Nghĩ về hoà hợp dân tộc

530

22.11.2017-17:00

NVTPHCM- Hơn 60 năm qua, hòa hợp dân tộc được xác định như là một trong những yếu tố cấu thành khối đại đoàn kết dân tộc, đưa tới sức mạnh giúp chúng ta đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Ngày nay, trong thời kỳ mới của sự phát triển đất nước, hòa hợp dân tộc vẫn tiếp tục được khẳng định để từ đó làm nên sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, hoàn thành các nhiệm vụ trọng đại đặt ra.

 

Trong quan hệ cộng đồng, dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân ái, đoàn kết tương trợ, khoan dung, đại lượng từ lâu đời, như lúc hoạn nạn thì “chị ngã em nâng”, khi khó khăn thì “lá lành đùm lá rách”… Truyền thống đó in dấu trong nếp cảm, nếp nghĩ của dân tộc và các thế hệ luôn truyền dạy cho nhau những câu nói đã trở thành đạo lý: “Thương người như thể thương thân”, “Đánh kẻ chạy đi – Không đánh người chạy lại”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, rồi “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”…

 

Ngay cả khi đã đánh bại các thế lực ngoại xâm, cha ông chúng ta vẫn có những việc làm mang đậm tinh thần nhân văn nhằm “Sửa hòa hiếu cho hai nước – Tắt muôn đời chiến tranh”. Và cách đây hơn 500 năm sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh vừa giành thắng lợi, truyền thống nhân nghĩa ấy được Nguyễn Trãi khẳng định: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

 

Truyền thống của dân tộc tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát huy với tư cách là một quan điểm chiến lược để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do bối cảnh phức tạp của lịch sử, để quan điểm đoàn kết dân tộc phát huy được ý nghĩa xã hội rộng rãi, chúng ta đã phải giải quyết một số vấn đề phức tạp; mà nổi lên là tình trạng có người hiểu lầm về cách mạng, rồi một số cá nhân, một vài nhóm xã hội vì lạc bước tinh thần mà đã có tội ác với nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng.

 

Nhận thức nghiêm túc về vấn đề này, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ đăng trên báo Cứu Quốc số 255 ra ngày 1-6-1946, Bác Hồ đã viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” (Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr. 280 – 281).

 

Đoạn trích nêu trên tóm tắt khá đầy đủ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với những người từng ở bên kia chiến tuyến. Thực tế cho thấy quan điểm này đã vươn xa, trải rộng tới các tầng lớp nhân dân tiến bộ trên thế giới, tác động tích cực tới cả các quốc gia từng là kẻ thù. Vì thế trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam đã không chỉ tập hợp được sức mạnh của chính mình, mà còn nhận được sự ủng hộ to lớn của loài người tiến bộ, hình thành mặt trận rộng rãi của nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ” (Hồ Chí Minh, Sđd, tr.397).

 

Với các dân tộc anh em trên đất Việt Nam, với cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì mẫu số chung để hòa hợp, đoàn kết chính là độc lập, hòa bình, phát triển và tôn trọng bản sắc văn hóa. Những điều trên đây là cơ sở lý giải tại sao sau ngày miền nam giải phóng, luận điệu “tắm máu” mà kẻ thù reo rắc nhằm gây hoang mang, lo sợ cho những người từng ở “phía bên kia” đã không xảy ra. Đó cũng là cơ sở để lý giải tại sao sau tháng 4-1975, ông Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, vẫn được chế độ mới tôn trọng, trong khi ông Cdafi ở Libya thì không toàn thây, ông Hussen ở Iraq bị tử hình,… rồi đến hôm nay hai quốc gia này vẫn lâm vào khủng hoảng và tình trạng bạo lực khó có thể điều hòa. Gần đây hơn là sự kiện xảy ra tại Thái Lan, Ucraine. Hẳn vì chưa tìm ra được mẫu số chung nên ở đó chưa xây dựng được các phương thức xử lý khác biệt một cách hòa bình, làm cho căng thẳng diễn ra trong thời gian dài. Đưa tới hậu quả là tình trạng xã hội bất ổn, sự phát triển bị cản trở, ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước…

 

Ngày nay nhân loại có rất nhiều điều kiện thuận lợi về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật để xây dựng một trật tự thế giới tốt đẹp hơn. Song cũng chính lúc này, các quốc gia lại đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường sinh thái, nạn nghèo đói do phân cực giàu nghèo ở từng quốc gia cũng như trên phạm vi thế giới; bên cạnh đó là xung đột có nguồn gốc từ khác biệt tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra… Khi mà lòng thù hận có nguy cơ không được điều hòa thì mỗi dân tộc phải có cương lĩnh tinh thần, hành động cởi mở và xây dựng về sự chung sống hòa bình giữa con người với con người, giữa dân tộc với dân tộc, giữa tôn giáo với tôn giáo. Và điểm tựa cho cương lĩnh và hành động đó chính là lòng khoan dung, biết tôn trọng lẫn nhau, biết chia sẻ với nhau. Có thể coi thực hiện tinh thần khoan dung là một yêu cầu khách quan cấp thiết của nhân loại hôm nay.

 

Tinh thần khoan dung có thể không giải quyết được tất cả mọi vấn đề của nhân loại, nhưng có thể giúp nhân loại tìm ra cách ứng xử theo chiều hướng tốt đẹp, cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu, bởi khoan dung có thể giúp mở ra con đường dẫn tới đoàn kết, hòa bình và thịnh vượng.

 

Ở Việt Nam, hơn 60 năm qua, chúng ta thực hiện hòa hợp dân tộc vì đó là một yếu tố bảo đảm cho hiện tại và tương lai đất nước, huy động được mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, và góp phần kiến tạo, bảo vệ sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng trên thế giới. Để hòa hợp dân tộc, ngay từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định quan điểm, triển khai các chủ trương, hành động thiện chí để mọi cá nhân, nhóm xã hội vốn từng hiểu lầm hoặc khác biệt chính kiến vẫn có thể cùng hướng tới mục tiêu chung có lợi cho đất nước. Do đó, bất kỳ cá nhân, nhóm xã hội nào nếu thật sự có niềm tin vào mục tiêu chung thì khi hòa hợp sẽ không đưa ra điều kiện ràng buộc, không đòi hỏi bên kia phải thay đổi theo ý muốn của mình.

 

Trong sự nghiệp đổi mới, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thiết lập được các mối quan hệ thân thiện, hợp tác, cùng phát triển với các nước láng giềng, trong khu vực và trên thế giới. Phương thức ngoại giao chủ yếu của chúng ta là đối thoại, đàm phán, tránh xung đột, và tận dụng sự ủng hộ của quốc tế trong các vấn đề lãnh thổ. Với người Việt Nam ở nước ngoài, Nhà nước Việt Nam chủ động triển khai nhiều chính sách phù hợp, tiến hành các bước đi thiết thực, chân thành để mọi người Việt Nam ở nước ngoài có thể hòa hợp cùng dân tộc.

 

Không có người nào trong bộ máy nhà nước lại “bảo thủ, giáo điều làm kìm hãm sự vận hành của bộ máy nhà nước, sự hòa hợp hòa giải dân tộc, không đem lại lợi ích cho dân tộc” như ai đó đã phát biểu.

 

Mặc dù ra đi vì các lý do khác nhau nhưng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn được tạo điều kiện trở về quê cha đất tổ, thăm nom, giúp đỡ người thân, đóng góp với đồng bào trong nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng triệu lượt người Việt Nam ở nước ngoài hằng năm vẫn về thăm quê hương là biểu thị rất cụ thể cho tinh thần hòa hợp mà chúng ta hướng tới. Tuy nhiên vẫn có một số người gốc Việt còn nuôi mối hận thù với Nhà nước Việt Nam. Họ xuyên tạc tinh thần hòa hợp, cản trở người lương thiện trở về quê hương, nhẫn tâm chống phá, xâm hại đất nước đã sinh ra họ. Tức là họ tiếp tục nối dài các lỗi lầm. Với những con người đó, không đất nước nào ruồng bỏ họ, mà chính họ tự loại mình khỏi dân tộc, tự đứng vào thế đối lập với dân tộc. Đó là điều không thể chấp nhận, vì chúng ta chỉ có thể hòa hợp với người thiện chí, chứ không thể hòa hợp với người lấy đối đầu và mặc cả làm điều kiện hòa hợp.

 

Nhưng cùng với thời gian, từ thực tế của sự phát triển đất nước, từ tinh thần hòa hợp với thiện chí chân thành của Nhà nước và đồng bào trong nước, nhận thức của rất nhiều người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã thay đổi. Như ý kiến của Davis Nguyễn – người Mỹ gốc Việt, trên Vietweekly: Trước đây ông là một người chống cộng cực đoan nhưng sau chuyến đi Trường Sa, tận mắt chứng kiến tinh thần vượt gian khổ của các chiến sĩ trẻ, ông đã suy nghĩ rất nhiều và nói: “Một ngày nào đó những kiều bào ở hải ngoại, bốn triệu rưỡi, năm triệu người đồng lòng bắt tay, hợp tác, về đây xây dựng một đất nước còn nhiều thiếu thốn, một đất nước thân yêu,… bằng những con tim của mình”. Đúng vậy, chiến tranh đã qua gần 40 năm, hòa bình và đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang là khát vọng của mọi người dân Việt Nam, và muốn dân tộc cường thịnh, dân sinh hạnh phúc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, chúng ta cần hòa hợp một cách chân thành.

 

THIÊN PHƯƠNG/NDO

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…