Louise Glück – nhà thơ của những nỗi đau

1274

Louise Glück – nhà thơ Mỹ thắng giải Nobel Văn học 2020 – viết về cái chết, sự thống khổ của loài người.

Khi trao Nobel Văn học cho Louise Glück hôm 8/10, Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định bà có “một giọng thơ không lẫn vào đâu, với vẻ đẹp nghiêm khắc khiến sự tồn sinh của cá nhân trở nên phổ quát”. Bằng ngôn ngữ thi ca, bà kể những trải nghiệm cá nhân liên quan đến lịch sử, thiên nhiên, cuộc sống hiện đại.

Không phải tên tuổi phổ biến toàn thế giới nhưng với cộng đồng nói tiếng Anh và độc giả Mỹ, Louise Glück là nhà thơ đương đại xuất chúng. Fiona Sampson – nhà thơ Anh – nói trên The Guardian bà xúc động khi nghe tin Louise Glück đoạt giải. Fiona Sampson đã đọc và nghiên cứu thơ của đồng nghiệp hơn 20 năm, chứng kiến sự thay đổi phong cách sáng tác của Louise Glück, từ những tác phẩm xoay quanh trải nghiệm cá nhân đến những bài thơ tầm vóc, đậm triết lý nhân sinh.


Louise Glück sinh năm 1943 ở New York, là tác giả của 12 tuyển tập thơ, một tiểu luận về thi ca. 

Theo Viện Hàn lâm, bà nhanh chóng được ca ngợi như một trong những nhà thơ nổi bật của văn học đương đại Mỹ ngay từ tập thơ đầu tiên Firstborn (1968) – viết về thời thơ ấu, cuộc sống gia đình.

The House on Marshland – tập thơ thứ hai, ra đời năm 1975, là cú đáp trả của bà với giới nghiên cứu Mỹ, khi họ từng hoài nghi: “Chúng ta có thể mong đợi điều gì từ Louise Glück trong tương lai”. Tác phẩm có chủ đề tương tự Firstborn nhưng gây ấn tượng bởi lối diễn đạt ẩn dụ tinh tế. Lần này, sự cô đơn đồng hành Louise Glück trong nhiều câu chữ. Trong bài Gretel in Darkness, bà viết: “Nights I turn to you to hold me/ but you are not there” (Nhiều đêm em quay sang để anh ôm lấy em/ nhưng anh đâu còn ở đây nữa). Louise Glück nói nhiều về giấc mơ, qua đó khắc họa cảm giác cô độc, mông lung. Bài Brennende Liebe có câu: “Last night/ I dreamed that you did not return” (Đêm qua/ Tôi mơ thấy anh không trở về).


Tập thơ “The Wild Iris” giành giải Pulitzer năm 1993.

Những nỗi đau của nhân loại là chủ đề chính trong tác phẩm Louise Glück, xuất phát từ chính cuộc đời nhiều biến cố của bà. Glück mắc chứng biếng ăn sinh lý từ khi học phổ thông, từng trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ và một lần mất hết nhà cửa, tài sản vì hỏa hoạn.

Từ những trải nghiệm cá nhân, nhà thơ nhìn trực diện vào nỗi đau, diễn đạt nó một cách “thẳng thắn, không khoan nhượng”, theo Anders Olsson – Chủ tịch Ủy ban Nobel. Bà viết về nỗi tuyệt vọng trong bài Hoa xuyên tuyết (thuộc tuyển tập The Wild Iris, 1992 – từng thắng giải Pulitzer):

“Do you know what I was, how I lived? You know
what despair is; then
winter should have meaning for you”
(Tôi từng là gì, tôi đã sống ra sao anh có biết?
Khi anh hiểu nỗi tuyệt vọng là thế nào
Hẳn mùa đông sẽ có ý nghĩa với anh)

Tuyệt vọng không phải là kết thúc mà để hướng tới hy vọng, hồi sinh. Ý niệm đó được bà diễn tả trong một khổ khác:

“I did not expect to survive,
earth suppressing me. I didn’t expect
to waken again, to feel
in damp earth my body
able to respond again, remembering
after so long how to open again
in the cold light
of earliest spring…”

“Tôi đã không mong sống sót
Khi mặt đất lèn chặt tôi
Tôi đã không mong tỉnh lại
Nghe hơi đất ẩm quanh người
Thế rồi khi mùa xuân đến
Trong tia sáng lạnh đầu tiên
Tôi lại thấy mình hồi sinh
Sau thời gian đằng đẵng”

Bà nói nhiều tác giả ở tuổi trung niên sợ hãi khi viết về cái chết nhưng bà tìm thấy niềm hạnh phúc kỳ lạ khi nghĩ về nó. Cái chết của người cha trở thành cảm hứng để Glück sáng tác tập thơ Ararat (1990). Nhà phê bình Dwight Garner gọi tác phẩm là “cuốn sách tàn bạo, đau khổ nhất của thơ ca Mỹ được xuất bản trong 25 năm qua”. Trong tác phẩm này, nỗi đau khi bố mẹ qua đời sớm, sự ganh đua giữa các chị em gái của bà, việc mâu thuẫn với các con được bà diễn đạt khéo léo, nhận đồng cảm từ độc giả.

Sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 thôi thúc bà viết tập thơ October. Trong đó, bà dựa trên thần thoại Hy Lạp để nói về những vết thương. Nhà văn Harper Lee nhận xét cuốn sách làm tiêu tan những ý niệm lãng mạn về mùa thu nhưng khiến độc giả phải bật khóc khi nhìn trực diện vào nỗi thống khổ của thế giới. Hình ảnh người con chôn cất cha trong chiều tháng 10, những gốc bí ngô héo úa gợi liên tưởng về sự tàn lụi. Thế nhưng sau tất cả, bà vẫn nhen nhóm hy vọng về những điều tốt đẹp: “You will not be spared, nor will what you love be spared”. (Anh sẽ không được tha thứ, nhưng những gì anh yêu rồi sẽ được thứ tha).

Thần thoại Hy Lạp là nguồn cảm hứng lớn trong thi ca của Louise Glück. Bà không ngợi ca các vị thần quyền năng như Zeus hay Poseidon mà hướng đến bi kịch của những anh hùng hoặc những phụ nữ trong các tích truyện. The Triumph of Achilles (Khúc khải hoàn của Achilles, 1985) có nhịp điệu thơ chậm rãi, với cách ngắt nghỉ ngẫu hứng. Bà chọn Achilles – chiến binh vĩ đại nhất Hy Lạp – để ẩn dụ về điểm yếu của con người. Achilles có cơ thể bất tử, ngoại trừ phần gót chân. Chàng chết trong cuộc chiến thành Troia bởi một vị thần đã nhìn ra điểm yếu của chàng.

“In his tent, Achilles
grieved with his whole being
and the gods saw
he was a man already dead, a victim”

(Trong lều, Achilles
đau đớn đến tột cùng
và các vị thần nhìn thấy
anh ta là một kẻ đã chết, một nạn nhân)


Năm 2015, Louise Glück được Barack Obama – Tổng thống Mỹ khi đó – trao Huân chương quốc gia về nghệ thuật và nhân văn tại Nhà Trắng.

Nữ quyền được Louise Glück đưa vào nhiều tác phẩm, điển hình là bài Mock Orange. Bà tuyên bố ghét quan hệ tình dục, ví von chuyện sex với loài hoa mock orange – giống hoa dại có hương thơm nhẹ, ra quả giống cam nhưng không ăn được. Với nhà thơ, quan hệ tình dục không giải quyết được bất cứ điều gì mà chỉ tạo ra ảo tưởng về sự gắn kết, giống như mùi hương hững hờ của loài cam giả.

Thông qua các tích truyện thần thoại, bà cũng thể hiện góc nhìn bênh vực phái đẹp. Bà kể bi kịch của nữ hoàng Dido – người bị anh hùng Aeneas phản bội, Persephone – con gái của thần Zeus và nữ thần nông nghiệp Demeter bị thần địa ngục Hades bắt cóc về làm vợ, hay Eurydice – vợ của nhạc công Orpheus, người đã cố gắng đưa cô về dương gian từ địa ngục nhưng không thành. Những kẻ bị trừng phạt, ruồng bỏ hay phản bội trở thành cảm hứng xuyên suốt trong tác phẩm, biểu đạt tiếng nói bênh vực phụ nữ và tượng trưng cho nỗi đau.

Năm 2015, Louise Glück được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương quốc gia về nghệ thuật và nhân văn. Bà cũng từng giành giải Pulitzer, giải Sách Quốc gia Mỹ. Về quan điểm sáng tác, nhà thơ từng nói trên Washingtonsquarereview: “Có một điều tôi muốn nói với những người viết, đó là đừng lặp lại chính mình”.

Hà Thu/VnExpress