Mùa thu vàng… Hoa cải

2208

Bích Hạnh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi có một cảm xúc lạ lùng với hoa cải. Có lẽ bắt đầu từ vườn của ông bà nội. Rau cải thường được trồng vào tháng tám, chín, cũng là mùa mưa bão. Nhớ có lần, những luống cải vừa gieo gặp bão nát bấy, sáng ra ông bà bảo chị em tôi ra vườn nhặt rau cải non về mà ăn. Cái mùi rau cải non ấy cứ theo tôi trong những năm tuổi thơ để nhắc về mùa nhiều mưa lắm bão, thời con người can trường vượt qua khốn khó.


Nhà văn Bích Hạnh.

Sang tháng mười, những luống cải đã già, cây cao ngang người, gọi là “cải lên ngồng”, lá thưa đi mà hoa trổ đầy khiến một góc vườn vàng hực. Ông bà tôi lấy hạt làm giống cho mùa sau. Và tôi, đứa cháu hay thơ thẩn trốn mẹ ra chơi ở vườn ông bà mỗi buổi trưa lại được mơ màng cùng hoa cải.

Thứ hoa gì, là hoa của rau, mà vàng mơ vàng mộng, mà nhẹ nhõm thanh tao, cứ xinh xinh yêu yêu như đốm nắng, như cánh bướm, như nét vẽ thơ ngây của mùa thu. Rất quê kiểng mà cũng rất lãng mạn khi hoa gắn với bao câu chuyện cuộc đời, tình yêu, với thơ, với nhạc.

Tôi từng viết câu thơ về hoa cải: “Có cây sót lại lên ngồng/ Hoa vàng ngây dại trên đồng đất hoang”, trong một bài thơ thời tuổi trẻ, giờ đã lạc đâu mất, và không còn thuộc được nhiều hơn.

Sau này, tôi cũng hay để ý những bài thơ về hoa cải. Có một thời, bài thơ Mùa hoa cải của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng phủ sóng “rập rờn vàng” trong lòng người yêu thơ, nhạc, nhất là khi được nhạc sĩ Lê Vinh phổ nhạc thành bài hát cùng tên, đến với người nghe qua giọng hát của ca sĩ Thái Bảo.

Tôi cũng man mác theo câu chuyện tình của người thiếu nữ và anh bộ đội trong bài thơ/ ca khúc ấy, dẫu rằng, lứa tuổi chúng tôi lớn lên đã không biết gì nhiều về chiến tranh. Những câu thơ về hoa cải trong bài thơ của Nghiêm Thị Hằng cứ man mác trong tôi, khiến tôi nghĩ đến những câu chuyện tình thật đẹp của thanh niên thời bố mẹ, đẹp cho đến tận bây giờ, dẫu buồn, dẫu vui, dẫu trọn vẹn hạnh phúc hay lỡ dở.

Có một mùa hoa cải

Nở vàng bên bến sông

Em đương thì con gái

Ðợi tôi chưa lấy chồng.

 

Tôi rụt rè không dám

Hái một bông cải ngồng

Sợ làm con bướm trắng

Giật mình bay sang sông.

 

Qua bao mùa hoa cải

Chỉ mình tôi biết thôi

Mình tôi không dám hái

Hoa cải bay về trời

…….

Gần đây tôi đọc (muộn) tập thơ Trở mình của nhà thơ Lương Ngọc An (Nhà xuất bản Lao Động, 1995). Trước đó, tôi đã cố gắng xin bằng được tập thơ anh (vì thơ in đã lâu và không mua được nữa), do tôi đọc bài thơ Hoa cải anh chia sẻ trên FB.

Tôi đang nói về mùa thu, chớm đông. Nhưng lại không nhắc đến những bài thơ hoa sữa, vốn in dấu ấn trong thơ Lương Ngọc An – nhiều người nói rằng nhắc đến những câu thơ mùa thu thì không thể không nhắc đến hai bài thơ Hoa sữa và Nhật ký về hoa sữa của anh, với những câu “tự thú”: “Tôi đã đi qua mười mùa hoa đào, hoa xoan, hoa bưởi. Tôi đã đi qua trăm loài hoa có tên và không tên. Nhưng chỉ có hoa sữa mới là của riêng tôi và em… Giờ hoa lãng tử đã rụng đầy vai áo…”

Còn tôi thì neo trong lòng mình bài thơ Hoa cải, bởi lẽ riêng mình, như đã nói ở trên.

Có lần nói chuyện vui về thơ với nhà thơ Lương Ngọc An, anh đùa “thơ hay không hẳn là phải bình mới thấy hay”. Câu đùa này, tôi thấy thú vị vì đó chính là cảm nhận của tôi về bài thơ Hoa cải. Tôi không muốn bình thơ, mà chỉ muốn kể chuyện, muốn nương theo Hoa cải của anh để nghĩ về mùa thu, về tình yêu, về những niềm riêng mà trong cuộc đời, đôi khi ta chẳng thể nào cắt nghĩa được.

 Hoa cải

Trăm hoa đua nở tháng giêng

Có bông hoa cải nở riêng tháng mười

(Ca dao)

Mặc ai hoa cúc – hoa nhài

Với hương hoa bưởi – với gai hoa hồng

Cho ta làm ngọn cải ngồng

Liu riu thắp chút nắng hong mắt người

Cho ta nở với tháng mười

Dẫu xơ để đóm – cay rồi để dưa

Cho ta riêng nở một mùa

Cả gió, ong ngại, cả mưa, bướm lười

Ta vàng riêng với mình thôi

Cái ngày cây cải về trời đã xa

Bây giờ, hoa lại trổ hoa

Lỡ thì – thì lỡ – trả ta tháng mười…

 

Kiếp này cải ở lại đời

Chắt chiu cho trọn một lời rau răm…

Bài thơ bắt đầu với câu chuyện của riêng mình thôi, nói về cái tôi của mình thôi. Phải rồi, mỗi người có một sự lựa chọn loài hoa họ yêu thích, nói nôm na là gắn với kỷ niệm và cái tạng cá nhân mình, và nói rộng hơn, mỗi người có sự lựa chọn thái độ sống, tinh thần sống theo nhân sinh quan và thẩm mỹ của họ. Nếu “Mặc ai hoa cúc – hoa nhài, mặc ai hoa bưởi, hoa hồng” thì bình thường, nhưng mặc ai “hương hoa bưởi”, “gai hoa hồng” đã là khác thường trong so sánh. Để, sự lựa chọn của nhà thơ/ người thơ rất dung dị nhưng cũng thật khác thường: “Cho ta làm ngọn cải ngồng”, “Cho ta nở với tháng mười”, “Cho ta riêng nở một mùa”, rồi “Ta vàng riêng với mình thôi”. Mỗi một câu thơ là một cung bậc cảm xúc, suy tư, là một bước tìm về chính mình, hay nâng tâm hồn mình lên. “Ta”, người thơ chỉ muốn mình mãi tự nhiên hoang sơ như “ngọn cải ngồng”; Ta – người thơ cũng thủy chung và đúng hẹn với thời gian, với cuộc đời, với “tháng mười”, “riêng nở một mùa”. Ta – người thơ chỉ giữ cho riêng mình chút nắng “liu riu” khiêm nhường, đủ “hong mắt người” thôi. Nhưng, dù nhỏ nhoi như vậy mà thử hỏi, trái tim ai lại không rung lên khi một mai đốm nắng ấy có tắt cũng vẫn thiết tha, tận hiến kiệt cùng: “Dẫu xơ để đóm – cay rồi để dưa”?

Tôi cứ tần ngần đọc mãi hai câu thơ cuối, nghe ra từa tựa ca dao, mang hồn ca dao mà lại không giống như vậy, ngẫm ra lại ngược với ý ca dao, để toát lên sự ấm áp dịu dàng:

Kiếp này cải ở lại đời

Chắt chiu cho trọn một lời rau răm…”.

Hẳn nhiều người vẫn nhớ câu ca dao thường được những người phụ nữ hát ru con, như than thân trách phận: “À ơi, Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, với những giai thoại xưa về sự chia ly của một đôi tình nhân, hay kể về cuộc đời bạc mệnh của một thứ phi dưới triều nhà Nguyễn, thậm chí là câu chuyện về một hoàng thái hậu với cung phi thời nhà Lê, không chắc đúng sai thế nào. Nhà thơ Lương Ngọc An cũng nhắc về “cây cải” và “rau răm”, nhưng lại gửi gắm trong câu thơ của mình một triết lý sống mới và khác. Cây cải không về trời, không có sự chia ly, mà thầm lặng ở lại đời này, sống hết mình, để “chắt chiu cho trọn” những nồng cay ngọt đắng. Dẫu chỉ là cây cải ngồng cũng biết sống cho một điều gì đó trọn vẹn. Thế nên hai câu thơ rưng rưng như màu vàng hoa cải, sau mất mát bão giông vẫn rung rinh mãi trong lòng người đọc.

Mà tôi nghiệm, thơ Lương Ngọc An có sức quyến rũ, thuyết phục bởi luôn chất chứa sự nhân hậu, bao dung, tinh tế như thế. Trong nhiều câu thơ của anh đều mang chất lãng tử kiểu ấy: chịu đựng, gánh đỡ, lặng lẽ, thấu hiểu, sẻ chia, kiểu “trên vai tôi là một nửa mùa thu” (Hoa sữa). Và lúc nào cũng tròn đầy: “Vẫn nợ em một bài thơ hứa đã từ lâu lắm, mà những mùa hoa cứ úp thìa vào nhau, chẳng khuyết bao giờ” (Nhật ký về hoa sữa). Bởi với người thơ này, khi viết về tình yêu, thân phận cuộc đời, xuyên suốt thơ anh luôn là sự thấu hiểu, độ lượng, như anh viết: “Nếu em vui, anh sẽ đi bên em. Nếu không vui anh sẽ lặng lẽ phía sau và xa hơn một chút. Đó chính là điều tự nhiên nhất của tình yêu” (Sẽ đọc bằng môi trên môi…).

Mang đến sự đồng cảm là sức mạnh của thơ, bất kể bài thơ ấy mới hay cũ, viết lúc nào, ở đâu. Và tôi có Hoa cải, như có tuổi thơ, như “tháng mười” của đời người luôn trở lại đắp bù, an ủi:

Bây giờ, hoa lại trổ hoa

Lỡ thì – thì lỡ – trả ta tháng mười…”.

B.H