và cuộc chiến tranh vì phẩm giá con người. Những người khác nhau mắng mỏ nó theo những cách khác nhau. Một số phẫn nộ ví Hemingway tựa như đã biện hộ cho chiến tranh khi bị cuốn hút vào cái nhất thời; số khác không thích cách miêu tả quá tỉ mỉ những gì xảy ra trong cuộc nội chiến…

Vào mùa xuân năm 1946 khi tôi sang Mỹ, tôi đã nhận được một bức thư của Hemingway. Ông rủ tôi sang Cuba chơi với ông. Mong muốn ấy của tôi không thành. Trước khi từ giã cõi đời không bao lâu Hemingway gửi lời chào tôi, hy vọng chúng tôi sẽ được gặp nhau. Tôi cũng mong như thế…

Và rồi tới bức điện xuất hiện trên các mặt báo… Đã nhiều lần thiên hạ loan tin ông từ trần. Ví như vào năm 1944 hay như 10 năm sau, khi một chiếc máy bay tan xác trên bầu trời của xứ Uganda, Hemingway có mặt trên chuyến bay đó… Tiếp theo là những dòng tin cải chính. Bây giờ thì không thể cải chính được nữa rồi. Chưa khi nào Hemingway kể cho tôi nghe cụ thân sinh ra ông đã tự vẫn. Tôi chỉ được biết điều này qua đám bạn bè chung của hai người. Nhân vật trong tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” vào những phút giây cuối cùng của cuộc đời đã suy nghĩ như thế này: “Mình không muốn làm điều đó như ông già đã làm. Mình sẽ làm nếu thấy cần thiết, nhưng tốt nhất là sự cần thiết ấy không xảy ra. Mình kháng cự nó. Mình không nghĩ tới nó đâu!”. Hemingway đã quyết định mọi chuyện không giống như nhân vật Robert Dzordan của ông. Cái chết ùa ập đến với ông ngay tức khắc, hoàn toàn không một giây phút đắn đo, cân nhắc. Ông chết cũng như sống vậy.

Còn tôi, khi ngoái lại chặng đường đã qua của mình, tôi tự thấy trong số các nhà văn mà tôi có diễm phúc được gặp gỡ, trò chuyện, có hai người đã không chỉ giải cứu tôi khỏi thứ tình cảm yếu đuối, ủy mị; khỏi những suy ngẫm triền miên, những tầm nhìn hạn hẹp mà còn trợ giúp tôi hít thở, làm việc, đứng vững được trên đôi chân của mình..Hai nhà văn đó là Babel và Hemingway!